Cần xử lý nghiêm các "tiến sĩ giấy"
Điều khiến dư luận đặ biệt quan tâm trong vụ án này là cơ quan điều tra xác định Đại học Đông Đô đã cấp văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Tiếng Anh cho 193 trường hợp mà không qua đào tạo, tuyển sinh, thi cử, hay nói trắng ra là 193 trường hợp này đã mua bằng. Có 55 người sử dụng bằng giả để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ, một trường hợp làm điều kiện bảo vệ thạc sĩ, 1 trường hợp thi nâng ngạch thanh tra viên, 1 trường hợp sử dụng xét tuyển thạc sĩ...
Theo quy định, điều kiện để dự thi tiến sĩ, ngoài bằng cấp về chuyên môn, bài báo hoặc công trình nghiên cứu thì thí sinh phải đáp ứng điều kiện về Tiếng Anh. Theo đó, với những người không học đại học hoặc thạc sĩ ở nước ngoài thì phải có bằng tốt nghiệp đại học các ngành ngôn ngữ Anh hoặc sư phạm Tiếng Anh do các cơ sở đào tạo của Việt Nam cấp. Hoặc chứng chỉ Tiếng Anh TOEFL iBT từ 45 trở lên hoặc chứng chỉ IELTS (Academic Test) từ 5.0 trở lên do một tổ chức khảo thí được quốc tế và Việt Nam công nhận cấp trong thời hạn 24 tháng tính đến ngày đăng ký dự tuyển.
Quy định như vậy bởi khi học tiến sĩ, nghiên cứu sinh phải tự nghiên cứu từ các nguồn tài liệu gốc, muốn vậy thì phải có khả năng giao tiếp được bằng tiếng Anh trong chuyên môn (có thể diễn đạt những vấn đề thuộc lĩnh vực chuyên môn cho người khác hiểu bằng tiếng Anh và hiểu được người khác trình bày những vấn đề chuyên môn bằng tiếng Anh). Với không ít người Việt Nam, ngoại ngữ là thách thức khó vượt qua. Nhưng tham vọng có tấm bằng tiến sĩ đã khiến họ áp dụng "công thức": "Không học được thì mua". Và trường Đại học Đông Đô đã đáp ứng được điều đó.
Phải nói ngay rằng không ai mất công mất sức đi mua bằng để đủ điều kiện học tiến sĩ chỉ để cho vui mà đều có mục tiêu "sưu tầm" bằng tiến sĩ để thăng quan tiến chức. Nhưng ngay với một điều kiện cần đã không đáp ứng được thì chắc chắn chuyện họ học hành nghiên cứu của họ cũng không có chất lượng. Thế mới có chuyện dù là tiến sĩ nhưng ngoại ngữ chỉ nói được vài ba câu tiếng Anh bồi.
Theo quy định hiện hành, những trường hợp sử dụng bằng giả để thi, học thạc sĩ, tiến sĩ thì đương nhiên các bằng thạc sĩ, tiến sĩ là không có giá trị. Các cơ sở đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ nếu phát hiện học viên sử dụng bằng giả thì phải thu hồi các văn bằng đã cấp.
Vì thế, từ vụ án ở trường Đại học Đông Đô, dư luận đòi hỏi cơ quan chức năng cần công khai danh tính những người mua bằng giả đang công tác ở đơn vị nào, đảm nhiệm chức vụ gì và phải có hình thức xử lý nghiêm. Bởi với những người làm khoa học, điều kiện đầu tiên là phải trung thực. Việc để những người cơ hội, không có đạo đức, luồn lách vào môi trường học thuật, nghiên cứu khoa học để trở thành tiến sĩ rồi từng bước leo cao, tiến xa trên con đường quan chức thì chỉ gây nguy hại cho xã hội. Pháp luật hiện cũng đã quy định những người đang là cán bộ, công chức, viên chức mà sử dụng bằng cấp giả nhằm mục đích nâng ngạch, bổ nhiệm chức vụ thì có thể bị xử lý vi phạm bằng hình thức cách chức hoặc thôi việc.
Từ vụ án này, một vấn đề nghiêm túc cần được đặt ra đó là đã đến lúc cần xóa bỏ những quy định về học vị liên quan đến bổ nhiệm các chức vụ cho công chức. Học vị, học hàm là yêu cầu đối với những người làm nghiên cứu khoa học, hoạt động ở các lĩnh vực học thuật, giảng dạy, còn các lĩnh vực khác chỉ nên khuyến khích nếu có bằng thực chất.
Nghiên cứu khoa học phải là một công việc nghiêm túc chứ không thể là nơi để những kẻ cơ hội mua bán bằng cấp. Hãy để tấm bằng tiến sĩ xứng đáng là một giá trị học thuật chứ không phải là thứ trang sức như cụ Nguyễn Khuyến từng mỉa mai: "Ghế tréo lọng xanh ngồi bảnh chọe. Tưởng rằng đồ thật hóa đồ chơi !".