Cảnh giác với trò chơi chết người trên internet
Momo - trò chơi trên mạng được xem là “đàn em” của trò chơi chết người “Cá voi xanh” từng gây náo loạn cả thế giới với những hậu quả khôn lường với giới trẻ. Những ngày qua, truyền thông thế giới đã đề cập rất nhiều để cảnh báo về mức độ cực kỳ nguy hiểm của trò chơi này, bắt đầu từ cái chết của một em bé 12 tuổi người Aghentina.
Ở nhiều nước, trò chơi Momo đã bắt đầu “tấn công” giới trẻ qua các kênh youtube. Thời điểm này ở Việt Nam chưa ghi nhận việc xuất hiện của trò chơi chết người này, tuy nhiên nó đang tạo ra một tâm lý cực kỳ lo lắng cho các phụ huynh.
Mới đây, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có công văn gửi tới Google, pháp nhân chủ quản của kênh YouTube, yêu cầu Google có hành động đối với clip nguy hại này, nhằm ngăn chặn những tác động xấu có thể xảy ra với giới trẻ Việt.
Momo là một trò chơi vượt qua thử thách. Muốn tham gia vào trò chơi, người chơi phải tải các ứng dụng Whatsapp. Thử thách này bắt đầu bằng hình ảnh ám ảnh của một người phụ nữ với đôi mắt lồi và mái tóc dài. Đây là hình ảnh lấy từ tác phẩm điêu khắc thuộc sở hữu một công ty chuyên về dàn dựng, hiệu ứng hình ảnh tại Nhật Bản, được tải xuống từ Instagram.
Thử thách Momo bắt đầu lan truyền từ một tài khoản facebook khuyến khích mọi người tải, cài đặt ứng dụng vào điện thoại của mình. Sau khi người chơi cài ứng dụng, cho phép truy cập vào bộ nhớ điện thoại, họ sẽ nhắn tin đến các số lạ theo chỉ dẫn, làm theo thử thách được đưa ra, rồi sau đó lại chuyển tiếp cho người khác để không bị rơi vào "lời nguyền".
Lợi dụng số điện thoại liên hệ của người chơi, ứng dụng này có thể truy cập và lấy cắp thông tin cá nhân từ các tài khoản mạng xã hội, sau đó uy hiếp nạn nhân. Khi tham gia vào trò chơi, người chơi sẽ được chính nhân vật này gửi cho những hình ảnh bạo lực, hướng dẫn tham gia vào từng bước của trò chơi.
Thực chất các thử thách đều liên quan đến việc tự làm đau đớn mình và sau đó là tìm đến cái chết. Nếu người chơi muốn dừng lại giữa chừng, không chơi tiếp, nhân vật sẽ liên tục gửi tin nhắn đe dọa nạn nhân, lôi kéo họ quay trở lại làm theo mệnh lệnh của trò chơi.
Đối tượng mà thử thách Momo nhắm đến là giới trẻ, đặc biệt là trẻ em, những người có vấn đề tâm lý như trầm cảm, căng thẳng, có thể dễ dàng làm theo những lời xúi giục điên rồ.
Trò chơi Momo khiến các phụ huynh vô cùng lo lắng. |
Trên mạng xã hội, rất nhiều cư dân tỏ ra lo lắng, nhất là các bậc phụ huynh. Anh Phan Tuấn Nghĩa, nickname Bố Cu Bột chia sẻ: “Mình đã xem trên facebook của một người bạn Hàn Quốc, khi anh này đưa lên đó clip về toàn bộ quá trình một người chơi kết nối với Momo.
Sau khi cài đặt ứng dụng và gửi tin nhắn đến ứng dụng, anh này nhận lại được những hình ảnh và âm thanh vô cùng rùng rợn, nghe rất sợ hãi. Tiếp sau đó là cuộc điện thoại từ Momo chứa những âm thanh kỳ lạ, ma quái.
Mình thấy ngay cả người lớn khi được nghe những âm thanh, hình ảnh khủng khiếp như vậy còn hoang mang sợ hãi, huống gì con em chúng ta, những đứa trẻ còn nhỏ tuổi, còn non nớt. Chúng vì sợ hãi bị trừng phạt mà sẽ sẵn sàng làm theo các bước mà Momo hướng dẫn. Mỗi bước lún sâu vào trò chơi, nạn nhân sẽ đến gần cái chết hơn.
Có rất nhiều thử thách mà Momo đặt ra cho nạn nhân, trong đó có cả việc dùng dao đâm vào người thân của mình, và kết thúc là đặt camera ghi lại quá trình mình treo cổ tự tử. Thật là một trò chơi cực kỳ nguy hiểm, mình đánh giá nó còn nguy hiểm hơn cả trò chơi “Cá voi xanh” mà cả thế giới sợ hãi trước đó nữa. Mọi người hết sức cảnh giác nhé”.
Nhiều bạn trẻ Việt chia sẻ trên facebook, họ cũng đã đọc và tìm hiểu về trò chơi này nhưng chưa từng tham gia, thậm chí ngay sau đó họ phải quên ngay vì sợ ám ảnh. Dọc phố Đinh Tiên Hoàng, có một nhóm bạn trẻ đang ngồi uống trà sữa và truy cập mạng. Khi chúng tôi hỏi bạn có quan tâm đến trò chơi Momo và biết gì về trò chơi này, thì cả nhóm đều trả lời rằng rất sợ.
Bạn nữ Gia An nói: “Em chỉ nhìn hình ảnh con Momo mắt lồi ra là đã sợ kinh khủng rồi, không dám tham gia vào trò này đâu. Em mong mọi người cũng tẩy chay trò chơi này, quá nguy hiểm”.
Bạn trai Đinh Tú thì nói: “Thực sự em cũng đã đọc về trò chơi nguy hiểm này, thậm chí tò mò tìm hiểu cách thức chơi. Nhưng qua báo chí, truyền thông vừa rồi, em thấy ở nhiều nước, đã có người chơi bị chết vì tham gia trò chơi này không thoát ra được em cũng hoảng. Thôi nếu có chơi thì em chỉ chọn những trò lành mạnh thôi, chứ chơi game để hậu quả phải chết thì em không bao giờ”.
Nhiều thanh niên trên thế giới từng mất mạng vì tham gia trò chơi “Cá voi xanh”. |
Các chuyên gia nhận định, những trò chơi nguy hiểm kiểu như momo thường để dụ những trẻ em nghiện game, có vấn đề về tâm lý như trầm cảm, cô đơn, cha mẹ bỏ rơi hay trẻ em tự kỷ. Hiện tại, Youtube Kids đang là ứng dụng phổ biến với khán giả nhỏ tuổi trên khắp thế giới. Vậy nên các bậc phụ huynh phải đặc biệt lưu ý trước khi các con mình trở thành nạn nhân của thử thách Momo.
Được biết, trò đùa bệnh hoạn này rất phổ biến tại khu vực Mỹ Latinh, đồng thời nó cũng đã bị cảnh báo tại rất nhiều quốc gia, trong đó có Argentina, Mexico, Mỹ, Pháp và Đức.
Nạn nhân chủ yếu là các em nhỏ ở lứa tuổi vị thành niên. Do vậy, người sử dụng WhatsApp đang được khuyến cáo không liên lạc với các số điện thoại lạ hoặc tham gia vào các nhóm chat cộng đồng và gửi đi. Dù trò chơi chưa lan truyền đến các nước khu vực Đông Nam Á và Việt Nam, nhưng các bậc phụ huynh cũng nên cảnh giác, vì tốc độ lan truyền của internet thì không thể lường trước được.
Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin - Truyền thông cho hay, cùng với việc gửi đơn đến Google, Cục đã đề nghị Google trong lúc gỡ bỏ các clip độc hại liên quan đến trò chơi Momo theo quy trình cần áp dụng biện pháp để chặn, lọc sự xuất hiện và phát tán của clip này trên YouTube.
Đồng thời tăng cường bộ lọc, kiểm duyệt để các clip có nội dung độc hại tương tự không tiếp tục xuất hiện trên YouTube. Phía Google cũng đã có phản hồi tích cực và đến thời điểm này nhiều clip hướng dẫn tự sát của trò chơi đã được gỡ bỏ, ông Tự Do cho biết.
Ông Lê Quang Tự Do khuyến cáo thêm, bên cạnh sự giám sát, xử lý theo pháp luật của cơ quan quản lý nhà nước, người dùng Internet cũng cần phát huy quyền của mình. Khi phát hiện các thông tin xấu, độc hại, ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng, xã hội, có thể gây ra hậu quả xấu, người dùng có thể sử dụng tính năng report để báo cáo sự việc. Việc mỗi người dùng Internet, mạng xã hội có ý thức bảo vệ môi trường mạng trước những thông tin rác, phản ánh kịp thời sẽ rất hiệu quả vì môi trường mạng quá rộng, lượng thông tin rất lớn.
Việc trẻ em tiếp xúc với internet ngày hôm nay là đương nhiên, không thể tránh khỏi. Chính vì vậy, vai trò của người lớn trở nên đặc biệt quan trọng. Để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của thông tin rác đến giới trẻ, đặc biệt là trẻ em, thì vai trò định hướng, giám sát, hỗ trợ của gia đình, bố mẹ, những người gần gũi với trẻ rất cần thiết.
Dạy trẻ em sử dụng internet vào những việc hữu ích, tránh xa các trò chơi nguy hiểm. |
Một số chuyên gia an ninh mạng cũng lên tiếng cảnh báo về tác hại của những trò chơi nguy hiểm thông qua các ứng dụng trên internet. Trẻ em hiện nay sử dụng quá nhiều thiết bị công nghệ, ít bị giám sát của phụ huynh, do các em phải sử dụng công nghệ vào việc học tập nữa.
Nhưng nếu các em đã quan tâm đến một trò chơi nguy hiểm nào đó và dấn bước vào trò chơi đó, mọi việc sẽ không thể kiểm soát. Những trò chơi độc hại sẽ khiến người tham gia mê muội một cách mù quáng, yếu ớt về tinh thần, từ đó sa sút học hành và hoảng loạn trong cuộc sống. Nguy hiểm hơn ở chỗ, đây là những trò chơi mà chúng ta hoàn toàn chưa giám sát được.
Những người trẻ, khi tham gia bất kỳ trò chơi nguy hiểm nào trên mạng xã hội cũng nên tìm hiểu thật kỹ về sự ảnh hưởng cũng như tác hại thực của nó. Để khi chơi không bị sa đà vào những trò chơi không giúp ích công việc, học tập, giá trị cuộc sống.
Tổ chức An ninh Trực tuyến Quốc gia (National Online Safety - NOS) có trụ sở chính tại Anh đã tung ra một bản hướng dẫn cho toàn thể mọi người, bao gồm các cách đề phòng ngừa và giảm thiểu mọi rủi ro xuống mức thấp nhất cho trẻ em khi tham gia sử dụng Internet, mạng xã hội. Theo đó, cha mẹ hãy khẳng định với con của mình rằng những nhân vật như Momo là không có thật. Hãy đảm bảo rằng những đứa trẻ còn ngây thơ phải hiểu rõ Momo chỉ đơn giản là một nhân vật hư cấu, không có thực và đó chỉ là ai đó mượn hình đội lốt trên Internet. Rằng kẻ xấu đó không thể làm hại chúng ta, cũng như không có khả năng nào để khiến mình bị ảnh hưởng, kể cả khi không làm theo lời đe dọa của chúng trong video. Phụ huynh hãy kèm theo lời nhắc không khuyến khích trẻ em tự tìm về từ khóa hay các nội dung liên quan có hình ảnh Momo nữa. Hãy cố gắng ở cạnh trẻ em khi chúng dùng Internet. Việc này sẽ giúp bạn hiểu rõ được con em trong nhà có thói quen xem gì, tìm gì trên Internet và từ đó định hướng rõ hơn cho chúng về những gì là tốt, xấu, thậm chí giải quyết vấn đề tâm lý nếu nhỡ chẳng may chúng đã từng xem phải một nội dung tiêu cực. Ngoài ra cha mẹ hãy thường xuyên nói chuyện và trao đổi với trẻ em về các vấn đề trên Internet. Không phải cứ những chuyện thời sự cứng nhắc là chỉ có người lớn mới đáng bàn bạc, hãy tập cho trẻ em thói quen theo dõi dư luận ngay từ bây giờ, đặc biệt là vấn đề này có liên quan trực tiếp tới chúng. Nếu thực hiện được thành thói quen, các cách hiểu sai của trẻ em sẽ được tháo gỡ, phần nào giúp chúng cứng cáp hơn khi tự mình sử dụng Internet. Cùng với đó, đảm bảo rằng cha mẹ đã cài đặt sẵn các tính năng bảo mật và giới hạn truy cập. Nhiều thiết bị và ứng dụng hiện nay có chứa các chức năng dành cho bố mẹ hoặc người quản lý, nhằm mục đích giới hạn quyền truy cập tới một số thể loại nội dung hoặc thời gian dùng Internet. Ngoài ra, hãy tắt các chức năng tự gợi ý trên các ứng dụng như YouTube, vì thời gian đầu nó có thể vô tình đưa ra các nội dung không phù hợp, khó đoán so với sở thích của trẻ em. Hãy chủ động đề cập với trẻ em về suy nghĩ của chúng. Nếu trẻ em đang bối rối và có phần không biết xử lý thế nào, cứ mạnh dạn trao đổi cùng chúng còn hơn là im lặng. Và cuối cùng, cha mẹ hãy nắm rõ các nguồn website trẻ em yêu thích. Có rất nhiều công cụ để biết được điều này, chẳng hạn như kiểm tra lịch sử truy cập web của trình duyệt. Tuy nhiên, hãy thận trọng với ngôn từ khi trao đổi với trẻ, vì chúng có thể hiểu lầm là mình bị theo dõi quá trớn và trở nên mất tự nhiên cũng như độ tin tưởng khi chia sẻ. |