Cảnh báo tử vong từ ngộ độc ốc biển
1. Người phụ nữ vấp phải “tai nạn ẩm thực” mới đây nhất là chị Huỳnh Thị Sen (26 tuổi) trú ở thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn, giáo viên tin học tại Trường THCS Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.
Theo bác sĩ Trần Quốc Việt – Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn ở thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn cho biết, chị Huỳnh Thị Sen được người thân đưa đến khoa cấp cứu bệnh viện lúc 21h ngày 10-7-2018 trong tình trạng tay chân tê rần, sắc da tái nhợt, giọng nói vấp váp không rõ ràng câu chữ, mạch chậm dần sau đó bệnh nhân ngưng thở.
Ê kíp y – bác sĩ trực ban ở Khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn khẩn trương thực hiện các thao tác kỹ thuật truyền dịch, mở nội khí quản cho thở máy nhưng chưa kịp lấy mẫu máu để xét nghiệm thì bệnh nhân lâm tình trạng hôn mê.
Do không có hệ thống thiết bị y tế lọc máu nên Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn quyết định đưa bệnh nhân lên xe cấp cứu để chuyển tiếp vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, nhưng chị Sen đã tử vong trên đường.
Chia sẻ với báo chí, bác sĩ Trần Quốc Việt khẳng định: “Tôi hành nghề y gần ba chục năm và đã đảm nhiệm không ít ca cấp cứu ngộ độc thực phẩm, nhưng chưa bao giờ gặp bệnh nhân nào ngộ độc nặng, diễn biến bệnh trạng nguy kịch dẫn đến tử vong nhanh như trường hợp chị Sen, thậm chí nhanh hơn những ca ngộ độc cá nóc”.
Thông tin từ gia đình chị Sen cho biết, trước đó vào tầm 17h chiều 10-7, người phụ nữ này có ăn hai con ốc biển đã luộc, một lát sau đã phát sinh một số triệu chứng bất thường nhưng người nhà tự đi mua thuốc điều trị tại gia, đến khi bệnh nhân nôn mửa, tê miệng và tay, cứng cổ, khó nói, thở khò khè… mới đưa đi cấp cứu, nhưng đã quá muộn.
Theo tài liệu phóng viên thu thập được, chị Huỳnh Thị Sen không phải là người đầu tiên vấp phải “tai nạn ẩm thực” bởi loại ốc bùn, mà đã có nhiều trường hợp tử vong xảy ra. Vụ việc nghiêm trọng nhất xảy ra vào sáng 5-1-2015.
Trong lúc hành nghề đánh bắt hải sản trên tàu cá TH-1751 TS ở cách bờ biển Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tĩnh Hà Tĩnh về phía Đông Nam 37 hải lý, ba ngư dân Trần Văn Thức (45 tuổi), Trần Văn Dương (29 tuổi) và Dương Văn Tình (22 tuổi) – cùng trú ở xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa luộc ốc biển để ăn.
Một lát sau, cả ba ngư dân đều lâm vào tình trạng đau đầu, tê liệt tay chân rồi hôn mê. Một tổ công tác của Đồn Biên phòng Cửa Sót lên tàu ra biển hỗ trợ nhóm ngư dân nêu trên đi cấp cứu, nhưng khi đưa họ đến bờ thì cả ba người đều tử vong.
Sau khi phân loại, giám định mẫu ốc khiến ba ngư dân Thanh Hóa ăn bị tử vong, ngày 7-1-2015, Viện Hải dương học kết luận đó là ốc bùn bóng, có tên khoa học là Nassarius (Alectrion) glans glans (Linnaeus,1758).
Ngày 15-12-2014, anh Nguyễn Văn Quý (40 tuổi) trú ở thôn Lạc Tân 2, xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận bắt được 14 con ốc lạ ở vùng biển Phước Diêm đưa về nhà luộc cho mọi người trong gia đình cùng ăn.
Nửa giờ sau, con gái của anh Quý là cháu Nguyễn Thị Ánh Liên (6 tuổi) nôn ra máu, tay chân co giật, tê lưỡi, toàn thân tím tái… dẫn đến tử vong. Ông Quý cùng hai người thân may mắn thoát chết sau nhiều ngày cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận. Viện Hải dương học tại Nha Trang xác định “thủ phạm” khiến cho gia đình anh Quý bị ngộ độc chính là ốc bùn răng cưa.
Cấp cứu bệnh nhân ngộ độc ốc biển. |
Ngày 23-11-2014, anh Lê Hải (39 tuổi), trú ở thôn Mỹ Quang Bắc, xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên bắt được một số ốc biển đưa về luộc cho cả nhà ăn.
Hơn một giờ sau hai đứa con của anh Hải là Lê Cẩm Hiểu (7 tuổi) và Lê Trung Hiên (14 tuổi) lên cơn sốt cao, nóng lạnh, co giật tay chân, tê tái môi miệng. Dù đã được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên cấp cứu, nhưng rạng sáng hôm sau cháu Hiểu tử vong, cháu Hiên may mắn thoát chết sau gần một tuần và điều trị.
Hay trường hợp Lê Văn Dít (26 tuổi), trú ở xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa bị tê lưỡi, liệt dần tay chân sau khi ăn ốc bùn răng cưa được vài phút.
Nạn nhân được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cấp cứu và điều trị, nhưng kết cục không qua khỏi vì lượng độc tố Tetrodotoxins quá cao. Còn anh Nguyễn Ngọc Toàn (37 tuổi) trú ở làng Đầm Môn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa bắt mớ ốc biển về luộc.
Gần nửa giờ sau khi ăn, nôn mửa, môi và chân tay tê rần. Sau nhiều ngày được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa giải độc kết hợp cho thở máy, anh Toàn may mắn thoát chết. Theo mô tả của bệnh nhân, các nhà khoa học xác định anh Toàn bị ngộ độc ốc hương Nhật Bản (Babylonia japonica).
Gần đây nhất vào ngày 17-5 và 26-10-2017, sáu người trong hai gia đình anh Phan Đức Thắng (42 tuổi), trú ở khu phố Khánh Chữ 1, thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận và anh Huỳnh Văn Can (44 tuổi), trú ở xã Hòa Minh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận bị ngộ độc ốc biển, nhưng may mắn thoát chết sau khi được cấp cứu và điều trị nhiều ngày.
Một bệnh nhân ngộ độc ốc biển được cấp cứu kịp thời. |
2. Trở lại trường hợp tử vong của chị Huỳnh Thị Sen – nữ giáo viên ở Bình Định. Khi đưa bệnh nhân đến Bệnh viện đa khoa khu vực Bồng Sơn cấp cứu, người thân mang theo “nghi phạm” là con ốc biển lớn bằng ngón chân cái, màu nâu nhạt, có hình răng cưa trơn nổi trên bề mặt.
Theo nhận định của TS Phạm Xuân Kỳ – Trưởng phòng Hóa sinh biển Viện Hải dương học tại Nha Trang, thuộc Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam, hình ảnh mẫu ốc biển gia đình chị Sen cung cấp có đặc điểm loài ốc bùn răng cưa, tên khoa học là Nassarius papillosus (Linaaeus, 1785). Đây là loại ốc có chứa độc tố Tetrodotoxins với hàm lượng thay đổi theo từng cá thể, trong đó có nhiều cá thể chứa lượng độc tố rất lớn.
Một người thể trạng bình thường chỉ cần ăn 2-3 con ốc bùn răng cưa đã bị ngộ độc và có thể tử vong. Chất độc trong loài ốc này là độc tố thần kinh, gây liệt cơ hô hấp cực nhanh, sau khi ngộ độc chừng nửa giờ, nạn nhân có triệu chứng khó thở, liệt cơ hô hấp…
Nhiều nghiên cứu khoa học về hóa sinh biển trên thế giới đã ghi nhận những trường hợp tử vong do ngộ độc ốc bùn răng cưa tại Nhật Bản, Đài Loan. Ở Việt Nam từ năm 2006 đến nay đã xảy ra hàng chục trường hợp ngộ độc ốc bùn có chứa độc tố Tetrodotoxins tại Quảng Ninh, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận…
Một số chuyên gia ở Viện Hải dương học cho hay, loài ốc bùn răng cưa không phân bố nhiều ở vùng biển Việt Nam, thỉnh thoảng ngư dân mới tìm thấy khi thu nhặt hải sản tự nhiên ven bờ biển nhưng do nhầm tưởng loài ốc nào sinh trưởng ở biển đều có thể ăn được mà không nghĩ đến hiểm họa ngộ độc từ những con ốc lạ.
Ốc bùn răng cưa và ốc bùn bóng - hai trong số các loại ốc bùn có chứa độc tố Tetrodotoxin và Saxitoxin. |
Theo Viện Hải dương học, thời gian gần đây có nhiều loại ốc biển được ghi nhận gây ra ngộ độc. Ốc tù và (Charronia sauliae), ốc hương Nhật Bản (Babylonia japonica), ốc tù và gai miệng đỏ (Tutufa lissostoma), ốc bùn (Niotha, Zeuxis), ốc ngọc (Natica và Polinices didyma) có độc tố Tetrodotoxin.
Ốc mặt trăng (Turban), ốc đụn (The top of shells), ốc trám (Oliva) có độc tố Saxitoxin. Cả hai loại Tetrodotoxin và Saxitoxin đều là độc tố thần kinh cực mạnh, có cấu trúc đặc biệt, không bị phân hủy, biến tính khi xử lý ở nhiệt độ cao nên vẫn tồn tại trong thức ăn đã được chế biến.
Khi ngộ độc sẽ có triệu chứng tê rát môi, lưỡi, chân, tay rồi nôn mửa, đau đầu, khó thở… Nếu không đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời, nạn nhân có thể tử vong sau 30 phút đến 3 giờ.
Cho đến nay chưa có thuốc đặc hiệu điều trị các trường hợp ngộ độc do độc tố Tetrodotoxins và Saxitoxin. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), biện pháp điều trị hữu hiệu nhất khi gặp phải những ca ngộ độc Tetrodotoxin và Saxitoxin là phải kích thích cho nạn nhân phản ứng nôn mửa càng nhiều càng tốt, rồi súc rửa dạ dạy bằng than hoạt tính để thải loại bớt chất độc kết hợp hỗ trợ hô hấp nhận tạo, mở nội khí quản cho thở bằng máy để tránh thiếu ôxy máu và truyền dịch.
Đã có không ít trường hợp ngộ độc ốc biển khá nặng nhưng được đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời, trong khi bệnh nhân Huỳnh Thị Sen bị ngộ độc gần bốn giờ mới được đưa đến bệnh viện là quá chậm trễ.
TS Phạm Xuân Kỳ cảnh báo, một số loài ốc biển thông thường không độc, nhưng bất chợt có thời điểm nào đó phát sinh độc tố. Các nhà nghiên cứu khoa học nghi ngờ độc tố trong ốc sản sinh từ vi khuẩn cộng sinh theo từng thời điểm. Nếu vấp phải sự cố ngộ độc ốc biển với những triệu chứng nêu trên cần phải đưa nạn nhân đến cơ sở y tế cấp cứu trong thời gian sớm nhất.
Bên trong những con ốc lạ có hình dáng đẹp được đánh bắt từ biển ẩn chứa rất nhiều hiểm họa khó lường bởi thứ độc tố thần kinh cực mạnh mang tên Tetrodotoxin và Saxitoxin.Để tránh những cái chết đáng tiếc có thể xảy ra bởi “tai nạn ẩm thực”, mọi người chỉ nên ăn những loại ốc phổ biến lâu nay trong đời sống ẩm thực, đồng thời chủ động cảnh giác từ chối và can khuyên người thân không nên thưởng thức những con ốc lạ.