Cảnh giác với những thủ đoạn "chạy" vào các trường Công an

Thứ Tư, 08/03/2017, 12:49
Thời gian vừa qua, cơ quan CSĐT Công an Đà Nẵng và các tỉnh, thành cũng đã liên tiếp triệt phá, khởi tố nhiều đối tượng, đường dây “xin việc, chạy trường Công an” lên đến hàng tỉ đồng…


Chẳng liên quan gì đến ngành Công an, nhưng gã giám đốc “Công ty tư vấn du học và việc làm” Nguyễn Sông Thao vẫn tự “nổ” có thể chạy cho thí sinh vào học trường Trung cấp Cảnh sát để chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân.

Đáng báo động, gã giám đốc và chiêu lừa chạy trường Công an không chỉ là trường hợp lừa đảo duy nhất tại TP Đà Nẵng bị phát hiện.

Thời gian vừa qua, cơ quan CSĐT Công an Đà Nẵng và các tỉnh, thành cũng đã liên tiếp triệt phá, khởi tố nhiều đối tượng, đường dây “xin việc, chạy trường Công an” lên đến hàng tỉ đồng…  

Chân dung thật của gã Giám  đốc lừa

Ngày 2-3, cơ quan CSĐT Công an quận Cẩm Lệ cho biết: Từ đơn trình báo của bị hại, sau hơn 1 tháng khẩn trương vào cuộc xác minh, cơ quan CSĐT Công an quận  Cẩm Lệ (TP. Đà Nẵng) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối tượng Nguyễn Sông Thao (35 tuổi, quê Phú Thành, Yên Thành, Nghệ An, hiện trú số 68 Phạm Tứ, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) thời hạn 4 tháng để điều tra, làm rõ về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Được biết, trước khi bị bắt, Thao đã thuê nhà số 68 - Phạm Tứ (thuộc địa bàn phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) để tạm trú và hoạt động kinh doanh lĩnh vực thầu xây dựng, tư vấn du học. Trong quá trình hành nghề, Thao đăng ký thành lập Công ty cổ phần Tư vấn Du học Nhật Minh Thịnh do Thao làm giám đốc.

Với chức danh này cùng tài nổ của mình, Thao đã đánh vào sự cả tin của các nạn nhân, để thực hiện nhiều phi vụ lừa đảo “giới thiệu” du học.

Đặc biệt, Thao còn tự lòe quen biết nhiều cán bộ cấp cao của lực lượng Công an ngoài “Tổng cục”, nên có thể chạy “giấy nhập học” cho các thí sinh vào học các trường trung cấp, đại học của ngành Công an” để chiếm đoạt hàng tỉ đồng…

Nạn nhân “chạy trường Công an” của Thao là ông Nguyễn Văn Qua (46 tuổi, trú Hòa Hiệp Bắc, Liên Chiểu, Đà Nẵng). Theo kết quả điều tra của Công an quận Cẩm Lệ thì, vào khoảng tháng 7-2016 ông Qua có quen biết và tâm sự với bà Lê Thị Bông (46 tuổi, trú Hòa Hiệp Bắc) về việc con trai ông Qua là em Nguyễn T.D. (29 tuổi) có nguyện vọng thi vào Trường Đại học Cảnh sát nhưng thiếu điểm.

Cơ quan điều tra tống đạt quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố, bắt tạm giam đối với bị can Nguyễn Sông Thao.

Là chỗ thân tình như người nhà với ông Qua, lại được một người tên Thanh (không rõ tên tuổi, địa chỉ) mách nước nên bà Bông đã giới thiệu ông Qua đến gặp “quý nhân” là Nguyễn Sông Thao. Người tên Thanh này còn cho bà Bông, ông Qua biết thông tin Thao là một giám đốc công ty tư vấn du học và việc làm, có nhiều mối quan hệ với các sếp Công an. Và Thao không chỉ có thể xin được cho con trai ông Qua vào nhập học tại Trường Trung cấp Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, mà giá xin học cũng rất “mềm”…

Nhưng cả bà Bông và ông Qua không thể ngờ, thực chất giám đốc Nguyễn Sông Thao chỉ là một gã lừa đảo chính hiệu. Đang lúc bị nhiều  gia đình du học sinh tố giác lừa bịp và đòi lại số tiền đã đóng cho gã, để xoay tiền trả nợ, Thao bèn nảy ra chiêu lừa đảo khác để chiếm đoạt tài sản của “khách hàng”. Nạn nhân lần này của Thao không ai khác là ông Qua và Bông.

Để lấy lòng tin của ông Qua, mặc dù chỉ làm công ty tư vấn du học và nghề tay trái là thầu xây dựng cò con không hề quen biết hay có chức năng nhiệm vụ gì trong lực lượng Công an nhưng Thao vẫn liên tục “nổ” và hứa hẹn sẽ: “Thu xếp cho cháu nó vào học trường Trung cấp Cảnh sát” đóng tại tỉnh Quảng Nam cho gần nhà.

Thao còn khoe, hiện đang còn một suất “ưu tiên” của ngành, Thao được quyền tự tuyển dụng. Muốn có được suất này gia đình ông Qua phải giao cho Thao tổng số tiền là 400 triệu đồng…

Tin lời Thao, ngày 31-7-2016, ông Qua và bà Bông đã giao cho Thao 200 triệu đồng và yêu cầu Thao viết giấy “biên nhận” số tiền trên với lý do nhận tiền để chạy điểm cho con trai ông Qua.

Tuy nhiên, sau khi nhận số tiền 200 triệu đồng, Thao lại nói sợ rắc rối về pháp luật sau này nên chỉ đồng ý viết giấy vay tiền theo mẫu đã thảo sẵn. Sau đó hắn sử dùng số tiền trên để trả nợ và tiêu xài cá nhân.

Đến khi tiêu hết số tiền 200 triệu đồng, nhưng lại không hề có “giấy báo nhập học” như đã hứa, Thao bèn nghĩ ra chiêu: Gọi điện cho bà Bông, ông Qua nói sắp có quyết định nhập học và yêu cầu giao nốt số tiền 200 triệu còn lại để nhận quyết định.

Tưởng thật, ông Qua mừng rỡ vội đem tiếp 200 triệu còn lại như thỏa thuận đến nhà giao cho Thao vào ngày 1-9-2016. Chưa hết, chừng một tháng sau, vào đầu tháng 11-2016, Thao lại điện thoại cho ông Qua nói đã có quyết định nhập học cho con ông Qua và vòi ông thêm hai lần mỗi lần 20 triệu tiền “công tác phí” và tiền “gặp gỡ các sếp” để Thao ra Hà Nội lấy quyết định nhập học về. Tổng cộng ông Qua phải giao cho Thao là 440 triệu đồng…

Sau nhiều tháng chờ đợi, điện thoại liên tục hối thúc vẫn tiền mất, tật mang… đến cuối tháng 1-2017 nhận thấy Thao đã lừa đảo, để chiếm đoạt tiền của mình và việc Thao “nổ” xin vào học trường Trung cấp Cảnh sát là không có thật…, ông Qua đã vội vã tìm đến Công an quận Cẩm Lệ để yêu cầu được giúp đỡ…

Nguyễn Sông Thao tại cơ quan điều tra.

Cảnh giác muôn kiểu lừa chạy trường Công an

Theo các cán bộ Đội Điều tra Tổng hợp Công an quận Cẩm Lệ, sau khi sự việc lừa đảo bị bại lộ, Thao đóng cửa nhà số 68 - Phạm Tứ và cùng vợ con bỏ đi khỏi địa bàn Đà Nẵng. Riêng bà Lê Thị Bông, khi thấy Thao đã nhận tổng cộng 440 triệu đồng của ông Qua nhưng vẫn không giao được quyết định nhập học như đã hứa.

Tuy chỉ là người trung gian giới thiệu giúp, nhưng nhận thấy bản thân có trách nhiệm, bà Bông đã tự lấy tiền của gia đình mình trả lại 400 triệu đồng cho ông Qua và hy vọng sẽ “đòi lại” tiền từ Thao. Tuy nhiên, ngoài 87 triệu đồng được Thao ứng trả lại thì bà Bông hoàn toàn bị mất trắng.

Cùng với ông Qua, ngày 26-1-2017, bà Bông đã làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo của Thao đến Công an quận Cẩm Lệ. Cả bà Bông và ông Qua cũng không thể ngờ, đâu chỉ một phi vụ lừa xin chạy học vào trường Trung cấp Cảnh sát, cơ quan CSĐT còn phát hiện nhiều nạn nhân sập bẫy xuất khẩu du học của “giám đốc” Thao lên đến hàng tỷ đồng.

Thao rất tinh vi, có những vụ Thao còn làm cốt vé máy bay giả và cho nạn nhân ra Hà Nội để bay đi du học, nhưng đến khi vào sân bay thì mới biết sự thật cay đắng…

Đáng nói, cũng tương tự chiêu lừa xin nhập học trường Công an này, vào  ngày 21-2, Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Đắk Lắk cũng đã có quyết định khởi tố, bắt tạm giam 2 đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản là Trần Thị Hồng (62 tuổi) và Nguyễn Thị Lý (64 tuổi), đều trú ở thôn 5, xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột.

 Cơ quan Công an đã làm rõ: Từ năm 2011 đến 2015, Hồng nói với Lý là có quen biết với nhiều người có chức vụ đang công tác tại các cơ quan trong tỉnh Đắk Lắk và Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân VI ở Đồng Nai, nên có thể xin việc hoặc vào học trường Công an nhân dân mà không phải qua thi tuyển. 

Qua điều tra, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Đắk Lắk còn xác định Hồng và Lý đã lừa nhận xin việc, xin đi học cho hàng chục trường hợp, chiếm đoạt 3 tỷ 190 triệu đồng.

Không chỉ ở Đà Nẵng và các tỉnh Tây Nguyên, vào đầu tháng 1-2017, Cục Cảnh sát hình sự (C45), Bộ Công an cũng đã triệt phá một đường dây lừa đảo xin việc làm, xin đi học, xin nâng điểm thi… do Ngọ Thị Hoa (42 tuổi, trú tại phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) cầm đầu.

Theo đó, Hoa đã “phủ sóng” lừa đảo tại 26 tỉnh, thành trên toàn quốc như: TP. Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai từ năm 2014 đến nay...

Một “trung gian” của Hoa và bị cuốn vào chiêu lừa đảo chạy trường của đối tượng là chị Nguyễn Thị Th. H. (Hà Nội) cũng đã tố giác: “Do quá tin tưởng Hoa, không xác minh các mối quan quan hệ mà cô ta vẽ ra nên tôi đã đứng ra nhận 24 trường hợp để xin đi học vào các trường Quân đội, Công an với số tiền 5 tỷ 250 triệu đồng để chuyển cho Hoa”…

Cơ quan Công an còn xác định, phương thức, thủ đoạn lừa đảo mà những đối tượng như Hoa, Quân, Hồng, Lý đã thực hiện đều có chung một cách chủ động tiếp xúc, làm quen với nhiều người, thậm chí kể cả những người đã quen biết từ trước để đưa ra các thông tin không có thật như: Có người thân hoặc quen biết với nhiều người là lãnh đạo cấp cao công tác ở Bộ Công an và các trường của lực lượng Công an, nên có thể xin cho con em, người thân của họ được tuyển vào làm nghĩa vụ Công an; xin nâng được điểm khi thi; xin được đi học cử tuyển trong các trường Công an; xin cho những người học ngành ngoài vào công tác tại các trường, các đơn vị Công an…

Khi tiền mất, tật mang, mọi hy vọng con em mình được vào học, làm việc trong lực lượng Công an đều tiêu tan; thì các nạn nhân mới nhận ra, chính sự cả tin, ảo tưởng và không từ thực lực của mình đã tạo điều kiện cho những kẻ lừa đảo hoạt động. Những vụ việc nêu trên là bài học cho nhiều người, nhiều nạn nhân hiện nay không chỉ riêng tại TP. Đà Nẵng mà nhiều bị hại ở các tỉnh, thành phố trong toàn quốc.

Hoài Thu
.
.
.