Câu chuyện xây tượng đài
Những ngày qua, dư luận lại quan tâm tới việc xây tượng đài tại hai huyện.
Ngày 5/5, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã giao Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh nắm thông tin và có báo cáo UBND tỉnh về việc huyện Phước Sơn xây tượng đài chiến thắng Khâm Đức. Tượng đài chiến thắng Khâm Đức do UBND huyện Phước Sơn làm chủ đầu tư khởi công xây dựng năm 2017 với số vốn lên đến 14 tỉ đồng từ nguồn ngân sách.
Tuy nhiên, thiếu nguồn vốn và vướng công tác giải phóng mặt bằng nên đến nay công trình vẫn chưa hoàn thành. Dự án này gồm tượng đài, công viên hồ Mùa Thu, khu bảo tồn văn hóa người Bhnong… được xây dựng trên diện tích 1 ha.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, công trình nhằm mục đích giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và giúp cho địa phương phát triển du lịch. Đây là công trình tượng đài nằm trong 1 quần thể khác còn có công viên hồ Mùa Thu, khu bảo tồn văn hoá người Bhnong và khu du lịch tâm linh chùa Yên Sơn.
"Mỗi năm, huyện phân bổ vài tỷ đồng để xây dựng từng hạng mục của công trình. Năm nay, huyện phân bổ khoảng 2 tỷ đồng để xây dựng phần tượng đài chính. Ngoài ra, địa phương kêu gọi hơn 1 tỷ đồng từ các doanh nghiệp trên địa bàn ủng hộ xây dựng tượng đài", ông Hà cho hay.
Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như công trình này được xây dựng ở một huyện giàu. Nhưng Phước Sơn hiện là 1 trong 56 huyện nghèo nhất của cả nước. Huyện nghèo này hiện đang được hỗ trợ nguồn vốn 30a của Chính phủ để giúp người dân thoát nghèo, xây dựng cơ sở vật chất. UBND huyện Phước Sơn cho hay nhờ nguồn vốn 30a của Chính phủ mà hiện nay 100% xã có đường giao thông nông thôn, 80% có đường phục vụ sản xuất, các công trình điện, đường, trường trạm đã được đầu tư.
Tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm 5 -7%/năm. Tuy nhiên, huyện vẫn còn 25,61% số hộ nghèo. Ngoài ra, người đồng bào Bhnong chiếm số lượng lớn, đời sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Vì thế điều khiến dư luận đặt câu hỏi là trong khi đời sống của người dân còn khó khăn như vậy thì số tiền 14 tỷ đồng nên làm những việc khác có ích cho đời sống người dân hơn là xây tượng đài.
Trao đổi với báo chí, một đại biểu Quốc hội cho rằng, dù việc xây dựng tượng đài chiến thắng Khâm Đức để ghi nhớ chiến công chiến thắng Khâm Đức - Ngok Tavak cách đây 52 năm, giải phóng hoàn toàn huyện Phước Sơn, tưởng nhớ, ghi công những anh hùng dân tộc, các liệt sĩ,…
Tuy nhiên, huyện Phước Sơn vẫn là một huyện nghèo, thay vì xây tượng đài, lẽ ra nên dành số tiền đó để giúp người dân thoát đói, thoát nghèo. Khi đủ điều kiện hãy tính đến việc xây tượng đài thì người dân sẽ đồng thuận hơn và không tạo ra sự phản cảm.
Cũng là xây tượng đài, nhưng là ở huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Mới đây, huyện Yên Định làm tờ trình gửi UBND tỉnh Thanh Hóa để xin chủ trương đầu tư xây dựng tượng đài Bà Triệu tại khu công viên quảng trường trung tâm huyện Yên Định trị giá 20 tỷ đồng từ ngân sách huyện và nguồn huy động hợp pháp khác. Điều đáng nói là hiện huyện Yên Định đang chưa trả được món nợ 50 tỷ đồng vay mượn suốt nhiều năm. Đây là khoản nợ chủ yếu rơi vào giai đoạn 2011 - 2015.
Theo thống kê sơ bộ, UBND huyện Yên Định bị tố đang nợ khoảng 23 tỷ đồng, Huyện ủy nợ khoảng 29 tỷ đồng. Những món nợ của Huyện ủy, UBND huyện Yên Định chủ yếu như nợ tiền sửa sang cơ sở vật chất công sở Huyện ủy, UBND huyện; tiền xăng xe đi công tác của lãnh đạo; tiền sửa xe khi hư hỏng; tiền quà tặng các dịp đại hội, lễ kỷ niệm; tiền chè nước; giấy mực in; tiền ăn uống, nghỉ ngơi khi tiếp khách ở các nhà hàng, khách sạn của lãnh đạo huyện… Việc nợ nần này khiến tỉnh Thanh Hóa phải giao Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy vào cuộc làm rõ và đến ngày 31/5 phải có báo cáo cụ thể.
Có một thực tế là hơn 10 năm trở lại đây, rất nhiều địa phương đang có cuộc đua xây tượng đài. Theo nhận định của một kiến trúc sư, không có một quốc gia nào trên thế giới có một số lượng tượng đài nhiều được xây dựng bằng tiền ngân sách như ở Việt Nam.
Người nước ngoài đều rất ngạc nhiên, không hiểu vì sao ở ta đang còn nhiều khó khăn mà lại "bạo tay" dùng tiền ngân sách xây tượng đài? Đất nước còn có quá nhiều việc để làm, hãy dành tiền của lo cho việc cải thiện đời sống của người dân thay vì những việc chưa cấp bách, thậm chí là phản cảm giữa lúc khó khăn.