Trào lưu nguy hiểm “Thử thách cá voi xanh”: Cần ngăn chặn từ khi còn manh nha

Thứ Năm, 17/05/2018, 10:54
“Thử thách cá voi xanh”, bức màn trá hình của những hành vi xúi giục tự sát bắt nguồn từ nước Nga vài năm trước. Nó ngày càng hé lộ những câu chuyện đáng sợ, rùng rợn, nhiều cái chết thương tâm, số lượng người trẻ tham gia thử thách này vẫn có xu hướng tăng lên.


Gần đây, tại Việt Nam đã bắt đầu manh nha xuất hiện trò chơi đáng sợ này trên các trang mạng xã hội. Điều này khiến các bậc phụ huynh vô cùng lo lắng khi mà con cái của mình đang sống trong một xã hội hiện đại và có quá nhiều áp lực.

Thử thách điên rồ

Nhiều người đã phải choáng váng khi thấy con cái của mình nói vanh vách về lịch sử trò chơi, cách chơi “Thử thách cá voi xanh” (Ble Whale Challenge). Đây là một trò chơi truyền thông xã hội có nguồn gốc từ nước Nga, xuất hiện cách đây không lâu và đã lan truyền ra khắp thế giới. Tên gọi này bắt nguồn từ hành vi tự tử của những con cá voi xanh trong thực tế: Chúng lao lên bãi biển để tự kết thúc cuộc sống của mình.

Khi tham gia trò chơi này, người chơi sẽ phải tham gia vào một nhóm trên mạng xã hội, hoạt động dưới sự giám sát và quản lý của một người cầm đầu. Người chơi cần phải cài một ứng dụng lên điện thoại của mình để mỗi ngày thực hiện một thử thách được đưa ra. Các nhiệm vụ này được thực hiện 50 lần, được yêu cầu hoàn thành vào lúc 4h20 sáng. 

Chỉ cần tải ứng dụng về điện thoại là người chơi có thể tham gia trò chơi chết người này.

Bước đầu tiên, người chơi cần phải vẽ một bức hình cá voi, nghe nhạc được người cầm đầu gửi tới, xem phim kinh dị, nói chuyện với người chơi khác như mình… Các yêu cầu này sẽ được tăng dần độ khó và gay gắt hơn. Người chơi phải dùng dao rạch vào tay, chân, đi dọc theo đường sắt, ngồi lên những nơi cao…

Thử thách cuối cùng được gọi bằng cái tên hết sức “đẹp” đó là “nói chuyện với cá voi xanh”, thực tế là leo lên một tòa nhà thật cao rồi nhảy xuống. Khi đó người chơi sẽ trở thành người chiến thắng.

Đặc biệt, nếu người chơi muốn dừng lại, người cầm đầu sẽ đưa ra những lời đe dọa, thậm chí liên quan cả đến người thân. Chính vì thế khi đã tham gia vào hội người chơi sẽ rất khó thoát được, thậm chí rơi vào một vòng xoáy u mê, hoảng loạn. Tên cầm đầu lựa chọn những thành viên mới hết sức cẩn thận. Những thanh, thiếu niên cô độc, sống nội tâm có tính cách trầm, hay bị cô lập bởi bạn bè và thầy cô sẽ là đối tượng chính để họ nhắm vào.

Nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh

Mặc dù ở Việt Nam, trò chơi này mới bắt đầu manh nha được du nhập vào thì ở các nước Tây Á, châu Âu, châu Mỹ cho tới các nước châu Á đã trở thành vấn nạn mà cơ quan chức năng rất khó lòng kiểm soát. Qua tìm hiểu từ các thông tin đại chúng, ở nước Nga (nơi bắt nguồn của trò chơi), số thanh thiếu niên tự tử bởi trò chơi này đã vượt quá 100 người. Đã có không ít các nhóm chơi “Thử thách cá voi xanh” được tìm thấy trên các trang mạng xã hội như Facebook, Intagram, SnapChat…

Nó nguy hiểm đến mức chính quyền của nhiều quốc gia đã buộc phải lên tiếng cảnh báo các bậc phụ huynh, nhà trường. Công an đã tăng cường theo dõi và giám sát mọi vấn đề, thông tin có liên quan đến trò chơi này. Bạn Lê Quốc Cường (20 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Em có nghe qua và tìm hiểu về trò chơi “Thử thách cá voi xanh” trên các trang mạng xã hội. Chúng lây lan nhanh lắm, phần vì luật chơi rất đơn giản, mô hình được sao chép, mô phỏng lại ở bất kỳ nơi đâu. 

Hai thiếu nữ người Nga đã thiệt mạng khi tham gia trò chơi “Thử thách cá voi xanh”.

Điển hình vào năm 2017, một bạn học sinh ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, một bé gái 12 tuổi đã thành lập nhóm và lôi kéo bạn bè tham gia. Khi được hỏi, cô bé này trả lời: Tôi không học giỏi ở trường và không có bạn bè, tôi cảm thấy thất vọng về cuộc sống”. Nếu thực sự trò chơi này mà lan tràn ở Việt Nam thì hậu quả của nó thực sự khủng khiếp”.

Hãy cảnh giác vì con em mình

Chẳng khó khăn gì để lên mạng Internet tìm kiếm những Youtube về luật chơi của trò “Thử thách cá voi xanh”. Đó là những bạn trẻ cả Việt Nam lẫn nước ngoài quay clip và đẩy lên mạng. Không những vậy, “Thử thách cá voi xanh” còn tràn lan trên Facebook, Instagram… Mục đích là gì thì chưa thể kiểm chứng nhưng từng đó là đủ để các bạn trẻ thấy tò mò và muốn thử. 

Một học sinh trung học tại Hà Nội chia sẻ quan điểm của mình về trò chơi này.

Chị Nguyễn Thị Vi (Kim Sơn, Ninh Bình) chia sẻ trên trang cá nhân của mình: “Mới đây tôi thấy trên các trang mạng xã hội đăng tải nhiều về trào lưu “Thử thách cá voi xanh”, mình đã về nói chuyện với chồng. Cậu con trai mình mới học lớp 7 nghe thấy liền hỏi mẹ, cũng biết trò chơi này á? Chưa kịp hỏi lại thì cháu đã nói ra một tràng dài về trò chơi này. Cháu nói từ nguồn gốc, luật chơi, người nghĩ ra… Thực sự hai vợ chồng rất bất ngờ và bàng hoàng. Ngay sau đó vợ chồng tôi đã phải dành cả ngày để giải thích, phân tích cho cháu hiểu tác hại của nó thế nào”.

Cùng chung tâm trạng với chị Vi, một tài khoản có tên Minh Thương chia sẻ, có mở Youtube xem trò “Thử thách cá voi xanh” liền quay sang hỏi hai đứa con nhỏ thì đều nhận được câu trả lời “con có biết”. “Nếu thực sự mà cho các cháu dùng điện thoại, dùng mạng Internet thì các cháu rất dễ thử tải trò chơi này về và chơi. Tôi chỉ mong các mẹ phải cảnh giác ngay lập tức với con mình” – Chị Thương kể lại.

Chúng tôi có phỏng vấn một số em học sinh khu vực nội và ngoại thành Hà Nội, điều khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ là trong số 10 em thì có tới 4 em có biết trò chơi này. Em Đoàn Bá Thanh (học sinh lớp 9, Mỹ Đức, Hà Nội) cho hay: “Em đã từng nghe nói đến trò chơi “Thử thách cá voi xanh” rồi. Em có tài khoản Facebook, ở dòng trạng thái hay xuất hiện lắm. Thỉnh thoảng click vào xem, đọc thấy ghê ghê thế nào ấy. Bọn bạn em nhiều đứa cũng biết lắm, nhưng chưa ai thử chơi cả”.

Cũng chỉ là học sinh lớp 6 nhưng em Hoàng Thắng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) nói về trò chơi này khá rành mạch: “Bọn em lên Youtube và được bày cách chơi chi tiết 50 nhiệm vụ cụ thể. Nhiều bạn còn bình luận hài hước là, nên thay đổi cách chơi cho phù hợp với trẻ con như thay vì dùng dao rạch lên tay hình cá voi thì hãy dùng bút đỏ để vẽ, xem phim kinh dị thì thay bằng xem hoạt hình. Còn nhảy từ giường xuống đất để thay với việc nhảy từ cầu hay nhà cao tầng. Xem để biết thôi ạ, chứ chúng em đứa nào cũng sợ, không đứa nào dám thử đâu”.

Bức hình của nạn nhân tham gia trò chơi đã vẽ trước khi tự tử.

Bên cạnh đó, các clip về cách chơi “Thử thách cá voi xanh” phần nhiều là do các bạn nhỏ tự dưng lên với mục đích câu lượt xem, lượt theo dõi. Giải thích về việc này, bạn Lê Hoàng Vinh (học sinh lớp 9, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay: “Bây giờ các bạn đều mơ ước trở thành như Youtuber nổi tiếng, vì thế các bạn ấy hay làm clip về những trò mới, hiện tượng mới nổi. Ở lớp em bạn nào mà có clip được nhiều lượt thích, lượt theo dõi là rất hoành tráng, mọi người rất nể phục”.

Rõ ràng chỉ rõ cách chơi trò “Thử thách cá voi xanh” tràn lan trên mạng xã hội sẽ khiến các em nhỏ tò mò. Hơn nữa, tâm sinh lý của các em đang trong giai đoạn phát triển và hoàn thiện, trong các mối quan hệ xã hội, nhà trường, gia đình rất dễ gặp phải những cú sốc. Biết đâu đấy, khi gặp những chuyện không vui, các em sẽ lại thử, sẽ lại đắm chìm vào trò chơi nguy hiểm? 

Thiết nghĩ, trước tiên là các bậc cha mẹ, nhà trường cần phải quan tâm chú ý tới tâm sinh lý với con em mình. Đặc biệt phải liên tục trò chuyện, tâm sự để sớm phát hiện những thay đổi của con em mình, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Hiện tượng nhiều học sinh, thanh thiếu niên tự tử là bài học đau xót, nhãn tiền của chúng ta.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Nga, Trung tâm tư vấn Nguyễn Nga  cho biết, không chỉ trò chơi này mà hiện nay có rất nhiều trò chơi tương tự khác đang tràn vào Việt Nam. Người chơi thường là những thanh, thiếu niên trong độ tuổi chưa phát triển đầy đủ về nhận thức và tâm sinh lý. Những lời phê phán, chê bai của những người xung quanh rất dễ khiến các em bị chấn động tâm lý, cảm giác bị cô lập và khát khao được giải phóng. Đây là một trò chơi đẩy con người vào mê hoặc và làm theo những thử thách khi tham gia. Các thanh, thiếu niên sẽ thất tò mò, cảm giác mới lạ đã lao vào, đơn giản vì các em thiếu sân chơi và non nớt về cuộc sống. Các bạn trẻ rất tò mò, thích khám phá những điều bí ẩn. Khi chơi sẽ rất dễ bị cuốn vào, với những quy tắc, luật lệ dần dần hoàn toàn tuân thủ. Khi ấy người ta bảo chết cũng sẽ làm theo, không có gì là lạ.

Trước những thông tin, trò chơi nguy hiểm này đã vào Việt Nam, chuyên gia Nga đưa ra lời khuyên với các bậc phụ huynh: Nếu phát hiện con có dấu hiệu tham gia trò chơi này, tuyệt đối không dùng biện pháp cấm đoán. Nếu càng cấm chúng sẽ càng làm. Hãy gần gũi, lắng nghe để tìm ra nguyên nhân… từ đó sẽ giải tỏa được những áp lực cho các con. Chủ động định hướng cho con sử dụng một môi trường Internet lành mạnh.

Song Anh
.
.
.