Cái kết có hậu của người đàn bà cứu sống 34 người bị chìm thuyền trên hồ sông Rác

Thứ Tư, 30/05/2018, 21:22
Làm nghề chèo đò trên sông nước, 22 năm về trước, người phụ nữ này đã cứu sống 34 trong số 85 người khi đang đi trên một chiếc thuyền vượt sông để lên núi đốn củi.

Trở về đời thường, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, trước nguy cơ bị đẩy ra đường vì mất nhà, một Mạnh Thường Quân đã giúp đỡ bà trả nợ, lập sổ tiết kiệm để phòng khi đau ốm tuổi già.

Người đàn bà dũng cảm nhưng bất hạnh đó là Nguyễn Thị Hệ (66 tuổi), trú thôn Thượng Phong, xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. 

Một đời gắn bó với sông nước, đến nay bà Hệ cũng không nhớ đích xác mình đã cứu được bao nhiêu người bị nạn trên sông nước, vì trong những lần lênh đênh đó bà đã bắt gặp không biết bao nhiêu số phận bị Hà Bá đe dọa cướp mạng sống. 

Mặc dù vậy, khi nhắc đến vụ chìm đò kinh hoàng trên hồ sông Rác vào năm 1996, ký ức bà Hệ lẫn những người được bà cứu sống, vẫn còn là một nỗi ám ảnh kinh hoàng.

Cứu 34 mạng người bị lật thuyền trên sông

Trong căn nhà cấp 4 xập xệ ở thôn Thượng Phong một ngày cuối tháng 5 nắng như đổ lửa, phải mất rất nhiều thời gian chúng tôi mới được bà Nguyễn Thị Hệ đồng ý nhắc lại câu chuyện cách đây 22 năm về trước, lý do mà người đàn bà này không muốn nhắc lại chuyện xưa là bởi “nó quá ám ảnh và rất kinh hoàng”. 

Trong kí ức bà Hệ, những năm về trước, hồ sông Rác trên địa bàn xã Kỳ Phong có hai gia đình làm nghề chèo thuyền đưa người dân ở xã Kỳ Phong cùng các xã lân cận vượt hồ để lên núi chặt củi, khai thác lâm sản. Đó là gia đình bà Hệ và gia đình Võ Văn Di ở xã Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh.

Bà Hệ cứu người và hiện trường vụ chìm thuyền 22 năm trước (ảnh NVCC).

Chuyện xảy ra vào khoảng 7 giờ sáng 4-1-1996, khi bà Hệ cùng con trai là anh Nguyễn Văn Thực (45 tuổi) đang ăn sáng, chuẩn bị chở khách lên núi thì nghe người dân tri hô, cho biết thuyền của ông Di đang chở khách thì bị chìm giữa hồ. Hai mẹ con vội bỏ dở bữa ăn, chạy ra bến lái thuyền ra khu vực gặp nạn để cứu người. 

“Thời tiết rất lạnh, sương mù dày đặc phủ kín mặt hồ, chúng tôi chỉ căn cứ vào những tiếng la hét, cầu cứu rồi lái thuyền về hướng đó chứ không nhìn thấy bất cứ thứ gì phía trước. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi cảnh tượng hàng chục người bám chặt nhau, vùng vẫy tuyệt vọng giữa dòng nước. 

Tôi và con trai cầm sào để những người đang chới với nắm lấy rồi kéo họ vào đưa lên thuyền. Sau khoảng hơn một giờ đồng hồ, mẹ con tôi kéo được 34 người lên thuyền đưa vào bờ cấp cứu. Cùng thời gian đó, một số người dân chèo thuyền nan, thuyền thúng ra cứu thêm được 21 người nữa. 30 nạn nhân khác đã không may mắn, bị dòng nước nhấn chìm dưới lòng hồ”, bà Hệ kể lại.

Nhắc lại vụ chìm đò kinh hoàng khiến hàng chục người chết năm 1996, ông Trần Văn Tiến, lúc bấy giờ là Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Công an xã Kỳ Phong cho biết thêm: “Nhận được tin báo chìm đò, chúng tôi lập tức có mặt tại hiện trường nhưng do nơi xảy ra vụ chìm đò cách trụ sở UBND xã gần 10 cây số, đường đi khó khăn nên khi đến nơi thì bà Hệ và người dân đã đưa được các nạn nhân lên gần hết, còn vài thi thể nạn nhân bị chìm dưới lòng hồ. 

Trong kí ức ông Tiến, đó là một cảnh tượng rất đỗi kinh hoàng, xác người chết đắp chiếu nằm trên bờ cứ dài thêm theo thời gian. Trong khi đó những người may mắn sống sót ngồi run lập cập vì lạnh và sợ hãi”.

Là một trong những nhân chứng, đồng thời là nạn nhân được bà Hệ cứu sống trong vụ chìm thuyền, anh Trần Duy Thành (30 tuổi), trú tại xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh nhớ lại: “Đó là một buổi sáng chủ nhật, vì là ngày nghỉ nên có rất nhiều trẻ em nghỉ học, theo chân cha mẹ lên núi đốn củi. Thuyền đông người chen chúc nhau, mọi người dồn lên đầu mũi thuyền ngồi. 

Khi thuyền ra đến giữa hồ thì mất cân bằng, nước tràn qua mạn thuyền vào khiến thuyền chòng chành rồi chìm dần. Do sương mù dày đặc nên không thể xác định được phương hướng, do vậy chỉ còn biết bấu víu nhau giữa dòng nước lạnh cóng cho đến khi có thuyền của bà Hệ và những người dân khác ra cứu giúp mới may mắn sống sót, nếu không hậu quả còn khủng khiếp hơn nữa”.

Lễ xóa nợ cho bà Nguyễn Thị Hệ - người phụ nữ dũng cảm.

Cuộc sống khốn khó

Được biết, trước khi hành nghề chèo đò trên sông nước, bà Nguyễn Thị Hệ từng tham gia du kích. Sau khi biết tin chồng hi sinh khi ra chiến trường đánh giặc, giải phóng đất nước, bà Hệ gửi lại đứa con duy nhất cho gia đình bên ngoại, gia nhập đội nữ Thanh niên xung phong. 

Chiến tranh kết thúc, trở về đời thường, bà Hệ quen biết rồi nên duyên chồng vợ với ông  Nguyễn Văn Trung (73 tuổi), cũng là một người lính trở về từ chiến trường. Cuộc sống khó khăn do ông Trung thường xuyên bị vết thương cũ tái phát, hành hạ, để kiếm đủ tiền nuôi 8 miệng ăn trong gia đình, bà Hệ đã phải vay mượn tiền mua một chiếc thuyền để chở những người dân làm nghề chặt củi, khai thác lâm sản qua lại trên hồ sông Rác.

Sau vụ chìm thuyền khiến 30 người thiệt mạng, do bị ám ảnh nên bà Hệ đã bỏ nghề. Để trả nợ cho những người mà mình đã vay tiền để đóng thuyền trước đó, hai vợ chồng “liều mình” cắm bìa đất vay 100 triệu đồng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 

Sau nhiều năm vay tiền nhưng không có tiền trả, lãi chồng lãi, cùng với số tiền phạt quá hạn, nay số tiền bà Hệ nợ ngân hàng lên đến gần 300 triệu đồng. Nhận được “trát” yêu cầu trả nợ, nếu không sẽ kê biên đất vườn và ngôi nhà đang ở để thu hồi nợ của ngân hàng, bà Hệ chỉ còn biết ngậm ngùi chấp nhận “vì không kiếm đâu ra tiền để trả nợ, ngoài khoản lương hưu thương binh 1,5 triệu đồng của chồng chỉ đủ chi tiêu, trang trải hằng ngày”, theo lời bà Hệ.

Cũng theo người đàn bà này, dù có tới 8 người con nhưng tất cả đều sống tha phương, nghèo khó nên cũng chẳng đỡ đần được cho bố mẹ là bao nhiêu. Với người dân thôn quê như gia đình bà, số tiền 300 triệu đồng là cả một khối tài sản khổng lồ. 

“Thực tình vợ chồng tôi không có khả năng trả chứ không phải cố tình chây ì, quỵt nợ tiền của ngân hàng. Hai vợ chồng thực sự lo lắng bởi không biết lúc nào phải ra đường ở vì khoản tiền vay mượn để mua con thuyền dùng cứu người năm xưa”, ông Nguyễn Văn Trung chia sẻ thêm.

Bà Hệ cùng chồng bên những huân chương, huy chương Nhà nước tặng sau khi cứu 34 người trong vụ chìm thuyền năm 1996.

Cái kết có hậu

Câu chuyện của nữ “anh hùng” Nguyễn Thị Hệ với cuộc sống thường nhật gặp muôn vàn khó khăn, đặc biệt là trước nguy cơ mất nhà khi Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh Bắc Hà Tĩnh thông báo về việc sẽ kê biên, tịch thu nhà cửa để thu hồi số nợ gần 295 triệu đồng, đã có một cái kết có hậu khi được một nữ doanh nhân tại TP Hồ Chí Minh biết đến. 

Trước nỗi tận khổ của người đàn bà này, bà Nguyễn Thị Thanh Tú – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Star Beach & Thái Dương Real (TLM Group) đã kêu gọi toàn thể nhân viên quyên góp, ủng hộ được số tiền 180 triệu đồng.

Sau khi làm việc với đại diện ngân hàng, biết hoàn cảnh của gia đình bà Hệ và  nghĩa cử cao đẹp của TLM Group, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Bắc Kỳ Anh cũng đã vận dụng các chính sách, giảm gần 150 triệu đồng tiền lãi từ nhiều năm qua cho bà Hệ. 

Với số tiền nợ 150 triệu đồng còn lại, Tập đoàn TLM đã thay mặt cho gia đình bà Hệ, thanh toán số tiền này với ngân hàng để chuộc sổ đỏ về. Đồng thời, để hỗ trợ vợ chồng bà có kinh phí chữa bệnh lúc đau ốm, TLM Group lập một số tiết kiệm trị giá 30 triệu đồng tặng cho bà Hệ. 

Ngày 22-5 vừa qua, bà Nguyễn Thị Thanh Tú đã trực tiếp đến xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), nơi gia đình bà Nguyễn Thị Hệ đang sinh sống để trao số tiền hỗ trợ 150 triệu đồng cho gia đình trả nợ ngân hàng, đồng thời trao tặng một cuốn sổ tiết kiệm trị giá 30 triệu đồng.

Cảm động đến bật khóc, bà Nguyễn Thị Hệ nghẹn ngào cho biết, có nằm mơ bà cũng không nghĩ rằng sẽ có ngày bà trả được tiền nợ ngân hàng, khoản tiền đã ám ảnh, đè nặng tâm can bà trong gần 20 chục năm qua. 

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thanh Tú, người đã đứng ra giúp bà Hệ trả nợ, thì cho rằng, bà Hệ đã cứu sống 34 người, lẽ ra phải nhận được nhiều hơn những gì mà bà đã âm thầm hi sinh, cống hiến. “Bà ấy là người xứng đáng được nhiều hơn thế”. 

Thiên Thảo
.
.
.