Nhức nhối nạn khai thác cát trái phép:

Cần một ‘bàn tay sắt’ để chống ‘cát tặc’

Thứ Hai, 25/05/2015, 08:44
Hiện tượng khai thác cát trái phép gần đây đã được các cơ quan liên quan vào cuộc xử lý. Tuy nhiên "cát tặc" đã sử dụng những mánh khóe mới rất tinh vi để… né. Dư luận đang đặt ra câu hỏi có hay không "thế lực ngầm" chống lưng cho giới "cát tặc"? Nhiều ý kiến cho rằng việc dẹp hoàn toàn vấn nạn này không khó, chỉ cần có một "bàn tay sắt" thực sự nghiêm minh sẽ siết chặt được nạn khai thác cát trái phép tồn tại bấy lâu.
>> Những thủ đoạn 'hút bạc' dưới đáy sông

Tít mù rồi lại vòng quanh

Trong rất nhiều lần thực tế về vấn nạn "cát tặc" hoành hành trên các tuyến sông, chúng tôi chứng kiến những con tàu cuốc công suất lớn ngang nhiên khai thác mà không hề có dấu hiệu hoảng sợ. Theo những  người dân tại một số khu vực này, gần đây lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy, Thanh tra giao thông, lực lượng liên ngành của các tỉnh tuần tiễu, tuần tra liên tục. Tuy nhiên khi lực lượng này rời khỏi là các tàu hút cát trở lại và hoạt động bình thường.

Ông Nguyễn Công Láng (Phú Xuyên, Hà Nội) chia sẻ: "Đúng là lực lượng chức năng gần đây đã tăng cường tuần tra nhưng "cát tặc" rất khôn. Khi thấy lực lượng tuần tra, lập tức "cát tặc" cho tàu chạy sang phía bờ tả ngạn sông Hồng (thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên) để tránh. Và khi bên kia có cơ quan chức năng chúng lại làm ngược lại. Khi không thấy bóng dáng của lực lượng chức năng, các tàu này lại trở lại hoạt động như bình thường. Chúng tôi đành phải "sống chung với lũ" thôi chứ biết làm sao". Ông Nguyễn Đông Trường, Chủ tịch UBND xã Mễ Sở (Văn Giang, Hưng Yên) từng phải than rằng: "Chính quyền địa phương không đủ thẩm quyền để xử lý nạn "cát tặc". Chúng tôi có đuổi thì họ lại chạy sang bờ bên kia…".

Điều khó khăn hơn cả là "cát tặc" đã hợp thức hóa cát khai thác trái phép. Khi khai thác xong họ thường đổ buôn cho những bãi hợp pháp và không hợp pháp dọc ven sông. Các bãi tập kết vật liệu xây dựng lại thiếu sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng. Chính vì thế đây là đầu mối tiêu thụ rất lớn của "cát tặc".

Minh Sang (một công nhân hút cát thuê tại địa phận huyện Phú Xuyên) nói: "Họ thích mua cát của chúng tôi vì giá rẻ hơn rất nhiều so với cát từ nơi khác chuyển về. Nếu mua cát ở xa giá cao hơn rất nhiều vì phải bù chi phí vận chuyển. Nói thật nếu họ không tiêu thụ cát thì chúng tôi khai thác làm gì, bán cho ai?". Theo tiết lộ của Sang, cát khai thác bao nhiêu tiêu thụ bấy nhiêu, lợi nhuận rất lớn. Đây là nguyên nhân chính khiến những kẻ khai thác cát trái phép bất chấp, coi thường pháp luật bấy lâu.

Thiết nghĩ cơ quan liên ngành cần thường xuyên giám sát, kiểm tra hành chính. Không nên kiểm tra theo kiểu chiếu lệ, qua loa. Bởi chính quyền địa phương cho rằng họ không có thẩm quyền và cũng không có trách nhiệm phải kiểm tra. Ông Lê Đình Triển - Chủ tịch UBND xã Thắng Lợi (huyện Văn Giang, Hưng Yên) cho rằng: "Việc cấp phép cho các bến bãi là thẩm quyền của tỉnh, địa phương chúng tôi không có quyền gì ngoài việc bàn giao đất cho họ. Hoạt động như thế nào, có vi phạm theo giấy phép hay không thuộc thẩm quyền của cấp cao hơn chứ chúng tôi không biết, cũng không được biết".

Xóa nạn "cát tặc" không khó

Thực tế có không ít trường hợp khai thác cát trái phép đã bị pháp luật trừng trị. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là tại sao vấn nạn này vẫn còn xảy ra "như cơm bữa"? Khi chưa trả lời được câu hỏi đó thì nhiều người dân đã đặt ra câu hỏi: Phải chăng "cát tặc" đang được một "thế lực" nào đó chống lưng? Những người đứng đầu tại các địa phương có nạn "cát tặc" được hỏi đều khẳng định rằng: Việc chống "cát tặc" không có gì khó khăn. Chỉ có điều muốn làm quyết liệt hay không.

Ông Lê Đình Triển - Chủ tịch UBND xã Thắng lợi thẳng thắn: "Cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng có trách nhiệm của những tỉnh, thành phố có địa phận giáp ranh. Ngăn chặn việc "cát tặc" bị đuổi chỗ nọ di chuyển sang chỗ kia. Chế tài xử lý thật nghiêm minh, bắt được là thu trắng tàu, phạt thật nặng, tuyệt đối không có chuyện nể nang, xin xỏ… Lúc đó chẳng khó khăn gì mà không cấm được".

Trong khi đó, tại địa bàn xã Tứ Dân, Khoái Châu, Hưng Yên gần đây cũng nóng lên với nạn khai thác cát khiến hàng trăm ngôi nhà bị sụt lún, hàng chục héc ta đất màu của bà con bị cuốn trôi. Người dân nhiều ngày lên trụ sở UBND xã kêu cứu. Tuy nhiên chính quyền địa phương cũng đành bất lực trả lời rằng không thể xử lý được.

Khai thác cát ồ ạt gây sạt lở hai bờ sông.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó chủ tịch UBND xã Tứ Dân cho rằng: "Việc người dân bức xúc là rất đúng. Tuy nhiên việc cấp giấy phép hoạt động là do UBND tỉnh Hưng Yên ký. Chúng tôi không đủ thẩm quyền đề xử lý. Việc khai thác có đúng giấy phép hay không chúng tôi biết cũng không thể xử lý được. Chúng tôi chỉ biết báo lên chính quyền cấp trên xem xét xử lý".

Việc "cát tặc" lộng hành chính quyền địa phương rất bức xúc nhưng cũng đành "lực bất tòng tâm", bởi họ không có thẩm quyền bắt giữ. Ông Nguyễn Đông Trường - Phó chủ tịch UBND xã Mễ Sở (Văn Giang, Hưng Yên) bức xúc: "Bắt một tên trộm giữa biển người còn được cơ mà. Bắt "cát tặc" với những chiếc tàu hoạt động rầm rộ có gì là khó? Chả lẽ cơ quan chức năng không nhìn thấy, hay không thể bắt được?".

Rõ ràng ý kiến của những người đại diện chính quyền địa phương, địa bàn có "cát tặc" hoạt động là điều đáng suy ngẫm. Việc chống "cát tặc" không khó, có điều cơ quan chức năng có thẩm quyền đã làm quyết liệt hay chưa? Và, có ý thức được hậu quả khủng khiếp của việc khai thác cát bừa bãi hay không mà thôi. Ví dụ đơn giản, nếu các cơ quan chức năng của TP Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương… ngồi lại với nhau, cùng đưa ra phương án phối hợp hành động cụ thể chắc chắn sẽ không còn hiện tượng những người khai thác cát di chuyển từ địa bàn tỉnh nọ sang tỉnh kia mà không xử lý được.

Người dân quanh khu vực khai thác cát bị ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần trao thẩm quyền cho chính quyền địa phương, đó sẽ là lực lượng quan trọng hỗ trợ lực lượng chức năng trong việc chống "cát tặc". Chính quyền địa phương, người dân trực tiếp chịu ảnh hưởng mới là người nắm bắt rõ nhất phương thức hoạt động, mánh khóe tinh vi của giới "cát tặc".

Đại tá Khuất Duy Kiều - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường thủy Hà Nội cho biết: Hai vấn đề nổi lên là khai thác trái phép và sai phép. Trái phép hầu như chỉ là nhỏ giọt, thường diễn ra khi vắng các lực lượng chức năng và thường xảy ra vào ban đêm. Khai thác sai phép thường tập trung vào các công ty được cấp phép hoặc lợi dụng danh nghĩa thanh, thải, chỉnh, trị luồng. Có công ty đủ thủ tục, có công ty chưa đủ thủ tục nhưng vẫn lợi dụng việc mình được Bộ Giao thông vận tải có dự án để xin làm thủ tục cấp phép hoạt động. Có những đơn vị chưa đủ điều kiện để hoạt động nhưng vẫn hoạt động dẫn đến tình trạng khai thác không đúng với vị trí mà mình được cấp phép, xảy ra ở các tỉnh giáp ranh như Vĩnh Phú, Phú Thọ, Hưng Yên. Đối với các tỉnh giáp ranh có 12 công ty được cấp phép khai thác dưới lòng sông, Hà Nội có 8 công ty. Những công ty này lợi dụng danh nghĩa được cấp phép nhưng lấn chiếm luồn lạch, lấn chiếm địa bàn, khai thác không đúng trong phạm vi giấy phép được cấp.

Hiện tại, Công an thành phố đã có những chủ trương quyết liệt nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác trái phép và sai phép này nhưng gặp nhiều khó khăn như: Công an thành phố chưa có bến thủy để tạm giữ các phương tiện theo quy định nên chưa có điều kiện để cơ quan thực thi này giải quyết triệt để. Vì không có nơi tạm giữ nên xử lý, giải quyết còn gặp nhiều khó khăn. Các cơ quan có thẩm quyền cấp phép chưa làm hết chức năng. Sau khi giải quyết các thủ tục thì thiếu kiểm tra, giám sát về các hoạt động cấp phép. Đáng lẽ sau khi cấp phép phải có các hoạt động kiểm tra theo dõi sát sao.

Chính quyền cơ sở nơi có tuyến đường sông thì chưa chỉ đạo quyết liệt, thiếu phối hợp nhịp nhàng với phòng ban và các cơ quan chức năng. Cụ thể như các bến vật liệu xây dựng, nhiều bến chưa đủ điều kiện, không phép nhưng vẫn đưa vào hoạt động. Những bến vật liệu xây dựng này chính là nơi dung túng chứa chấp cho những đối tượng khai thác cát trái phép. Tiện đâu là họ đưa lên bến bãi đấy. Từ những vấn đền này còn liên quan đến nhiều vấn đề khác như ảnh hưởng đến dòng chảy, sạt lở, hỏng đê điều.

Thế nên đặc biệt đề cao chức năng nhiệm vụ của cơ quan nào nào là cơ quan đó phải đi sâu hơn để giải quyết thì mới triệt để được. Phải phối hợp giữa các tỉnh thành với nhau và trong các phòng, ban, quận, huyện trong một tỉnh thành.

Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng văn phòng Luật sư Interla: Việc khai thác cát trái pháp luật với số lượng lớn, có tổ chức, gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hậu quả nghiêm trọng ở đây có thể trực tiếp gây chết người, sạt lở bờ sông, vi phạm đến công trình công cộng quốc gia. Làm ảnh hưởng đến con người, tài sản của cá nhân, tổ chức hoặc nhà nước. Trong trường hợp hậu quả chưa đến mức nghiêm trọng thì theo Luật về Tài nguyên môi trường cơ quan chức năng có thể ra quyết định đình chỉ khai thác, xử phạt hành chính hoặc cũng có thể tịch thu phương tiện.

Phong Anh
.
.
.