Cái giá của lòng trung thực - Chuyện nhặt được của rơi trả lại người đánh mất?

Thứ Sáu, 29/05/2015, 11:00
Câu chuyện về lòng trung thực của người phụ nữ buôn ve chai nhặt được 5 triệu yên Nhật tương đương 1 tỷ đồng Việt Nam đã khiến dư luận xôn xao và đưa ra nhiều ý kiến trái chiều. Cuộc sống bị đảo lộn, giang hồ dòm ngó, có người nổi lòng tham đòi tranh chấp. Liệu lòng trung thực có bị trả giá?

Sự may mắn hay nỗi bất hạnh?

Chị Huỳnh Thị Ánh Hồng, 38 tuổi, quê ở Quảng Ngãi, cùng chồng làm nghề thu mua ve chai tại TP Hồ Chí Minh hồi năm ngoái đã mua được một chiếc loa cũ, khi về đập ra thì bên trong có đến 5 triệu yên Nhật. Lúc đầu thì chị Hồng cũng không biết đó là tiền nhưng sau khi biết đó là số tiền lớn, chị đã mang giao nộp cho Công an. 

Theo luật thì nếu như trong vòng một năm chủ nhân của số tiền đó không đến lấy thì người nhặt được là chị Hồng sẽ được toàn quyền sở hữu. Cuộc sống của chị Hồng và gia đình đã có nhiều thay đổi kể từ khi nhặt được tiền. Chị Hồng vẫn hy vọng rằng chủ nhân đánh mất sẽ sớm tìm lại được nhưng nếu như không có ai nhận thì chị cũng sẽ thay đổi được cuộc sống nhờ số tiền đó. 

Niềm vui chưa thấy nhưng những phiền hà rắc rối chị và gia đình gặp phải không nhỏ. Thời gian một năm đã qua tên tuổi và việc làm của chị Hồng liên tục xuất hiện trên báo chí. Nhiều người mừng cho chị vì chị may mắn nhưng cũng có không ít kẻ đã tìm mọi cách để chiếm đoạt số tiền đó.

Tính đến thời điểm hiện tại thì số tiền 5 triệu yên Nhật vẫn bị “treo” bởi có nhiều người nói rằng số tiền đó là của họ trong đó có bà Phạm Thị Ngọt, 41 tuổi, trú tại huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh. Bà Ngọt đã gửi đơn thư lên chính quyền và đưa ra các bằng chứng khẳng định rằng số tiền đó là của chồng bà.

Với những diễn biến phức tạp như vậy, luật sư của chị Hồng cũng đã có văn bản gửi cơ quan Công an, còn bà Ngọt cũng khẳng định rằng, bà đang trong quá trình thu thập chứng cứ để nhận lại số tiền thất lạc trị giá hàng tỷ đồng này. Vụ việc này càng ngày càng phức tạp, khi bà Ngọt xuất hiện thì đã có rất nhiều đối tượng lạ mặt đến gặp bà Ngọt và yêu cầu chia chác. Có kẻ còn đe dọa bà Ngọt đến mức bà phải bỏ đến một nơi khác để sinh sống.

Tranh chấp

Trong đơn thư của của bà Ngọt nêu rõ 5 triệu yên Nhật trong chiếc loa cũ là của chồng bà - ông Efolayan Caleb (58 tuổi, quốc tịch Nigeria). Tuy nhiên để có thể lấy lại số tiền trên, bà Ngọt phải đưa ra được các bằng chứng cụ thể để chứng minh cho luận điểm của mình.

Được biết, hiện ông Afolayan Caleb đang ở quê nhà Nigeria và bà Ngọt xác nhận ông Caleb không thể về Việt Nam để trực tiếp giải quyết vụ việc. Thứ nhất, mẹ ông Caleb đang bệnh nặng, bản thân ông cũng mắc phải căn bệnh thận móng ngựa, không thuận tiện cho việc di chuyển một quãng đường xa. "Trong thời gian tới, ông Caleb sẽ viết giấy ủy quyền cho tôi là người trực tiếp giải quyết vụ việc", bà Ngọt cho biết. 

Cũng theo tiết lộ của bà Ngọt thì vợ chồng bà mới hoàn thiện thủ tục đăng ký kết hôn tại Nigeria, chứ chưa làm thủ tục tại Việt Nam. "Khi nào ông Caleb viết giấy ủy quyền cũng như gửi bản tường trình, bằng chứng cụ thể về cho tôi thì tôi sẽ gửi lên cơ quan Công an xác minh và thuê luật sư hỗ trợ pháp lý để giải quyết vụ việc này", bà Ngọt cho biết.

Cũng theo lời người phụ nữ này, bà đã gặp cơ quan chức năng hai lần. Lần thứ nhất, bà gửi đơn lên cơ quan Công an quận Tân Bình. Lần thứ hai, Công an đã mời bà và ông Hòa (anh họ), người mà bà Ngọt khẳng định đã cho chiếc loa có 5 triệu yên Nhật, lên trụ sở để làm bản tường trình. Bà Ngọt khẳng định. "Tôi chỉ mới gửi một lá đơn cho rằng số tiền đó là của chồng, ngoài ra chưa có gì hơn cả. Caleb cũng chưa phác thảo lại chiếc loa và số seri của số tiền trên về cho tôi. Nội dung về 5 triệu yên Nhật này, tôi chỉ được nghe lại từ chồng".

Theo lời bà Ngọt, ông Caleb từng dạy tiếng Anh và phụ bán phụ tùng xe ôtô tại Nhật Bản. Trong suốt thời gian làm việc tại đây, ông đã tích lũy được số tiền 100 triệu yên Nhật. Khi về chung sống với bà Ngọt, ông Caleb có kể với vợ là từng cất giấu hơn 5 triệu yên Nhật vào một chiếc hộp hay tủ nào đó nhưng không nhớ. "Theo Caleb thì với số tiền trên, ông định mua hàng từ Nhật về bán lại cho người bạn ở quê trong một kỳ nghỉ lễ", bà Ngọt nói tiếp.

Căn cứ để bà Ngọt khẳng định số tiền trên là của chồng mình, đó là sự trùng khớp về số tiền Caleb hay nhắc đến trong chiếc loa mà bà đã cho người anh họ. "Lúc chưa cho anh Hòa chiếc loa này, trong một lần lau bụi, tôi vô tình phát hiện ra một khe hở khoảng 2cm ở mặt trên chiếc loa. Lúc đó, qua khe hở tôi đã nhìn thấy màu giống như những đồng yên Nhật mà chị Hồng nhặt được. Khi đó, tôi tưởng kết cấu bên trong chiếc loa như vậy nên đã không để ý và lấy búa đóng lại", bà Ngọt giải thích.

Có một chi tiết quan trọng mà bà Ngọt từng được nghe chồng kể đó là, ông ta cất giấu khoảng 5 triệu yên Nhật rồi sau đó quên mất là vào cuối năm 2005. Từ đây, một giả thiết được đưa ra là nếu đúng như Caleb đã để quên số tiền trên trong chiếc loa và chuyển về Việt Nam thì giao dịch chuyển tiền như vậy liệu có hợp pháp, khi không kê khai tài chính? Và Caleb có bị truy tố tội chuyển tiền trái phép hay không? Nhưng trước khi đề cập đến vấn đề này thì việc đầu tiên vợ chồng bà Ngọt phải chứng minh được nguồn gốc hợp pháp và số tiền này là của ông Caleb.

Theo lời bà Ngọt thì vào năm 2012, khi hai vợ chồng bà chuyển từ quận 1 về huyện Hóc Môn sinh sống, bà đã đốt toàn bộ giấy tờ của Caleb có liên quan đến thời gian sinh sống bên Nhật nên hiện tại để xác minh được những điều này rất khó khăn. "Hơn nữa, theo Caleb thì anh ấy có rất ít bạn bè ở Nhật. Có một số người bạn của Caleb đã chết trong thảm họa sóng thần năm 2011.

Hiện tại, Caleb đã liên lạc với người cùng công tác trong trường học để xác minh những thủ tục cần thiết cho anh ấy. Tuy nhiên, người này vẫn chưa phản hồi lại cho chúng tôi. Nghe đâu, thầy hiệu trưởng nơi Caleb từng giảng dạy đã về hưu và không ai biết địa chỉ của ông ấy". Bà Ngọt cho biết không thể xác minh nguồn gốc chiếc loa. Tuy nhiên bà đã chuẩn bị đầy đủ bằng chứng chứng minh nguồn gốc thu nhập của chồng.

Hiện tại bà Ngọt vẫn chưa đưa ra được bằng chứng gì để khẳng định quyền sở hữu 5 triệu yên Nhật. Thậm chí, mối quan hệ vợ chồng giữa bà Ngọt và ông Caleb cũng chưa rõ ràng về mặt pháp lý để làm cơ sở trong việc giải quyết 5 triệu yên. Theo Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam hiện hành, tại Việt Nam, bà Ngọt và ông Caleb chưa được công nhận là vợ chồng.

Như vậy, người phụ nữ này không hề có tư cách pháp nhân gì để yêu cầu Công an giải quyết nguyện vọng, nếu giả sử 5 triệu yên đó là của chồng bà. Người có liên quan trực tiếp phải là ông Caleb và điều kiện cần thiết là người đàn ông này phải có mặt tại Việt Nam. Trong khi đó giữa lời tường trình của bà Ngọt, ông Hoà và chị Ánh Hồng (người nhặt được 5 triệu yên) có nhiều điểm rất mâu thuẫn.

Theo bà Ngọt, hình dáng chiếc loa bên ngoài màu xám tro làm bằng sắt, có một số khe nằm ở giữa loa, nhìn vào bên trong làm bằng gỗ, hình chữ nhật. Trong khi đó, chị Huỳnh Thị Ánh Hồng, người thu mua ve chai lại tả nhiều chi tiết khác hẳn. Chiếc loa chị Hồng mua bên ngoài có màu gạch, được làm bằng gỗ, có 4 chân và có rất nhiều dây dẫn điện. Trong khi đó, ông Hòa lại nhớ đó là loa nghe đài chứ không phải máy nghe nhạc như bà Ngọt nói và vợ ông bán cho một người ve chai nói giọng miền Bắc tại hẻm 277, hương lộ 2. Còn chị Hồng còn cho biết, nơi mua chiếc loa nói trên tại giao lộ Trần Văn Quang - Âu Cơ (quận Tân Bình).

Cũng theo lời bà Ngọt thì từ khi bà đưa đơn tới yêu cầu cơ quan xác minh số tài sản trên vì nghi ngờ đó là của chồng mình, bà đã chịu rất nhiều áp lực từ dư luận. "Nhiều người bảo tôi nhận vu vơ, thấy số tiền lớn nên nổi lòng tham. Đúng là chuyện làm ăn của tôi đang gặp khó khăn, nợ xấu khoảng 70 triệu đồng nhưng tôi cũng mong làm rõ nguồn gốc số tiền này. Vì có quá nhiều điểm trùng hợp, nếu đúng là của Caleb thì nó sẽ giúp chúng tôi giải quyết rất nhiều khó khăn trước mắt. Tôi chắc chắn sẽ tiếp tục đấu tranh để lấy lại số tiền thất lạc. Những thủ tục ủy quyền cần thiết, chồng tôi sẽ sớm gửi sang. Riêng về các đặc điểm bên ngoài chiếc loa như miêu tả, những khác biệt có thể do thời gian quá lâu nên có nhầm lẫn. Tuy nhiên, số tiền nói trên khẳng định chính là số tiền mà chồng tôi đã tích lũy bằng mồ hôi, nước mắt", bà Ngọt khẳng định.

Cái giá phải trả

Vụ việc đã đi đến độ căng thẳng và phía Công an nói rằng đã hết quyền xử lý, vụ việc này được chuyển sang tòa án nhưng tòa án lại khẳng định hiện không có cơ sở thụ lý vụ việc, Công an phải có trách nhiệm điều tra làm rõ. Người mệt mỏi nhất trong vụ việc này chính là chị Ánh Hồng, người đã nhặt được số tiền. Không chỉ phải đi lên đi về giải trình mà chị còn gặp phải rất nhiều điều ra tiếng vào.

Nhiều người miệt thị chửi bới chị vì họ cho rằng tự chị rước họa vào thân. Nhặt được tiền thì cứ giữ lấy lại còn đi nộp cho Công an để thể hiện lòng trung thực nhưng lòng trung thực đã đặt không đúng chỗ nên chị đã phải trả giá cho việc làm không giống ai của mình. Chị đem tiền lên nộp may chăng là nhận được những lời khen, những bài báo ca ngợi về tấm lòng hay đức tính tốt. Liệu những thứ đó có giúp chị sống thanh thản? 

Cho đến giờ phút này thì đúng là chị không những không thanh thản mà chị đã gặp phải rắc rối lớn. Nếu như chị nhận được số tiền đó thì liệu chị có được sống yên ổn với bọn trộm cướp hay những tên giang hồ cộm cán trong xã hội. Mọi thông tin về vụ việc liên tục được báo chí cập nhật liệu chị có được an toàn để sống tiếp mà hưởng thụ cái sự may mắn đó.

Nếu như số tiền đó không phải của chị thì chị đã phải tiêu tốn bao nhiêu tiền bạc rồi công sức cho việc đi lên đi về, thuê luật sư bảo vệ rồi giải trình hết lần này đến lần khác. Trước đó chị cũng đã bị đe dọa rồi cuộc sống lâm vào khủng hoảng bởi điều ra tiếng vào. Đêm không ngon giấc, ngày cũng chẳng được yên thân bởi sự thấp thỏm. 

Nói chung là tính đến thời điểm này thì việc chị Hồng nhặt được tiền không biết là sự may mắn hay rủi ro nữa. Sự việc đang có tranh chấp thì chắc chắn rằng chị vẫn chưa được yên thân. Quy trình làm việc nhiêu khê, rắc rối, thủ tục hành chính pháp lý vẫn còn vướng mắc, trách nhiệm vẫn chưa biết thuộc về cơ quan chức năng nào. Rõ ràng là thế nhưng chị Hồng cũng là người đáng được trân trọng và đáng thương. 

Chị đã làm đúng với lương tâm của một con người, số tiền không phải của mình tất nhiên phải đi nộp cho Công an. Điều đó không thể phủ nhận nhưng ai chắc chắn một điều rằng nếu như chị Hồng biết trước được sự rắc rối và phiền hà này thì chị sẽ suy nghĩ lại, mặc dù rất thật thà nhưng chị cũng sợ chẳng dám ra trình báo làm gì cho phiền thân. Nếu chị không ra trình báo thì chẳng ai biết để mà phán xét chị, chị tự hưởng số tiền đó coi như một sự may mắn chị được trời ban trong cuộc đời.

Liệu cái giá của lòng trung thực mà chị Hồng phải trả có quá đắt khi cuộc sống của chị lâm vào bế tắc? Chị Hồng nghẹn ngào nói trong nước mắt: “Tôi cảm ơn mọi người đã đồng cảm, động viên thời gian qua, giờ chưa biết khi nào Công an trả tiền nhưng tôi chỉ cầu mong có đủ sức khỏe để đi mua ve chai mưu sinh qua ngày. Dù vụ việc ra sao đi nữa, qua đây tôi rút ra nhiều bài học quý giá cho cuộc sống, về sự yêu thương và sẻ chia. Tôi sẽ cố gắng nuôi dạy hai đứa con mình phải sống thật thà, hiền lành và phải biết sẻ chia với tất cả mọi người”.

Chị vẫn phải tiếp tục sống và làm việc để sống chứ không thể dừng lại. Không thể ngồi chờ số tiền đó thuộc về mình một cách chính thức và theo những gì đang diễn ra thì không biết đến bao giờ số tiền đó mới được giải quyết. Liệu chị Hồng và gia đình có đủ kiên nhẫn để theo đuổi và chờ đợi cái ngày được nhận tiền hay chị sẽ phải từ bỏ, coi như số tiền đó đã được trả về cho chủ nhân chính thức của nó vì quá mệt mỏi và phiền hà.

Phương Linh
.
.
.