Cà phê đường tàu và ý thức chấp hành pháp luật

Thứ Sáu, 11/10/2019, 12:17
Cuối cùng thì UBND TP Hà Nội cũng đã ra "tối hậu thư" về hạn phải đóng cửa đối với các quán cà phê đường tàu.


Tại văn bản này, UBND TP Hà Nội giao UBND 21 quận, huyện có tuyến đường sắt đi qua chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm trật tự an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn, hoàn thành trước ngày 12-10.

Trước đó, ngày 18-9, Cục Đường sắt Việt Nam đã có văn bản đề nghị Hà Nội xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng và các quận, huyện khác có đường sắt đi qua.

Theo Cục Đường sắt Việt Nam, thực trạng quán cà phê, giải khát, chợ... mọc lên quanh khu vực đường sắt, thu hút người dân và du khách hiếu kỳ, đặc biệt là người nước ngoài, tụ tập đông người để chụp ảnh, uống cà phê trong lòng đường sắt, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng. Do đó đề nghị Hà Nội "giải tỏa dứt điểm" các vi phạm trên.

Theo ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, các quán cà phê ven đường sắt từ đầu năm nay có chiều hướng gia tăng mạnh hơn các năm trước, trải dài khu vực đường tàu gần phố Điện Biên Phủ và Khâm Thiên.

Việc du khách đi lại xung quanh đường tàu gây mất an toàn khi có tàu chạy qua và gây cản trở đến việc duy tu bảo trì đường sắt. Công nhân đường sắt khi bảo trì đường thường phải giải tỏa bàn ghế được đặt trên đường sắt và mất thời gian đưa máy móc vào khu vực này. Cùng với đó, môi trường dọc đường sắt bị ảnh hưởng bởi rác thải, một số hộ dân cải tạo lối đi làm ảnh hưởng thoát nước đường sắt.

Các đoàn tàu chạy hàng ngày qua lại đi phía Nam và phía Bắc Hà Nội khá nhiều. Khi đi qua tụ điểm cà phê, tàu thường phải chạy chậm hơn 30km/h và lái tàu phải cảnh báo từ xa và đi chậm để chờ du khách nhường đường, gây chậm tàu. Ngoài ra, nhiều đoàn tàu thay đổi giờ chạy nên có thể đi qua bất ngờ và không đảm bảo an toàn cho du khách đi lại khu vực này.

Điều ông Hoạch cảnh báo đã được chứng minh ngay sau đó, khi 15h23 ngày 6-10, tàu LP5 xuất phát từ ga Hà Nội đến km1+200 đã phải dừng hơn một phút để chờ nhiều du khách di chuyển khỏi đường ray mới có thể tiếp tục hành trình.

Đại diện Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội cho biết, thời gian qua chưa có tai nạn tại khu vực cà phê đường tàu Phùng Hưng do tàu đi chậm và các chủ quán thường cảnh báo du khách khi tàu qua. Tuy nhiên, các lái tàu rất căng thẳng khi đi qua khu vực đông người tụ tập. Cách đây 2 tháng, tại khu vực cà phê đường tàu tại đoạn qua phố Khâm Thiên đã xảy ra va chạm giữa tàu SE8 và một du khách khiến người này bị xây xát.

Nguy cơ chết người từ "phong trào" ngồi uống cà phê đường tàu là có thật. Tuy nhiên sau khi UBND TP Hà Nội có văn bản yêu cầu dẹp bỏ những quán này, đã có những ý kiến phản đối khi cho rằng đây là nơi thu hút khách du lịch nên chính quyền nên quản lý các dịch vụ du lịch tại đây vì nơi này có thể trở thành điểm du lịch hấp dẫn của Hà Nội.

Có người thì cho rằng khó có thể xóa các quán cà phê ven đường tàu vì họ sẽ tiếp tục kinh doanh trong nhà bởi nhu cầu của du khách là có. Đây là xu thế phát triển, không thể ngăn.

Nếu cố tình cấm cũng sẽ chỉ như bắt cóc bỏ đĩa. Vì thế chính quyền cần có giải pháp hợp lý như tổ chức lực lượng cảnh giới bảo vệ du khách và thu phí của các hộ kinh doanh tại khu vực này. Các hộ kinh doanh cũng phải ký cam kết bảo vệ an toàn cho du khách, không lấn chiếm hành lang đường sắt, vừa không để mất an toàn giao thông vừa khai thác du lịch.

Nghe qua thì ý kiến nào cũng hợp lý cả, nhưng thử hỏi du lịch Hà Nội sẽ có thêm được bao nhiêu khách, thu được bao nhiêu tiền hay chỉ tăng thu nhập cho vài chục chủ quán cà phê từ những quán cà phê đường tàu? Trong khi đó, vấn đề quan trọng nhất là pháp luật đã quy định rất rõ hành lang an toàn đường sắt thì không ai quan tâm.

Vì thế, từ câu chuyện cà phê đường tàu này, một vấn đề nghiêm túc phải được đặt ra là pháp luật đã có và quy định rất rõ, nhưng quan trọng hơn là chính quyền cơ sở, nơi có đầy đủ các ban bệ, phải nghiêm túc trong việc thực thi pháp luật, không thể vì một nhóm lợi ích nào đó mà nại ra lý do phát triển du lịch hoặc động đến chuyện mưu sinh của người dân để lấp liếm sai phạm. Để đến khi xảy ra chết người thì lại cùng nhau truy trách nhiệm và "rút kinh nghiệm sâu sắc".

Tân Lương
.
.
.