Cảnh giác các chiêu lừa của "tín dụng đen"

Thứ Tư, 24/02/2016, 21:34
Lấy danh nghĩa như cho vay tín chấp gần như không cần bất cứ điều kiện nào của một số tổ chức tín dụng, các nhóm cho vay nóng đã quảng bá bằng nhiều hình thức khiến không ít người dân sập bẫy, rồi phải gánh chịu hậu quả khôn lường, thậm chí cùng quẫn tìm đến cái chết để tự giải thoát cho mình... Gần đây nhiều nhóm "cho vay không thế chấp, nhận tiền ngay" với lãi suất "khủng" có khi lên tới 15-20%/tháng đã bị Công an TP Hồ Chí Minh triệt phá… Trước thực trạng đầy nguy hại này, Công an TP Hồ Chí Minh đã khuyến cáo người dân cần tỉnh táo với các chiêu lừa của tín dụng đen.


Thủ cả súng quân dụng để đòi nợ "tín dụng đen"

Ngày 17-2, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian qua, hoạt động của tội phạm cho vay nặng lãi, "tín dụng đen" trên địa bàn thành phố ngày càng diễn biến phức tạp. Theo đó, lợi dụng sự thiếu hiểu biết, khó khăn về kinh tế của một bộ phận người dân, những đối tượng này đã tổ chức phát, dán tờ rơi ở các khu dân cư nghèo, các chợ, nơi công cộng với nội dung "cho vay không tín chấp, nhận tiền ngay", thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng, kèm theo số điện thoại liên lạc.

Tuy nhiên, đây thực chất hầu hết là các cá nhân, tổ chức hoạt động dưới hình thức cho vay nặng lãi - "tín dụng đen". Khi các nạn nhân không có khả năng chi trả, chúng sẽ tổ chức đòi nợ kiểu xã hội đen - chửi bới, đe dọa, đánh đập, khủng bố tinh thần, đập phá tài sản, cưỡng đoạt tài sản của nạn nhân. Hậu quả là các nạn nhân rơi vào tình trạng "sống dở chết dở", tiền mất tật mang, gia đình ly tán, thậm chí túng quẫn đến nỗi phải tìm đến cái chết để tự giải thoát.

Theo số liệu của Bộ Công an, chỉ trong bốn năm từ 2010 đến 2014, lực lượng chức năng đã thụ lý 6.367 vụ việc, khởi tố gần 11.000 bị can liên quan đến tín dụng đen, trong đó có nhiều vụ án cực kỳ nghiêm trọng.

Quảng cáo cho vay tiền bằng nhiều hình thức được dán nhan nhản khắp nơi.

Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã xảy ra một số vụ điển hình. Cụ thể, vào ngày 16-12-2015, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) - Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp với Công an quận 8 kiểm tra hành chính các căn hộ tại chung cư S. và chung cư G.V trên đường Tạ Quang Bửu (phường 5, quận 8). Tại đây Công an phát hiện có 22 người (đa số đều có tiền án, tiền sự) không đăng ký tạm trú nên mời về trụ sở làm việc. Điều đáng nói khi khám xét tại một căn hộ của chung cư G.V, cơ quan Công an đã thu giữ được 1 khẩu súng ru-lô, 484 hồ sơ cho vay, 49 sổ theo dõi cho vay và 90 tờ giấy theo dõi tiền góp hàng ngày.

Tại cơ quan điều tra, nhóm này khai nhận, được một người tên Nga (ngụ Hà Nội) thuê vào TP Hồ Chí Minh để thu nợ cho vay. Căn hộ trong chung cư G.V được bà Nga bỏ tiền ra thuê và trả công cho mỗi đối tượng từ 5-7 triệu đồng/tháng. Nhiệm vụ của chúng là đi phát, dán tờ rơi ở các khu dân cư nghèo, khu chợ tại các quận 5, 6, 8 với nội dung "cho vay không thế chấp, nhận tiền ngay" kèm theo số điện thoại.

Khi người dân có nhu cầu vay tiền, chúng yêu cầu thế chấp bản chính sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân (CMND) và được vay với số tiền từ 1-10 triệu đồng, lãi suất từ 10-15%. Khi giao tiền, chúng trừ lại phần lãi 1 tháng, còn lại chia đều trả góp mỗi ngày. Ai không trả đúng hẹn chúng sẽ đe dọa, đánh đập.

Một nhóm khác ở cùng căn hộ tại chung cư S. là Phạm Văn Nhất (SN 1987, Hồng Bàng, Hải Phòng) và Hoàng Xuân Trường (SN 1990, Diễn Châu, Nghệ An) cũng được người chủ tên Lai thuê cho ở kèm theo 4 triệu đồng/tháng cũng làm nhiệm vụ cho vay (15%/tháng) và thu hồi nợ, sau đó chuyển khoản cho Lai... Địa bàn hoạt động của Trường, Nhất là khu chợ vải Soái Kình Lâm, quận 5. Con nợ là các tiểu thương buôn bán nhỏ cần tiền đột xuất để mua hàng… Bước đầu các đối tượng khai mình không cùng một đường dây mà hoạt động theo từng nhóm riêng lẻ.

Trước đó, vào ngày 24-6-2015, Phòng PC45 Công an TP Hồ Chí Minh đã bắt giữ hai đối tượng cho vay nặng lãi, thu giữ 1 gậy sắt, 1 dao dài 15cm. Từ tháng 4-2014 đến tháng 6-2015, các đối tượng đã tổ chức cho vay với lãi suất lên tới 15% - 20% bằng hình thức đóng góp 24 ngày/tháng, với số lượng người vay trên 20 người.

Tương tự, ngày 9-3-2015, tại phường 4, quận 6, Phòng PC45 cũng bắt giữ hai đối tượng cho vay nặng lãi. Khoảng tháng 10-2015, các đối tượng tổ chức cho vay và thu tiền mỗi ngày với lãi suất 15% đóng trong 40 ngày; người vay thế chấp sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân bản chính hoặc bản photo để vay từ 1 đến 10 triệu đồng…

Ngoài những vụ việc cụ thể như đề cập thì từ đầu năm 2016 tới nay, người dân sử dụng điện thoại di động không lạ gì khi liên tiếp nhận được tin nhắn chào mời vay tiền theo hình thức tín chấp của một loạt tổ chức, công ty cho vay tiêu dùng mà thực chất là tín dụng đen. Các tin nhắn đều quảng cáo cho vay tiêu dùng thủ tục đơn giản, nhanh chóng, chỉ cần những giấy tờ đơn giản như CMND, hộ khẩu thường trú, giấp phép lái xe... cùng số điện thoại để khách hàng liên hệ. Và dễ nhận biết nhất là hàng ngày đi qua các con hẻm, khu phố, bờ tường…, mọi người có thể thấy các tờ quảng cáo chào mời cho vay tín chấp được dán khắp mọi nơi. Chưa kể trên mạng internet, mọi người cũng có thể dễ dàng tìm thấy nhiều mẩu giới thiệu, quảng cáo về cho vay tín chấp…

Cảnh giác trước ung nhọt "tín dụng đen"

Theo tìm hiểu chung có thể thấy, lãi suất phổ biến hiện nay được chia làm hai loại: Với những người có tài sản thế chấp như nhà, xe... được vay mức cao nhất lên tới 2 tỷ đồng, lãi suất từ 1 - 2 ngàn đồng/1 triệu đồng/ngày. Còn vay tín chấp, chỉ có giấy tờ tùy thân, hộ khẩu, giấy phép lái xe... thì tùy mức độ người vay sẽ được cho vay với lãi suất cao hay thấp. Nhưng thông thường vào khoảng từ mức 3 - 10 ngàn đồng/1 triệu đồng/ngày…

Với những mức lãi suất cao ngất như thế này nhưng thực tế hoạt động cho vay lại diễn ra khá kín kẽ, âm thầm giữa người vay và người cho vay thông qua giấy viết tay, tiền góp mỗi ngày hai bên tự thỏa thuận. Người đi vay "nóng" chủ yếu cần tiền gấp để xoay xở trong việc làm ăn, thua cờ bạc, nghiện ma túy… Dù thủ tục nhanh gọn và không cần nhiều giấy tờ, nhưng điều đáng nói người cho vay khi quyết định cho ai đó vay tiền cũng đều đã tìm hiểu kỹ nhân thân, nhà cửa, nơi làm việc người đi vay.

Cần cảnh giác trước các chiêu lừa của tín dụng đen.

Một điều ít người vay tiền nào lường đến là khi người vay không có tiền góp mỗi ngày sẽ bị chủ nợ cộng vào tiền gốc để tiếp tục tính lãi. Lãi mẹ đẻ lãi con khi thành số tiền lớn thì chủ nợ yêu cầu người vay ra công chứng ký nhận vay nợ. Và thông thường trong giấy công chứng, người cho vay chỉ ghi lãi suất rất thấp để tránh liên lụy khi bị pháp luật đụng đến. Nhưng thực chất, mỗi ngày người vay phải đóng cho chủ nợ số tiền gấp rất nhiều lần so với tỷ lệ lãi suất ghi tại công chứng. Khi người vay không có tiền để trả góp hằng ngày thì chủ nợ thường xuyên đe dọa, khủng bố tinh thần hoặc gạ gẫm bán rẻ nhà cửa, đất đai để xóa nợ…

Chưa kể, do tín dụng đen "vay dễ vay nhanh" nên người vay ít quan tâm đến các điều kiện ràng buộc khi đi vay, hầu như không đọc kỹ và hiểu hết các điều khoản quy định trong giấy vay, cũng như không tính trước số tiền phải trả lãi trong khi các chủ cho vay khôn khéo chuyển từ cách tính phần trăm sang con số cụ thể. Do đó, họ rất dễ bị thiệt thòi khi đặt bút ký vào giấy vay… Từ những điều này đã gây ra rất nhiều hệ lụy khi phát sinh mâu thuẫn giữa hai bên.

Còn nhớ vào giữa tháng 5-2015, vụ tự tử của ông N.Q.L (Giám đốc Công ty mua bán máy tính ở quận Gò Vấp) do hậu quả từ việc vay tín dụng đen đã khiến dư luận một phen bàng hoàng. Trước khi treo cổ tự tử, ông L. đã để lại một lá thư tuyệt mệnh, tố cáo chủ nợ cho vay nặng lãi. Theo đó, vào giữa năm 2013, vợ chồng ông L. có vay mượn của người đàn ông tên V.T. (ngụ quận Gò Vấp) số tiền 100 triệu đồng để làm ăn và phải góp 4 triệu đồng/ngày và đã góp đủ.

Thời gian sau, vợ chồng ông L. tiếp tục vay người này 300 triệu đồng và phải góp 12 triệu đồng/ngày trong vòng 1 tháng, nhưng do công việc làm ăn khó khăn nên vợ chồng ông L. không góp nổi. Sau một thời gian, V.T. yêu cầu vợ chồng ông L. ra phòng công chứng làm giấy ký nhận vay V.T 800 triệu đồng. Khi biết vợ chồng ông L. bán nhà, V.T lập tức gây áp lực đòi mua rẻ. Không được chấp thuận nên V.T đã tìm mọi cách đe dọa, khủng bố và bắt vợ chồng ông L. phải viết giấy nợ lên 1,2 tỉ đồng… Do không chịu nổi áp lực và quá cùng quẫn, ông L. đã tìm đến cái chết…

Những vụ việc như thế này quả đúng như lời của TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia: "Tín dụng đen là "ung nhọt" của xã hội, đang ngang nhiên lộng hành. "Luật" của tín dụng đen rất đáng sợ. Trong thời gian gần đây, tình trạng tín dụng đen vẫn tồn tại, hoạt động, quy mô trên toàn lãnh thổ Việt Nam có thể lên tới hàng chục triệu USD. Vì thế, cần phải có giải pháp để hạn chế đến mức thấp nhất loại "ung nhọt" này".

Trước tình hình trên, để góp phần nâng cao tinh thần cảnh giác, ngăn chặn kịp thời thủ đoạn của tội phạm cho vay nặng lãi, tín dụng đen, Ban Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ Công an thành phố triển khai đến cán bộ, đảng viên và nhân dân về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm cho vay nặng lãi, tín dụng đen để người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, ngăn chặn kịp thời thủ đoạn của bọn tội phạm này. Đồng thời, tăng cường công tác nắm tình hình, quản lý nhân hộ khẩu, quản lý đối tượng, tăng cường kiểm tra hành chính những trường hợp nghi vấn, nhất là những hộ ngăn phòng cho thuê, chung cư cao tầng... không để loại tội phạm này hoạt động trên địa bàn.

Phú Lữ
.
.
.