Cần giáo dục trẻ bằng tình người

Thứ Ba, 20/10/2015, 10:28
Sự việc cháu Vũ Thị Phượng (10 tuổi) bị bạo hành và nhốt trong 1 căn phòng 2 lớp khóa ở chùa Thiên Tâm đã xảy ra được hơn 1 tuần nhưng người dân thôn Lạc Cầu (xã Giai Phạm, Yên Mỹ, Hưng Yên) còn chưa bớt xôn xao. Người cho đó là hình phạt dành cho đứa trẻ hư. Nhưng nhiều người lại coi việc giáo dục như vậy là quá tàn nhẫn với một đứa trẻ mới 10 tuổi.

7 năm không gặp con

Một tuần nay ngôi làng vốn bình yên ấy trở nên dậy sóng. Đến những người hay tưởng tượng nhất cũng không thể ngờ nơi cửa Phật tôn nghiêm, nơi được cho là chốn bình yên ấy lại xảy ra một vụ việc khiến nhiều người đau lòng. Bé Vũ Thị Phượng được người dân giải cứu ra khỏi căn phòng có 2 lớp khóa trong tâm trạng hoảng loạn, các vết thương nặng nhẹ nhằng nhịt khắp cơ thể.

Sau khi được giải cứu, cô bé Phượng được bà Phạm Thị Phức trong thôn mang về nuôi dưỡng. Thấy chúng tôi muốn gặp Phượng, bà Phức tỏ vẻ e dè: "Cháu đang rất hoảng loạn. Bây giờ nhiều người hỏi cũng không hay, sợ ảnh hưởng đến thần kinh của cháu". Cả tuần này bé Phượng lầm lì không nói, ai hỏi gì chỉ vâng dạ rồi lại lặng lẽ cúi mặt. Theo bà Phức từ ngày về nhà bà ở cháu bé không dám ngủ một mình, đêm nào cũng hét toáng, kêu xin thảm thiết… Đánh thức gặng hỏi thì cháu Phượng bảo mơ bị thầy đánh.

Bé Phượng được sống an toàn trong ngôi nhà bà Phức.

Biết tin con bị đánh đập ở chùa, chị Oanh mẹ đẻ của cháu Phượng lặn lội từ Hải Phòng đến gặp con. Chị Oanh kể: "Đã 7 năm rồi tôi chưa một lần được gặp con. Mấy hôm trước chị gái tôi xem thời sự thấy con tôi bị như vậy nên mới gọi điện mách tôi. Tôi biết mà đứt từng khúc ruột. Vậy mà tôi cứ nghĩ những năm qua con tôi được sống tử tế nơi cửa Phật". Cũng vì vạn bất đắc dĩ mà chị Oanh phải cắn răng gửi đứa con chưa đầy 3 tuổi vào chùa. Chị Oanh sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Nhà có tới 11 anh chị em. Mười ba tuổi chị đã phải bỏ nhà đi khắp nơi kiếm sống. Chị làm trăm nghề để nuôi thân, dành dụm chút ít tiền gửi về quê phụ thêm gia đình. Đến tuổi trưởng thành chị cũng mơ ước có một mái ấm gia đình. Biết mình hoàn cảnh, chị Oanh chấp nhận lấy người đàn ông đã một lần đò. Những tưởng cuộc sống sẽ thay đổi nhưng chồng chị không công ăn việc làm tử tế. Cuộc sống vốn đã khó khăn giờ lại khó khăn nhân đôi. Sinh con ra mà chẳng thể nuôi được con, chị quyết định gửi sư cô Thích Diệu Tịnh (31 tuổi, tục danh là Nguyễn Thùy Dương). Sư cô Thích Diệu Tịnh nuôi bé Phượng được 2 năm thì gửi sang một ngôi chùa tại tỉnh Hà Nam, cách đây 1 năm mới đón bé Phượng trở lại.

Chị Oanh rớm nước mắt nói: "Biết đâu là cuộc đời cháu lại khổ thế này hả anh chị? Cứ nghĩ gửi vào cửa chùa là yên tịnh, là an toàn ai ngờ cháu thành ra thế này! Sau đợt này có khi em xin mang con về nuôi. Dù khổ thế nào cũng phải nuôi cháu. Có đến 7 năm nay em không được gặp con rồi. Tháng nào em cũng gọi điện xuống hỏi thăm cháu thì sư thầy đều bảo cháu vẫn ổn. Một năm em cố gắng xuống thăm cháu 2 lần. Lần nào xuống em đều gọi cho sư thầy trước. Nhưng cứ xuống đến nơi thì sư thầy lại bảo là cho cháu đi du lịch hay đi chơi đâu đó xa cùng bạn bè rồi. Em nhớ con rất nhiều nhưng không gặp được con.

Thực tâm khi chứng kiến cảnh chùa khang trang như vậy em nghĩ là cuộc sống của cháu ổn. Mãi cho đến khi sự việc con em bị đánh, người ta đưa lên ti vi em mới biết là con em đã phải chịu biết bao khổ cực". Nói xong chị Oanh đưa mắt về đứa con tội nghiệp rồi ôm mặt khóc nức nở. Theo bà Phức, cách đây ít ngày Công an huyện Yên Mỹ đã đưa bé Phượng lên Hà Nội xét nghiệm thì chưa thấy vấn đề gì. Tuy nhiên gần đây bé có nhiều biểu hiện lạ như một dạng tự kỷ, hoảng loạn hơn nữa lại có nhiều vết thương trên đầu nên mọi người quyết định sẽ đưa bé vào Bệnh viện Tâm thần Trung ương để kiểm tra, theo dõi.

Lời kể của bé Phượng

Thấy chúng tôi, Phượng ngồi co rúm một chỗ, thỉnh thoảng đưa mắt nhìn trộm. Phải mất rất nhiều thời gian và được sự động viên của bà Phức, Phượng mới lí nhí kể: "Sư thầy đạp vào đầu con, con xin lỗi nhưng thầy không tha cho con". Phượng bắt đầu kể lại những lần bị sư thầy "phạt" vì cho rằng em đã ăn cắp và đưa người lạ vào chùa ăn trộm. Phượng kể với giọng lo lắng, chiều ngày 8/10, vì lau nhà không sạch nên bị sư Thích Diệu Tịnh đánh và đạp vào đầu làm chảy máu. "Con đã xin lỗi thầy là lần sau con sẽ lau sạch hơn nhưng thầy vẫn không tha, thầy đánh con rồi nhốt con xuống dưới nhà. Thầy cũng không lau máu ở đầu và băng bó vết thương cho con" - Bé Phượng kể lại.

Căn phòng nơi nhốt và bỏ đói bé Phượng.

Theo lời Phượng và  một số người dân sống gần khu vực chùa Thiên Tâm thì bé bị nhốt 4 ngày trong phòng khóa 2 lượt. Không quần áo ấm, không chăn màn, giường chiếu. Đặc biệt hơn bé chỉ được ăn 1 bát cơm với muối trắng khiến cơ thể suy kiệt. "Thầy đi vắng là hay nhốt con vào phòng, thỉnh thoảng con phải ăn cơm với muối trắng. Cơm là do bà Hoàn hay quét chùa mang vào cho ạ".

Việc ăn trộm tiền lặt vặt là có thật, bản thân bé Phượng cũng thừa nhận điều đó. Phần vì quá đói hoặc thèm những đồ ăn của lũ bạn trong xóm. Em kể: "Có lần cháu trót lấy 6 nghìn đồng của sư thầy mua bánh mì vì quá đói. Bị sư thầy phát hiện và dùng cán chổi đánh vào mặt, nhốt cháu vào trong phòng. Cháu không muốn trở lại chùa, cháu muốn ở lại nhà bà Phức".

Phượng quê gốc thuộc bản Tân Tiến, xã Chiềng Sơ, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Gia đình có 5 chị em gái, Phượng là con thứ 3 trong nhà, do hoàn cảnh quá khó khăn gia đình lang bạt xuống Hải Phòng kiếm sống. Vì quá chật vật với cuộc sống, mẹ Phượng quyết định gửi em cho sư Diệu Tịnh nuôi dưỡng. Khi sư Diệu Tịnh gửi bé ở một ngôi chùa thuộc Hà Nam, Phượng học lớp 3, Trường tiểu học Thanh Thủy (huyện Thanh Liêm, Hà Nam). Khi trở về chùa Thiên Tâm thì sư Diệu Tịnh không cho đi học nữa.

Sự việc bé Phượng bị nhốt với những vết thương rỉ máu trên cơ thể như giọt nước làm tràn ly. Bởi việc bé Phượng bị đánh, bị hắt hủi ở đây nhiều người dân đã thấy. Anh Phạm Văn Diễn (xã Giai Phạm) cho biết: "Chúng tôi cũng từng nghe việc cháu Phượng bị đánh, mắng nhưng chỉ nghĩ đó là việc sư thầy giáo dục cháu. Biết sự việc đến mức này người dân chúng tôi vô cùng bức xúc, một đứa bé mới 10 tuổi bị nhốt với những vết thương như vậy ai mà cầm được lòng. Số phận cháu đã thiệt thòi rồi nay nương nhờ cửa Phật mà bị đối xử như vậy thì thật bất hạnh". 

Theo anh Diễn việc bé Phượng hay lấy trộm tiền nhà chùa đi mua quà là có thật, tuy nhiên có thể do cháu đói hoặc thèm những thứ quà của trẻ con. Còn việc bé đưa người lạ vào chùa để ăn cắp đồ thờ là chuyện rất khó tin.

Ông Phạm Trí Nơi (thôn Lạc Cầu, xã Giai Phạm) tỏ ra vô cùng bức xúc về sự việc bé Phượng bị nhốt, đánh. Ông Nơi nói: "Nhà tôi gần ngay chùa, việc cháu Phượng bị đánh là có thực, tôi đã từng chứng kiến nhiều lần rồi. Có lần cháu kêu đói quá, tôi mua cho cháu cái bánh mỳ, con bé ăn ngấu nghiến như chưa bao giờ được ăn vậy.

Anh Diễn tỏ ra rất bức xúc khi chứng kiến bé Phượng bị đánh và bỏ đói.

Khi bé Phượng được giải cứu, sự thầy Diệu Tịnh không có mặt tại chùa. Chính quyền địa phương đã xuống hiện trường và giao bé Phượng cho gia đình bà Phạm Thị Phức cùng thôn trông nom. Bà Phức nói: "Hai bác cháu rất quý mến nhau, chỉ có tôi ở bên, bé Phượng mới thổ lộ mọi chuyện ra thôi. Lúc chăm sóc cháu có tới 3 người nhưng Phượng chỉ muốn về nhà tôi thôi. Chẳng hiểu vì sao mà có người nói Phượng là đứa rất bướng bỉnh, gian, lầm lì. Ở với gia đình, tôi thấy cháu rất tình cảm. Lúc nào cháu cũng muốn trở lại trường để gặp bạn bè".

Bất luận bé Phượng như thế nào thì cháu vẫn là một đứa trẻ. Cháu có quyền được vui chơi, được ăn, được học… Việc giáo dục cháu luôn phải dựa trên tình cảm của người lớn. Những hình phạt với cháu chỉ mang tính răn đe, để xảy ra việc đau lòng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của bé là trách nhiệm của người lớn.

Đại đức Thích Thanh Quang, Phó trưởng ban thường trực trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Hưng Yên cho biết: Đã làm việc với UBND xã Giai Phạm và trực tiếp gặp sư cô Thích Diệu Tịnh. Qua báo cáo, sư Thích Diệu Tịnh đã nhận lỗi của mình nhưng vẫn có vẻ cố giải thích sự việc theo chiều hướng của mình. Nếu có sai phạm, không đúng quy định của nhà Phật thì giáo hội sẽ có hình thức kỷ luật.

Đại tá Đỗ Đình Hào - Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên cho biết, khi tiếp nhận thông tin về vụ việc, xét tính chất mức độ thuộc thẩm quyền của Công an huyện Yên Mỹ nên đã yêu cầu khẩn trương điều tra, làm rõ vụ việc.

Đại tá Nguyễn Minh Hiền, Trưởng Công an huyện Yên Mỹ cho biết, sự việc cháu Phượng bị đánh, nhốt là có thật. Hiện cơ quan Công an đã làm việc với sư trụ trì Thích Diệu Tịnh và tích cực điều tra làm sáng tỏ. Công an huyện đã cho cháu bé đi giám định thương tật và tinh thần. Khi có kết quả của cơ quan khoa học, các tài liệu liên quan chúng tôi sẽ thông báo. Nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

Song Anh
.
.
.