Chăm lo cho người khuyết tật: Những bài toán cần được giải gấp

Chủ Nhật, 20/01/2019, 13:00
Con số từ Ủy ban quốc gia về người khuyết tật Việt Nam trong Hội nghị tổng kết công tác chăm sóc người khuyết tật vừa qua cho biết, cả nước hiện đang có hơn 7 triệu người khuyết tật, chiếm xấp xỉ 8% dân số. Vì những lý do khách quan như thiên tai, dịch bệnh, số lượng người khuyết tật có xu hướng tăng lên.


Mặc dù toàn xã hội đã chăm lo nhiều cho người khuyết tật, nhưng thực sự thì hiệu quả chưa tương xứng với nhu cầu của họ. Tạo công ăn việc làm và phát triển các hệ thống tiện ích công cộng cho người khuyết tật đang là những bài toán lớn cần được giải đáp một cách tích cực hơn, để người khuyết tật có thể tự tin sống trong cộng đồng và có những đóng góp hữu ích.

Khó khăn việc làm cho người khuyết tật

Theo thống kê của Ủy ban quốc gia về người khuyết tật, số người khuyết tật đặc biệt nặng và nặng đang chiếm gần 30% tổng số người khuyết tật cả nước. Người khuyết tật nữ chiếm 58%, trẻ em là 28%, hơn 10% là người cao tuổi và xấp xỉ 10% là người nghèo.

Câu chuyện làm thế nào để người khuyết tật có thể tham gia vào các công việc để tự kiếm ra thu nhập nuôi sống bản thân là một câu hỏi lớn với các nhà hoạch định chính sách, những doanh nghiệp có tâm có tầm muốn làm thay đổi cuộc sống của những người có số phận không may mắn. Hàng năm, Hội nghị biểu dương doanh nghiệp tiêu biểu tạo việc làm cho người khuyết tật  được tổ chức nhằm tôn vinh các doanh nghiệp tiêu biểu đã có công tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người khuyết tật.

Tại một cơ sở dạy nghề miễn phí cho người khuyết tật.

Trong số này có nhiều chủ doanh nghiệp là những người khuyết tật. Chính họ là những tấm gương không chịu đầu hàng trước khó khăn, rào cản, vươn lên khẳng định giá trị bản thân và tạo việc làm cho người có hoàn cảnh khó khăn khác.

Theo tài liệu từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cả nước hiện có khoảng hơn 15.000 lao động là người khuyết tật, cùng với  khoảng trên 16.000 lao động khuyết tật khác đang làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình hoặc được hỗ trợ từ Quỹ việc làm. Trong số những người khuyết tật nhận được hỗ trợ về dạy nghề và tạo việc làm, có gần 41% nhận được tư vấn học nghề, tư vấn việc làm và giới thiệu việc làm, gần 18% được miễn giảm học phí...

Trong những năm qua, số cơ sở dạy nghề ở nước ta đã tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Hiện có 156 cơ sở dạy nghề tham gia dạy nghề cho người khuyết tật, trong đó có 55 cơ sở dạy nghề chuyên biệt, 200 cơ sở có tham gia dạy nghề cho người khuyết tật và trên 500 cơ sở sản xuất, kinh doanh của người khuyết tật. Các tổ chức của người khuyết tật cũng đóng góp tích cực gia tăng số lượng người khuyết tật học nghề và tạo việc làm hàng năm.

Năm 2018, ngân sách Nhà nước đã bố trí cho các địa phương 17.388 tỷ đồng để thực hiện Nghị định 136/2013/NĐ-CP trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có người khuyết tật (bao gồm trợ cấp hàng tháng và mua thẻ BHYT cho đối tượng). Ngoài ra, ngân sách cũng cấp 299 tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với người khuyết tật theo Thông tư số 42.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với một số Bộ, ngành, tổ chức triển khai thực hiện Dự án Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội đối với các đối tượng yếu thế thuộc Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội năm 2018 thông qua các hoạt động: Phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho các cán bộ, nhân viên CTXH và tâm thần; truyền thông, nghiên cứu đánh giá, giám sát. 6 tháng đầu năm, cả nước có trên 6.000 người khuyết tật được hỗ trợ học nghề theo chính sách Đề án 1956.

Bên cạnh đó, người khuyết tật được tạo điều kiện vay vốn phát triển sản xuất. Trong quý I/2018, Quỹ Quốc gia về việc làm đã cho vay 333 dự án của lao động là người khuyết tật, hỗ trợ tạo việc làm cho 354 người. Riêng Hội Người mù Việt Nam đã cho vay 105 dự án, với doanh số cho vay 1.398 triệu đồng, tạo việc làm cho 113 hội viên, trong đó có 90 lao động là người khuyết tật.

Dù như vậy, vấn đề tạo việc làm cho người khuyết tật vẫn chưa đạt được hiệu quả mong muốn. Tỷ lệ người khuyết tật có việc làm trong các cơ sở kinh doanh hiện nay còn thấp, khoảng trên dưới 10%, còn lại là lao động tự do, lao động hộ gia đình, tham gia vào các hoạt động sản xuất kinh doanh ở địa phương với các công việc chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, bấp bênh và có thu nhập thấp. Nhiều nơi, người khuyết tật vẫn bị kỳ thị trong phân công giao việc, phân biệt trong đối xử, trả lương…

Các công trình công cộng cần phải thuận tiện, phù hợp với người khuyết tật.

Nhiều người khuyết tật chưa tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi để có khả năng phát triển sản xuất, kinh tế tư nhân. Nguyên nhân do các chính sách cho vay từ phía ngân hàng chưa phù hợp. Mặt khác, nhiều người khuyết tật còn thụ động, khép kín, không chủ động trong công việc tìm kiếm các cơ hội cho mình.

Hệ thống tiện ích công cộng cho người khuyết tật

Việt Nam đã thực hiện cam kết ký công ước Liên hiệp quốc về Quyền của người khuyết tật. Theo đó đến năm 2020, 100% các công trình, trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước, các nhà ga, bến tàu, bến xe, các cơ sở khám, chữa bệnh, các cơ sở giáo dục, dạy nghề, các công trình văn hóa thể thao, các tòa nhà chung cư cao tầng đều phải đảm báo các điều kiện tiếp cận với người khuyết tật. Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều công trình công cộng vẫn xem nhẹ, hoặc chưa thực sự chú trọng đến các điều kiện này trong xây dựng, thiết kế.

Tại Hà Nội, kết quả nghiên cứu 137 công trình công cộng tại quận Hoàn Kiếm và Ba Đình do Tổ chức Người khuyết tật quốc tế thực hiện, chỉ có 11% số công trình cho phép người khuyết tật sử dụng thuận tiện. Đó là những công trình nằm trong khối dịch vụ, mới được xây dựng hoặc đón tiếp nhiều người nước ngoài như các khách sạn lớn, sân vận động Quần Ngựa, Cung Văn hóa Hữu nghị và một số văn phòng tổ chức nước ngoài.

Đa số các công trình phúc lợi xã hội như trường học, bệnh viện, bưu điện, bảo tàng có rất ít những hạng mục hỗ trợ lối đi, biển chỉ dẫn dành cho người khuyết tật, hoặc nếu có thì không đạt chuẩn, không thuận lợi cho người sử dụng. Nhiều tòa nhà, trung tâm mua sắm không có nhà vệ sinh dành cho người khuyết tật. Nhà vệ sinh không có tay vịn, hoặc diện tích không đủ rộng cho người đi xe lăn có thể vào được.

Hầu hết các công trình đạt chuẩn được xây dựng bằng nguồn ngân sách nhà nước hoặc các công trình được đầu tư từ vốn nước ngoài. Các công trình công cộng có thiết kế dành riêng cho người khuyết tật mới chỉ tập trung ở một số đô thị lớn và cũng mới dừng lại ở mức độ tiếp cận tối thiểu như có đường dốc ở lối vào công trình.

Nhiều văn bản hướng dẫn có giá trị pháp luật đã được đặt ra, yêu cầu các chủ đầu tư khi thiết kế, xây dựng các công trình công cộng phải có các điều kiện tối thiểu, phù hợp cho người khuyết tật, nhưng việc thực thi các quy định này chưa nghiêm.

Chăm lo cho người khuyết tật để họ có thể hòa nhập cộng đồng.

Bộ Xây dựng đã ban hành Bộ quy chuẩn tiêu chuẩn tiếp cận công trình cho người khuyết tật từ lâu, thông tư về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng công trình bảo đảm người khuyết tật tiếp cận sử dụng cũng đã được ban hành, nhưng không ít nhà đầu tư vẫn phớt lờ trong quá trình xây dựng.

Vì thế, việc người khuyết tật có thể tham gia được vào các hoạt động công cộng vẫn còn rất hạn chế, dù cho đó là nhu cầu tất yếu của họ. Hầu như các không gian công cộng tại các đô thị chưa đáp ứng được nhu cầu tiếp cận và sử dụng của người khuyết tật.

Ở khu vực trung tâm Thủ đô Hà Nội, các không gian công cộng như khu vui chơi ngoài trời, sân vận động, quảng trường, khu tượng đài các công viên là khu vực người khuyết tật có nhu cầu tiếp cận nhiều nhất thì chưa được quan tâm, chưa được chú trọng thiết kế đảm bảo cho người khuyết tật có thể tiếp cận sử dụng.

Vẫn còn có khoảng cách quá lớn để người khuyết tật có cơ hội hòa nhập cộng đồng. Các vỉa hè, vườn hoa, đường đi dạo… đều không đáp ứng quy định theo Quy chuẩn, thiếu hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn trợ giúp người khuyết tật…

Các công trình hạ tầng giao thông đô thị bao gồm đường đi bộ, bến xe, bãi đỗ xe, điểm chờ xe buýt hầu như chưa tính đến yêu cầu này khiến cho cơ hội của người khuyết tật được hòa nhập cộng đồng một cách bình đẳng trở nên khó khăn hơn.

Thiết nghĩ, đã đến lúc các các cấp, các ngành quản lý ở Trung ương và địa phương cần phải quyết liệt hơn với công tác chăm lo cuộc sống cho người khuyết tật. Gần 10% dân số là người khuyết tật là một con số rất lớn, chúng ta đừng làm ngơ hoặc thiếu trách nhiệm với những người thuộc nhóm dễ bị tổn thương đó. Chúng ta có các cơ sở pháp luật về việc đảm bảo lợi ích cho người khuyết tật rồi, vấn đề là nghiêm túc hành động.

Để trong tương lai gần, mỗi người khuyết tật đều được hưởng hạnh phúc từ việc có công ăn việc làm đến việc thụ hưởng các tiện ích khác từ các công trình công cộng. Bài toán đó chỉ có thể giải khi có nhiều ngành cùng vào cuộc, với sự chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, đặc biệt là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng như Ủy ban Quốc gia Bảo vệ người khuyết tật.

Phạm Minh Hà
.
.
.