Châu Âu lại căng mình chống nhập cư trái phép

Thứ Tư, 11/05/2016, 10:34
Theo quyết định hôm 4-5 của Ủy ban châu Âu (EC), các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), thuộc khu vực tự do đi lại Schengen được gia hạn các biện pháp kiểm soát biên giới sau ngày 12-5.


Quyết định kể trên được đưa ra sau khi Đức, Pháp, Áo, Đan Mạch và Thụy Điển cùng kiến nghị: tình hình biên giới vẫn "vô cùng bất ổn", cần tiếp tục duy trì kiểm soát biên giới. Các quốc gia kể trên bày tỏ quan ngại khi vẫn còn một lượng người di cư tương đối lớn ở Hy Lạp và dọc "lộ trình Balkan", cũng như tình trạng người tị nạn đang tìm cách vượt Địa Trung Hải vào châu Âu.

Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maizere cho rằng, trong mùa hè này sẽ gia tăng số người di cư tìm cách đến châu Âu bằng cách vượt Địa Trung Hải để vào Italia, sau đó tiếp tục hành trình tới Áo và Đức. Ngày 2-5, Bộ Nhập cư, hội nhập và nhà ở Đan Mạch cho biết, đã gia hạn các biện pháp tạm thời nhằm kiểm soát biên giới với Đức đến ngày 2-6.

Các nhà hoạt động ủng hộ người tị nạn đối mặt với cảnh sát tại Brenner, Áo, ngày 24-4.

Trước đó, Bộ trưởng Tư pháp Soren Pind còn triển khai quân đội tới khu vực biên giới nhằm hỗ trợ cảnh sát kiểm soát dòng người tị nạn vào nước này và đây là chuyện chưa có tiền lệ ở Đan Mạch. Trước đó, Bộ trưởng Nội vụ các nước thành viên EU vừa nhất trí tăng tốc việc thành lập Lực lượng bảo vệ biên giới trên bộ và trên biển chung của châu Âu vào mùa hè tới, nhằm kiểm soát người nhập cư đến từ Trung Đông và Bắc Phi.

Lực lượng này sẽ gồm lực lượng phản ứng nhanh có thể được triển khai mà không cần sự cho phép của quốc gia thành viên sở tại. Ủy viên châu Âu về di cư Dimitris Avramopoulos cho rằng, lực lượng này sẽ đi vào hoạt động từ trung tuần tháng 6.

Theo người phát ngôn Bộ Nội vụ Áo Karl-Heinz Grundboeck, nước này đang thảo luận với EC và các đối tác châu Âu về việc kéo dài hoạt động kiểm soát biên giới nhằm hạn chế dòng người di cư kéo tới châu Âu.

Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Áo Wolfgang Sobotka khẳng định, Áo không xây dựng các bức tường hay hàng rào chặn dòng người di cư như giới truyền thông đã đưa, nhưng trong trường hợp cần thiết nước này sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ và đường sắt.

Nhưng trước đó (27-4), Áo đã thông qua đạo luật siết chặt kiểm soát di cư. Theo đó, chính phủ Áo sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp và chặn người tị nạn ngay tại khu vực biên giới, khi dòng người tị nạn vượt ngoài tầm kiểm soát và đe dọa đến "an ninh quốc gia". Các trường hợp được xét tị nạn thành công cũng chỉ được phép ở lại 3 năm.

Với các biện pháp vừa được thông qua, Áo hiện là một trong những quốc gia có luật tị nạn hà khắc nhất trong EU. Giới truyền thông còn đưa tin, cảnh sát Áo đã sử dụng dùi cui và bình xịt hơi cay chống lại các nhà hoạt động ủng hộ người tị nạn ở khu vực biên giới chính với Italia. Việc này diễn ra khi Áo có kế hoạch đẩy mạnh kiểm soát biên giới tại Brenner từ ngày 1-6, để đối phó với dòng người tị nạn.

Còn theo Bộ trưởng Nội vụ Italia Angelino Alfano, Italia và Áo đã tránh được cuộc khủng hoảng ngoại giao và sẽ không đóng cửa biên giới tại Brenner. Chủ tịch EC Jean Claude Juncker vừa ủng hộ đối với sáng kiến giải quyết vấn đề di cư "Migration Compact" của Thủ tướng Italia Matteo Renzi.

Đồng thời khẳng định, sáng kiến của Italia sẽ góp phần làm sâu sắc hơn sáng kiến của EU về di cư, sẽ được trình tại Hội nghị thượng đỉnh EU dự kiến diễn ra trong 2 ngày 28 và 29-6. Mỹ cũng ủng hộ chiến dịch quân sự của NATO ngoài khơi Libya nhằm hậu thuẫn kế hoạch ngăn chặn dòng người di cư qua Địa Trung Hải mà Italia đưa ra trước đó.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng, những kẻ buôn người vẫn đang tìm cách đưa người di cư trái phép từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp bất chấp NATO đã triển khai chiến dịch hải quân chưa từng có tiền lệ nhằm giúp châu Âu đối phó với cuộc khủng hoảng người di cư.

Theo thông báo của Văn phòng Bộ Nội vụ Anh, trong 5 năm tới, London sẽ tiếp nhận hơn 3.000 trẻ tị nạn, đối tượng bị tổn thương nhất bởi các cuộc xung đột bạo lực tại Trung Đông và Bắc Phi. Về phần mình, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cho biết, số người di cư và tị nạn muốn tới Hy Lạp từ Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm trong tháng 4, sau khi thỏa thuận giữa EU và nước này chính thức được thực hiện.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cũng nhấn mạnh, thỏa thuận về người di cư giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp làm giảm đáng kể số người tị nạn vượt biển Aegean đến châu Âu. Nhưng Ankara cũng cảnh báo có thể ngưng việc tiếp nhận người tị nạn nếu châu Âu không giữ lời hứa miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ. Bởi Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định, Ankara cần đáp ứng đủ 72 điều kiện của châu Âu để được miễn thị thực.

Trọng Hậu
.
.
.