Cần một môi trường lành mạnh trong hoạt động đấu thầu

Thứ Ba, 27/10/2015, 12:00
"Xã hội đen" đang điều hành bên ngoài các địa điểm mở thầu" - H., một giám đốc công ty mang trên mặt cái sẹo dài vì bị chém khi đi dự lễ mở thầu, đã chua chát kể với tôi như vậy. Ký ức về trận ẩu đả kinh hoàng ngoài cổng Sở Công thương tỉnh Y. vẫn còn nguyên vẹn trong anh, dù đã vài tháng trôi qua.

Hôm ấy, anh bị đánh một trận "lên bờ xuống ruộng", chỉ vì cái tội "đã bảo ôm hồ sơ về lại còn bướng!". Những đòn "xấu chơi" đã, đang và sẽ còn xảy ra bên ngoài trụ sở mở thầu, khiến việc mời thầu đây đó chỉ còn trên danh nghĩa. Nhiều doanh nghiệp có đủ năng lực trúng thầu nhưng vẫn phải ngậm ngùi bỏ cuộc, bởi những đòn cạnh tranh không lành mạnh từ đối thủ, cùng hành xử đáng ngờ của đơn vị mở thầu.

Vấn nạn nhức nhối

Trên đường dẫn tôi đi "mục sở thị" một cuộc mở thầu, Vương Vũ H. (Giám đốc Công ty CP xây dựng, điện tự động hóa C. ở Cầu Giấy, Hà Nội) buồn rầu than vãn: "Kiếm được miếng ăn thời buổi này nhục lắm anh ơi. Bỏ bao vốn liếng đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị, nhà xưởng, nuôi cả trăm miệng ăn (công nhân-PV), mà không có việc làm là chết. Loại giám đốc tự phong như em, suốt ngày đôn đáo lo tìm việc. Hễ nghe ngóng được ở đâu đang mời thầu là lao đến, may ra thì kiếm được một "chân". Chẳng theo thì không có việc, mà theo thì nhục trăm đường anh ạ. Trước hết là trò "đấu thầu giả vờ", "đấu cho vui", tức là người ta cũng tổ chức mời thầu như thật. Kỳ thực là tất cả đã được "an bài". Bọn em có tham gia cũng chỉ tốn công, vì có sự thông đồng móc ngoặc từ trước giữa chủ đầu tư và nhà thầu, mà dân ta vẫn quen gọi là "thông thầu".

Tất nhiên để được "chấm", câu chuyện "đi đêm, %, gửi giá, lại quả"…là đương nhiên.

Mở thầu gói PL1-03 "Cải tạo nâng cấp trường THCS Lương Khánh Thiện" do UBND TP Phủ Lý làm chủ đầu tư.

Em nói thật, muốn biết đạo đức của quan chức, chỉ cần hỏi nhà thầu. Rồi chuyện ra thông báo mời thầu công khai, nhưng khi doanh nghiệp đến mua hồ sơ thì lại không bán, vì "các sếp đi họp". Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP có nhiều quy định để chuyện "thầu bè" diễn ra công khai, minh bạch. Nhưng trên thực tế đang tồn tại một hiện tượng cực kỳ nhức nhối, khiến những quy định này có mà như không. Đó là tình trạng chèn ép, tranh cướp, giằng giật hợp đồng bằng "nắm đấm" giữa các đơn vị dự thầu, thông qua lũ "âm binh" là bọn "xã hội đen" bản địa (nơi mở thầu-PV). Chúng em ngờ rằng, bọn này "tác oai tác quái" được là bởi "đèn xanh" của ai đó. Vì nhiều doanh nghiệp bị cướp mất hồ sơ dự thầu, xin mua lại hồ sơ thì chủ đầu tư không bán, với lý do không bán hồ sơ 2 lần".

Câu chuyện "giấy trắng máu đỏ" của H. xảy ra ngày 24/5/2015, trong buổi lễ mở thầu tổ chức tại tỉnh Y. Hôm ấy, H. từ Hà Nội mang theo bộ hồ sơ tham dự 3 gói thầu xây lắp điện nông thôn, do Sở Công thương tỉnh này làm chủ đầu tư.

Với bộ hồ sơ năng lực đầy đặn, "sạch sẽ" và có giá bỏ thầu thấp nhất, nên ngay khi mới mua hồ sơ dự thầu, H. đã nhận được tin nhắn: "Khôn hồn thì đi chỗ khác kiếm ăn. Trên này không có chỗ cho mày. Đừng để tao nhìn thấy là không còn đường về Hà Nội!". Dù rất lo lắng, nhưng vì "miếng cơm, manh áo" nên anh bỏ ngoài tai mọi cảnh báo nguy hiểm, quyết tâm dự thầu bằng được.

Buổi lễ mở thầu tổ chức tại hội trường Sở Công thương tỉnh Y. Lúc này ngoài cổng đã tề tựu rất đông các "hảo hán" địa phương "rồng phượng" kín người. Phát hiện xe của H. từ xa, chúng chặn lại rồi mở cửa giật phăng chiếc cặp hồ sơ thầu. Tuy nhiên, H. đã lọt vào bên trong địa điểm mở thầu trước đó chừng nửa giờ, bằng cách ngụy trang và đi bằng xe ôm. "Đây là chiêu "dương đông kích tây" mà các nhà thầu thường dùng để tránh "xã hội đen". Bộ hồ sơ bị cướp kia là giả." - H. bật mí.

Nhận thấy toán quân ở cổng đã bị H. qua mặt, nhà thầu đối thủ liền "phím" ra ngoài. Vài phút sau, đám "hổ báo" ấy hung hãn xông thẳng vào phòng làm việc, giật phăng bộ hồ sơ dự thầu từ tay H.. Cuộc rượt đuổi đòi lại hồ sơ đã dẫn H. chạy ra đến cổng. Tức thì trận mưa đòn bằng chân tay, dao gậy tới tấp đổ xuống người anh. Bị đánh sa sẩm mặt mày, H. ôm đầu máu bỏ chạy.

Vắng mặt tại thời điểm đóng thầu, đương nhiên hồ sơ của H. bị loại. Hỏi ra, anh mới biết mình đã đối mặt với H. "Phỏm", Tr. "Long" là những tên "đầu đà" có "số" nơi đây. Chúng nhận lương của doanh nghiệp địa phương để chuyên tâm đi "dẹp thầu". Và đối thủ của anh, tuy chào giá cao gấp H. mấy lần, nhưng vẫn trúng thầu, bởi đó là doanh nghiệp sân sau của vị quan chức đầu tỉnh nọ.

Vụ việc xảy ra với H. không phải là một cá biệt, mà đã thành một hiện tượng phổ biến hiện nay ở các cuộc đấu thầu tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Đến mức nhiều nhà thầu phải bỏ cuộc vì không chịu nổi sức ép đến từ bọn "đầu trâu mặt ngựa", đã ngao ngán cho rằng "xã hội đen"đang điều hành hoạt động này.

Đối tượng "dằn mặt" doanh nghiệp khi đến mua hồ sơ thầu của gói PL1-03.

Sự việc gây bức xúc vừa xảy ra tại gói thầu PL1-03 "Cải tạo nâng cấp trường THCS Lương Khánh Thiện" trị giá 14 tỷ đồng, do UBND TP Phủ Lý làm chủ đầu tư. Hồ sơ mời thầu được Ban QLDA phát triển đô thị Phủ Lý (Hà Nam) thông báo bán tại số 15, đường Lê Lợi, TP. Phủ Lý. Khi các doanh nghiệp đến nơi thì thấy đó lại là một bệnh viện cũ và dột nát, không có người ra vào, bên ngoài cổng đã khóa, cũng không hề có biển bảng nào ghi là nơi bán hồ sơ dự thầu. 

Tiếp họ trong gian nhà nhỏ ngay sát bệnh viện, là một nhóm thanh niên xăm trổ bặm trợn. Chúng thẳng thắn công bố gói thầu này đã thuộc về "đại ca" tên T., vì đã tốn công "lobby" (chạy chọt-PV) nhiều nơi. Đồng thời đám người này cảnh báo các doanh nghiệp kể cả có mua được hồ sơ cũng không làm được. Tốt nhất là ngồi uống nước rồi cút xéo.

Ngày 25/4/2015, trả lời về việc "xã hội đen" gác nơi bán hồ sơ thầu, nên doanh nghiệp không thể mua được, ông Nguyễn Văn Học - Trưởng ban QLDA đã thừa nhận một thực tế: "Việc tranh, cướp thầu và nhiều cái phức tạp hơn nó là việc diễn ra thường xuyên, chứ nó không theo kiểu minh bạch, mặc dù có luật thế nhưng nó vẫn cứ diễn ra ở tất cả các hình thức gói thầu... Ở đâu chả thế, có riêng gì Phủ Lý".

Vụ "chặn thầu" tại lễ mở thầu gói: "Xây dựng trụ sở UBND thị trấn Tây Đằng, Ba Vì" đã từng gây bức xúc dư luận khi đó. Trong ngày mở thầu, "giang hồ" đã dùng cả xe ô tô IFA chặn ngang đường không cho cán bộ Công ty Thủy Tinh đến nộp hồ sơ dự thầu, rồi cướp hồ sơ và đánh họ túi bụi, khiến doanh nghiệp phải "bỏ của chạy lấy người".

Mới đây nhất là vụ cướp hồ sơ mời thầu xảy ra ngày 8/9/2015 tại trước cổng Cục Thuế tỉnh Bình Định. Bị hại là cán bộ Công ty CP xây dựng Hiệp Hòa đã bị "giang hồ" giằng giật, cướp trắng trên tay hồ sơ họ vừa mua được, để dự thầu gói "Xây dựng trụ sở làm việc Cục thuế tỉnh Bình Định". 

Theo ông Nguyễn Đặng (Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty Hiệp Hòa) thì cách tổ chức đấu thầu, bán hồ sơ của gói thầu này có nhiều dấu hiệu không tuân thủ theo nguyên tắc đấu thầu, như cố tình dây dưa không bán để kéo dài đến ngày đóng gói thầu, gây khó khăn, tốn kém cho nhà thầu. Sau khi hồ sơ bị cướp, doanh nghiệp đã báo cáo đề nghị chủ đầu tư cho mua thêm một bộ hồ sơ khác, nhưng đơn vị này không bán, với lý do là không bán lần 2.

Nói về những thủ đoạn phổ biến hiện nay trong hoạt động đấu thầu, H. buồn rầu bảo tôi: "Vẫn chủ yếu là "bài" thông thầu thôi anh. Nghĩa là chủ đầu tư vẫn công khai thông báo mời thầu trên các báo chí (như là báo Đầu thầu). Nhưng để mua được một bộ hồ sơ, thật không dễ dàng gì. Họ dùng đủ loại chiêu thức để "ém" hồ sơ mời thầu, khiến khách hàng phải về tay không, bởi gói thầu được chỉ định từ trước mất rồi. Thêm doanh nghiệp "lạ" dự thầu, chỉ tổ gây nhiễu, khó cho việc "đẩy giá, gửi giá". Trường hợp đơn vị nào cậy cục quan hệ mà mua được cái hồ sơ, thì sẽ lại chạm mặt với đám "giang hồ". Chúng tìm mọi cách phá đám, nên kể cả có trúng thầu thì cũng phải bán xới mà đi".

Cần một "đơn thuốc" mạnh?

Thời gian qua, tình trạng lưu manh "xã hội đen" tổ chức "vây thầu", "dẹp thầu" đã xảy ra trong cả nước, gây bức xúc cao độ trong giới doanh nhân và dư luận. "Giang hồ" có mặt tại các cuộc đấu thầu, là bởi được "đặt hàng". Nghĩa là trong số các đơn vị dự thầu, có người muốn chúng "hạ" đối thủ cạnh tranh của mình bằng mọi giá. Hành vi này ảnh hưởng đến ANTT, môi trường kinh doanh, làm pháp luật bị khinh nhờn, gây lãng phí, thất thoát ngân sách nhà nước, gây ấn tượng xấu với các nhà tài trợ (trong các gói thầu vốn ODA).

Ông Nguyễn Văn Học - Trưởng ban QLDA phát triển đô thị Phủ Lý (Hà Nam).

Luật sư Lê Hồng Hiển (Giám đốc Công ty Luật Nay&Mai) kiến nghị: "Cần có một giải pháp mạnh mẽ. Trước hết là một cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ các khâu trong hoạt động đấu thầu của chủ đầu tư, từ việc đăng thông tin mời thầu, bán hồ sơ, thẩm định hồ sơ tham gia, tổ chức đấu thầu, thẩm định lại năng lực thực tế của đơn vị trúng thầu… Tại các lễ mở thầu, cần bố trí lực lượng Công an hoặc bảo vệ chuyên trách để giữ gìn trật tự trị an, trấn áp giải tán ngay những đám người tập trung bên ngoài, có phương án bảo vệ doanh nghiệp dự thầu. Cần quy định buộc đơn vị mở thầu phải bán lại hồ sơ cho doanh nghiệp nếu họ bị cướp. Khi có nghi vấn một doanh nghiệp nào đó sử dụng "xã hội đen" để cản trở việc dự thầu của đối thủ, cơ quan chức năng cần tổ chức điều tra xác minh. Nếu có đủ chứng cứ, cần dứt khoát "đuổi cổ" ngay kẻ "xấu chơi" đó ra khỏi danh sách dự thầu và kiên quyết xử lý các đối tượng liên quan. Có như vậy môi trường hoạt động đấu thầu mới lành mạnh được".

Đào Trung Hiếu
.
.
.