Cảnh báo tình trạng vận chuyển trái phép tiền tệ khi xuất nhập cảnh

Chủ Nhật, 11/11/2018, 14:20
Hành vi vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới gây ảnh hưởng xấu đến an ninh tiền tệ. Nói rộng hơn, về nhiều mặt nó gây thiệt hại, đe dọa đến sự phát triển của nền kinh tế đất nước, làm biến động giá cả tiền tệ trong nước…


Liên tiếp phát hiện nhiều vụ vận chuyển tiền tệ trái phép

Thời gian gần đây, tại cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, TP Hồ Chí Minh liên tiếp xảy ra các vụ vận chuyển ngoại tệ trái phép số lượng lớn đã bị phát hiện. Trong đó một lượng lớn tiền, ngoại tệ có giá trị lên đến hàng tỷ đồng được các đối tượng giấu trong hành lý, trong người hòng qua mặt các lực lượng chức năng để vận chuyển trái phép, không khai báo hải quan khi làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh.

Với thủ đoạn tinh vi, một số đối tượng đã vận chuyển số lượng tiền, ngoại tệ, vàng trái phép qua biên giới vượt quá quy định và không có giấy phép của ngân hàng, không khai báo hải quan. Khi bị phát hiện, bắt giữ, các đối tượng đều không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của số tiền, vàng mà họ mang theo.

Đối tượng Yung Srey Pov với số tang vật lúc bị bắt giữ.

Vụ việc mới nhất, ngày 23-10-2018, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (Chi cục Tân Sơn Nhất) đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông L.C.Đ và vợ là bà V.T.X.D, cùng ngụ tại tỉnh Lâm Đồng về hành vi mang theo số tiền 200 triệu VND, được để trong hành lý xách tay của bà D. vượt mức cho phép khi xuất cảnh. Hai hành khách này không khai báo hải quan và cũng không xuất trình được giấy phép mang tiền mặt của ngân hàng.

Cơ quan hải quan đã tạm giữ số tiền vượt mức quy định là 170 triệu đồng, tiến hành xử phạt vi phạm hành chính với hai hành khách nêu trên, số tiền mỗi người phải nộp phạt vào ngân sách nhà nước là 15 triệu đồng. Số tiền đã tạm giữ sẽ được trả lại sau khi hành khách chấp hành xong quyết định xử phạt.

Trước đó, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, lực lượng hải quan tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cũng đã phát hiện nhiều vụ cất giấu ngoại tệ nhằm lén lút đem ra nước ngoài có tổng trị giá lên tới hàng tỷ đồng.

Có thể kể như vụ việc ngày 24-7-2018, Chi cục Tân Sơn Nhất đã phát hiện nam hành khách tên T.K (quốc tịch Nhật Bản) đang làm thủ tục xuất cảnh qua chuyến bay AK527 từ TP Hồ Chí Minh đi Kuala Lumpur (Malaysia) cất giấu 97.000 USD, vượt định mức khi làm thủ tục xuất cảnh, không tự giác khai báo hải quan, không xuất trình được giấy phép của ngân hàng.

Hay vụ việc ngày 2-7-2018, Chi cục Tân Sơn Nhất cũng đã kiểm tra và phát hiện một nữ hành khách cất giấu trái phép một lượng ngoại tệ lớn khi làm thủ tục xuất cảnh.

Vị khách có tên N.N.T.T (38 tuổi, quốc tịch Australia). Bà T. đang làm thủ tục xuất cảnh để lên chuyến bay VN582 từ TP Hồ Chí Minh đi Kaohsing (Đài Loan) thì bị phát hiện cất giấu trái phép 18.000 AUD (đô la Australia) - khoảng hơn 300 triệu đồng.

Số ngoại tệ mà hành khách P.T.T.H cất giấu khi làm thủ tục hải quan đi chuyến bay từ TP Hồ Chí Minh - Seoul (Hàn Quốc).

Đáng nói, ngay trong tháng 5-2018, Chi cục Tân Sơn Nhất cũng đã phát hiện hai trường hợp hành khách vận chuyển trái phép ngoại tệ với tổng trị giá lên đến hơn 840 triệu đồng. Cụ thể, vào chiều 16-5, Chi cục Tân Sơn Nhất phát hiện nữ hành khách tên P.T.T.H (38 tuổi) trên chuyến bay từ TP Hồ Chí Minh đi Seoul (Hàn Quốc) cất giấu trái phép số ngoại tệ (7.800 USD, 20.000.000 WON và 300.000 JPY - tương đương hơn 541 triệu đồng).

Một tuần trước đó, vào ngày 8-5, Hải quan Tân Sơn Nhất tiếp tục phát hiện nữ hành khách có tên là L.L.K. (50 tuổi, quốc tịch Australia) trên chuyến bay từ TP Hồ Chí Minh đi Melbourne (Australia) cất giấu số ngoại tệ vượt quy định khi làm thủ tục xuất cảnh, không khai báo hải quan là 17.250 AUD (tương đương hơn 300 triệu đồng).

Cơ quan hải quan đã khởi tố các vụ án nêu trên và phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra, xử lý theo thẩm quyền.

Ngoài cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất xảy ra nhiều vụ việc như kể trên, các đối tượng còn tìm cách ngụy trang để vận chuyển tiền tệ qua biên giới ở các tuyến đường bộ nên việc đấu tranh, bắt giữ các hành vi này gặp rất nhiều khó khăn.

Cụ thể, ngày 13-5-2018, tổ công tác Trạm Kiểm soát Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế (CKQT) Tịnh Biên (Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang) phát hiện Yung Srey Pov (30 tuổi, ngụ tỉnh Takeo, Campuchia) khi làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam không khai báo hải quan, cất giấu trong túi xách đeo trên người hơn 7 lượng vàng 24k; hơn 6 lượng vàng trang sức 18k, 10.000.000 Riel (tiền Camphuchia) và trong cốp xe môtô cất giấu 9.990.000 Riel, 1.000 USD. Tổng trị giá vàng và ngoại tệ tại thời điểm phát hiện gần 450 triệu đồng.

Tại cơ quan điều tra, Srey Pov khai nhận số vàng và ngoại tệ trên là của Srey Pov đem từ nhà sang Việt Nam để trả nợ cho bà P.T.S (là dì ruột, ngụ khóm Xuân Hòa, thị trấn Tịnh Biên, Tịnh Biên), nhưng khi làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam thì không làm thủ tục khai báo hải quan. Đến ngày 22-5-2018, Srey Pov bị khởi tố, tạm giam để điều tra.

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, Srey Pov đã khai báo toàn bộ sự việc phù hợp với kết quả điều tra, chứng cứ. Hội đồng xét xử đã quyết định xử phạt bị cáo Srey Pov 200 triệu đồng và trả tự do tại tòa. Đồng thời, tịch thu số tang vật liên quan (vàng, ngoại tệ, trang sức) là hàng hóa phạm tội, sung công quỹ Nhà nước…

Người phạm tội có thể bị phạt tù đến 10 năm

Theo các cơ quan chức năng, việc vận chuyển trái phép tiền tệ, bao gồm tiền Việt Nam, USD, tiền Riel (Campuchia) qua biên giới của các đối tượng không đơn thuần như khai báo của họ mà thường để thanh toán tiền hàng giữa các đối tượng mua bán hàng lậu, tiền đánh bạc các đối tượng mang đi - về, tiền các đối tượng mang sang nước láng giềng để mua hàng hóa mang trái phép về bán kiếm lời.

Đơn cử như ngày 11-2-2018, Cơ quan CSĐT Công an huyện An Phú, tỉnh An Giang đã khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Huỳnh Thị Nga (59 tuổi) và con trai là Trần Hoàng Nam (34 tuổi; cùng ngụ ở xã Mỹ An, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) để điều tra về hành vi vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Hành khách xuất nhập cảnh cần tìm hiểu rõ các quy định pháp luật liên quan, chủ động thực hiện việc khai báo hải quan.

Cụ thể, cơ quan chức năng phát hiện trong túi xách bà Nga có 139 triệu đồng tiền Việt Nam, còn trong túi xách và trong người của Nam có trên 206 triệu đồng tiền Việt Nam và 1.205 USD. Số tiền này bà Nga và Nam không khai báo với cơ quan chức năng khi nhập cảnh từ Campuchia về Việt Nam.

Tại cơ quan Công an, hai đối tượng khai nhận, sau khi đem tiền qua Campuchia đánh bạc, do bị thua nên hai mẹ con Nam đem số tiền và ngoại tệ còn lại trở về Việt Nam thì bị bắt quả tang. Lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản đối với mẹ con Nam và tạm giữ toàn bộ tang vật có liên quan để tiếp tục điều tra làm rõ.

Một địa bàn cũng "nóng bỏng" không kém về tình trạng này là khu vực biên giới tỉnh Tây Ninh. Đây là nơi có lưu lượng khách qua lại lớn, đối diện phía Campuchia có rất nhiều sòng bạc nên việc vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới cũng luôn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.

Theo đánh giá của lực lượng chức năng Tây Ninh, phương thức, thủ đoạn chủ yếu của các đối tượng là cất giấu ngoại tệ trong người, trong xe ôtô cá nhân khi nhập cảnh. Lợi dụng cơ chế miễn khai đối với ngoại tệ mang theo trong định mức, các đối tượng nhờ khách xuất nhập cảnh hoặc cư dân biên giới mang hộ, hoặc để lẫn ngoại tệ trong hành lý nhằm trốn tránh sự kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng…

Ngoài ra, còn có tình trạng một số đối tượng cất giấu, vận chuyển thuê ngoại tệ cho các đối tượng là con bạc tại các casino, hoặc các đối tượng khác mang theo các đường mòn hai bên cửa khẩu, nhất là hai cửa khẩu quốc tế Xa Mát và cửa khẩu Mộc Bài.

Để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm, thời gian qua, các lực lượng chức năng của tỉnh Tây Ninh đã thực hiện công tác phối hợp, tăng cường trao đổi thông tin, huy động lực lượng tuần tra kiểm soát, phát hiện và xử lý các hành vi buôn bán và vận chuyển trái phép ngoại tệ qua biên giới. Trong đó, nhiều đối tượng bị bắt giữ với số tiền lớn, có phương thức, thủ đoạn vận chuyển tinh vi nhằm trốn tránh sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng.

Tính từ đầu năm 2018 đến gần đây, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài đã phát hiện, ngăn chặn 3 vụ, 4 đối tượng vận chuyển trái phép trên 57.000 USD và 586 triệu đồng qua biên giới...

Theo ông Trần Ngọc Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, các hành khách xuất nhập cảnh cần tìm hiểu rõ các quy định pháp luật liên quan, chủ động thực hiện việc khai báo hải quan để tránh phải chịu trách nhiệm pháp lý vì đã không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình.

Cụ thể, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất khuyến cáo người dân khi xuất cảnh cần lưu ý quy định tại Thông tư 15/2011/TT-NHNN ngày 12-8-2011 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hành khách khi xuất cảnh chỉ được phép mang theo 15 triệu đồng tiền Việt Nam; về ngoại tệ chỉ được phép mang theo 5.000 USD hoặc ngoại tệ khác tương đương. Trường hợp vượt quá số tiền trên phải có giấy phép của ngân hàng và phải chủ động thực hiện việc khai báo hải quan.

Phú Lữ
.
.
.