Chỉ chuyển đổi đầu tư công với dự án không có nhà đầu tư
- Chuyển đổi 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam sang vốn đầu tư công
- Cao tốc Bắc - Nam: Việc tính toán tổng mức đầu tư phải chặt chẽ, công khai và minh bạch
- Cao tốc Bắc – Nam: Làm nhanh sẽ tránh thất thoát, lãng phí đất đai
Lý do kiến nghị chuyển đổi hình thức đầu tư
Tờ trình của Chính phủ kiến nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án và đề xuất chuyển đổi 3 dự án thành phần (Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây) từ đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP) tại Nghị quyết 52 sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công và bổ sung 23.461 tỷ đồng vốn Nhà nước. Có 2 lý do để Chính phủ đưa ra kiến nghị như trên.
Nếu chỉ định thầu làm dự án, nhiều chuyên gia lo thiếu minh bạch. |
Thứ nhất, theo kết quả sơ tuyển, 7/8 dự án thành phần có từ 2 nhà đầu tư trở lên đã qua vòng sơ tuyển; 1 dự án thành phần (Vĩnh Hảo - Phan Thiết) không có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển. Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng các nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển chủ yếu là các nhà thầu có năng lực thi công tốt nhưng không có thế mạnh tài chính.
Do đó, mặc dù đã qua vòng sơ tuyển nhưng có thể sẽ khó lựa chọn được nhà đầu tư khi tổ chức đấu thầu do nhà đầu tư khó có thể huy động được nguồn vốn tín dụng. Trường hợp đấu thầu không thành công mới báo cáo Quốc hội xin chuyển đổi hình thức đầu tư thì có thể đến năm 2022 mới triển khai thi công được.
Thứ hai, việc chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ tăng trưởng, đem lại hiệu quả kinh tế-xã hội.
Theo ông Vũ Hồng Thanh, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án như đã nêu tại Tờ trình của Chính phủ và thống nhất chuyển đổi 3 dự án thành phần từ đầu tư theo phương thức PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công, đồng thời tiếp tục thực hiện đầu tư theo phương thức PPP đối với 5 dự án thành phần còn lại.
Bản đồ quy hoạch ban đầu của cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2017-2020. |
Việc lựa chọn các dự án thành phần nêu trên cũng phù hợp khi dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết đến nay không có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển, do đó cần thiết phải chuyển đổi. Đối với việc lựa chọn dự án Mai Sơn - Quốc Lộ 45 và dự án Phan Thiết - Dầu Giây, mặc dù đã có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển, nhưng do 2 dự án thành phần này có tỉ lệ vốn Nhà nước tham gia ít, cần huy động số vốn lớn, nhất là vốn tín dụng, nên việc lựa chọn được nhà đầu tư có thể gặp khó khăn.
Cũng theo ông Vũ Hồng Thanh, một số ý kiến đề nghị chỉ nên chuyển đổi dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết là dự án không có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển, đối với các dự án còn lại cần tiếp tục thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo đúng Nghị quyết 52.
Tại kỳ họp thứ 8, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP) nhằm tạo cơ chế huy động các nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng, nhưng nay lại đề xuất chuyển đổi một số dự án PPP là mâu thuẫn với mục tiêu xây dựng dự án Luật PPP, nhất là việc đề xuất nội dung này tại cùng kỳ họp xem xét thông qua dự án Luật PPP.
"Việc lựa chọn dự án Mai Sơn - Quốc Lộ 45 và dự án Phan Thiết - Dầu Giây để chuyển đổi là chưa hợp lý vì 2 dự án này có tiềm năng, khả thi nhất để thực hiện theo hình thức PPP và đến nay đã được một số nhà đầu tư có tiềm lực quan tâm", ông Vũ Hồng Thanh nói.
Nên đấu thầu công khai để tạo sự minh bạch
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, đến nay các địa phương đã bàn giao mặt bằng trên 73%, nên chuyển đổi sang đầu tư công sẽ là điều kiện rất thuận lợi để khởi công một số đoạn tuyến cao tốc Bắc Nam ngay trong tháng 9-2020. Còn nếu triển khai theo PPP, tới cuối năm mới lựa chọn nhà đầu tư, mất thêm 6 tháng huy động vốn, thì sớm nhất phải giữa năm 2021 mới triển khai thi công và không thể hoàn thành theo tiến độ.
Nếu chỉ định thầu làm dự án, nhiều chuyên gia lo thiếu minh bạch. |
Trường hợp không huy động được vốn tín dụng, sẽ phải chấm dứt hợp đồng và chuyển đổi hình thức đầu tư, đến năm 2022 mới có thể triển khai và nhanh nhất đến cuối năm 2024 mới có thể hoàn thành dự án. Do đó việc chuyển đổi hình thức đầu tư công sẽ giúp thúc đẩy kinh tế - xã hội, tác động lan tỏa đến nhiều ngành, lĩnh vực, địa phương và vùng kinh tế.
Trong khi các giải pháp bảo đảm công khai, minh bạch và bình đẳng cho các nhà đầu tư khi triển khai thực hiện dự án đang được bàn thảo thì trước đó, ngày 20-4-2020, Bộ Quốc phòng có văn bản gửi Bộ GTVT giới thiệu và đề nghị Bộ GTVT cho phép Tổng công ty Thành An tham gia dự thầu thi công xây dựng các đoạn tuyến Mai Sơn - quốc lộ 45, đoạn quốc lộ 45 - Nghi Sơn và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng không nêu rõ cho tham gia theo hình thức chỉ định thầu.
Tiếp đó, ngày 5-5-2020, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà có văn bản gửi Thủ tướng đề nghị xem xét, cho phép Tổng công ty Sông Đà được tham gia thi công một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020 theo hình thức chỉ định thầu như báo cáo đề xuất của Bộ KH-ĐT vào ngày 13-3-2020. Điều đáng chú ý, doanh nghiệp trong ngành mà Bộ Xây dựng "ưu ái" giới thiệu lại là đơn vị đang thua lỗ.
Cụ thể, Bộ Xây dựng cũng đề xuất Thủ tướng cho chỉ định thầu Tổng công ty Sông Đà làm một số dự án trên tuyến cao tốc này để tạo việc làm cho khoảng 20.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân đang làm việc tại Tổng công ty. Theo giới thiệu của Bộ Xây dựng, Tổng công ty Sông Đà từng là "ông lớn" nhà nước trong ngành xây dựng.
Ngoài các nhà máy thủy điện lớn như Hòa Bình, Yaly, Sông Hinh, Sơn La... những năm qua TCT Sông Đà đã thi công hàng loạt dự án hạ tầng giao thông lớn như cao tốc Nội Bài - Bắc Ninh, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Hà Nội - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Tuy nhiên, sau khi thực hiện các dự án trọng điểm ngành điện, Tổng công ty Sông Đà gặp nhiều khó khăn trong duy trì việc làm, bảo đảm đời sống người lao động.
Nhiều thiết bị, máy móc đã đầu tư làm thủy điện phải "đắp chiếu" vì không có việc làm. Quá trình cổ phần hóa tại Tổng công ty Sông Đà cũng không mấy suôn sẻ, đến nay tỉ lệ sở hữu nhà nước vẫn lên tới 99,79% vốn điều lệ. Được biết, Tổng công ty Sông Đà đang trong tình trạng khó khăn về tài chính, không có khả năng trả nợ gốc, lãi vay, chi phí cho vay lại.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, việc chỉ định thầu dự án đầu tư công rất dễ phát sinh tiêu cực nên cần tổ chức đấu thầu công khai để chọn nhà thầu. Một chuyên gia nghiên cứu về chính sách và phát triển cũng bày tỏ quan điểm rằng, nếu chỉ ưu tiên chỉ định doanh nghiệp nhà nước làm các dự án cao tốc Bắc - Nam thì rất khó có được dự án chất lượng. Các tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Hà Nội - Thái Nguyên chất lượng không cao là hệ quả của chỉ định thầu. Theo vị này, không nên chỉ định thầu vì triệt tiêu cạnh tranh, muốn có công trình chất lượng, không có cách nào khác phải có cạnh tranh trong lựa chọn nhà thầu.
Đề cập việc Bộ Xây dựng đề xuất chỉ định thầu Tổng công ty Sông Đà làm cao tốc Bắc-Nam, ĐB Nguyễn Ngọc Phương, Phó đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Quảng Bình, cho rằng: "Theo quy định luật pháp phải đấu thầu. Trong việc chỉ định thầu luôn có biểu hiện không lường được là lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, lợi ích doanh nghiệp và đồng thời không dễ rà soát được đối tượng chỉ định thầu đó có đúng hay không. Nhất là khi chỉ định doanh nghiệp thua lỗ, nợ vốn, năng lực cạnh tranh hạn chế nên tôi hoàn toàn không đồng tình".
Vị đại biểu nhấn mạnh thêm: Luật pháp có quy định công khai minh bạch rõ ràng, khuyến khích cạnh tranh. Phải xem xét lại quá trình cạnh tranh, doanh nghiệp nào quản lý chỉ đạo mà sức cạnh tranh yếu thì phải xem xét lại lãnh đạo doanh nghiệp ấy. Doanh nghiệp làm ăn thua lỗ thì không nên có giải pháp đầu tư giúp đỡ và tạo điều kiện. Đây có thể là biểu hiện chạy chọt và cá nhân lợi ích nhóm.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, ngày 3-6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đồng ý chuyển 3 dự án PPP gồm: đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Mai Sơn - quốc lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây sang hình thức đầu tư công 100% vốn nhà nước, đồng thời phải thực hiện đầy đủ các thủ tục của Luật đấu thầu nên quan điểm của Bộ GTVT là sẽ đấu thầu.