Cần giải quyết tận gốc vấn đề ở bãi rác Nam Sơn

Chủ Nhật, 20/01/2019, 15:19
Những chuyến xe rác đầu tiên được chở về bãi rác Nam Sơn cách đây cũng đã 20 năm. Khi mà bãi rác ngày càng được mở rộng, trong khi hạ tầng kỹ thuật không đảm bảo đồng nghĩa với việc ô nhiễm mỗi lúc một tăng.


Sức chịu đựng của người dân đến đỉnh điểm đã xảy ra những lần chặn xe chở rác vào bãi. Đã có những hỗ trợ, ưu tiên nhưng có lẽ là chưa đủ với những gì bà con sống quanh khu vực bãi rác đang phải chịu đựng. Phương án giải quyết tận gốc vấn đề là phải đẩy nhanh việc di dời bà con ra khỏi vùng ô nhiễm.

20 năm chịu ô nhiễm

Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn khi thành lập có diện tích 83 ha, trong đó 53,49ha là diện tích bãi rác. Đến năm 2011, Hà Nội tiếp tục mở rộng khu liên hiệp thêm 73,73ha với 8 ô chôn lấp rác.

Theo quy chuẩn, một vành đai an toàn cách ly nơi xử lý rác và khu dân cư là yêu cầu bắt buộc. Ở giữa vành đai này sẽ có cây xanh và hồ nước để lọc bớt không khí ô nhiễm. Cơ quan chức năng có lẽ là những người hiểu rất rõ điều này.

Chỉ 1 ngày không đổ được rác vào bãi rác Nam Sơn, lượng rác ở nội thành đã ùn ứ nghiêm trọng.

Quy định quản lý chất thải rắn thông thường trên địa bàn TP Hà Nội (ban hành ngày 3/6/2013) có nêu rõ khoảng cách an toàn từ điểm/bãi chôn lấp rác thải đến khu vực dân cư tập trung, trường học, bệnh viện, các nguồn nước sông, hồ… tối thiểu là 500 m. Thế nhưng ở bãi rác Nam Sơn, diện tích đáng lẽ phải dùng làm vành đai xanh lại đang là nơi sinh sống, sản xuất nông nghiệp của gần 4.000 con người.

Bãi rác ngày một lớn hơn đồng nghĩa với việc người dân sống quanh khu vực này đã phải sống cảnh khốn khổ. Không chỉ tiếng ồn từ xe chở rác, máy xúc mà còn mùi hôi thối, mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường nặng.

Ông Kỳ (người sống ngay cạnh bãi rác) chia sẻ: "Cứ từ tối muộn cho đến 3 giờ sáng, xe rác chạy vào đây rầm rập. Cả làng gần như chả ngủ được vì tiếng ồn, không chỉ như vậy mà chỉ cần một cơn gió thôi là hơi rác bay vào nhà không thể chịu nổi".

Theo phản ánh của người dân, từ 21 đến 22h đã có khoảng 100 lượt xe tải chở rác đi qua. Đến đêm khuya lưu lượng xe qua đây còn lớn hơn gấp nhiều lần. Để chống lại tiếng ồn và mùi hôi thối từ bãi rác, hầu hết các hộ gia đình tại đây đều lắp kính ở cửa, bếp ăn cũng được xây dựng phía trong cùng của ngôi nhà, cách xa mặt đường nhất có thể. Mỗi đêm trôi qua, nước rác từ đoàn xe rỉ ra đen kịt mặt đường, mùi xú uế bốc lên khiến ai nấy cũng sây sẩm, nôn nao.

Người hàng xóm 20 năm nay cùng "chịu trận" với gia đình ông Kỳ là bà Lợi. Mới chỉ ngoài 50 nhưng vẻ mặt khắc khổ khiến bà Lợi già hơn nhiều. Tóc chỉ còn vài sợi lơ thơ, năm đầu ngón tay tê buốt quanh năm.

Đi thăm khám nhiều nơi nhưng bà chưa phát hiện ra bệnh gì. Gia đình bà Lợi sống chỉ cách bãi rác chừng hơn 100m, chính vì thế cả gia đình với 8 thành viên đều mắc bệnh về đường hô hấp.

Bà bảo: "Cả xóm tôi chỉ có khoảng 50 nóc nhà nhưng số người bị ung thư cũng có đến cả chục người. Những người còn lại thì không đau họng cũng viêm phổi, tất thảy đều có bệnh như nhau cả".

Có đến "thủ phủ" rác thải mới cảm nhận được cái mùi ngây ngấy phát ói, mới cảm nhận được nỗi thống khổ của bà con trong 20 năm qua. Người làng bảo, xe cộ mới mua về chỉ một thời gian ngắn là vành xe han rỉ, vỏ bị ăn mòn vì nước rác trên đường. Chưa kể, đất cát tại đây bỏ hoang nhiều, thậm chí mời người nơi khác đến ở có khi còn lắc đầu.

"Trước đây, cũng có nhiều dự án xây dựng khu du lịch, nhà vườn, nhưng vì có bãi rác nên các nhà thầu bỏ đi hết. Giá đất giảm thảm hại, chẳng ai muốn ở cái nơi ô nhiễm toàn bộ từ không khí, nước và âm thanh như ở đây" - ông Kỳ cay đắng nói.

Theo thống kê, cứ mỗi ngày có đến 4.000 tấn rác thải của Hà Nội được chở về bãi rác Nam Sơn. Anh Lê Văn Sơn, người sống cách bãi rác chừng 100m bức xúc: "Chúng tôi còn nhớ như in cái ngày cá ở Hồ Tây chết, họ mang về đây đổ cả chục tấn. Chúng tôi không thể chịu đựng được vì mùi hôi thối, cá chết rơi dọc đường. Ở đây ai cũng đã quen cảnh ăn cơm chung với ruồi nhặng, đi ngủ cũng phải đeo khẩu trang vì hôi thối. Nếu cơ quan chức năng không có cách gì xử lý chắc chắn chúng tôi sẽ chết dần chết mòn".

Không chỉ cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng mà tình trạng ô nhiễm cũng ảnh hưởng vô cùng lớn tới nông nghiệp tại đây. Ông Ngát đưa chúng tôi ra khu ruộng nhà mình, ngao ngán: "Khổ lắm, không cấy thì không có gì mà ăn, nhưng cấy thì được vài ba hạt thóc.

Ruộng nhà tôi nằm ngay cạnh suối Lai Sơn, phía bên kia là núi rác, mùa mưa thì bọt lềnh bềnh trắng xoá, còn mùa khô thì nước đỏ quạch, rồi chuyển sang màu đen kịt đặc sánh. Người ta đến lấy mẫu nước đi đo đạc và kết luận "ô nhiễm không thể canh tác được". Vụ vừa qua chúng tôi phải chi tiền bơm nước sạch vào ruộng với giá 100.000 đồng/sào".

Gần đây, người dân nghe thông tin có chính sách di dời khỏi vùng ô nhiễm rác thải vừa mừng lại vừa lo. Họ mừng vì được đi khỏi vùng đất ô nhiễm, lo vì chính sách đền bù đất thế nào cho phù hợp.

Bởi đã từng có thông tin, chính quyền chỉ thu hồi và đền bù đất thổ cư kèm tài sản trên đất mà không thu hồi, đền bù đất nông nghiệp. Bà Lê Thị Minh (xóm Hoà Bình, xã Hồng Kỳ) chia sẻ: "Chúng tôi tha thiết được di dời khỏi vùng đất ô nhiễm nhưng cũng mong muốn nhà nước thu hồi và đền bù toàn bộ đất nông nghiệp để dân có nguồn vốn phát triển kinh tế".

Khi sức chịu đựng “quá ngưỡng”

Mấy ngày qua, người dân nội thành Hà Nội phải chịu cảnh rác ùn ứ ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường cũng như việc đi lại. Nguyên nhân là do chiều 10-1, hàng trăm người dân đã tập trung bên ngoài bãi rác Nam Sơn.

Họ dựng lều bạt, phong toả lối vào bãi rác để yêu cầu chính quyền nhanh chóng xử lý tình trạng ô nhiễm. Theo quan sát của phóng viên, có khoảng 200 người căng bạt, dựng lều, thậm chí cả đốt lửa để ngăn không cho xe rác vào đổ.

Cánh tài xế chở rác cho hay, việc người dân chặn đường diễn ra thường xuyên.

Chính quyền địa phương cũng đã có mặt, phối hợp với các lực lượng làm công tác tư tưởng nhưng kết qủa không mấy khả quan. Theo như chia sẻ của cánh tài xế xe rác và các cán bộ nhân viên của bãi rác Nam Sơn, tình trạng này trở nên quá quen thuộc.

Một tài xế chuyên chở rác cho hay: "Thực sự chúng tôi cũng hiểu và thông cảm cho bà con ở đây. Họ phải sống mấy chục năm ở quanh bãi rác, môi trường thì ô nhiễm, xe cộ chạy rầm rập suốt đêm".

Giữa năm 2017, vì không chịu được nạn ruồi nhặng hoành hành, người dân cũng đã từng chặn xe rác. Nhiều người dân mang cả bao tải xác ruồi ra chặn đường ôtô. Sau đó người dân lại tiếp tục tổ chức chặn xe rác vì thời tiết nắng nóng cộng với mùi hôi thối.

Chính quyền huyện đã cử người xuống đối thoại, làm công tác dân vận, người dân lại giải tán. Tuy nhiên chỉ 15 ngày sau đó, "bài ca" chặn xe rác lại tiếp tục. Việc chặn xe rác thường xuyên đến nỗi, cánh tài xế xe rác nhìn từ xa thấy dựng lều bạt là đã hiểu luôn sự việc.

Họ sẽ nhanh chóng tấp xe vào bãi đậu tạm, gọi điện cho những xe sau chờ đợi. Khi sự việc chưa được xử lý, họ buộc phải cho xe rác quay đầu trở về nội thành. Nhiều năm qua, chính quyền TP Hà Nội đã có những động thái hết sức tích cực như gửi tiền trợ cấp theo đầu người, ưu đãi về dịch vụ y tế, miễn phí nước sạch, xây dựng cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, với những gì bà con ở đây phải chịu đựng thì chừng đó có lẽ là chưa đủ. Bởi tình trạng ô nhiễm ngày một nặng hơn, bãi rác ngày càng được mở rộng hơn. Có lẽ chỉ có cách di dời người dân ra khỏi vùng ô nhiễm mới là giải pháp tối ưu nhất.

"Thực tế Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã nhận thấy việc di dời người dân ra xa bãi rác là việc cấp bách. Năm 2016, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã về địa phương, tuyên bố sẽ đẩy nhanh tiến độ việc di dời, tái định cư cho các hộ trong vòng bán kính 500m, quanh bãi rác. Tuy nhiên đã 3 năm trôi qua, chúng tôi chưa thấy động tĩnh gì nên đã tổ chức chặn xe để thể hiện sự nóng lòng" - ông Ngát cho hay.

Trong cuộc đối thoại với người dân sống quanh bãi rác vào năm 2016, chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã bày tỏ lòng biết ơn và chia sẻ với sự hy sinh của người dân khi phải sống cạnh bãi chứa rác của cả thành phố.

Sau nhiều năm chờ đợi, đến cuối năm 2017, UBND huyện Sóc Sơn đã ký 3 quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư để di dời người dân 3 xã trong vùng ô nhiễm bán kính 500m.

Ngày 13-1, UBND TP Hà Nội có văn bản giao nhiệm vụ cho lãnh đạo các sở, ngành, UBND huyện Sóc Sơn khẩn trương triển khai giải phóng mặt bằng để di dân ra ngoài vùng ảnh hưởng môi trường của Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (vùng bán kính 500m từ hàng rào Khu Liên hợp). Chủ trương di dời dân khỏi vùng ô nhiễm đã được TP Hà Nội phê duyệt, tuy nhiên còn nhiều vấn đề về phương thức di dời chưa được thống nhất. Người dân đang lo sợ thời gian để thống nhất những phương án này cũng lại được tính bằng năm.

Phong Anh
.
.
.