Cầu kỳ Tết Huế

Thứ Sáu, 24/01/2020, 07:03
Là kinh đô vương triều phong kiến cuối cùng của Việt Nam, việc đón Tết cổ truyền của Huế ít nhiều vẫn mang những nét đặc trưng của chốn cung đình. Việc chuẩn bị cho “ba ngày Tết bảy ngày Xuân” của người Huế cầu kỳ hơn so với những nơi khác.

Ngày Tết ở Huế dường như được người Huế đón một cách cẩn trọng, tỷ mẩn, nó bắt đầu sớm và chu toàn “từ trong nhà ra ngoài… vườn”; chăm chút từ cây cỏ đến những món ăn một cách tỉ mỉ và tinh tế.

Kỳ thú vườn Huế trước xuân

Người Huế thường là những người sống thiên về tinh thần, hay nói cách khác, tinh thần của họ gắn với thần thái, hoa trái của khu vườn Huế. Thế nên để đón mùa xuân về, những người chủ vườn quan tâm nhiều đến “thần thái” khu vườn.

Họ nắn nót, tỉa tót từng chi tiết trong khu vườn… Thứ cây được quan tâm nhất là mai vàng. Mỗi năm ra hoa một lần, nhà vườn nào ở Huế cũng trồng mai.
Mâm cỗ ngày Tết của người Huế (ảnh tư liệu).

Mai được chăm gốc quanh năm để chờ một mùa hoa, nên phải chăm sao để những bông đầu tiên của cây bật nở đúng vào sáng mùng một Tết mới là thành tựu của một năm chăm sóc. Để mai ra hoa đúng dịp Tết, thời điểm lặt lá là vấn đề tiên quyết được quan tâm. Khó để hỏi được bí quyết thời gian lặt lá mai của các ông chủ kinh doanh vườn mai, nhưng với những chủ vườn chơi mai lâu năm thì đó là sự chia sẻ.

Anh Nguyễn Văn Đạt, một người Huế mê… vườn cho biết: “Thời điểm đó thường là đầu tháng Chạp, cộng trừ thời gian theo thời tiết. Gặp năm nắng nóng nhiều có gió mạnh thì lặt lá muộn hơn; nếu trời mưa nhiều, mùa mưa kết thúc muộn thì sẽ phải lặt lá sớm hơn”.

Những cây hoa trang, hoa mộc, gần đây là hoa lan, hoa hồng đều được quan tâm tỉa lá, vào đất, bón phân, kích hoa kỹ càng… bảo đảm cho hoa dịp Tết. Với chủ các khu vườn Huế thì chăm hoa, đặc biệt là mai vàng để nở đúng Tết là sự tự hào lớn của người trồng. Nhưng ẩn sâu trong màu hoa lá của khu vườn là niềm tin, hy vọng về một năm mới tốt đẹp sẽ đến cùng những đoá hoa bung nở dịp Xuân về.

Thể hiện sự hiếu kính

Khi mùa xuân bừng nở ngoài vườn, thì song hành với không gian thoáng đạt của cây cỏ là sự trang trọng trong sắp đặt bàn thờ. Gia chủ sẽ tuỳ theo chất liệu sử dụng để đánh chùi lau rửa. Người Huế trọng việc cúng tế người đã mất trong gia đình và tôn giáo của gia đình nên nhiều nhà dù khó khăn vẫn quan tâm, lo chu toàn cho nơi thờ tự.

Những vật dụng trên bàn thờ thường có chất liệu là đồng, sứ hoặc gỗ. Bình hoa, lư hương, khung ảnh được thay cát, đánh chùi từ rằm tháng Giêng hoặc chậm nhất là trước khi cúng ông Táo (23 tháng chạp). Riêng vật phẩm như hoa trái cũng phải sao cho bừng sáng hơn thường ngày.

Bàn thờ của người Huế trong ngày Tết chính là thể hiện sự tôn kính của con cháu đối với người đã khuất và gia phong nề nếp của một gia đình, đôi khi là cả dòng họ. Vì thế ngày Tết hoa trái trên bàn thờ được người Huế đặc biệt trân trọng. Được chú trọng nhất là hoa, sau đó là quả rồi mới đến các món bánh trái.

Các loại hoa được đặt trên bàn thờ ngày Tết đòi hỏi sự trang trọng. Những năm gần đây thêm yếu tố sang trọng nhưng nó vẫn mặc định trong một số loài hoa như lay ơn, cúc, vạn thọ, sau này là các loại hoa ly, hoa hồng. Sau hoa là trái quả và mứt bánh…

Quả phải là một nải chuối no tròn sao cho đúng đêm giao thừa chuyển màu hoa tiêu như hai bàn tay nâng niu những trái quả như cam, táo, mãng cầu... Bên cạnh mâm quả là bánh mứt, nhiều màu sắc và đủ vị… thể hiện sự hiếu kính, phồn thịnh nhưng không loè loẹt phô trương.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Đạt.

Điều khá đặc biệt ở Huế là dọn bàn thờ thường là công việc của đàn ông. Phụ nữ là người mua hoa, chọn trái quả và làm các loại mứt nhưng người đứng ra sắp trái, cắm hoa lại là đàn ông trong nhà. Gần đây do đời sống cao, nhiều nhà thuê hẳn dịch vụ về sắp bàn thờ chủ yếu là cắm bình bông cho thật ấn tượng…

Nhưng nhà “thuần Huế” thì vai trò cắm hoa bày trái vẫn thuộc về đàn ông. Quanh năm, ngày rằm mùng một, người Huế “xịn” chăm lo cho bàn thờ chu toàn bởi hoa trái. Nên dịp Tết bàn thờ càng được quan tâm, không phải bày biện cho nhiều mà phải thật tinh tế để thể hiện tâm thành và ít nhiều là chút bày tỏ về sự thịnh vượng của gia chủ năm qua…

Bữa ăn ngày Tết

Chỉ một món dân dã như thịt luộc, trên bữa ăn người Huế cũng đã đầy màu sắc. Bên đĩa thịt thường là chọn loại thịt ba chỉ, luôn là chén tôm chua đỏ tươi trong có vị cay của ớt, tỏi, riềng; dĩa giá trắng tinh làm nền cho kiệu xanh cà rốt đỏ cho vị chua và dĩa rau sống cho vị chát của vả, chuối chát, thơm nồng của các loài rau thơm…

Người Huế bữa ăn ngày thường đã cầu kỳ nên bữa ăn ngày Tết vì thế được chú trọng theo hướng thưởng ngoạn của hương sắc. Ăn cũng phải đẹp, đẹp hình thức, phong phú về chất liệu, món ăn. Không chỉ ngọt, mặn mà còn cay, chua, đắng, chát… khoái khẩu mà tốt cho nhuận trường. Phối hợp một cách hài hoà trong từng món để tạo thành một bữa no mà không ngán, không “vượt ngưỡng” chất béo, chất đường.

Tỉ mẩn trong nấu nướng nên Tết là một dịp để người Huế bung ra hết những “ngón nghề” của ẩm thực. Các món mặn có bánh tét, dưa món, thịt bò dầm nước mắm, giò heo bó, chả thủ, nem, tré, chuối chát, hành, kiệu dầm…

Hàng ngọt có các loại mứt gừng, mứt dừa, mứt khoai, mứt bí đao, mứt hạt sen, mứt me, mứt cốc, bánh in, bánh thuẫn, bánh dẻo, chè xanh đánh, chè đông sương, chè khoai tía... được chuẩn bị cầu kỳ tinh xảo để vừa có vị vừa có sắc.

Ðồ ăn mặn có món gì thì đồ chay có món đó. Nổi tiếng với các món chay cao cấp trong cung đình xưa nên hầu hết các bà nội trợ đất thần kinh đều nấu được một mâm chay với vài món chay đặc sắc thuộc hàng tủ để lo một mâm cúng với hàng chục món cúng cho người đã mất thưởng hương; ngon miệng cho khách khứa, người thân trong nhà… Những món rau dưa củ quả được chế biến nhìn “phồn thịnh” với đủ loại sơn hào hải vị.

Bên những bữa cỗ khá rườm rà, người Huế vẫn luôn chuẩn bị đón khách thăm nhà trong ngày Tết bằng những món truyền thống như thịt dầm, dưa món, giò chả, nem ché… Tuy cùng một vị nhưng tùy vào thời điểm mà sự tinh tế của món ăn được quan tâm khác nhau, để đầy vẻ xuân và cũng là những món thuộc hàng “nhanh, gọn” giúp chủ, khách, đặc biệt là các bà chủ, có thể rôm rả cùng khách…

Bà Tôn Nữ Hà, nghệ nhân ẩm thực nổi tiếng và là con cháu Hoàng tộc cho rằng “Người Huế không chỉ ăn vị mà còn ăn thị”, có nghĩa là ăn ngon và ăn đẹp, nhất là trong ngày Tết. Nên chỉ là món chả thì có chả phượng chả công, chả ngũ sắc... Tất cả hòa quyện, tạo nên một cái Tết cầu kỳ, đủ đầy, sung túc nhưng giữ nét thanh cao… rất Huế.

Phước Châu

.
.