Cần xử lý nghiêm sai phạm việc chuyển nhượng khu "đất vàng" 8-12 Lê Duẩn
Bất thường xung quanh việc chuyển nhượng khu "đất vàng"
Có thể nói, khu đất ở số 8 -12 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1 với dự án đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp, thương mại, dịch vụ, căn hộ cho thuê (tên gọi Lavenue Crown) do Công ty CP Đầu tư Lavenue làm chủ đầu tư là khu đất đắc địa ở trung tâm TP. Hồ Chí Minh. Việc hình thành, chuyển nhượng dự án này hết sức bất thường, đã gây sự chú ý của dư luận nhiều năm qua ở khu đất gần 5.000m² này.
Tại cuộc họp báo thường kỳ kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2018 (ngày 1-11-2018), đại diện lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh cho biết sẽ kiểm điểm các cá nhân, tổ chức liên quan việc bán khu đất này, kể cả các cán bộ nhiệm kỳ trước.
Cụ thể, ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, sau khi có kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, TP. Hồ Chí Minh đang triển khai kế hoạch giải quyết. Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường phụ trách việc thu hồi, tổ chức đấu thầu lại khu đất; Sở Nội vụ tham mưu kế hoạch tổ chức kiểm điểm các cá nhân, tổ chức liên quan, kể cả các cán bộ nhiệm kỳ trước đã chỉ đạo, xử lý dự án chưa đúng pháp luật…
Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận thanh tra việc thực hiện dự án Lavenue Crown tại số 8-12 Lê Duẩn, quận 1 và kiến nghị thu hồi khu đất vàng và thực hiện bán đấu giá theo quy định.
Khu nhà, đất tại số 8 Lê Duẩn quận 1 có diện tích 3.433,3m2; khu nhà, đất số 12 Lê Duẩn, quận 1 có diện tích 1.463m², vốn thuộc sở hữu Nhà nước, ban đầu do 4 đơn vị thuộc Bộ Công thương là Công ty CP Thiết bị phụ tùng Sài Gòn, Công ty CP Kim khí thành phố, Công ty CP Hóa chất vật liệu điện thành phố và Công ty CP Vận tải xăng dầu - VITACO (gọi tắt là 4 công ty thuộc Bộ Công thương), ký hợp đồng với Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP Hồ Chí Minh thuê làm trụ sở làm việc.
Đến năm 2007, UBND TP Hồ Chí Minh có chủ trương xây dựng khách sạn tiêu chuẩn 5 sao có một phần trung tâm thương mại tại khu đất 8-12 Lê Duẩn và giao Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà thành phố thu hồi và quản lý mặt bằng trong thời gian chuẩn bị đầu tư xây dựng dự án. Đồng thời, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố chủ trì phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành các bước đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư, xây dựng tiêu chí xét thầu, mời thầu, đánh giá các hồ sơ mời thầu…
Tuy nhiên, theo đề nghị của Bộ Công thương và sau nhiều lần thay đổi về chủ trương và phương thức đầu tư, tháng 10-2010 UBND TP Hồ Chí Minh đã đồng ý về phương án thành lập công ty cổ phần (Công ty CP Đầu tư Lavenue) để thực hiện dự án với các cổ đông sáng lập và tỷ lệ vốn góp là Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà thành phố giữ tỷ lệ vốn góp là 50% và 50% còn lại do 4 công ty thuộc Bộ Công thương góp vốn.
Sau đó, trên cơ sở đề nghị của Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà thành phố, UBND TP Hồ Chí Minh bất ngờ cho phép Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm được tham gia hợp tác đầu tư 30% vốn góp trong phần tỷ lệ vốn góp 50% của Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà thành phố trong dự án.
Điều đáng nói, Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm chỉ mới được đăng ký thành lập vào ngày 6-4-2010 nhưng đến tháng 8-2010, tức chỉ sau 4 tháng thành lập, công ty này đã được UBND Thành phố chấp thuận cho tham gia vào dự án "đầy béo bở" này dù không có chức năng, không có kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh bất động sản.
Khu đất 8-12 Lê Duẩn hiện đang được sử dụng làm bãi giữ xe. |
Theo Thanh tra Chính phủ, việc Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà thành phố đề xuất và UBND TP Hồ Chí Minh cho phép Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm tham gia góp 30% vốn điều lệ, đồng thời giảm tỷ lệ vốn góp của Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà thành phố tại Công ty CP Đầu tư Lavenue từ 50% xuống còn 20%, thực chất là chuyển dịch tài sản của doanh nghiệp Nhà nước sang cho doanh nghiệp cổ phần trái với chủ trương của UBND thành phố, đồng thời trái với pháp luật về đấu thầu dự án, đấu giá quyền sử dụng đất, gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước. Bởi, Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà thành phố là doanh nghiệp có 100% vốn Nhà nước.
Cùng thời điểm trên, 4 công ty thuộc Bộ Công thương lại bất ngờ chuyển nhượng cho Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô (nay là Công ty TNHH Đầu tư Kido) quyền đầu tư phát triển dự án trên khu đất 8-12 Lê Duẩn. Giá chuyển nhượng sau này được tính là 62,5 tỷ đồng/công ty.
Đặc biệt, nhằm thực hiện thỏa thuận nguyên tắc giữa hai bên, ngày 15-9-2010, 4 công ty thuộc Bộ Công thương đã ký hợp đồng vay vốn của Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô với khoản vay của mỗi đơn vị có trị giá 12,5 tỷ đồng để góp vốn cổ đông sáng lập thành lập Công ty CP Đầu tư Lavenue, tương ứng 12,5% vốn điều lệ.
Theo Thanh tra Chính phủ, việc chuyển nhượng quyền đầu tư phát triển dự án của 4 công ty thuộc Bộ Công thương cho Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô (thông qua thỏa thuận nguyên tắc và được hợp thức hóa bằng hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của 4 công ty này tương ứng với 50% vốn điều lệ của Công ty CP Đầu tư Lavenue) đã giúp 4 công ty này thu lợi 50 tỷ đồng/công ty.
Ông Nguyễn Thành Tài là người có trách nhiệm trực tiếp trong dự án số 8-12 Lê Duẩn. |
Khẩn trương làm rõ, xử nghiêm theo pháp luật
Sau khi chuyển nhượng, Công ty CP Đầu tư Lavenue có vốn 2.100 tỷ đồng, gồm ba cổ đông là Công ty TNHH MTV Quản lý Kinh doanh nhà thành phố (tỷ lệ 20%), Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm (tỷ lệ 30%) và Công ty TNHH Đầu tư Kido (chiếm tỷ lệ 50%).
Đến tháng 6-2011, UBND TP Hồ Chí Minh có quyết định chấp thuận cho Công ty CP Đầu tư Lavenue sử dụng gần 5.000 m2 đất tại số 8-12 Lê Duẩn để đầu tư khách sạn cao cấp, thương mại - dịch vụ, căn hộ cho thuê. Hình thức sử dụng đất là Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với khu đất tại số 8 Lê Duẩn và Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê hằng năm đối với khu đất số 12 Lê Duẩn. Trong đó, duyệt giá trị quyền sử dụng đất và giá trị công trình xây dựng trên đất tại số 8 Lê Duẩn (khoảng 3.400m2) giá thị trường là hơn 621,7 tỷ đồng, duyệt đơn giá thuê đất tại số 12 Lê Duẩn theo giá thị trường là hơn 3,5 triệu/m2/năm.
Công ty CP Đầu tư Lavenue đã nộp đủ số tiền sử dụng đất và nộp tiền thuê đất đến ngày 30-6-2016 vào ngân sách Nhà nước (hơn 700 tỷ đồng); Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cũng đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho công ty Lavenue.
Tuy nhiên, qua thanh tra, Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt sai phạm liên quan đến việc giao và cho thuê khu đất 8-12 Lê Duẩn. Trong đó, khẳng định việc UBND TP Hồ Chí Minh giao, cho thuê khu đất này không qua đấu thầu, đấu giá, không tham khảo ý kiến tham mưu cơ quan chuyên môn… là vi phạm Luật Đầu tư và Luật Quản lý tài sản nhà nước… (vi phạm Khoản 1 Điều 7 Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước và đã được bổ sung tại Quyết định số 140/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; và tại Khoản 3 Điều 2 Luật Quản lý tài sản Nhà nước năm 2008; Luật Đầu tư năm 2005) cần phải được xử lý trách nhiệm một cách nghiêm túc.
Tòa cao ốc Lavenue Crown . |
Kết luận thanh tra cho rằng trách nhiệm trực tiếp thuộc về cá nhân ông Nguyễn Thành Tài - nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2011-2015. Trong kết luận, ông Nguyễn Thành Tài được cho là người đã ký nhiều, ký nhanh các văn bản chấp thuận cho Công ty Hoa Tháng Năm tham gia dự án. Cũng như chấp thuận cho các công ty không đủ năng lực tham gia dự án, dẫn đến chuyển nhượng kiếm lời, gây thất thoát nguồn thu ngân sách, giảm tỷ lệ cổ phần vốn góp của Nhà nước từ 50% xuống 20%...
Từ sai phạm này của UBND TP Hồ Chí Minh dẫn đến nhiều sai phạm của nhiều sở, ngành, đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện dự án đầu tư khách sạn cao cấp, thương mại dịch vụ, căn hộ cho thuê tại số 8-12 Lê Duẩn, quận 1.
Việc xử lý các sai phạm trong quá trình thực hiện dự án, ban đầu UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức kiểm điểm một số tổ chức, cá nhân có liên quan đến các sai phạm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra cho thấy UBND TP Hồ Chí Minh chưa thực hiện kiểm điểm đối với lãnh đạo UBND thành phố nhiệm kỳ 2011-2015 về sai phạm liên quan đến việc không đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại số 8-12 Lê Duẩn, quận 1.
Chánh Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh cho biết thành phố đang triển khai kế hoạch kiểm điểm các cá nhân, tổ chức liên quan việc bán khu đất này, kể cả các cán bộ nhiệm kỳ trước, đồng thời sẽ thu hồi và đấu giá khu đất. Đặc biệt, UBND TP Hồ Chí Minh cũng lường trước tình huống sẽ bị doanh nghiệp kiện khi kiên quyết thu hồi khu đất này.
Theo ông Võ Văn Hoan, chuyện thành phố thu hồi khu đất và có nguy cơ bị doanh nghiệp khởi kiện là chuyện bình thường. Tuy nhiên, việc thu hồi đất vẫn phải thực hiện, còn chuyện bị khởi kiện là vấn đề khác.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường thành phố thì "không có gì trở ngại" khi tiến hành các thủ tục thu hồi khu đất theo đúng tinh thần kết luận của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, đơn vị này đang tham khảo ý kiến của Sở Tư pháp thành phố trong quá trình ban hành các văn liên quan, do có ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp.