Cấm xe máy, cần thiết và khả thi
Đó là vào ngày trời quang mây tạnh, còn hôm nào trời mưa thì lại có "nỗi khổ" khác. Hầu hết các tuyến phố nội đô nước ngập bì bõm thành sông thành suối. Các động cơ chết máy, phải ì ạch đẩy qua chỗ nước sâu, dòng người và xe tiếp tục nối dài và quãng đường về nhà càng xa thêm.
Vì sao ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông? Câu hỏi quá cũ này đã có lời giải thích từ thế kỷ trước, tập trung ở 3 nguyên nhân chính là: Cơ sở hạ tầng xuống cấp; phương tiện cá nhân (PTCN) tăng theo thời gian và ý thức chấp hành Luật Giao thông kém. Trong 3 nguyên nhân này, nguyên nhân thứ 2 đáng nói hơn cả.
Minh họa Lê Tâm. |
Xin đơn cử một ví dụ: Đến thời điểm hiện tại, Hà Nội có trên 5,2 triệu xe máy, nửa triệu ôtô. Chỉ cần 50% số phương tiện trên lưu thông trên đường thì đã chiếm hết mặt đường, tạo ra sự ùn tắc nghiêm trọng và không khí đương nhiên bị ô nhiễm nặng nề. Ngoài ra, những phương tiện này còn "đốt" một khoản tiền cực lớn vào việc mua nhiên liệu (ước tính 600 triệu USD mỗi năm).
Không còn cách nào khác, hạn chế PTCN tiến tới loại bỏ việc sử dụng xe máy trong nội đô là việc làm hoàn toàn cần thiết mà nhiều chuyên gia đã nhận định, nếu chúng ta không làm lúc này thì sẽ rất khó có cơ hội để làm trong tương lai.
Vì lẽ đó, đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030" đã được Hội đồng nhân dân TP Hà Nội thông qua với tỷ lệ khá cao và mọi người đều tin tưởng tính khả thi của đề án.
Tất nhiên, cũng không ít ý kiến phản biện và nêu câu hỏi: "Nếu cấm xe máy thì dân đi lại bằng gì". Thật ra, nhiều nước tiên tiến khi triển khai đề án hạn chế tiến tới cấm PTCN cũng vấp phải câu hỏi trên và thay vì việc bàn lùi, chính quyền đã quyết định cấm, tiến tới loại bỏ xe máy ra khỏi hệ thống giao thông.
Từ đây, các mô hình giao thông công cộng phổ biến như đường thủy, đường bộ, đường sắt cho tới tuyến xe điện trên cao, dưới lòng đất, thậm chí đường xuyên qua lòng sông mới phát huy tối đa vai trò của mình.
Tại nhiều quốc gia phương Tây, việc cấm xe máy đi trong nội thành đã được triển khai từ rất lâu, với sự kiên quyết của các cấp chính quyền và sự đồng thuận của người dân. Đề án thành công đương nhiên mang lại nhiều lợi ích to lớn và người hưởng lợi trực tiếp chính là những người dân. Còn trong khu vực các nước ASEAN, ngoại trừ Việt Nam và Campuchia, các nước khác hầu như đều không cho phép xe máy chạy trong thành phố.
Tất nhiên, một đề án quan trọng, động chạm đến toàn xã hội nên không thể vội vàng, nôn nóng. Đề án chia làm 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn có những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể và đến năm 2030 sẽ cấm hẳn xe máy đi trong nội đô. Nghĩa là chúng ta có một "khoảng chờ" nhất định, và "khoảng chờ" đó là 13 năm.
Từ nay đến lúc đó, người dân và chính quyền thành phố có khoảng 13 năm để chuẩn bị, thành phố cũng dần hoàn thiện được hạ tầng, phát triển thêm các tuyến xe bus, hoàn thành đường trên cao hay các tuyến đường sắt đô thị… Theo dự kiến, đến năm 2020, Hà Nội còn tăng gấp đôi lượng xe bus. Bên cạnh đó, các nhà chuyên môn cũng sẽ thiết kế kết nối để người dân chuyển từ phương tiện công cộng này sang phương tiện công cộng khác thuận tiện cho việc sinh hoạt hàng ngày.
Trong xã hội văn minh, con người sống thân thiện với nhiều thói quen tốt đẹp. Những thói quen đó được hình thành phần nhiều do giáo dục và một khi thói quen chưa hình thành trong một cá nhân nào đó thì pháp luật vào cuộc. Đơn cử như việc cấm xe máy trong nội đô.
Từ việc cấm này, người ta sẽ phải đi bộ nhiều hơn đến điểm đỗ xe bus để từ đó tới công sở, trường học, bệnh viện… Thói quen đi bộ sẽ hình thành, vừa rèn luyện sức khỏe, vừa tận hưởng môi trường trong lành nơi mình sinh sống và có ý thức hơn với việc bảo vệ thiên nhiên.