Thừa Thiên - Huế:

Cháu ngoại vua Thành Thái nặng lòng với công tác bảo vệ cổ vật triều Nguyễn

Chủ Nhật, 08/03/2015, 07:30
Chúng tôi tìm đến căn nhà của bà Phương khi ánh nắng ban mai của một ngày đầu xuân vàng như rót mật. Vẻ hiền hậu, bà Phương mời khách vào nhà. Và, bên chén trà mang hương vị Cung đình Huế, người phụ nữ gần 60 tuổi này bắt đầu kể lại những câu chuyện "phiêu lưu" của mình trong hành trình "săn" tìm các cổ vật triều Nguyễn.

Trong khi các cổ vật triều Nguyễn đang được giới chơi đồ cổ săn lùng, thậm chí có nhiều con buôn sẵn sàng chi trả giá cao từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng cho một món đồ, thì có một người phụ nữ lại tự bỏ công sức, tiền bạc để mua các cổ vật rồi hiến tặng cho Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế. Đó là bà Công Tôn Nữ Y Phương (Monie Phương), cháu ngoại của vua Thành Thái. Những năm qua, việc làm thầm lặng của bà Phương khiến nhiều người cảm phục, bởi bà đã có nhiều sự đóng góp cho công cuộc bảo tồn di sản văn hóa Huế…

Chúng tôi tìm đến căn nhà của bà Phương khi ánh nắng ban mai của một ngày đầu xuân vàng như rót mật. Vẻ hiền hậu, bà Phương mời khách vào nhà. Và, bên chén trà mang hương vị Cung đình Huế, người phụ nữ gần 60 tuổi này bắt đầu kể lại những câu chuyện "phiêu lưu" của mình trong hành trình "săn" tìm các cổ vật triều Nguyễn.

Bà Phương vốn là con gái của công chúa Lương Mỹ, một trong những người con của vua Thành Thái. Tuy vậy, bà Phương lại được sinh ra ở Pháp và lớn lên tại thành phố Phnom Penh (Campuchia), rồi lập gia đình ở đây. Tại xứ sở chùa Tháp với đền Angkor Wat nổi tiếng này, vợ chồng bà Phương làm đủ thứ nghề để mưu sinh, từ việc buôn bán nhỏ lẻ cho đến làm du lịch rồi kinh doanh bất động sản.

Bà Phương tâm sự: "Năm 2004, lần đầu tiên trở về nước Việt thân yêu cùng đoàn khảo sát du lịch Campuchia để tìm hiểu tiềm năng du lịch. Từ đó, tôi càng thấy yêu mến đất nước và con người quê hương nước Việt nên những năm sau, tôi đều dành trọn những ngày nghỉ phép, lễ và Tết để khăn gói trở về và ghé thăm Cố đô Huế…

Trong một lần tình cờ tham quan Đại Nội Huế và xem các cổ vật được trưng bày tại đây thì không hiểu sao, các hoa văn pháp lam được khắc in trên các đồ sứ ký kiểu có từ thời Nguyễn lại có sức cuốn hút kỳ diệu khiến tôi rất thích thú. Vì thế, khi quay lại Campuchia, tôi bắt đầu nảy sinh ý tưởng đi sưu tập cổ vật triều Nguyễn…", hướng ánh mắt nhìn ra con sông nhỏ trước mặt nhà, bà Phương nhớ lại.

Ngoài hàng trăm cổ vật đã trao tặng cho Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế, hiện trong gia đình bà Công Tôn Nữ Y Phương chỉ còn lại một số ít cổ vật do bà sưu tầm.

Như có duyên với các cổ vật của triều Nguyễn, đầu năm 2005, trong một lần ra bến xe phía Nam TP Huế để đón xe khách vào TP HCM, bà Phương được một người khách giới thiệu những thùng hàng, chứa cổ vật bên trong, đang được chuẩn bị vận chuyển vào Nam. Sau khi hỏi qua thông tin về số hàng này, bà quyết định không thể đánh mất cơ hội sở hữu những "cổ vật vô giá" nên đã mua lại kiện hàng này với giá 15 triệu đồng.

Sau này, chính bà Phương cũng không ngờ rằng, bên trong kiện hàng ấy lại chứa đến hàng chục chiếc bát, dĩa là đồ sứ ký kiểu triều Nguyễn với niên đại hàng trăm năm. Bà bảo: "Nếu lúc ấy mình không mua số hàng này thì không biết những cổ vật này rồi sẽ trôi dạt về đâu. Và thật tiếc lúc ấy tôi chỉ đủ tiền mua 1 kiện hàng này mà thôi...".

Mặc dù công việc rất bận rộn, thậm chí nhiều khi không có cả thời gian để nghỉ ngơi, nhưng hễ nhận được tin báo ở Việt Nam có người bán cổ vật liên quan đến triều Nguyễn thì ngay lập tức, bà Phương tức tốc về nước để cố mua bằng được những cổ vật này. Bởi với bà Phương thì "cổ vật có thể mua được bằng tiền, nhưng giá trị văn hóa, lịch sử trên cổ vật thì không gì có thể đánh đổi". Và, trong những lần ngược xuôi Nam- Bắc để tìm mua cổ vật với chặng đường dài hàng ngàn cây số ấy, bà Phương không thể nào quên những chuyến đi về "tay không".

Bà kể, có lần nhận được tin báo một đội thợ lặn trục vớt được khá nhiều cổ vật quý giá từ một con tàu đắm ở vùng cửa biển Thuận An, ngay ngày hôm sau, bà bắt xe về Huế rồi về vùng biển Thuận An để mục đích hỏi mua các cổ vật. "Thế nhưng, khi mình vừa tìm đến nơi thì bao nhiêu cổ vật như chum, ché, súng ống, các đồ vật dụng đã tồn tại hàng trăm năm bị giới buôn đồ cổ "tậu hết", chỉ còn lại một vài cái không nguyên vẹn, không có giá trị bị vứt lăn lóc trên bờ cát trắng.

Tiếc đứt ruột vì bị "hớ" trong vụ ấy nên sau này, tôi đã học được nhiều kinh nghiệm xương máu trong việc săn lùng, tìm đồ cổ", bà Phương thở dài tiếc nuối.

Một số cổ vật gồm chậu Long ẩn, đĩa lam sứ có xuất xứ vào thời Nguyễn do bà Phương tìm kiếm mua lại.

Sau những năm tháng miệt mài với công việc tìm cổ vật, tháng 4/2013, bà Phương đã đứng ra trao tặng 228 hiện vật gốm sứ có niên đại từ thế kỉ XVI đến đầu thế kỉ XX và 5 sắc phong thần thời Nguyễn cho Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Ngay sau đó, bộ sưu tập mà phần lớn là những cổ vật quý giá do bà Phương cất công tìm mua và lưu giữ trong thời gian dài đã được trưng bày để phục vụ du khách đến tham quan Cố đô Huế.

Đặc biệt, vào đầu tháng 5/2014, bà Phương tiếp tục bàn giao bộ 13 cây kiếm của binh lính triều Nguyễn thường sử dụng cho Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Những cây kiếm này có chuôi bằng đồng, hình tròn, lưỡi kiếm bằng sắt và đã bị hoen gỉ, nhưng cũng được bà Phương mua lại từ những người buôn bán đồ cổ với giá cao để trao tặng cho bảo tàng.

Tôi thắc mắc đặt câu hỏi, tại sao đây là những cổ vật có giá trị nhưng bà lại hiến tặng hết cho Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế? Bà Phương chỉ cười hiền hậu: "Con người không thể sống mãi với cổ vật được. Mặt khác, tôi sợ rằng, sau này mình mất đi thì không có ai để bảo quản, gìn giữ các cổ vật nữa. Vì thế, việc hiến tặng cổ vật cho Bảo tàng để phục vụ cho công tác trưng bày luôn là tâm niệm của cả cuộc đời tôi, nên tôi chưa bao giờ thấy hối tiếc về việc làm này".

Không dừng lại ở đó, vào tháng 10/2014, khi biết chiếc xe kéo của Hoàng thái hậu Từ Minh (mẹ vua Thành Thái) chuẩn bị được đưa ra đấu giá tại Pháp thì bà Phương cùng nhiều người trong gia đình đã bàn bạc và chi một nguồn kinh phí để cùng Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế và các nhà hảo tâm đấu giá thành công chiếc xe kéo này (55.800 euro). Hiện chiếc xe kéo đang được chuẩn bị đưa về Huế trưng bày trong thời gian tới.

Không những có "tâm" với cổ vật của triều Nguyễn đang bị thất lạc, bà Phương còn dành một tình cảm và sự tôn kính đặc biệt đối với các bậc tiền nhân. Nhiều năm qua, bà đã tìm cách tu sửa, khắc phục sạt lở và xây thành quách cho hàng chục ngôi mộ, trong đó phần lớn là các mộ của hoàng tử, công chúa quanh khu vực lăng vua Thiệu Trị...

Nói về sự đóng góp đối với di sản Huế của bà Phương, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế nhận định: "Sự đóng góp lớn lao của bà Phương đối với di tích Huế là rất ý nghĩa và đáng được trân trọng. Vì thế mà cuối tháng 12/2014, Trung tâm đã tổ chức lễ tri ân những người đã có công sức đóng góp cho công cuộc bảo tồn di sản văn hóa Huế, trong đó có bà Phương". 

Anh Khoa - Chiến Hữu
.
.
.