Chàng thủ khoa khiếm thị giàu nghị lực

Thứ Tư, 13/09/2017, 16:09
Ngay từ khi mới lọt lòng, cậu bé Nguyễn Văn Chung, 22 tuổi, trú tại thôn Ngang Nội, xã Hiên Vân, huyện Tiên Du, Bắc Ninh đã không thể nhìn thấy ánh sáng. Dù mang trong mình khiếm khuyết nhưng Chung lại học rất giỏi, em từng đoạt danh hiệu học sinh giỏi cấp quốc gia môn Vật lý. Chung cũng chính là thủ khoa đầu vào và thủ khoa đầu ra của Trường Đại học Kinh Bắc.


Vì thấy Chung có năng lực nên bố mẹ em đã quyết định viết đơn gửi đến các tổ chức xã hội và các đoàn chuyên gia xin được tự nguyện hiến mỗi người một bên mắt cho con trai mình.

Những ngày tháng tối tăm

Mấy ngày gần đây, gia đình Chung như có hội. Cái tin con mình đạt thủ khoa đầu ra của Trường Đại học Kinh Bắc khiến bố mẹ Chung mừng đến quên ăn quên ngủ. Bốn năm trước, bố mẹ Chung cũng từng có cái cảm giác hạnh phúc ấy khi con trai đỗ thủ khoa đầu vào của trường đại học này.

Chia sẻ niềm vui với chúng tôi, chị Khánh (mẹ Chung) nói: "Thật là chẳng bao giờ vợ chồng tôi dám nghĩ con mình sẽ có ngày như ngày hôm nay". Cũng dễ hiểu thôi, bởi ngay từ khi lọt lòng, Chung đã bị khiếm thị bẩm sinh. Mong cho con lớn lên thành người bình thường đã khó, nói chi đến chuyện học hành đỗ đạt.

 Ngồi cạnh con dâu, bà nội Chung cũng không giấu được tự hào. Bà bồi hồi nhớ lại: "Chính tôi là người phát hiện ra mắt thằng cháu Chung không bình thường. Tôi cứ thấy nó đục đục, mờ mờ không giống như những đứa trẻ khác. Nhưng khi tôi nói ra thì mọi người cứ gạt đi rồi bảo trẻ con đứa nào mắt chẳng như thế. Tôi tiếp tục để ý ngày này qua ngày khác vẫn thấy mắt cháu mình lạ lắm. Lúc đó tôi bắt vợ chồng thằng Dũng phải đưa nó đi khám ngay".

Chung vinh dự nhận tấm bằng tốt nghiệp xuất sắc.

Tháng đó trời cứ dai dẳng mưa ngày này qua ngày khác. Có bệnh thì phải chữa sớm, thế nên dù trời mưa, đường sá lầy lội thì bố mẹ Chung vẫn khăn gói đưa con về Hà Nội khám. 

Năm 1995, khi ấy cả làng Ngang Nội mới chỉ có duy nhất một chiếc xe máy, bố mẹ Chung nghèo kiếm xe máy đâu ra. Vậy là từng lớp tã được quấn dày trên người Chung rồi từng lớp áo nilon lần lượt cũng được quấn chặt lấy em cho khỏi ướt. 

Anh Dũng (bố Chung) chở vợ trên chiếc xe đạp ọp ẹp xuống Hà Nội. Lần ấy, vì mưa nhiều ngày nên đường trơn và lầy lội. Cứ đi được một đoạn chiếc xe lại lảo đảo rồi hai người ngã sóng soài ra đường, quần áo quện với bùn. 

Mỗi lần như thế, vợ chồng anh Dũng lại động viên nhau cố gắng, cuối cùng cũng xuống tới bệnh viện. Nhưng, tại đây, sau khi khám rất kỹ cho Chung, các bác sĩ đã thông báo mắt trái của em bị đục thủy tinh thể, mắt phải bị viêm màng bồ đào phôi thai. Điều đó có nghĩa là em sẽ vĩnh viễn không thể nhìn thấy ánh sáng. Nhận tờ kết quả, chị Khánh ngã gục, còn anh Dũng thì như người vô hồn.

Sau khi từ bệnh viện trở về, vợ chồng anh Dũng đã không dám nói sự thật với mẹ của mình. Bà hỏi, vợ chồng anh chỉ biết nói dối rằng Chung ổn, không sao hết. Nhưng sau thấy bố mẹ Chung liên tục đưa em đi bệnh viện, định kỳ 1 tuần 1 lần nên bà nội Chung sinh nghi. "Lúc tôi tra hỏi vợ chồng nó, biết cháu nội của mình bị mù vĩnh viễn tôi đã lăn ra ốm. Nhưng rồi dần dần cũng phải chấp nhận sự thật thôi" - bà nội Chung chia sẻ. 

Kể từ ngày sinh Chung ra, tiền kiếm được bao nhiêu bố mẹ em đều dồn cả cho em chữa bệnh. Hồi đó anh Dũng đi phụ hồ, mỗi ngày cũng chỉ được trả công có 5 nghìn đồng. Vậy mà một lọ thuốc nhỏ mắt nho nhỏ cũng lên tới vài trăm nghìn đồng. Sau vài năm chữa trị bệnh cho con, kinh tế gia đình anh Dũng lâm vào tình trạng khánh kiệt.

Về phần mình, Chung dù không thể nhìn thấy ánh sáng nhưng bù lại em lại rất thông minh. 5 tuổi Chung đã học thuộc hết bảng cửu chương. Năm học lớp 3 em còn được cô giáo cử đi thi vở sạch chữ đẹp của huyện và được giải nhất. Năm học lớp 10, Chung đoạt giải ba toàn quốc môn Vật lý. 

"Cái tháng Chung ôn thi học sinh giỏi tôi đã phải ngày mấy lượt chở con đi ôn. Vừa vất vả lại vừa mất công mất việc nhưng khi con có được thành tích như vậy cả nhà tôi mừng lắm. Đúng là ông trời không lấy của ai tất cả" - anh Dũng nhớ lại.

Kể lại những tháng ngày đi học phổ thông, Chung bật cười bảo: "Số em may mắn lắm vì em có được một người bạn rất tốt. Bạn ấy đã thay bố mẹ em đưa em đi học mỗi ngày. Nhưng đến năm em học lớp 10 thì bạn ấy đã không thể chở em được nữa vì em quá nặng. Lúc đầu bạn ấy vẫn cố nên hai đứa cứ ngã xoành xoạch suốt nếu không thì xe cũng bị nổ lốp vì quá tải. Sau đợt đó là bố và bá (chị gái của mẹ - PV) em phải thay nhau đưa em đến trường".

Chị Khánh sẵn sàng làm mọi việc để anh em Chung được học hành.

Tương lai rộng mở

Năm học lớp 12, Chung cũng như bao bạn bè trong lớp chọn trường để thi đại học. Hai trường Chung chọn là Trường Đại học Bách khoa và Trường Đại học Nông nghiệp 1. 

Thế nhưng ngay trước thời điểm học sinh chọn trường thì đại diện của Trường Đại học Kinh Bắc (Bắc Ninh) đã về tận trường THPT Tiên Du 1 (nơi Chung học) bày tỏ nguyện vọng muốn chọn một số học sinh tiêu biểu của trường để thi vào Đại học Kinh Bắc. 

Và Chung là học sinh đầu tiên được đại diện của trường này gọi lên để nói chuyện. Sau khi nghe đại diện của Trường Đại học Kinh Bắc thuyết phục, đồng thời Chung cũng nhìn thấy một lợi thế là trường ở gần nhà nên em quyết định nộp hồ sơ thi vào trường này. 

Kết quả, trong kỳ thi đại học năm đó Chung đỗ thủ khoa khối A Trường Đại học Kinh Bắc với 24 điểm. Ngoài ra Chung còn đỗ vào Trường Đại học Nông nghiệp 1 với số điểm là 26, khối B.

Khi hay tin con đỗ đại học, vợ chồng anh Dũng vừa mừng lại vừa lo. Bởi, đi học đại học đồng nghĩa với việc Chung sẽ phải sống xa nhà, mọi việc phải tự lập.

Đỗ thủ khoa đầu vào nên Chung giành được học bổng trọn gói 4 năm học.

Chị Khánh nhớ lại: "Năm Chung bắt đầu bước vào lớp 12, tôi đã tin với sự nỗ lực của con kiểu gì nó cũng đỗ đại học. Thế nhưng cứ nghĩ đến chuyện con phải đi học xa nhà mà không thể nhìn thấy mọi thứ xung quanh tôi vừa lo vừa đau thắt lòng. Lúc đó tôi đã bàn với bố cháu là hay vợ chồng mình làm đơn xin hiến giác mạc cho con. Chỉ cần mỗi người một bên mắt thôi thì con sẽ có thể được sống như một người bình thường. Khi tôi nói ra chồng tôi lập tức đồng ý ngay. Thế là hai vợ chồng ngồi viết đơn xin tình nguyện hiến giác mạc cho con". 

Những lá đơn ấy sau đó được vợ chồng anh Dũng gửi tới các tổ chức xã hội, các đoàn chuyên gia. Tuy nhiên đến giờ này, tức là sau 4 năm vợ chồng anh Dũng vẫn không nhận được một sự hồi âm nào.

Dù chưa thể nhận được "món quà" từ bố mẹ nhưng suốt 4 năm học đại học, Chung đã nỗ lực không ngừng. Em tâm sự, chuyện tiếp thu kiến thức với em lại không phải là chuyện khó khăn, cái khó khăn nhất chính là việc đi lại. Bốn năm sống trong ký túc xá, Chung may mắn được bạn bè giúp đỡ rất nhiều. Từ chuyện đi từ ký túc lên giảng đường cho tới những chuyện sinh hoạt cá nhân em đều được bạn bè hết mực quan tâm. 

Bạn Trịnh Thị Phong - Bí thư lớp Chung chia sẻ: "Suốt 4 năm học đại học, Chung đều là học sinh xuất sắc nhất của trường. Em thực sự rất phục ý chí vươn lên của cậu ấy. Có lần, buổi trưa, em vào ký túc đón Chung đi học thêm, trong khi các bạn cùng phòng đang ngủ thì em thấy Chung vẫn đang ngồi cặm cụi trước máy tính nghiên cứu tài liệu. Vào năm học cuối, thầy cô đã không phải trực tiếp giảng dạy nhiều cho chúng em mà chủ yếu là bạn Chung đứng lên giảng giải cho cả lớp nghe. Trong lớp em, bất kể bạn nào không hiểu cái gì đều đến hỏi Chung. Không chỉ học giỏi mà bạn ấy còn nhiệt tình tham gia mọi hoạt động ngoại khóa của trường, của lớp. Bạn ấy thực sự là một tấm gương sáng cho chúng em học tập".

Cầm tấm bằng xuất sắc với chuyên ngành Công nghệ thông tin trong tay, Chung chia sẻ: "Em chỉ ước sẽ sớm tìm được việc làm theo đúng ngành nghề mà mình đã chọn. Khi ấy em vừa thỏa mãn đam mê lại vừa có thể giúp đỡ bố mẹ mình. Em biết, vì chữa bệnh cho em mà bố mẹ đã phải chịu vất vả, thiệt thòi rất nhiều. Nếu em kiếm được tiền mẹ em sẽ không phải đi xuống Hà Nội giúp việc cho gia đình người ta nữa. Mẹ chịu xa bố con em cũng chỉ vì muốn có tiền nuôi em ăn học. Em sẽ cố gắng hết sức để bù đắp phần nào những hy sinh của bố mẹ!".

Tạm biệt chàng trai khiếm thị nhưng đầy nghị lực, chúng tôi chỉ mong sao ước mơ của em sẽ sớm thành hiện thực. Bởi khi ấy, dù không thể tận mắt nhìn thấy nhưng em sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc lớn lao của bố mẹ khi con trai mình trưởng thành!
Anh Phong
.
.
.