Cảnh báo tình trạng nghiện rượu bia trong giới trẻ

Chủ Nhật, 22/05/2016, 09:30
Những tiếng "1, 2, 3 dzô…2,3 dzô" phát ra từ một số quán nhậu ven đường cứ thế nối nhau khiến người đi đường phải lắc đầu ngán ngẩm. Vui cũng tìm đến rượu, bia. Buồn cũng tìm đến rượu, bia. Thói quen này đã và đang khiến nhiều người chìm trong men rượu say.


1.Những ngày này, có dịp đi qua các tuyến phố: Lê Duẩn, Hoàng Quốc Việt, Lạc Long Quân, Trần Phú, Đường Thành… một lượt, dễ dàng thấy hình ảnh các dân nhậu đang say sưa bên ly rượu, cốc bia.

Những tiếng "1, 2, 3 dzô…2,3 dzô" phát ra từ một số quán nhậu ven đường cứ thế nối nhau khiến người đi đường phải lắc đầu ngán ngẩm. Vui cũng tìm đến rượu, bia. Buồn cũng tìm đến rượu, bia. Thói quen này đã và đang khiến nhiều người chìm trong men rượu say.

Nếu như trước đây, nhóm bạn hồi học phổ thông của tôi, vào dịp sinh nhật, họp lớp, các thành viên trong nhóm thường rủ nhau tới quán cà phê, giải khát. Thì nay, cả nhóm lại "hò" nhau kéo tới các nhà hàng, quán nhậu trên địa bàn để "bù khú". Và sau mỗi trận rượu bia như vậy, mọi người đều lất ngất ra về. Điều đó đã cho thấy phần nào, "thú" uống rượu bia đang nở rộ...

Cần nhận thức rõ hệ lụy khôn lường do "thú" uống rượu bia gây ra.

Trong các cuộc ăn nhậu của "bợm" nhậu hiện nay, họ thường nghĩ ra ngàn lẻ lý do, nguyên nhân để uống. Nói đúng uống, nói sai… phạt và cạn ly. Rồi tâm lý cả nể, muốn tụ tập vui đùa, nên nhiều người đã tặc lưỡi tìm đến các cuộc nhậu.

Trưa 9-5, có mặt trên tuyến phố Đường Thành, nơi có nhiều quán bia tọa lạc, chứng kiến hình ảnh nhiều dân nhậu mặt đỏ phừng phừng, liêu xiêu dắt xe ra về, chúng tôi thấy lo ngại trước "thú" uống rượu bia tai hại này.

Cách đây không lâu, theo thống kê của Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam, mức tiêu thụ đồ uống có cồn, đặc biệt là bia tại Việt Nam đã tăng gấp đôi trong 5 năm qua.

Và Việt Nam là một trong những nước tiêu thụ bia cao nhất trong khu vực khi trong năm 2015, mức sản xuất, tiêu thụ bia ở nước ta đạt trên 3 tỷ lít. Thực tế này gióng lên hồi chuông cảnh báo không của riêng ai.

Thạc sĩ tâm lý học Trần Thu Hương, Trường Đại học Khoa xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng tỏ ra lo ngại khi đề cập đến thú uống rượu bia của một bộ phận người dân hiện nay, nhất là đối với giới trẻ.

Bởi trong thời gian trở lại đây, tình trạng một số nhóm bạn trẻ đang coi rượu - bia như là chất "xúc tác" trong mỗi cuộc liên hoan, họp lớp, tổ chức sinh nhật của mình cũng đã xuất hiện. Ở lứa tuổi 8x, 9x - giai đoạn mà tâm sinh lý của các bạn trẻ thay đổi đáng kể, một bộ phận giới trẻ muốn thể hiện cái tôi trong mình thông qua "tửu lượng".

Có lẽ chính bởi thế cho nên, "gặp nhau + ăn nhậu + đi hát karaoke (hoặc lên bar) uống rượu, bia" đang là công thức trong những cuộc vui chơi, gặp gỡ của không ít bạn trẻ thời gian qua.

Đây cũng chính là lý do lý giải vì sao, thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội và các vùng lân cận, số quán nhậu, nhà hàng gia tăng đáng kể như vậy. Tất nhiên, rượu bia là sản phẩm tiêu thụ không thể thiếu của các quán, nhà hàng.

2.Có đến Khoa H (Khoa điều trị rối loạn tâm thần liên quan đến nghiện chất) - Bệnh viện Tâm thần Hà Nội mới thấy được tác hại của rượu bia là như thế nào. Vừa lật giở tập hồ sơ bệnh án liên quan đến việc điều trị cho các bệnh nhân nghiện rượu, anh Lê Đức Dân, Điều dưỡng trưởng Khoa H cho biết, khác với các bệnh nhân khác, phác đồ điều trị cho các bệnh nhân nghiện rượu, bị loạn thần do rượu bia có những khác biệt cơ bản.

Đối với các trường hợp này, các y, bác sĩ phải vừa ổn định tâm lý, sử dụng thuốc ngắt cơn thèm rượu bia vừa phải phục hồi chức năng cho người bệnh. Trò chuyện với chúng tôi, Điều dưỡng trưởng Lê Đức Dân lo lắng khi số lượng bệnh nhân nhập viện do rượu đang có chiều hướng gia tăng trong thời gian qua.

Trong buồng điều trị bệnh tích cực của Khoa H, chúng tôi gặp bệnh nhân G.Q.P. Dáng người tiều tụy, khuôn mặt thẫn thờ, anh càng khiến cho tôi hiểu hơn tác hại và hệ lụy do bia - rượu gây ra. Anh P, (SN 1970) nhà ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Anh P nghiện rượu đến nay đã được hơn 3 năm.

Khi thấy anh P xuất hiện hiện tượng co giật, vã mồ hôi, thường xuyên mất ngủ, hành vi bị rối loạn, người thân trong gia đình đã đưa anh P nhập viện. Theo các bác sĩ Khoa H, 7-10 ngày là thời gian ít nhất để điều trị cho các bệnh nhân nghiện rượu bị loạn thần.

Ở Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, có thời điểm, nơi đây phải điều trị tích cực cho hơn 30 trường hợp bị loạn thần do rượu bia. Đáng bàn hơn, khi số bệnh nhân này đang có xu hướng trẻ hóa. Nếu như trước đây, bệnh nhân nghiện rượu nhập viện tâm thần chủ yếu trên 35 tuổi thì nay, còn xuất hiện cả những bệnh nhân lứa tuổi 8x.

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc, Phó trưởng Khoa H khi nhắc đến trường hợp bệnh nhân V.V.P, (SN 1983), ở huyện Việt Yên (Bắc Giang) vẫn nhớ rõ mọi thông tin có liên quan.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc, năm 18 tuổi, P đã bị rượu lôi cuốn. Càng về sau, do không làm chủ được bản thân, cường độ uống rượu ngày một tăng. Bình quân mỗi ngày, anh uống hết hơn 1 lít rượu.

3.Thú uống rượu bia đang thực sự báo động. Rượu bia là nỗi lo và cũng là hiểm họa không chừa một ai. Có ý kiến cho rằng, rượu bia sẽ là chất để giải khuây, là chất "xúc tác" tăng thêm niềm vui cho người sử dụng. Vâng! Xin thưa, tất cả chỉ là ngụy biện.

Nhiều trường hợp bị loạn thần do nghiện rượu bia phải tới Bệnh viện Tâm thần Hà Nội để điều trị.

Lẽ vì, thực tế cho thấy, rượu bia là chất kích thích, khiến con người ta không kiểm soát được hành vi, biến bản thân không phải là chính mình. Là người có thâm niên trong lĩnh vực khám và điều trị cho các bệnh nhân bị loạn thần do rượu bia, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc cho hay, khi lạm dụng rượu bia, cơ thể ta dễ bị hiện tượng ảo giác, rối loạn cảm xúc, hành vi không tự chủ. Lâu dầu, mọi phản xạ, trí nhớ của bản thân sẽ bị ảnh hưởng.

Nặng hơn, hệ thần kinh còn bị rối loạn - loạn thần. Đấy còn chưa kể đến những trường hợp sử dụng phải rượu không đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, nguy cơ ngộ độc rượu, tử vong là rất cao. Trên thực tế, tại Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cũng đã tiếp nhận và cứu chữa cho nhiều trường hợp bị ngộ độc rượu.

Trong số này, đa phần là bệnh nhân bị ngộ độc rượu do uống phải rượu pha cồn công nghiệp methanol. Khi bị ngộ độc, nếu không được cứu chữa kịp thời còn dẫn tới tử vong. Điển hình như trường hợp anh P.V.T, ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội).

Trước đó, vào cuối tháng 1-2016, sau khi được đưa vào Trung tâm Chống độc cứu chữa một ngày, gia đình đã làm thủ tục đưa anh T về nhà do anh T bị ngộ độc rượu có chứa cồn công nghiệp methanol quá nặng, bất tỉnh, hôn mê sâu, tiên lượng bệnh xấu…

Chưa hết, dưới góc độ an toàn giao thông, theo Thượng tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an), rượu bia là những đồ uống gây kích thích mạnh lên hệ thần kinh. Nếu lạm dụng nó, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sẽ khó kiểm soát được hành động, không làm chủ được tay lái, khi gặp tình huống phát sinh trên đường, khả năng - phản xạ xử lý sẽ bị hạn chế.

Va chạm, tai nạn giao thông theo đó sẽ rất dễ xảy ra. Điều này cũng đã chứng minh qua thực tiễn hàng loạt vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra và nguyên nhân bắt nguồn từ lỗi của người điều khiển phương tiện khi trước đó đã sử dụng rượu bia quá "ngưỡng" cho phép. Nhằm đẩy lùi các vi phạm, hệ lụy có liên quan, pháp luật cũng đã quy định rõ việc xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Thượng tá Đỗ Thanh Bình khuyến cáo, để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra, ngay từ bây giờ, bản thân mỗi chúng ta - người điều khiển phương tiện tham gia giao thông cần nhận thức rõ hệ lụy do rượu bia gây ra, đã uống rượu thì không lái xe. 

Theo Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009, người phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, người phạm tội đến đâu sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhận án phạt đúng với tội danh mà mình có hành vi gây ra đến đó, chứ không có chuyện: "say rượu bia trước khi thực hiện hành vi" sẽ là tình tiết xem xét, giảm nhẹ hình phạt.  

Diễm Lệ
.
.
.