Không có gì mà ầm ĩ cả

Chém cua, lấn trái

Thứ Tư, 19/04/2017, 15:21
Người ngoại quốc từng thốt lên giao thông xứ ta chẳng khác nào chơi game. Vậy ta nên nhìn người tham gia giao thông là một game thủ, nghệ sĩ hay cảm tử nhân?


Một tai nạn gần đây gây sốc khi một chiếc xe container lật ngang đè bẹp 1 ô-tô 4 chỗ. Những người trên chiếc 4 chỗ không có một cơ hội nào để giải cứu. Tuy vậy, cái sốc qua rất nhanh. Người đi xe máy rất bình thản khi bám song song cùng tốc độ với xe container và những "khủng long kim loại" khác.

Tác giả Hải KAR, tài xế giàu kinh nghiệm đã viết từ lâu bài "Hãy biết sợ xe đầu kéo". Bài viết phân tích đủ đầy về những điều hạn chế khách quan của loại xe này và cung cấp kỹ năng cho những người thiếu hiểu biết. Tác giả nhấn mạnh đừng xử lý đột ngột khiến tài xế giật mình.

Tuy bài được chia sẻ mạnh, nhưng dường như người ta không biết sợ. Người tham gia giao thông nghĩ sống chết có số. Có chuyện hài. Một chiếc xe tải va chạm với xe đạp tạt đầu khiến người đi xe đạp ngã, xe tải dừng hẳn thì người đi xe đạp đã nằm gọn giữa hai bánh, may mà lành lặn. Anh xe đạp chui nửa thân ra giữa bánh trước và bánh sau chỉ tay lên hét: Mày muốn chết à? Cảm tử nhân rất ưa lý sự mà không biết câu: Chờ được vạ thì má đã sưng.

Ai quan sát cũng có thể thấy tất cả các phương tiện luôn có xu hướng dễ va chạm do thói quen chém cua, lấn trái và cắt mặt nhau.

Một câu hỏi rằng vì sao có hiện tượng là người đi bộ rất hay đâm nhau trực diện? Thường thì cùng tránh bên này, rồi cùng tránh bên kia, sau vài nhịp là va nhau.

Minh họa: Lê Tâm.

Quan sát các nước lân cận thì thấy người đi bộ khó mà va nhau được. Thí dụ như Thái Lan, mặc định là tránh sang trái thì tất cả người đi bộ đều tránh trái. Vậy là thông. Nhưng người đi bộ của chúng ta thì lúc này tránh phải, lúc khác tránh trái, khôn lường.

Thực tế các phương tiện to hơn của chúng ta như xe đạp, xe máy, ô-tô cũng loạn tránh như người đi bộ. Thói quen này khiến những cú hút chết vô cùng nhiều. Chưa nói đến những hậu quả đau lòng về tính mạng, mà ngay thói quen tránh trái gây xung đột cũng đã khiến rất nhiều quãng đường sinh ra ùn tắc một cách không đáng.

Người đi bộ thường thích tránh theo đường chéo (thí dụ sân đình), đường ngắn nhất để họ tới đích. Hình ảnh này phóng to với các phương tiện lớn hay gọi là chém cua, lấn trái, tạt đầu.

Các phương tiện khi rẽ trái ở ngã tư thường lao trực diện vào luồng xe đi đúng luồng của đường cắt ngang, gây rối loạn hoặc xuyên qua luồng xe đó. Bên lấn trái  thậm chí còn quát bên đúng luồng lùi lại cho họ thoát.

Lẽ ra muốn rẽ trái thì phải bám theo cua tròn với tâm là ngã tư đúng phần đường, y như đi qua một bùng binh tròn vô hình. Bản thân việc quy định tránh bên phải đã tạo ra một xoáy giữa hai luồng xe ngược chiều kim đồng hồ, rất yên ổn.

Thật tiếc là ít phương tiện tôn trọng tâm đường và vòng tròn này. Nhiều khi xe định rẽ trái từ cuối phố nhưng đã chuyển làn từ đầu phố. Điều này tạo thành một đường chéo hàng trăm phương tiện lấn làn suốt dọc phố và gây ùn tắc. Đây là một nguyên nhân tắc phổ biến, vô duyên và nguy hiểm. 

Điều lạ là chúng ta rất nghiêm nhiều lỗi khác nhưng lại bỏ qua quá nhiều lỗi lấn làn, chém cua. Đây không phải là lỗi vặt mà là nguyên nhân cơ bản gây rối loạn ùn tắc. Những người phạm lỗi này quá đông, từ trẻ vị thành niên đến tuổi cổ lai hy, từ thành phần lam lũ đến những cán bộ thừa bằng cấp.

Những cú chém cua đột ngột khiến tài xế đối diện giật mình thậm chí lật xe gây tai nạn thảm khốc nhưng không làm mấy ai sợ hãi.

Giải pháp cơ bản chống ùn tắc phải đưa lỗi chém cua, lấn trái lên hàng đầu.

Còn bạn. Đọc bài này có chút giật mình nào không?

Lê Tâm

.
.
.