Cam go chống "cát tặc" trên sông Cầu

Thứ Bảy, 25/03/2017, 21:21
Là khúc sông có nền cát dày, chủ yếu là cát vàng… nơi đây được coi là "mỏ vàng" của các chủ hút cát. Nhiều năm nay có hàng chục, thậm chí hàng trăm tàu của "cát tặc" quần thảo, đất màu của bà con (xã Thắng Cương, Yên Dũng, Bắc Giang) đang có nguy cơ mất trắng.


Cuộc chiến giữa người dân và "cát tặc" trên dòng sông Cầu chưa dứt khi  chính quyền bất lực với nạn khai thác cát trái phép ở đây.

Trẻ con cũng đi ngăn "cát tặc"

Chúng tôi đến khúc sông thuộc xã Thắng Cương, nơi được người ta gọi là "chiến trường chống cát tặc" vẫn còn ngổn ngang gạch đá, cây nỏ tự chế, đá cuội… những thứ mà bà con dùng để chống lại "cát tặc" nhiều ngày qua. Thôn Phân Lôi, Thắng Cương, Thắng Lợi Hạ và Thắng Lợi Thượng là 4 thôn chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Người dân chỉ một chiếc thuyền dùng làm phương tiện chặn tàu cát trên sông Cầu.

Gần như 100% người dân sống bằng nông nghiệp, nghề phụ không có, chủ yếu là đánh bắt cá trên khúc sông Cầu. Khó khăn hơn cả phải kể đến thôn Thắng Lợi Hạ và Thắng Lợi Thượng, thuộc dự án di dân nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên họ đều bám trụ với ruộng đồng, khúc sông để sống.

Vậy mà nhiều năm nay cuộc sống của họ lại bị đe dọa nghiêm trọng, sống ở nhà mà như thể trên miệng "Hà Bá". Tiếng máy nổ, tiếng hò hét nhau, đèn pha sáng choang của hàng chục chiếc tàu hút cát khiến cả dòng sông ở đây náo loạn.

"Chúng tôi đang sống bình yên thì họ kéo nhau về đây hút cát. Hàng chục chiếc tàu to có, nhỏ có đậu đen cả dòng sông, có khi kéo dài cả vài cây số. Thuyền của chúng tôi muốn đi qua cũng không được, buộc lòng phải dạt sang bên phía Bắc Ninh. Đứng từ trên bờ sông nhìn xuống ai cũng phải xót xa" - ông Phạm Văn Đa, thôn Thắng Cương kể.

Người dân kể lại những tháng ngày chống "cát tặc" chẳng khác nào một trận chiến sinh tử, từ đàn bà đến trẻ con đều tham gia xua đuổi. Họ dùng đủ mọi phương tiện, chế đủ thứ vũ khí, đàn bà thì đứng trên bờ chửi bới, đàn ông thì dùng gạch đá ném vào các thuyền.

Thậm chí các thanh niên trai tráng được tập trung lại, dùng thuyền máy để tiếp cận các tàu. Sau khi tiếp cận được, người dân còn lên cả boong tàu, dùng dao uy hiếp những công nhân hút cát. Tuy nhiên họ chỉ dọa, phải rút thuyền đi nếu không sẽ chặt đứt néo. Sau khi bị người dân uy hiếp, các công nhân van xin, kéo tời đi. Tuy nhiên chỉ đi được một đoạn thì lại cho tàu quay lại và tiếp tục công việc.

Theo quan sát của chúng tôi, dọc bờ sông đoạn qua các thôn vẫn còn rất nhiều "vũ khí" tự chế. Nhiều người nói vui với nhau, đó đều là những vũ khí từ thời tiền sử. Rất nhiều thanh tre được dựng lên, xếp chéo nhau hình chữ Y, hệt như chiếc nỏ. Sợi dây chun to được lồng vào với một miếng da lớn ở giữa.

Những đoạn đê bị sụt lún nghiêm trọng trên sông Cầu đoạn qua xã Thắng Cương.

Đây là vũ khí bắn đá của người dân dùng để bắn vào các thuyền cát. Chiếc nỏ này có thể bắn được một viên sỏi to như nắm tay người lớn, đi được chừng 40m.

"Chúng tôi không dám sử dụng vũ khí quân dụng, nếu vậy sẽ vi phạm pháp luật. Người dân sáng tạo ra chiếc nỏ khổng lồ này để đuổi những "vị khách không mời mà đến". Bọn chúng sợ nhất món bắn đá này của chúng tôi đấy"- ông Đa cười chia sẻ.

Mỗi khi có tàu hút cát kéo đến, người dân lại cắt cử nhau ra để xua đuổi, thậm chí trẻ em đi học về chưa kịp cất cặp, ăn cơm đã ra bờ sông để bắn đá. Theo phản ánh của người dân, đã có không ít công nhân hút cát dính "đạn", thậm chí chảy cả máu đầu. Tuy nhiên, việc người dân bắn đá cũng chỉ là phương án tạm thời, vì đó là việc làm bị pháp luật nghiêm cấm.

Vả chăng, họ không thể trực 24/24h được. "Họ quần thảo cả đêm nữa, chúng tôi không thể lúc nào cũng ở đây để xua đuổi được. Những phản ứng của chúng tôi cũng chỉ là tự vệ tức thời thôi. Muốn ngăn chặn hết phải có cơ quan chức năng vào cuộc thật quyết liệt mới được" - ông Đa buồn buồn.

Cuộc chiến với "cát tặc" đã diễn ra nhiều năm nay và ngày càng trở nên ác liệt. Người dân thì ngày một quyết liệt, thuê tàu, góp tiền đổ dầu áp sát các tàu hút cát. Còn phía "cát tặc" lại sử dụng chiến thuật "mền nắn rắn buông".

Khi bị bắn đá, những người trên tàu lại chui vào khoang, giữ im lặng và chờ đợi. Nhưng khi có trẻ em và người già, họ lại dùng hung khí dọa dẫm, xua đuổi. Nửa đêm họ cho người lên bờ chặt đứt dây nỏ tự chế, phá những cây tre được dựng lên.

Không những vậy, một số tàu lớn sử dụng "vòi rồng" để phun vào thuyền của người dân địa phương khi có ý định tiếp cận. "Bọn chúng cũng rất khôn khéo trong chiến thuật, không bao giờ va chạm trực tiếp, lừa lúc chúng tôi không cảnh giác chúng sẽ hành động" - ông Đa kể lại.

Nhiều cuộc họp của người dân đã diễn ra để "trưng cầu dân ý" chiến thuật chống "cát tặc". Người thì bảo cần áp sát hơn nữa, mỗi tàu sẽ giữ lấy một người mang về UBND xã. Sau đó chủ tàu phải đến chuộc lại. Lúc đó người dân sẽ yêu cầu chủ tàu phải dừng việc hút cát lại mới thả người.

Nhiều tàu hút cát vẫn lảng vảng trên sông Cầu sau khi Bộ Giao thông vận tải quyết định tạm ngừng khai thác cát.

Tuy nhiên, cách này cũng có rất nhiều ý kiến khác nhau, nhiều người đồng ý nhưng cũng không ít người phản đối. Họ cho rằng, những công nhân trên tàu kia cũng chỉ là người dân nghèo, vì miếng cơm manh áo mà đi làm cho chủ. Làm như vậy chính người công nhân sẽ phải chịu khổ, người dân đi bắt lại mang tội.

Không những vậy, khi bắt được "cát tặc", nhiều người dân bức xúc sẽ lao vào đánh đập để giải tỏa bức xúc. Sau khi cân nhắc thiệt hơn, kế này bị bỏ qua. Việc chống lại "cát tặc" dường như rơi vào ngõ cụt. Điều khó khăn nữa, khi cán bộ đến, "cát tặc" sẽ cho tàu dạt đi nơi khác, chờ yên ổn sẽ lại quay về.

Ông Dương Công Lệnh, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Thắng Cương nói: "Việc ngăn chặn "cát tặc" là điều vô cùng khó khăn, có một vị cán bộ đương chức nói với chúng tôi là: "Chống "cát tặc" bây giờ chỉ còn biết dựa vào dân thôi".

Điêu đứng vì "cát tặc"

Người dân đánh giá, đoạn sông chảy qua xã Thắng Cương là nơi có cát đẹp và độ dày lớn. Thế nên "cát tặc" thường tập trung ở khúc sông này để khai thác cát. Đó cũng là lý do khiến nơi đây trở thành điểm "nóng" giữa người dân và "cát tặc".

Anh Mây, một thợ khoan giếng có thâm niên hơn 20 năm trong nghề cho biết: "Cát ở đây là loại cát vàng - là loại cát rất có giá trị trong việc xây dựng. Cát vàng hiện nay được bán trên thị trường với giá khoảng 300 nghìn đồng/m3. So với loại cát đen thông thường thì loại cát này đắt gấp 3 lần. Thế nên khi đã phát hiện ra "mỏ" cát vàng ở đây các chủ tàu thi nhau khai thác".

Vì khai thác quá nhiều và trong thời gian dài nên dọc tuyến đê của xã Thắng Lợi xuất hiện nhiều điểm sạt lở. Đáng nói nhất là thôn Thắng Lợi Hạ, nhiều đoạn đê đang ở trong tình trạng sụt lún nghiêm trọng. Những bụi tre và cây cối trên đê đã bị đổ rạp ra phía sông. Nhiều người dân không giấu được sự lo lắng về tương lai của địa phương mình.

Bởi lẽ, con đê này đang ngăn nước cho cả cánh đồng xã Thắng Cương, nếu cứ cái đà khai thác cát như thế này thì chỉ cần một con nước lớn cộng với một mạch sủi là cánh đồng sẽ ngập chìm trong nước.

Ông Dương Công Lệnh chia sẻ: "Trước người dân địa phương vẫn ra sông tắm thoải mái mỗi khi mùa hè đến. Chúng tôi thậm chí bơi ra cách bờ tới vài chục mét chân vẫn chạm đáy. Nhưng bây giờ chỉ cần nhón chân bước xuống sông cách bờ chưa đầy 2 mét thì đã chìm nghỉm rồi. Mới đây, một người dân địa phương đã bị chết đuối khi chẳng may sa chân xuống sông".

Theo phản ánh của những người dân địa phương, mỗi khi tàu tổ chức hút cát họ ăn không ngon, ngủ không yên. Không chỉ nhà cửa bị rung lắc mà tiếng động cơ khiến người già và trẻ con không sao ngủ được.

Ông Nguyễn Văn Đức (75 tuổi), thôn Thắng Lợi Hạ cho biết: "Tôi vốn đã mắc chứng mất ngủ, những năm gần đây lại phải nghe tiếng động cơ máy tàu của bọn "cát tặc" làm cả đêm không sao chợp mắt được.

Cứ thế này thì nhiều người già làng tôi "kéo nhau" đi hết mất thôi. Mà mình già rồi chết cũng được, còn những đứa trẻ con thì khổ quá. Khóc lóc, quấy cả đêm vì không chịu được tiếng ồn. Còn những người nào bị bệnh đau đầu nữa chứ, phải nghe âm thanh đó chẳng khác nào tra tấn".

"Cát tặc" lộng hành suốt một thời gian dài nhưng chính quyền thì bất lực. Theo chia sẻ của ông Hoàng Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng thì: "Địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý nạn khai thác cát trái phép.

Bởi lẽ, "cát tặc" hoạt động trên sông, muốn bắt được họ phải có phương tiện và lực lượng đủ mạnh.

Hơn nữa, việc phân biệt giữa "cát tặc" và những đơn vị được cấp phép cũng rất khó". Ông Đức thừa nhận một thực tế rằng, chỉ cần cán bộ ra khỏi cổng là bọn họ đã "mật báo" cho nhau. Thế nên khi cán bộ đến nơi thì bọn họ đã đi xa nên không thể xử lý.

Phong Anh
.
.
.