Vụ 5 học sinh đuối nước ở Bắc Giang:

Cần được trang bị kỹ năng sống trong trường học

Thứ Hai, 11/07/2016, 11:07
Ngày 4-7, 5 học sinh Trường THCS Đông Lỗ (Hiệp Hòa, Bắc Giang) tử nạn vì đuối nước. Trước đó, (2-7), 3 nữ sinh Trường Đại học Ngoại thương bị lũ cuốn trôi trong lúc tham gia tình nguyện. Đây chỉ là hai trong số hàng trăm vụ tai nạn đuối nước xảy ra trên địa cả nước gần đây.


Thiết nghĩ, đã đến lúc các ngành chức năng phải có biện pháp tổng thể giúp các em học sinh trang bị những kỹ năng sống để đối phó với tai nạn xảy ra bất cứ lúc nào, nhất là tình trạng đuối nước.

Chứng kiến các bạn ra đi trong tuyệt vọng

Tiếng kêu cứu thất thanh của cháu Nguyễn Thị Tuyết (SN 2000) ở vùng đồng không mông quạnh thuộc thôn Hưng Đạo không thể cứu được năm học sinh bị đuối nước chiều 4-7-2016. Chỉ trong tích tắc, cả nhóm 5 thiếu niên đã ra đi mãi mãi, đau thương và nước mắt bao trùm vùng quê nghèo thôn Hưng Đạo.

Hiện trường vụ tai nạn thương tâm.

Các nạn nhân đều là người trong thôn, gồm: cháu Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Văn Minh, Phạm Hồng Ngát, Nguyễn Thị Tươi và Phạm Thị Oanh (cùng 12 tuổi, học tại Trường THCS Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa).

Khoảng 16 giờ cùng ngày, người dân thôn Hưng Đạo bàng hoàng nhận thông tin 5 học sinh trong lúc đi chăn trâu bị đuối nước ở hồ thuộc cánh đồng của thôn. Hàng trăm người trong thôn chạy đến ken kín khúc sông.

Ông Phạm Văn Thanh (61 tuổi) - người đầu tiên tiếp cận các em cho biết: "Tôi đang ngồi trông đàn trâu bỗng nghe tiếng kêu lạc giọng của một cháu nhỏ cùng thôn, lại gần mới biết là trong hồ đang có 5 cháu nhỏ bị chìm dưới nước. Tôi chạy thục mạng đến thì tất cả đã chìm nghỉm.

Tôi lập tức nhảy xuống hồ, mò khoảng 10 phút thì vớt được thi thể cháu đầu tiên. Sau đó, người trong làng chạy ra mò khoảng 30 phút thì đưa được thi thể 5 cháu lên bờ".

Người chứng kiến toàn bộ sự việc đau lòng ấy là cháu Tuyết. Khi chúng tôi đến, Tuyết vẫn đang ôm mặt khóc. Bà nội Tuyết cho biết: "Kể từ hôm 5 đứa bạn bị đuối nước, cháu nó lúc nào cũng trong trạng thái hoảng loạn. Đêm nằm ngủ chốc chốc lại hét thất thanh: "Có ai không, cứu các bạn cháu với!".

Theo lời kể của Tuyết, khoảng 14h30 ngày 4-7, cháu Tuyết đang chơi trong nhà thì cháu Tươi vào rủ đi chăn bò cùng. Sau đó cả hai cháu dắt bò đi chăn tại cánh đồng thôn Hưng Đạo. Khi ra đến cánh đồng của thôn, Tuyết và Tươi gặp thêm 4 bạn nữa cũng đang chăn bò ở đó. Cả 6 cháu ngồi chơi cùng nhau và để bò tự gặm cỏ.

Đến khoảng hơn 4 giờ chiều, Tuyết đứng dậy đi loanh quanh bờ ruộng. Lúc quay lại thì thấy 5 bạn đang nắm tay nhau đứng sát mép hồ nước. "Thấy cháu đến gần, các bạn rủ cháu cùng xuống hồ tắm nhưng cháu không xuống. Cháu lại tiếp tục đi xem bò thế nào.

Chỉ một lát sau, cháu quay lại phía hồ thì không nhìn thấy các bạn đâu nữa. Lúc đấy chỉ còn tay của bạn Oanh chới với giơ lên khỏi mặt nước. Cháu hoảng quá gọi: "Ôi Oanh ơi, Oanh ơi!" nhưng bạn ấy không trả lời mà cứ chìm dần. Cháu chạy đi gọi người cứu các bạn nhưng chân cứ khuỵu xuống ngã liên tục" - Tuyết kể lại.

Ban thờ em Ngát được người thân lập vội.

Cũng theo lời kể của Tuyết, khi chạy đi tìm người đến cứu các bạn của mình cháu đã thấy hai người đàn ông cách hiện trường chừng 200 mét.

Thế nhưng, khi cháu trình bày sự việc có người bị đuối nước và chỉ về phía lòng hồ cần được cứu thì hai người đàn ông đó lại làm ngơ. Không nhận được sự giúp đỡ từ hai người đàn ông kia, Tuyết tiếp tục chạy xa hơn để kêu cứu.

Chạy được khoảng 1km tính từ hiện trường, cháu gặp được ông Thanh. Biết chuyện, ông Thanh hộc tốc chạy về hướng hồ nước. Tuy nhiên, khi ông Thanh chạy được đến hồ thì cả 5 cháu đã chìm nghỉm.

Trắng đêm đưa tiễn các nạn nhân

Tiếng khóc, kèn trống, vàng hương khắp nơi khiến ngôi làng nhỏ ấy càng tang thương tiều tụy. Không tang thương sao được khi chỉ trong chớp mắt thôi, họ đã mất đi 5 con người. Rất nhiều thân nhân các nạn nhân vẫn còn chưa tỉnh táo.

Ông Lê Quang Toàn (người dân thôn Hưng Đạo) chia sẻ: "Có lẽ đây là nỗi đau lớn nhất mà dân chúng tôi phải hứng chịu. Cả thôn chúng tôi thức trắng đêm để tiễn đưa các cháu về nơi an nghỉ cuối cùng".

Bà Phạm Thị Thắng - bác ruột của cháu Phạm Hồng Ngát và Phạm Thị Oanh lặng người ngồi bên di ảnh của hai cháu, bà như chết đi sống lại khi cùng một lúc mất đi hai đứa cháu.

Người thân của các em vẫn chưa hết bàng hoàng.

Bà Thắng gạt nước mắt: "Từ lúc nhận hung tin, cả hai gia đình các cháu và người thân đều không tin vào mắt mình. Bố mẹ các cháu giờ còn chưa tỉnh, cứ vật vã ngất lên ngất xuống. Thậm chí mọi người đến hỏi thăm, thắp hương cho các cháu cũng không gượng dậy được mà cảm ơn".

Cùng chung nỗi đau, bà Trần Thị Bình cũng mất đi 3 đứa cháu trong vụ tai nạn thương tâm vừa rồi. Nhắc đến cháu Thành, bà Bình không cầm được nước mắt: "Bố mẹ Thành đều làm nông, kinh tế gia đình khó khăn lắm. Nó lúc nào cũng ngoan ngoãn, nghe lời, xinh trai, ai cũng yêu quý.

Nhà có 4 chị em thì duy nhất có Thành là con trai. Từ trước tới giờ, Thành chưa bao giờ đi chăn trâu, những ngày nghỉ hè chỉ ở nhà trông con nhà chị gái. Hôm nay cứ nằng nặc đòi đi thì xảy ra sự việc đau đớn này".

Từ lúc đưa thi thể con về nhà, bố mẹ Thành như người mất hồn, lúc khóc, khi lại cười. Tối hôm làm lễ tang cho con, mẹ Thành là chị Nguyễn Thị Lý như điên dại, chỉ nằm một chỗ, khi thì gọi tên con, lúc lại khóc. Chị Lý gặp ai cũng hỏi đã cho con ăn chưa "lấy mỳ tôm cho em ăn không đói. Thành à, con có ăn gì không mẹ mua cho".

Sự việc đau lòng của các em thôn Hưng Đạo chỉ là một trong hàng trăm vụ đuối nước thương tâm trên cả nước xảy ra thời gian qua. Đã đến lúc gia đình, nhà trường và các ngành liên quan có biện pháp tổng thể giúp các em có kiến thức, trang bị kỹ năng sống với tai nạn này.

Cháu Tuyết run rẩy khi kể lại sự việc ngày 4-7.

Chia sẻ vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho biết: "Đặc thù về địa lý Việt Nam là hệ thống sông ngòi dày đặc.

Bởi vậy, các cơ quan ban ngành chức năng cần có biện pháp để trang bị cho các em nhỏ đủ kiến thức, sự va chạm trong cuộc sống để các em tự làm chủ bản thân trước những tình huống xảy ra bất ngờ. Bên cạnh đó, gia đình cũng cần phải tạo mọi điều kiện, trực tiếp dạy và uốn nắn các cháu tập bơi.

Vấn đề dạy học bơi đã được các nước phương Tây áp dựng vào nhà trường một cách bài bản, nhưng ở nước ta còn hạn chế. Trong đó, vấn đề thiếu sân chơi và quản lý sân chơi cho các em là nguyên nhân chủ yếu và vẫn còn nhiều bất cập nên dẫn đến tình trạng đuối nước thương tâm liên tiếp xảy ra trong thời gian qua".

Ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng Công an xã Hưng Đạo cho biết:

"Đông Lỗ là một xã chiêm trũng, địa bàn xã có sông Cầu chảy qua nên địa phương thường xuyên xảy ra các vụ đuối nước thương tâm. Vụ việc vừa qua thật quá đau buồn, xót xa và lần đầu tiên đau thương đến như vậy. Tại khu vực 5 cháu gặp nạn, cách đây 2 năm cũng có một trường hợp bị đuối nước nhưng là người của huyện khác. Khu vực 5 cháu học sinh gặp nạn là một hố nước, có chỗ sâu đến hơn 2 mét nằm ngay cạnh chân cột điện đường dây 500KV. Trong lúc các cháu vui đùa, không may một cháu bị trượt chân và tuột ra xa khỏi bờ, thấy vậy các cháu còn lại đã nắm tay nhau để kéo cháu còn lại vào bờ nên đã xảy ra sự việc đau lòng. Trong số 5 cháu gặp nạn thì có 1 cháu gia đình nằm trong diện hộ nghèo của xã".

Nói về việc dạy học sinh một số kỹ năng sống cần thiết, thầy Hà Mạnh Quyết, hiệu trưởng Trường THCS Tân Dân, Mai Châu, Hòa Bình chia sẻ: "Với đặc thù gần như 100% các em học sinh của trường là từ núi cao xuống học hầu như không em nào biết bơi, trong khi trường lại gần hồ. Công việc đầu tiên của các thầy cô chủ nhiệm ở đây là phải dạy cho các em bơi thuần thục để tránh nguy hiểm. Vào đầu năm học, chúng tôi thường bớt ra 2 tháng để dạy các em học sinh học bơi. Cứ cho các em vào vó kéo cá, nâng vó lên sau đó hướng dẫn từng động tác một. Cứ như vậy, 100% học sinh của trường THCS Tân Dân đều biết bơi".


PHONG ANH
.
.
.