Cảnh báo hành vi thu gom sổ BHXH trái phép

Chủ Nhật, 19/04/2020, 13:00
Những ngày qua, lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, công nhân mất việc, các đối tượng đăng tải trên trang Facebook mạo danh cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) để nhận mua, bán, thế chấp sổ BHXH trước thời hạn.


Đây là hành vi phạm pháp, trục lợi trên hoàn cảnh khó khăn của người lao động, do đó cần phải xử lý nghiêm minh...

Mua lại sổ BHXH với giá bèo

"Bạn đang cần tiền? Bạn đã nghỉ việc mà chưa có việc làm? Bạn muốn kinh doanh riêng mà không có vốn? Nhưng bạn không muốn vay vì thủ tục lằng nhằng và lãi suất cao. Vậy nếu bạn có sổ BHXH và đã nghỉ làm việc khoảng 7 tháng trở lên và muốn thanh lý sổ hãy liên hệ chúng tôi. Chúng tôi thanh lý sổ bảo hiểm trước thời hạn giá cao toàn quốc… 

Liên hệ trực tiếp số điện thoại 0908543860, qua Zalo, nhắn tin SMS...". Đây là một đoạn quảng cáo đầy thu hút trên một trang mạng xã hội. Và hiện nay, không khó để thấy những trang thông tin, số điện thoại đăng công khai về dịch vụ cầm cố, mua bán sổ BHXH như thế này.

Theo ghi nhận của chúng tôi, chỉ riêng tại tỉnh Bình Dương, trong ba tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh, có hàng ngàn công nhân bị giảm hoặc mất việc làm. Có những công nhân lâm vào cảnh khó khăn cần tiền gấp đã phải tính đến chuyện bán sổ BHXH để có tiền ngay trang trải cuộc sống.

Anh Phan Minh Anh (25 tuổi, công nhân ở KCN Đồng An, Bình Dương) cho biết đã đóng bảo hiểm được gần 3 năm. Mới đây do công ty bị thu hẹp sản xuất, anh bị mất việc, trong khi đó vợ anh cũng không có việc làm ổn định, nên vợ chồng anh rơi vào cảnh khó khăn. 

Do có người bạn chỉ dẫn, anh Minh Anh đã liên hệ với người rao mua sổ BHXH trên mạng. Người này nói anh kết bạn qua mạng Zalo rồi đôi bên trao đổi. Anh Minh Anh được yêu cầu chụp từng trang toàn bộ cuốn sổ BHXH gửi qua cho người này xem xét. 

Sau khi xem thông tin về sổ BHXH, người mua từ chối mua với lý do anh Minh Anh mới nghỉ việc nên sổ BHXH chưa có nhiều giá trị. Nếu muốn bán thì phải chờ thêm mấy tháng nữa. 

"Sổ BHXH của tôi không bán được, nhưng một người bạn của tôi lại được trả giá hơn 10 triệu đồng vì tôi nghe nói bạn tôi đã mất việc được gần một năm nay", anh Minh Anh cho biết thêm.

Vợ chồng Ngô Thị Thúy Kiều và Lê Quốc Việt được triệu tập lên làm việc.

Từng bán sổ BHXH, chị Mai Linh (công nhân KCN Việt Hương, Bình Dương) tiếc nuối: "Tôi làm việc hơn 10 năm, mức lương lấy làm căn cứ đóng BHXH trước khi nghỉ việc hơn 6 triệu đồng/tháng. Thời gian trước do quá cần tiền nên tôi đã bán đi. Giờ xem kỹ thông tin mới thấy mình dại quá".

Có thể thấy, ngoài việc thu mua sổ BHXH, các trang mạng cũng có nhiều dịch vụ khác về sổ BHXH như nhận thanh lý sổ BHXH trước thời hạn, đóng BHXH nhưng đã nghỉ việc từ 6 tháng trở lên và muốn bán, cầm cố sổ… Những dịch vụ này hướng vào lời rao đánh vào tâm lý "cần tiền gấp và không muốn vay mượn ai" của những người lâm vào cảnh khó khăn. 

Hiện nay, các dịch vụ này đã vào tận các khu công nghiệp có đông công nhân với các tờ rơi hay miếng dán trên các cột điện, tường nhà… để công nhân có thể dễ dàng tìm dịch vụ cho vay tiền nhận cầm cố, thế chấp sổ BHXH như đã kể trên.

Ngoài những người kẹt tiền phải bán gấp, thì cũng có không ít người lao động sau khi được trả sổ BHXH do ngại đi làm thủ tục để nhận tiền bảo hiểm, hay một số người nghỉ việc về quê xa càng ngại hơn nên họ đã giao cho đội ngũ dịch vụ kể trên làm thủ tục thay cho mình và cầm tiền trước. 

Trong khi theo quy định hiện hành, phải sau một năm kể từ ngày nghỉ việc, người lao động mới có quyền đi đăng ký để hưởng BHXH một lần. 

Tuy nhiên, số tiền người lao động nhận được dĩ nhiên sẽ thấp hơn số tiền đáng ra họ sẽ nhận được (sau khi trừ phí dịch vụ), khoản trừ này có khi là vài triệu đồng, nhưng với người lao động thâm niên ít có khi chỉ 40-50% số tiền. Đây là khoản lợi không nhỏ cho những người "gom" được hàng chục, hàng trăm sổ BHXH.

Mới đây, để tạo sự tin cậy thu hút, "đầu nậu" gom sổ BHXH đã lập cả trang Facebook mạo danh cơ quan BHXH. Tại Bình Dương, một số đối tượng đã mạo danh lập ra trang Facebook mang tên BHXH Bình Dương để rao thu mua sổ BHXH trái phép.

Một số trang mạng giả mạo để thu gom, mua bán sổ BHXH.

Bà Lê Minh Lý, Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương, khẳng định đến thời điểm hiện tại cơ quan BHXH tỉnh Bình Dương không có và không sử dụng tài khoản Facebook chính thức nào, điều đó chứng tỏ các tài khoản Facebook lấy tên BHXH tỉnh Bình Dương đều là giả mạo, thể hiện sự xem thường pháp luật, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan BHXH Bình Dương.

Theo bà Lê Minh Lý, lợi dụng tình hình dịch bệnh và cuộc sống khó khăn của công nhân, các đối tượng đã thực hiện hành vi mua gom sổ BHXH với giá trị chỉ từ 40% - 50% giá trị thực tế người lao động được hưởng và trả tiền mặt ngay cho người lao động, kèm theo ràng buộc, ép buộc người bán sổ phải làm giấy ủy quyền làm thủ tục hưởng chế độ cho đối tượng. 

Do chính sách cải cách thủ tục hành chính, một năm sau, đối tượng có thể làm thủ tục hưởng chế độ một lần ở bất kỳ BHXH cấp huyện nào ở tất cả tỉnh, thành trên cả nước, nên chúng sẽ rải người đi lãnh tiền ở khắp nơi (không tập trung vào một người, một chỗ làm khó phát hiện hành vi đầu nậu thu gom sổ).

Về hành vi cầm cố và thế chấp sổ BHXH, giống như hình thức cho vay tiền, họ cũng sẽ định giá mức cho vay từ 40% - 50% giá trị sổ, nếu người lao động muốn chuộc lại thì cũng bị lãi mẹ đẻ lãi con khó có khả năng chi trả và cuối cùng cũng bị ép bán sổ cho họ.

Các hành vi trên xem như là thu lợi bất chính, trên mồ hôi công sức và tiền chế độ BHXH đúng ra người lao động được hưởng, họ chỉ nhận lại khoản tiền trước mắt bằng 40% - 50% giá trị được hưởng. Mức thiệt hại cụ thể căn cứ vào quá trình đóng BHXH dài hay ngắn, tiền lương cao hay thấp thì mức hưởng sẽ cao hoặc thấp tương ứng. 

Ngoài ra, nếu sổ BHXH đó người lao động chưa kịp hưởng bảo hiểm thất nghiệp sau nghỉ việc, trong thời gian cầm cố không lấy sổ ra được sẽ không được hưởng BHXH thất nghiệp…

Người lao động đăng ký nhận Bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM (ảnh Mạnh Hòa).

Cơ quan Công an vào cuộc điều tra

Theo BHXH Việt Nam, lợi dụng dịch bệnh COVID-19, công nhân mất việc làm, đời sống khó khăn, nhiều đối tượng đã lập trang mạng xã hội Facebook giả mạo cơ quan BHXH để thu gom, mua bán sổ BHXH. 

Việc mạo danh cơ quan BHXH để trục lợi đã gây ảnh hưởng lớn đến người lao động và uy tín của cơ quan BHXH. Về phía người lao động, nếu chuyển sổ BHXH cho người khác có thể tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật và gây bất ổn trong xã hội.

Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an đã khuyến cáo người lao động phải hiểu rõ giá trị của cuốn sổ BHXH đối với mỗi cá nhân, mỗi người lao động; các hành vi mua bán sổ BHXH đều là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật. 

Mới đây nhất, ngày 13/4, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, phối hợp với Công an tỉnh Bình Dương và TP HCM đã triệu tập Lê Quốc Việt và Ngô Thị Thúy Kiều (SN 1990, quê tỉnh Bình Định; ngụ tại quận 12, TP HCM) để điều tra hành vi lợi dụng dịch bệnh mua gom sổ BHXH của công nhân mất việc.

Các hành vi mua bán sổ BHXH là vi phạm pháp luật.

Kết quả điều tra ban đầu xác định hai người này ngoài việc lập trang Facebook giả mạo "BHXH tỉnh Bình Dương", hai vợ chồng Việt, Kiều còn lập nhiều trang Facebook như "Thu mua BHXH giá cao", "Thu mua BHXH"… để thu mua sổ bảo hiểm của người lao động mất việc do dịch bệnh. 

Trên các trang Facebook này đăng tải nhiều bài viết có nội dung thu mua sổ BHXH, trong đó ưu tiên khu vực Bình Dương và TP HCM. Cơ quan Công an đã thu được hàng chục sổ BHXH của công nhân và nhiều tài liệu khác liên quan đến hành vi của vợ chồng Việt, Kiều.

Ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP HCM, cho biết cơ quan này đã có văn bản gửi cho BHXH các quận, huyện yêu cầu khi phát hiện một người nhận ủy quyền của hai người trở lên làm thủ tục để hưởng BHXH một lần, thì phải kiểm tra lại xem đó có phải là mua bán sổ BHXH không. Nếu phát hiện trường hợp mua bán sổ BHXH theo hình thức người bán ủy quyền cho người mua nhận BHXH một lần thì sẽ từ chối giải quyết.

Thực tế BHXH TP HCM từng từ chối chi trả chế độ BHXH một lần cho người nhận ủy quyền cùng lúc của 10 người khác. Có trường hợp giám đốc BHXH quận, huyện đã bị phê bình vì giải quyết BHXH một lần cho một người nhận ủy quyền cho nhiều người mà không thẩm tra lại.

Phú Lữ
.
.
.