Cần mạnh tay lập lại trật tự văn minh đô thị
- Trả lại vỉa hè cho người đi bộ: Phải thường xuyên, quyết liệt mới hiệu quả
- Quận Hoàn Kiếm huy động hơn 1.500 người đi "dẹp” vỉa hè
Văn minh đô thị, trật tự đô thị, ô nhiễm môi trường trở thành "vấn nạn" đang được báo động. Điều khiến chúng ta đáng lo ngại là "những điều trông thấy", khó coi, dị hợm ấy trở nên quen thuốc đến nỗi chẳng còn ai "đau đớn lòng" nữa.
1. Vỉa hè thành phố là chuyện dài nhiều tập mà ngay cả chính quyền địa phương cũng phải chào thua: Biến thành bãi giữ xe, nơi buôn bán… thậm chí có người còn "xí phần" vỉa hè để sang tay cho người khác.
Lực lượng liên ngành quận Hoàn Kiếm ra quân xử lý vi phạm vào sáng 28-2. |
Qua khảo sát của chúng tôi, tuyến phố Phủ Doãn luôn trong tình trạng đông đúc người và phương tiện do các cổng ra vào của Bệnh viện Việt Đức đều nằm trên tuyến phố này. Các bãi xe trên vỉa hè luôn quá tải, người đi bộ buộc phải đi xuống lòng đường.
Rất nhiều hộ kinh doanh đồ ăn uống phục vụ người nhà bệnh nhân ngang hiên đặt hẳn bếp nấu nướng hoặc đặt bàn phục vụ ngay trên vỉa hè. Một số chủ cửa hàng chưa ý thức về môi trường, nước thải, rác thải xả ngay xuống lòng đường.
Chị Nguyễn Thị Thắm (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), bức xúc: "Tôi từ quê lên đây chăm bố ốm, hơn 1 tháng chăm bố và thường xuyên phải đi bộ ra cổng bệnh viện, đi dọc tuyến phố này. Nhiều lúc không biết mình sẽ đi như thế nào, đi trên vỉa hè thì không bước nổi, người ta bày cả bàn ăn ra, rồi còn xe máy ngổn ngang. Nếu có bước xuống lòng đường đi thì chỉ sợ xe đâm phải, nếu không thì xe máy, ôtô bấm còi inh ỏi. Quả thực chúng tôi rất hoang mang".
Việc lấn chiếm, vi phạm trật tự đô thị không chỉ diễn ra tại những quận nội thành, mà các khu vực lân cận tình trạng này cũng khá bổ biến. Theo quan sát của chúng tôi, phần vỉa hè và lòng đường của khu đô thị Văn Quán (Hà Đông, Hà Nội) có rất nhiều quán nước chè và những "ki ốt" bán bánh mì lưu động.
Những "ki ốt" bánh mì này nhan nhản dưới lòng đường. Vào giờ tan tầm, khách mua nhiều khiến đoạn đường này trở nên đông đúc, gây ảnh hưởng đến giao thông. Phía trên vỉa hè, các hàng nước chè san sát nhau.
Chị Nguyễn Thị Hương - một chủ quán nước chè chia sẻ: "Nói thật bọn em ngồi đây lúc nào cũng nơm nớp lo Công an đuổi. Nhiều lúc em chỉ muốn khách ngồi một phía, còn một phía để tiện quan sát, ngộ nhỡ có "biến" - (ý nói lực lượng chức năng đi tuần - PV).
Cơ quan chức năng phá bỏ phần lấn chiếm của một hộ kinh doanh. |
Lần nào có "biến", em cũng cong đuôi đẩy xe hàng, còn lại bàn ghế đành phải bỏ tất. Có những lần phải chịu mất trắng mấy chục cái ghế đấy. Khổ nỗi, ghế cứ phải bày la liệt ra thì khách mới vào, chứ tiết kiệm chỉ để 1, 2 cái họ lại nghĩ là hết chỗ nên không vào đâu".
Cũng giống như tâm trạng của chị Hương, vợ chồng ông Thức (quê Hà Nam) bán bún riêu cua tại vỉa hè khu đô thị Linh Đàm lúc nào thấp thỏm vừa bán, vừa canh lực lượng chức năng.
Khi được hỏi sao không thuê hẳn một cửa hàng nho nhỏ để kinh doanh thì ông Thức kể khổ: "Vợ chồng tôi cũng lớn tuổi rồi, nay ốm mai đau nên không làm thông được như người ta. Sức không có, vốn lại chẳng đáng bao nhiêu, thuê cửa hàng là phải đổ cả đống tiền ra đấy. Nguyên chuyện làm để đủ tiền thuê mặt bằng thì cũng toát mồ hôi rồi, nói chi đến lời lãi. Thôi thì cứ túc tắc "trụ" ở đây, được đồng nào thì bỏ túi chắc đồng đó".
Anh Nguyễn Văn Khánh - chủ một quán cà phê trên phố Nguyễn Du chia sẻ: "Chúng tôi thuê quán để kinh doanh nhưng lại không thể có một mặt bằng riêng để làm chỗ để xe cho khách. Thế nên buộc lòng phải sử dụng vỉa hè để dựng xe. Chẳng nhẽ bây giờ mình kinh doanh dịch vụ ăn uống mà lại để một tấm biển khách tự lo chỗ gửi xe thì còn ai dám đến nữa. Làm thế có khác nào đuổi khách đâu".
2.Vài ngày gần đây, dư luận hết sức ủng hộ việc ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1, TP Hồ Chí Minh trực tiếp xuống đường cùng đoàn liên ngành, áp dụng biện pháp mạnh để giải phóng vỉa hè.
Rất nhiều người cho rằng, đây là hành động vô cùng cần thiết khi mà tình trạng lấn chiếm, sử dụng trái quy định như một bài toán không có lời giải. Rõ ràng cuộc chiến "giành giật" vỉa hè cho người đi bộ của ông Hải đã có tác dụng. Rất nhiều tuyến phố thông thoáng, người dân có thể thoải mái đi lại trên vỉa hè.
Ngay sau khi quận 1 (TP Hồ Chí Minh) ra quân quyết liệt, ngày 28/2 quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cũng có những động thái mạnh mẽ hơn trong công tác xử lý vi phạm trật tự đô thị, giành lại vỉa hè cho người đi bộ ở những tuyến phố thương mại lớn như Hàng Ngang, Hàng Đào, Chợ Đồng Xuân…
Ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm chia sẻ, việc lực lượng chức năng của quận không chịu hiệu ứng nào từ quận 1, TP Hồ Chí Minh. Bởi, đây là công tác thường xuyên nhiều năm nay để đảm bảo trật tự đô thị.
Với kiểu "xẻ thịt" vỉa hè thế này khiến người đi bộ buộc phải đi xuống lòng đường. |
Địa bàn quận Hoàn Kiếm được đánh giá là phức tạp nhất về trật tự đô thị, tình trạng "xẻ thịt" vỉa hè, bán hàng rong diễn ra thường xuyên. Với những mánh khóe của mình, những người bán hàng rong, các hộ kinh doanh chẳng mấy khó khăn để "né" cơ quan chức năng.
Chị Lê Thị Thu, chủ một quán nước chè khu vực Chợ Đồng Xuân cười nói: "Quầy hàng của mình là một chiếc tủ có lắp bánh xe. Nếu thấy Công an đến, mình đẩy chiếc quầy nhỏ đó vào các con ngõ để tránh. Sau khi họ đi, cảm thấy an toàn, mình lại đẩy ra gốc cây này ngồi. Nói thật là những người như mình ở khu vực này nhiều lắm, lực lượng chức năng có ba đầu sáu tay cũng không dẹp được hết đâu. Mà bắt bọn mình, cùng lắm là mất tủ đồ này, chẳng đáng là bao. Sắm bộ khác cũng chỉ già 1 triệu thôi. Dù sao bọn mình cũng chỉ xác định đây là công việc tạm thời. Nếu có bị làm gắt gao quá thì sẽ chuyển làm nghề khác".
Nói về những khó khăn, biện pháp giải quyết vấn đề này, ông Long nhấn mạnh: "Do đặc thù diện tích nhỏ, lượng người đổ về buôn bán, du lịch rất đông. Chính vì thế chúng tôi sẽ giao trách nhiệm cho từng phường, phường nào để xảy ra mất trật tự đô thị, lãnh đạo phường đó phải chịu trách nhiệm.
Có người từng hỏi sao ở phố đi bộ, ở chợ đêm lại nhiều rác đến vậy. Rác nhiều không phải là do không quét dọn, mà do quá nhiều người vứt ra. Rác không tự bay ra, mà do hành vi của chúng ta. Chúng tôi chủ yếu tập trung vào các giải pháp tuyên truyền và nâng cao ý thức. Chứ có bao nhiêu Cảnh sát, bao nhiêu người ra xử phạt cũng không xuể nếu người dân không đồng tình, không đồng lòng".
Thiết nghĩ, bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân chúng ta cần phải có "bàn tay thép" để lập lại trật tự, văn minh đô thị.
l Theo khoản 3 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm: Sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép. Như vậy, hành vi sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép làm nơi buôn bán là hành vi bị nghiêm cấm. Hành vi vi phạm trên sẽ bị xử phạt hành chính căn cứ quy định tại Điều 12 Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 3, điểm e khoản 4 Điều này... Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Dựng lều quán, cổng ra vào, tường rào các loại, công trình tạm thời khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ; họp chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày, bán hàng hóa, sửa chữa xe, rửa xe, đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo, làm mái che trên lòng đường đô thị, hè phố hoặc thực hiện các hoạt động, dịch vụ khác trái phép trên lòng đường đô thị, hè phố gây cản trở giao thông; chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố dưới 5m2 làm nơi trông, giữ xe... Các cá nhân, tổ chức vi phạm buộc phải dỡ bỏ các công trình xây dựng, biển quảng cáo, di dời cây trồng trái phép, thu dọn vật liệu, chất phế thải, hàng hóa và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra. |