Cảnh sát khu vực "xóm chạy thận"

Thứ Ba, 22/03/2016, 12:25
Ngay giữa lòng Thủ đô Hà Nội, cách Bệnh viện Bạch Mai quãng chừng hơn 200 mét, nằm sâu trong con ngõ nhỏ 121 Lê Thanh Nghị, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội vẫn được mọi người biết đến với tên gọi quen thuộc "xóm chạy thận"...


Nơi đây chính là nơi tá túc của gần 150 con người với những số phận éo le cùng nhiều mảnh đời bất hạnh khác nhau từ khắp nơi đổ về. Nhưng họ cùng có một điểm chung mắc trọng bệnh suy thận phải lọc máu nhân tạo chạy đua từng ngày, từng giờ để sinh tồn, chống chọi với tử thần.

Bằng những việc làm bình dị âm thầm, lặng lẽ nhưng đầy tình nghĩa, nhiều năm qua những cán bộ chiến sĩ Cảnh sát khu vực Công an phường Đồng Tâm đã tận tình giúp những công dân đặc biệt ở "xóm chạy thận" được sống trong yên bình, ổn định, an tâm trị bệnh và giúp họ thêm khát vọng sống, nghị lực vươn lên để chiến thắng bệnh tật hiểm nghèo, tin tưởng vào ngày mai tươi sáng hơn.

Chia sẻ với những khó khăn bà con nơi "xóm chạy thận".

1. Từng nhiều năm gắn bó với những cư dân của "xóm chạy thận" nghèo, Thiếu tá Trịnh Hoài Nam, Trưởng Công an phường Đồng Tâm cùng Trung úy Đặng Nam Phương - cán bộ Cảnh sát khu vực của "xóm chạy thận" dẫn chúng tôi đến đây trong cái rét ngọt còn vương lại của những ngày xuân.

Thiếu tá Trịnh Hoài Nam bộc bạch rằng: Khi Bệnh viện Bạch Mai thành lập Khoa Thận nhân tạo ở khu vực ngõ Cột Cờ, đường Lê Thanh Nghị cũng hình thành nên một khu xóm trọ dành cho các bệnh nhân phải đi chạy thận. Trải qua bao thăng trầm mưa nắng, đã có hàng nghìn con người từng sống qua nhiều thế hệ ở đây để "thi hành án chung thân" với bệnh viện trong suốt những năm tháng cuối đời. Càng ngày, bệnh nhân chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện Bạch Mai tập trung ở đây ngày một nhiều.

Hiện nhân khẩu trong "xóm chạy thận" có khoảng gần 150 người ở khắp các tỉnh thành trong cả nước: Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hà Giang, Tuyên Quang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị… nhưng tất cả xem đây như ngôi nhà thứ hai của mình. Người cao tuổi nhất trong "xóm chạy thận" là hai bác Nguyễn Văn Mão, Dư Thị Tân năm nay đã 81 tuổi, còn người trẻ tuổi nhất là em Nguyễn Như Tuấn Đức, sinh năm 1993 nhưng đã có 12 năm năm "chạy đua” với bệnh suy thận. Họ là một trong hàng trăm những con người đang ngày đêm phải vật lộn với tử thần và hàng ngày bươn trải cuộc sống, vừa chữa bệnh vừa kiếm tiền nuôi bản thân.

Dù được bảo hiểm y tế hỗ trợ 95%, căn bệnh suy thận được ví như loại bệnh "người giàu cũng khóc" vì chi phí điều trị hàng ngày có số tiền rất lớn. Làm gì thì làm, đi đâu thì đi nhưng cứ 72 tiếng đồng hồ mọi người trong xóm lại đến bệnh viện một lần để lọc máu, duy trì sự sống, loại bỏ chất độc trong máu đi và có thêm một dòng máu mới.

Thông thường, mỗi bệnh nhân một tuần đều đặn phải 3 lần "chạy thận", mỗi lần 4 tiếng. Chi phí mỗi lần khoảng gần 400.000 đồng cùng số tiền ngót nghét gần 1 triệu bạc cho các loại thuốc khác hỗ trợ như tăng hồng cầu, sắt, đạm… Cộng với cả số tiền thuê nhà, sinh hoạt điện nước, ăn uống… mỗi tháng những bệnh nhân ở xóm  phải chi phí số tiền không dưới 4,5 triệu đồng. Mọi người làm đủ thứ nghề: Đánh giầy, chạy xe ôm, bán nước trước cổng bệnh viện, bán ngô, bán xôi, bán chè để lo miếng cơm manh áo và có tiền chữa bệnh, trang trải cuộc sống.

 Biết bao đêm trăn trở, suy nghĩ tìm cách chia sẻ, quan tâm động viên những cư dân nơi "xóm chạy thận", Thiếu tá Trịnh Hoài Nam cùng các chiến sĩ Cảnh sát khu vực đã trực tiếp đến Khoa Thận nhân tạo của Bệnh viện Bạch Mai để tìm hiểu về những cư dân và bệnh tình của họ.

Nhìn cảnh người bệnh nằm liên tục trên giường 4, 5 tiếng đồng hồ để chạy thận, lọc máu mà mỗi lần phải chạy 2, 3 lần như thế, các anh trào lên một nỗi thương cảm và quyết tâm làm việc thật tốt để giúp đỡ, phục vụ cho những cư dân "xóm chạy thận". Các anh dành nhiều thời gian đi bộ xuống xóm tiếp xúc, gần gũi với từng bệnh nhân chạy thận để hướng dẫn họ giải quyết những khúc mắc trong thủ tục hành chính, thủ tục đăng ký tạm trú - tạm vắng, đồng thời vận động bà con tích cực tham gia phong trào toàn bảo vệ an ninh trật tự trong khu vực.

Tuần tra duy trì an ninh trật tự nơi "xóm chạy thận".

Trung úy Đặng Nam Phương phấn khởi khoe với chúng tôi rằng: Hiện ban ngày anh đang theo học tại Học viện Cảnh sát nhân dân nên cứ hết giờ học tập tại trường, buổi tối là anh lại trở về xóm trọ dành thời gian thăm hỏi, đi sâu, bám sát, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của từng người trong xóm; động viên họ yên tâm điều trị bệnh, vững tin vào ngày mai tươi sáng hơn. Nhiều đêm mưa rét, anh không quản ngại gian khổ, đến xóm trọ để phối hợp với cán bộ cơ sở giải quyết những vụ mâu thuẫn trong nội bộ xóm.

Trong xóm, hộ gia đình nào cũng có hoàn cảnh kinh tế vô cùng khó khăn nên dẫn đến tình trạng vợ chồng xích mích với nhau, tưởng như không thể hòa giải được, anh đã gặp gỡ, động viên từng người và tìm cách tác động tới họ xóa bỏ những bất hòa với nhau, để hướng tới mục tiêu cùng hòa thuận ấm êm hạnh phúc trong gia đình.

Cảm động trước nghĩa cử cao đẹp của người chiến sỹ Công an, những gia đình này đã hàn gắn những rạn nứt và sống với nhau đầm ấm… Một đôi vợ chồng khác tưởng chia tay nhau đến nơi xuất phát từ nguyên nhân đã rất lâu hai vợ chống chung sống với nhau mà mãi không thể có con nhưng được anh tác động, hòa giải nhiều lần đã quay lại chung sống với nhau hòa thuận, hạnh phúc.

Có những thời kỳ trên địa bàn của xóm  do anh quản lý thường bị kẻ gian đột nhập lấy trộm điện thoại, tivi, xe đạp…, anh đã nhiều đêm không ngủ, cùng với nhân dân lăn lộn tuần tra, tuyên truyền ý thức phòng ngừa đến từng nhà dân và bắt giữ được các đối tượng phạm tội. Từ những việc như thế đã tạo ra được niềm tin với những cư dân trong xóm, trở thành chỗ dựa tích cực cho lực lượng Công an phường trong đấu tranh phòng, chống tội phạm…

2. Cách đây không lâu cuốn sách "Ở trọ trần gian" đã gây xúc động cho hàng vạn đọc giả. Tác giả của cuốn sách là một cô gái trẻ có tên Nguyễn Hồng Công đã từng sống ở "xóm chạy thận".

Trước khi qua đời, Nguyễn Hồng Công đã có hơn 10 năm sống nhờ chiếc máy lọc máu nhân tạo vì thận của cô đã hỏng hoàn toàn. Trên giường bệnh, khi phải đối mặt với "tử thần", vật lộn với cái chêt, trong từng trang viết của cô vẫn đầy ắp niềm lạc quan, yêu đời cùng những tiếng nói yêu thương, sự sẻ chia và cả nghị lực sống của một người tự ví những ngày mình đang sống chỉ là "ở trọ trần gian".

Thiếu tá Hà Sĩ Hiệp - cán bộ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an TP Hà Nội đã từng có quãng thời gian 10 năm gắn bó làm Cảnh sát khu vực của "xóm chạy thận" kể lại rằng: Trong cuốn sách “Ở trọ trần gian” nhiều lần Hồng Công đã nhắc đến anh. Đó là lần đầu anh đến với xóm trọ khi nhìn thấy Hồng Công, anh liền nói: Ôi sao cô này xinh và trẻ quá vậy mà đã nghiện nặng đến thế cơ à?

Vì người chạy thận nhân tạo sau những lần lọc máu da ai cũng xám ngoét, tay đầy những vết kim tiêm. Lúc ấy, Hồng Công giận anh lắm nhưng sau nghĩ lại càng hiểu và mến anh hơn vì có lẽ ai đến xóm trọ lần đầu tiên cũng đều có chung suy nghĩ như vậy. Chính anh là làm điểm tựa tinh thần mang lại nghị lực, niềm tin cho Hồng Công và cho rất nhiều những số phận éo le và mảnh đời bất hạnh khác.

Cảnh sát khu vực động viên, thăm hỏi những cư dân "xóm chạy thận".

Bằng tình cảm, trách nhiệm của mình, anh đã giúp cho nhiều cư dân của xóm làm hộ khẩu cho con cái họ được ăn học tại Hà Nội. Nhận cuốn sổ hộ khẩu từ tay anh, những cư dân xóm vô cùng xúc động…

3. Chia tay các chiến sĩ Cảnh sát khu vực Công an phường Đồng Tâm cùng bà con nơi "xóm chạy thận" bằng những cái bắt tay thật chặt, nồng ấm tình cảm. Ngoài trời nắng xuân đã kịp ùa về, hương xuân nồng ấm lan tỏa trên từng ngôi nhà, góc phố. Với những bệnh nhân chạy thận, khó khăn là thế nhưng họ vẫn gắn bó, đùm bọc nhau, cùng vượt qua hoạn nạn, chống chọi với bệnh tật và cùng nhau chia sẻ những tiếng cười lạc quan giữa những lo toan, đau đớn hàng ngày.

Những việc làm, sự quan tâm giúp đỡ chân thành từ những chiến sĩ Cảnh sát khu vực với cho bà con "xóm chạy thận" thật đẹp, đầy ý nghĩa và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Phần thưởng lớn nhất đối với những chiến sĩ Cảnh sát nơi đây đó chính là sự tin yêu của nhân dân, là niềm vui nhỏ bé mà các anh mang lại cho xóm trọ nghèo.

Việt Hưng
.
.
.