Cảnh báo hiện tượng liệt dây thần kinh số 7 do thời tiết và bia rượu
Tết Nguyên đán 2019 đã qua, nhưng với quan niệm tháng Giêng là tháng ăn chơi, nhiều gia đình vẫn tổ chức gặp mặt đầu xuân, vui chơi, ăn uống thường xuyên.
Những trận bia, rượu thâu đêm cộng thêm thời tiết giao mùa thay đổi thất thường đã khiến nhiều người qua một đêm bỗng bị liệt nửa mặt, méo miệng, mắt nhắm không kín, uống nước trào ra ngoài… Khi đi khám, các bác sĩ cho biết, đây là biểu hiện của bệnh liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên.
Tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương những ngày sau Tết, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên tăng đột biến.
Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên là bệnh mà người dân hay gọi nôm na là trúng gió. Bệnh hiện phổ biến và có rất nhiều người mắc phải. Bệnh do nhiều nguyên nhân, nhưng khoảng 80% - 90% các trường hợp mắc bệnh là do nhiễm lạnh đột ngột làm ảnh hưởng trực tiếp tới dây thần kinh số 7 ngoại biên.
Còn lại là do biến chứng các loại chấn thương, như: chấn thương sọ ở vùng thái dương do vi khuẩn như viêm tai, xương chũm, viêm tai giữa, do virus như Zona… Ngoài khám lâm sàng còn làm thêm xét nghiệm máu, đặc biệt là điện cơ để chẩn đoán và tiên lượng bệnh.
Sau một trận nhậu đầu năm mới khi đi làm buổi đầu tiên vào mùng 7 Tết, anh Nguyễn Thế Hòa, SN 1977, quê ở TP Hải Phòng phi xe máy về nhà trong tình trạng ngà ngà say. Nhìn đồng hồ đã gần 12h đêm, anh Hòa vội tắm qua loa rồi lên giường ngủ để mai tiếp tục một ngày làm việc.
Sáng sớm tỉnh dậy, anh thấy nửa mặt bên trái tê bì và mắt trái cộm đau, nước mắt cứ chảy hoài. Anh nghĩ, chắc do hôm qua mình say, ngủ nằm nghiêng một bên nên bị thế, anh vào nhà vệ sinh đánh răng thì miệng không ngậm được chặt. Anh Hòa lấy khăn sấp nước lạnh lau mặt cho tỉnh táo rồi soi gương, anh giật mình phát hiện ra miệng méo sang một bên.
Tá hỏa, gọi người nhà đưa đi khám thì bác sĩ kết luận anh bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên. Anh Hòa xuống điều trị tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương được hơn một tuần nay. Ngồi nói chuyện với chúng tôi, trên gương mặt anh Hòa, những biểu cảm vẫn còn khó khăn và gượng ghịu.
PGS-TS Nghiêm Hữu Thành, Bệnh viện Châm cứu Trung ương đang điều trị cho bệnh nhân. |
Nằm trên giường bệnh hình chiếc thuyền tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương, nhìn bệnh nhân Gia Hưng với hàng chục chiếc kim châm trên mặt, tôi thật ái ngại. Anh Gia Hưng đang điều trị nên không nói chuyện được với chúng tôi.
Chị Hiền - vợ anh Hưng chia sẻ: “Chiều chủ nhật nào chồng mình cũng đi chơi thể thao, rồi ở lại ăn nhậu cùng bạn bè trong nhóm. Cách đây năm hôm, cũng vào chủ nhật, anh ấy chơi thể thao rồi nhậu cùng với bạn bè, khi về nhà đã vào đêm khuya, theo thói quen anh ấy đi tắm rồi đi ngủ bình thường.
Đến khoảng 4h sáng thì anh ấy kêu khó chịu, tỉnh dậy và thấy đau mắt, cảm giác nặng mặt và đặc biệt là méo miệng, mắt nhắm không kín, đánh răng nước trào ra. Tôi lo quá, đưa anh ấy vào đây khám và biết được anh bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên. Cũng may phát hiện và điều trị kịp thời nên mới có mấy hôm mà nhà tôi đã ổn hơn nhiều rồi, miệng đỡ méo và mắt cũng nhắm kín hơn. Các bác sĩ bảo khoảng tuần nữa là nhà tôi có thể xuất viện”.
Bác sĩ Nguyễn Duy Luật, Bệnh viện Châm cứu Trung ương chia sẻ: “Biểu hiện của bệnh liệt dây thần số 7 ngoại biên những trường hợp điển hình người bệnh có thể phát hiện và nhận biết được như: mặt cảm giác co cứng 1 bên, miệng bị méo sang một bên, một bên mắt không thể nhắm kín, nước mắt chảy tự nhiên, khi uống nước, đánh răng bị trào ra ngoài, có thể có đau trong tai và nhức đầu.
Đối tượng dễ mắc bệnh nhất là người bị suy giảm miễn dịch, người có thể trạng yếu, phụ nữ có thai, người ít luyện tập thể dục thể thao, ít tiếp xúc với môi trường bên ngoài, người có tiền sử hạ đường huyết, huyết áp cao, huyết áp thấp, xơ vữa động mạch, người hay thức khuya khiến cơ thể luôn mệt mỏi, sa sút tinh thần, sức đề kháng giảm, dễ cảm cúm…, đặc biệt những người hay uống bia, rượu, thường đi sớm về khuya dễ bị nhiễm gió lạnh”.
Hiện nay, các bệnh viện y học cổ truyền sử dụng phương pháp châm cứu, thủy châm, cứu ngải, bấm huyệt để điều trị bệnh liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, thời gian điều trị từ 2 đến 3 tuần, mức độ khỏi bệnh là trên 95% với những bệnh nhân được phát hiện sớm trong tuần đầu tiên.
Còn những bệnh nhân đến bệnh viện điều trị muộn hơn, từ 2 đến 3 tháng thì chức năng của các cơ vùng mặt khó hồi phục, việc điều trị chỉ đỡ được một phần, vẫn để lại di chứng như: méo miệng, mắt nhắm không kín, ăn uống còn rơi vãi, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và giao tiếp của người bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Duy Luật chia sẻ và giải thích cho người bệnh. |
Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên là loại bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính, không lây. Nền nhiệt thấp, chênh lệch nhiệt độ ngày - đêm, gió lạnh kèm mưa… là điều kiện thuận lợi cho loại bệnh này phát triển. Trong dịp trước và sau Tết, số trẻ em vào Bệnh viện Châm cứu Trung ương điều trị bệnh liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên khá đông. Tại Khoa Nhi của viện đã tiếp nhận và điều trị cho hơn chục cháu nhỏ bị liệt mặt và méo miệng.
Cháu Nguyễn Thương Huyền (3 tuổi, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) vào viện trong tình trạng không ngậm chặt được miệng, một mắt nhắm không kín, cười miệng méo xệch. Theo bà nội cháu, khoảng một tuần trước, cháu được mẹ chở xuống bà ngoại chơi. Sau một đêm, bà ngoại thấy cháu cười lệch nên cho lên Bệnh viện Châm cứu Trung ương điều trị. Bà nội cháu cho biết, cháu Huyền thường được tắm vào ban đêm nên bác sĩ nghi ngờ có thể đó là nguyên nhân gây ra bệnh của cháu.
Bé gái Mỹ Lan (2 tuổi, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) nhập Khoa Nhi, Bệnh viện Châm cứu Trung ương điều trị liệt dây thần kinh số 7 bên trái với triệu chứng điển hình của bệnh. Theo anh Nguyễn Mạnh Hùng bố của cháu Lan, cháu bị khoảng 20 ngày nay.
Trước đó, anh thấy con nói hơi ngọng, cười miệng bị méo nên đã đưa con đến phòng khám tư. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán cháu bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên nên anh Hùng lập tức cho con lên Bệnh viện Châm cứu Trung ương điều trị. Theo phụ huynh này phỏng đoán, có thể do cháu bị gặp gió lạnh nên mắc bệnh.
Cũng tại Khoa Nhi, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, trường hợp bệnh nhi Nguyễn Kiều Oanh (1 tuổi, ở Hải Dương) liệt dây thần kinh ngoại biên bên phải. Mẹ của bé cho biết, cháu mắc bệnh khoảng 2 tháng nay và nguyên nhân cũng là do nhiễm lạnh.
Theo bác sĩ Nguyễn Duy Luật, với những trường hợp đã được chẩn đoán bị liệt dây thần kinh số 7 do lạnh có thể điều trị bằng phương pháp dùng điện châm, xoa bóp bấm huyệt, thủy châm, chiếu tia hồng ngoại, cứu ngải… Đây đều là những phương pháp y học cổ truyền lâu đời và có hiệu quả tốt. Ngoài ra, nhiều người khi thấy con bị liệt mặt đã tìm đến phương pháp chữa mẹo, chữa dân gian truyền miệng như áp đuôi lươn, đắp lá… là không có cơ sở khoa học. Những trường hợp mắc bệnh nên đến cơ sở y tế để chẩn đoán, điều trị bệnh cho hiệu quả.
Để hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh, bác sĩ Luật khuyến cáo, phụ huynh nên giữ ấm cho trẻ khi thời tiết thay đổi đột ngột. Khi cho trẻ chơi, nên chọn nơi không có gió lùa, nhiệt độ luôn đảm bảo. Đặc biệt, cần cho trẻ ăn uống đủ chất dinh dưỡng.
Các bậc phụ huynh nên tăng cường dinh dưỡng và phòng bệnh cho trẻ. |
Tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương, số lượng người cao tuổi vào điều trị bệnh liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên khá đông. Ông Vũ Văn Bân (70 tuổi, quê ở TP Ninh Bình) đang điều trị tại viện chia sẻ: “Tuổi già khó ngủ, sáng nào tôi cũng dậy sớm, khoảng 5h.
Gần nhà tôi có cái hồ rộng, tôi cứ ra đó bách bộ vài vòng rồi về rửa mặt, ăn sáng xong thì con cháu mới thức giấc. Sáng hôm mùng 6 Tết, khi đi bộ quanh hồ được 2 vòng thì tôi thấy mắt cộm và nước mắt cứ chảy nhòa, cảm giác hơi chóng mặt, tôi tìm ghế đá ngồi và trấn tĩnh, biết mình dính gió độc nên tôi đã nhờ một người dân dìu về nhà.
Về đến nhà là mồm tôi bị méo luôn! Tôi điều trị tại viện được 10 ngày rồi, bác sĩ bảo khoảng 5 ngày nữa là tôi xuất viện được. Bác sĩ cũng khuyên tôi là không nên đi thể dục vào buổi sáng quá sớm như thế, đặc biệt là những ngày mùa đông hoặc thời tiết thay đổi”.
PGS-TS Nghiêm Hữu Thành, Bệnh viện Châm cứu Trung ương cho biết: “Để không bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, mọi người cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng cách tập thể dục thể thao thường xuyên; ăn đủ dưỡng chất, tăng cường ăn rau xanh, trái cây chín, uống nước cam, nước chanh hoặc bổ sung vitamin C tổng hợp.
Khi đi ra ngoài, nên đeo khẩu trang, giữ ấm trán, đầu, mặt, cổ để tránh tiếp xúc trực tiếp với gió lạnh; hạn chế ở ngoài trời lạnh khi nhiệt độ thấp và luôn giữ ấm cơ thể; khi thức dậy, hãy ngồi lại giường một lúc trước khi ra ngoài.
Vào mùa lạnh, khi đang nằm trong chăn ấm hoặc ở trong nhà mà ra ngoài thì phải mặc thêm áo ấm, nên tắm nước ấm, trong phòng kín và tắm nhanh, tránh tắm nước lạnh và tuyệt đối không nên tắm khuya vì cơ thể rất dễ nhiễm lạnh. Vào mùa nắng nóng, sử dụng quạt, máy lạnh nhưng không trực tiếp để luồng khí lạnh vào người, nhất là sau gáy.
Khi bị liệt mặt cần đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị sớm, đồng thời cũng để chẩn đoán, loại trừ một số bệnh nguy hiểm khác cũng gây liệt mặt như: chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não, u não…
Bệnh này không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng lại gây biến dạng khuôn mặt, ảnh hưởng đến khả năng lao động, giao tiếp hằng ngày, khó biểu hiện cảm xúc ở mặt, khó khăn trong ăn uống và quan trọng là ảnh hưởng đến thẩm mỹ khi giao tiếp của người bệnh”.