Những điều tử tế và tốt đẹp luôn hiện diện
Những “món quà sự sống” mà những người ra đi để lại thực sự thắp lên niềm tin, hy vọng và tự hào về những điều tử tế và tốt đẹp luôn hiện diện trong cuộc đời này. Nhờ đó, có thêm nhiều cuộc đời được “hồi sinh” kỳ diệu nhờ người đã chết.
Ca ghép thận đầu tiên nhận tạng từ người chết não hiến cho trẻ em
Câu chuyện gần đây nhất là một trường hợp hiến tạng và ghép đa tạng vô cùng đặc biệt vào cuối tháng 12-2018. Người hiến tạng là anh Dương Hồng Quý (43 tuổi, quê Ninh Bình) bị chết não do bị phình mạch não vỡ, điều trị tích cực ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) không có kết quả.
Thực hiện mong muốn từ khi còn sống của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đã quyết định hiến đa tạng. Và chính từ nguồn tạng vô cùng quý giá của bệnh nhân này, gồm tim, gan, 2 phổi, 2 thận, các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức đã tính toán rất kỹ việc ghép cho 4 bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch.
Trong đó, một quả thận từ người hiến đã được vận chuyển xuyên Việt vào TP Hồ Chí Minh, và được các chuyên gia đầu ngành về tiết niệu của Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy và BV Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh ghép thành công, cứu sống bệnh nhi Đ.V.H (15 tuổi, ngụ Lâm Đồng) bị suy thận giai đoạn cuối nghi do bị thiểu sản thận.
Bác sĩ thực hiện các ca ghép tạng tim, thận (người hiến là của một quân nhân ở Hà Nội) cho hai bệnh nhân ở Bệnh viện Chợ Rẫy. |
Ở phía Nam, BV Nhi đồng 2 là trung tâm ghép tạng cho trẻ em. Đã có 18 ca ghép thận từ năm 2004 đến nay. Theo PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, đây là lần đầu tiên một trẻ em ở khu vực phía Nam được ghép thận từ người chết não hiến tặng.
Và đây cũng là ca ghép thận đầu tiên nhận tạng từ người hiến chết não cho trẻ em, mở ra một giai đoạn mới trong công tác ghép tạng trong Nhi khoa, tạo nhiều cơ hội cho các bệnh nhi suy thận mạn giai đoạn cuối được tiếp cận từ nhiều nguồn tạng hiến.
Vào tháng 3-2018, một quân nhân ở Hà Nội gặp tai nạn, bị chết não cũng đã được gia đình quyết định hiến đa tạng. Và từ quyết định này, 6 bệnh nhân đang ở tình trạng nguy kịch đã được cứu sống và có sức khỏe tốt hơn.
Trong đó, ngoài giác mạc, lá phổi, một quả thận của anh đã trao cơ hội sống cho hai bệnh nhân tại BV Trung ương Quân đội 108 và mang lại ánh sáng cho một bệnh nhân tại BV Mắt Trung ương; thì tim và thận của người hiến đã được ghép cho hai bệnh nhân ở BV Chợ Rẫy.
Tâm sự về cảm xúc lần ghép tạng này, TS.BS Phạm Văn Đông, Trưởng khoa Gây mê hồi sức, BV Chợ Rẫy, chia sẻ, hai ngày hôm đó là thứ Bảy, Chủ nhật và cũng đang là kỳ nghỉ trước Ngày Thầy thuốc Việt Nam, nhưng các y bác sĩ đều gác mọi việc riêng để tập trung cho ca ghép tạng xuyên Việt đặc biệt này.
TS.BS Phạm Văn Đông bộc bạch: “Chúng tôi xác định đây là mệnh lệnh từ trái tim phải thực hiện tốt đẹp với tấm lòng và trách nhiệm vì nguồn tạng hiến là cực kỳ quý hiếm”…
Theo TS.BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, BV Chợ Rẫy, ngoài những trường hợp phải thuyết phục người thân của bệnh nhân hiến tạng thì vẫn có không ít trường hợp người thân của bệnh nhân đã hối thúc các bác sĩ lấy tạng của bệnh nhân chết não, ngưng tim để ghép cho bệnh nhân khác như có hai trường hợp bệnh nhân ngưng tim đã hiến tạng cứu được sáu người (vào đầu tháng 7-2018), gồm bốn người bị bệnh thận mạn tính và hai người bị mù lòa lâu năm. Câu chuyện về hai bệnh nhân hiến tạng này thật sự xúc động và đáng trân trọng!
Trường hợp thứ nhất là cụ ông Phùng Văn Hinh (68 tuổi, ngụ Đồng Nai) bị ngã do đột quỵ. Theo lời kể của anh Phùng Hiệu - con trai ông Hinh thì cả cuộc đời ông luôn làm những việc thiện nguyện, chăm lo cho người nghèo, cơ nhỡ. Đặc biệt, ông Hinh còn là một tấm gương sáng về hiến máu (ông đã 50 lần hiến máu).
Khi bác sĩ BV Chợ Rẫy thông tin ông Hinh không thể sống được, gia đình đã báo ngay với bác sĩ ý nguyện muốn hiến tạng cứu người của ông khi còn sống.
Với sự đồng lòng của gia đình người hiến đã giúp các bác sĩ vững tin hơn, quyết đoán nhận món quà sự sống từ sự nhiệt tình trao gửi của gia đình, của người hiến. Thực tế thì dù người hiến đã qua tuổi 60, nhưng các bác sĩ đánh giá chất lượng thận vẫn tốt và đã lấy ghép thành công cho hai bệnh nhân suy thận.
Trường hợp bệnh nhân thứ hai cho tạng khi tim ngừng đập là anh Nguyễn Hy Na (31 tuổi, quê Đồng Tháp, ngụ tại Bình Chánh). Nam thanh niên tự ngã xe máy, chấn thương sọ não, xuất huyết não khi đang trên đường mưu sinh bằng nghề chạy xe ôm Grabbike.
Với tình trạng thương tích nặng nề, các bác sĩ tiên đoán bệnh nhân Na khó qua khỏi. Trong khi cả gia đình bối rối, chị Hồng Nga, chị gái của anh Na đã thuyết phục, bàn bạc và được sự nhất trí của cả nhà sẽ hiến tạng em trai (hai quả thận và hai giác mạc) để giúp những cuộc đời kém may mắn khác.
Món quà sự sống của người ra đi để lại thắp lên hy vọng về cuộc đời. |
Những “món quà sự sống” truyền cảm hứng
Sau những tấm gương kể trên, đã có hơn 7.300 người tự nguyện đến Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia để đăng ký hiến tặng mô/tạng khi chết hoặc chết não, nâng tổng số người đăng ký hiến tạng sau khi chết, chết não sau 5 năm lên 19.300 người.
Tính đến ngày 31-8-2018, cả nước đã có 3.378 ca ghép tạng được thực hiện, trong đó có 3.223 ca ghép thận, 125 ca ghép gan, 26 ca ghép tim… mang lại sự sống cho nhiều người bệnh hiểm nghèo.
Riêng ở BV Chợ Rẫy, theo BS Dư Thị Ngọc Thu, tính từ năm 2015 đến tháng 6-2018, đã có hơn 5.000 người đến Đơn vị Điều phối ghép tạng của bệnh viện này đăng ký hiến tạng, trong đó có cả 30 y bác sĩ của BV Chợ Rẫy.
Những con số kể trên cho thấy kỳ tích của ngành ghép tạng Việt Nam trong 10 năm qua, đồng thời cũng cho thấy nhận thức của người dân đang tăng lên và đã nhận thức được lợi ích cũng như ý nghĩa của việc hiến tạng.
Hiện Việt Nam có 18 đơn vị ghép tạng và trong tương lai sẽ tiếp tục mở thêm nhiều đơn vị ghép tạng cũng như đơn vị điều phối ghép tạng để có thể thực hiện nhiều ca ghép tạng, tăng cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân.