Thừa Thiên - Huế:

Cán bộ xã dùng bằng giả bị xử lý vẫn 'kêu oan'

Thứ Tư, 17/06/2015, 15:59
Mặc dù đã từng bị xử lý hành chính vì hành vi mua bằng giả để củng cố thêm “trình độ chuyên môn”, nhưng xem ra ông Phó chủ tịch UBND xã tên Kiên vẫn không chịu rút kinh nghiệm. Lần tái phạm thứ hai này, cùng với Kiên còn có hai quan xã khác cũng bị phát hiện là Đào Hữu Truyền (Bí thư Đảng ủy xã Phú Mỹ) và ông Hoàng Công Phương (Phó chủ tịch HĐND xã Phú Mỹ).

Bi hài ở chỗ, các quan xã đã thừa nhận: Rằng sai thì rõ là sai, nhưng nguyên do dẫn đến việc làm sai chung quy cũng vì “công việc”. Thậm chí, quan sai Kiên có đến hai lần dùng bằng giả vẫn một mực “kêu oan”!…

Chuyện quan xã dùng bằng giả để “củng cố địa vị”

Chuyện sử dụng bằng giả bị phanh phui bấy lâu nay dư luận không lạ gì. Tuy nhiên, vụ một xã có đến 2 quan xã dùng bằng giả, hay ở huyện Phú Vang có đến 3 quan xã bị lật tẩy việc mua bằng giả để “củng cố địa vị”, thêm một lần nữa khiến dư luận Thừa Thiên - Huế không khỏi xôn xao, chấn động vào những ngày cuối tháng 4 đầu tháng 5/2015 này. 

Ba vị quan xã dùng bằng THPT giả là các ông Lê Ngọc Kiên (Phó chủ tịch xã Phú Thượng), ông Đào Hữu Truyền (Bí thư Đảng ủy xã Phú Mỹ) và ông Hoàng Công Phương (Phó chủ tịch HĐND xã Phú Mỹ). Đáng lên án hơn, riêng ông Lê Ngọc Kiên, Phó chủ tịch xã Phú Thượng, việc dùng bằng giả không chỉ là lần đầu tiên, mà trước đó không lâu ông Kiên đã từng bị xử lí vì hành vi này một lần.

Trước đây, trong chiến tranh, điều kiện học hành khó khăn nhưng hiện tại đất nước đã thống nhất 40 năm nên việc học dễ dàng hơn rất nhiều, thế nhưng cán bộ xã mà không có nổi cái bằng THPT, phải chạy mua bằng giả đó là một điều khó có thể chấp nhận được. 

Ông Đào Hữu Truyền (50 tuổi, Bí thư Đảng ủy xã Phú Mỹ) cho biết: “Bằng giả của tôi được cấp vào năm 1998. Năm đó, tôi đã học hết lớp 12 và có dự thi tại hội đồng huyện Phú Vang nhưng bị trượt nên mới “mua” bằng giả. Từ đó đến nay tôi tưởng đã yên ổn vì không có ai kiểm tra cả nhưng hôm nay thì tôi bị phát hiện thì thấy mình đã sai. Mong cấp trên xem xét để tôi tiếp tục làm việc, cống hiến cho địa phương”.

Ông Hoàng Công Phương (Phó Chủ tịch HĐND xã Phú Mỹ) thì lý giải: “Do xuất phát từ công việc phải có bằng cấp 3 nên tôi mới làm bằng giả như vậy. Thời đó, tôi cũng cố gắng “cày ngày, cày đêm” để thi cử nhưng khi thi do người tôi bị ốm nên thiếu điểm môn Địa lý, thế là bị rớt. Trong thời gian tôi làm việc ở UBND thì cũng luôn hoàn thành mọi công việc được giao. Tôi biết việc này là sai, ảnh hưởng đến bản thân, gia đình và cơ quan nên tôi quyết tâm sau đợt này sẽ đăng ký ngay ở Trung tâm giáo dục thường xuyên để học lấy cho được bằng cấp 3 vừa có thêm kiến thức, vừa bổ ích trong công việc”.

UBND xã Phú Mỹ nơi có 2 cán bộ sử dụng bằng giả.

Bà Phạm Thị Diệu Hiền (Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ) cho biết: “Hai cán bộ của cơ quan tôi sử dụng bằng giả khiến tôi rất buồn và bất ngờ. Họ đều những người có năng lực và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chuẩn bị Đại hội để bầu lại cán bộ mới, nhân sự của chúng tôi vốn đã thiếu bây giờ lại càng thiếu hơn sau vụ việc này”, bà thở dài nói. 

Việc các ông này sử dụng bằng giả thì đã rõ, vậy hình thức kỷ luật đối với các cán bộ này như thế nào? Trao đổi với phóng viên, ông Mai Xuân Hiền (Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Phú Vang) cho biết: “Họ sử dụng bằng giả là vi phạm, đồng thời họ đều là đảng viên nên sẽ xử lý theo quy định 181 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về kỷ luật đảng viên vi phạm. Cả ba cán bộ này sẽ không được bổ nhiệm làm những nhiệm vụ cốt cán trong nhiệm kỳ sắp tới. Hiện tại, chúng tôi đã tịch thu bằng giả đó và đang phối hợp với các cơ quan chức năng vào cuộc để điều tra nguồn gốc và bắt các đối tượng, đường dây liên quan đến việc mua bán bằng giả này. Hai ông ở Phú Mỹ vẫn còn trẻ, tinh thần học tập vẫn còn hăng say và họ sẽ nhận hình thức khiển trách và học lại. Còn ông Kiên, Phó Chủ tịch xã Phú Thượng thì sẽ bị cách chức vì đã vi phạm tới 2 lần”.

Bi hài hai lần sử dụng bằng giả vẫn cho rằng mình “bị lừa”

Mấy ngày qua, khi phóng viên chuyên đề CSTC về xã Phú Thượng để tìm hiểu sự việc thì đi đến đâu cũng nhận được sự bất bình từ phía người dân: “Là cán bộ mà học không nổi để có bằng cấp 3 thì trí tuệ kém, mà không kém thì cũng là người lười biếng. Rồi còn dám sử dụng bằng giả nữa thì thể hiện sự dối trá, thiếu đạo đức. Tài cũng không có, đức cũng không thì làm cán bộ, làm người đầy tớ của nhân dân làm gì? Phải loại trừ những cán bộ này khỏi bộ máy ngay, như vậy dân mới hưởng phúc được”.

Tuy nhiên, vị quan xã sai phạm đến hai lần là ông Lê Ngọc Kiên (45 tuổi, Đảng ủy viên, Phó chủ tịch UBND, Chủ tịch công đoàn cơ sở xã Phú Thượng) thì lại chấp chế vô cùng “hài” rằng: Trước đó, năm 2013, ông từng bị kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng và mặt chính quyền do sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả (số hiệu 3521306) ghi năm 1988. Theo hồ sơ lưu trữ tại Sở Giáo dục tỉnh Thừa Thiên - Huế, không có kỳ thi nào được tổ chức ngày 6 và 7/6/1988 như ghi trên bản sao văn bằng của ông Kiên. Cũng theo xác minh của trường THPT Phan Đăng Lưu (huyện Phú Vang), trong số 136 học sinh dự thi không hề có hồ sơ nào lưu tên Lê Ngọc Kiên từng tốt nghiệp loại khá. 

Ông Kiên phân trần về lần sử dụng bằng giả đầu tiên của mình: “Năm đó, tôi đã là Phó Chủ tịch, tôi lấy bằng thật của một người quen rồi đem ảnh của mình dán chồng lên, lấy giấy trắng dán và ghi tên tuổi của tôi vào. Sau đó, tôi đi phôtô rồi bỏ lên bàn làm việc của mình. Tôi chưa đi nộp bằng này thì bị ai đó phát hiện và “tố” tôi nên tôi mới bị kỷ luật”.

Được biết, trước đây ông Kiên đi bộ đội rồi về quê làm xã đội phó năm 1996, sau đó đến năm 2001, ông là kế toán của UBND xã, đến năm 2007, ông được bầu giữ chức danh Phó Chủ tịch UBND phụ trách mảng kinh tế. 

Ông cho biết: “Năm 1999, tôi đi học Trung cấp Hành chính, thời gian đó không cần bằng cấp 3 nên hiện tại lương của tôi ăn theo bằng trung cấp này. Đến năm 2009, tôi đi học thêm Đại học Luật từ xa nhưng bị phát hiện bằng giả nên chưa tốt nghiệp”.

Tháng 4/2015, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã có văn bản xác minh gửi Công an huyện Phú Vang, khẳng định bằng tốt nghiệp THPT của ông Lê Ngọc Kiên được cấp năm 2014 là không hợp pháp. Kết quả kiểm tra cho thấy, ông Kiên không tham dự thi tốt nghiệp THPT khóa ngày 2/6/2014 tại tỉnh Thừa Thiên - Huế. Bằng tốt nghiệp THPT của ông Kiên sử dụng không phải do Sở này cấp. 

Một lần nữa vị Phó chủ tịch này phân trần: “Trước đây tôi đã học hết lớp 11 và sau khi bị phát hiện bằng giả lần đầu tôi học lớp 12. Tôi mua tài liệu, rồi học ngày, học đêm, vấn đề gì không hiểu tôi đều nhờ thầy cô và các con của tôi giải giúp. Trong quá trình ôn thi, tôi gặp lại một người quen ngụ ở đường Trần Nguyên Đán (TP Huế) ngồi uống cà phê và tôi kể về việc mình chuẩn bị thi tốt nghiệp. Nghe vậy người này nộp hồ sơ cho tôi gồm một giấy tốt nghiệp cấp THCS, giấy xét tuyển vào cấp 3, kèm ảnh và 3,2 triệu đồng. Đến gần ngày thi thì anh ta bảo tôi không cần dự thi mà sẽ được xét đặc cách tốt nghiệp vì đã có quá trình đi bộ đội. Đến tháng 10/2014, tôi nhận được bằng tốt nghiệp loại khá. Tôi tin như vậy là đúng nên làm theo, mọi chuyện là do tôi bị lừa cả mà thôi. Tôi tin người này, vì thấy anh cũng đàng hoàng, vợ anh cũng là giáo viên, nhà cửa hẳn hoi”.

Ông Kiên: “Tôi bị lừa chứ tôi không hề có ý định làm bằng giả”.

Khi PV hỏi: “Ông nghĩ mình được đặc cách thế thì ông có làm hồ sơ nào liên quan đến việc ông đi bộ đội không? Ông có từng thấy ai đi bộ đội về không thi mà cũng đậu không?”. Ông Kiên không trả lời được. Phóng viên hỏi tiếp, thế nộp lệ phí dự thi tốt nghiệp sao lên tới 3,2 triệu thì ông nói: “Cũng vì 3,2 triệu là số tiền không lớn nên tôi mới tin là mình không mua bằng giả. Nếu mua thì chắc phải tốn lên tới 32 triệu chứ. Tôi cũng mong công an vào cuộc để điều tra làm rõ sự việc, tôi chỉ là nạn nhân mắc lừa mà thôi”. 

Ông Kiên nói tiếp: “Gia đình tôi là gia đình cách mạng, tôi đã 25 năm tuổi Đảng. Vợ tôi là giáo viên, hai con tôi đều được học hành tử tế. Tôi không mong được thăng quan tiến chức vì trước đại hội tôi cũng đã xin rút lui khỏi cơ cấu lãnh đạo vì vụ bê bối bằng giả năm 2013 mà tôi gây ra. Giờ có thêm vụ này nữa nên tôi quyết định sẽ xin nghỉ việc để về nhà lái xe, làm kinh tế. Nhưng trước mắt, trong lúc chờ quyết định của cấp trên thì tôi vẫn ngày ngày đi làm, đảm bảo công việc một cách tốt nhất”.

Giải thích về việc cấp dưới sử dụng bằng không hợp lệ, ông Nguyễn Tấn Lý (Chủ tịch UBND xã Phú Thượng) cho biết: “Trước đây, anh Kiên sau khi bị kỷ luật trước tập thể, chúng tôi đã tạo điều kiện cho anh đi học trong thời gian một năm để thi tốt nghiệp THPT, nhưng không hiểu vì lý do gì tấm bằng thứ hai lại tiếp tục là bằng giả. Tôi bất ngờ và có phần thất vọng về anh”. Bước đầu điều tra thì người “bán” bằng giả cho ông Kiên tên là Hồ Kỳ N. (ngụ 84 Trần Nguyên Đán). Hiện vụ việc vẫn đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ.

Xung quanh vụ “3 cán bộ xã sử dụng bằng giả”, Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có văn bản xác minh văn bằng tốt nghiệp gửi Công an huyện Phú Vang, khẳng định: Bằng tốt nghiệp THPT của ông Lê Ngọc Kiên (45 tuổi, Phó chủ tịch UBND xã Phú Thượng) vào năm 2014 là không hợp pháp. Theo đó, ông Kiên không dự thi tốt nghiệp THPT khóa ngày 2-6-2014 tại tỉnh Thừa Thiên – Huế; bằng tốt nghiệp THPT của ông Kiên mang số hiệu A09883 với số vào sổ cấp bằng 09883/BS-2014 không phải do sở này cấp phát. Tương tự, bằng tốt nghiệp THPT của ông Đào Hữu Truyền, Bí thư Đảng ủy UBND xã Phú Mỹ và ông Hoàng Công Phương, Phó chủ tịch HĐND xã Phú Mỹ được cấp vào năm 1998 cũng được xác nhận là giả.
Hoài Thu - Thiên Phúc
.
.
.