Buôn bán người tội ác cần được loại bỏ
- Phòng chống buôn bán người
- Cảnh báo thủ đoạn của bọn tội phạm buôn bán người tại vùng giáp biên
- Khai giảng khóa học về chống di cư trái phép và buôn bán người
Phòng hơn chống
Buôn bán người, một loại tội phạm không mới, nhưng đang có xu hướng gia tăng trong những năm đầu thế kỷ XXI, khi mà tình hình chính trị thế giới ngày càng trở nên bất ổn. Nhiều quốc gia xung đột quyền lợi.
Những mâu thuẫn tôn giáo, sắc tộc ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp. Những cuộc di dân khổng lồ vì đói nghèo, chiến tranh… là những nguyên nhân dẫn đến nạn buôn bán người ngày càng trắng trợn, với những thủ đoạn tinh vi, vô nhân tính.
Bên cạnh đó, với sự phát triển của y học, công nghệ ghép tạng ngày càng đạt tới trình độ cao, sinh ra một thị trường mua bán nội tạng âm thầm nhưng không kém phần sôi động. Thế giới đã phát hiện nhiều đường dây buôn bán nội tạng người xuyên quốc gia.
Tuyên truyền, nâng cao nhận thức vẫn là biện pháp quan trọng trong đấu tranh phòng chống tội phạm buôn bán người. |
Ngày 30-7 hàng năm được chọn là ngày toàn dân phòng chống buôn bán người, nhằm tuyên truyền nhiều hơn thông tin cho toàn dân về một loại hình tội phạm nghiêm trọng, phức tạp, có xu hướng gia tăng hiện nay.
Việt Nam nằm trong nhóm các nước đang phát triển phải đối mặt với loại hình tội phạm này, do nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thu nhập đầu người thấp, tỷ lệ thất nghiệp cao, và đặc biệt tỷ lệ mất cân bằng về giới không nhỏ.
Người dân ở những khu vực hẻo lánh, xa xôi còn thiếu kiến thức, kỹ năng, thông tin để cảnh giác với loại tội phạm này, và rất dễ trở thành nạn nhân của tội phạm buôn bán người.
Những bài toán kinh tế xã hội không thể một sớm một chiều, nhưng để giảm thiểu tình trạng bị mua chuộc, bắt cóc, trở thành nạn nhân của kẻ ác buôn người, thì không gì quan trọng hơn là cung cấp cho người dân những hiểu biết căn bản về loại hình tội phạm này.
Chúng ta biết, nỗi đau của một gia đình có người thân là nạn nhân của tội phạm buôn bán người là rất lớn, rất dai dẳng. Những hậu quả của loại hình tội phạm này gây ra cho xã hội cũng rất lớn.
Cả hệ thống chính trị và người dân vào cuộc, đẩy lùi tệ nạn này bằng những chiến dịch tuyên truyền lớn, thay đổi nhận thức cho người dân, giúp họ tránh được những cái bẫy tinh vi mà tội phạm buôn bán người giăng ra, dưới mác đi xuất khẩu lao động, lấy chồng nước ngoài hay giả bộ yêu đương, lừa gạt.
Khi mỗi gia đình là một bức tường thành rào chắn vững chắc, biết bảo vệ con em mình khỏi những rủi ro, và toàn xã hội có một nhận thức chung mạnh mẽ về nạn buôn bán người, thì sẽ không còn những câu chuyện đau lòng như vụ cháu bé 4 tuổi bị bắt cóc ở Thanh Trì, Hà Nội vừa qua, hay vụ bắt cóc hụt bé gái 5 tuổi tại một sân chung cư ở Xuân Đỉnh- Hà Nội đang gây lo lắng trong dư luận những ngày vừa rồi.
Hội Quân
Cảnh giác với loại hình tội phạm nguy hiểm
Là người gắn bó hơn chục năm nay với công tác phòng chống tội phạm buôn bán người, Trung Tá Khổng Ngọc Oanh, Đội trưởng Đội 3, Phòng 6, Cục CSHS, Bộ Công an đã có cuộc trò chuyện với phóng viên chuyên đề CSTC về thực trạng này.
- Thưa anh, tình hình tội phạm buôn bán người hiện nay đang có nhiều diễn biến phức tạp. Anh đánh giá về thực trạng này như thế nào?
+ Tình hình tội phạm buôn bán người trong những năm gần đây đều có dấu hiệu gia tăng. Riêng năm 2016 được kiềm chế, kéo giảm nhưng chưa giảm cơ bản, vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố lo ngại.
Theo báo cáo của Công an các địa phương và Bộ đội biên phòng, 6 tháng đầu năm 2016, toàn quốc phát hiện 174 vụ, với 232 đối tượng, lừa bán 351 nạn nhân. So với cùng kỳ năm 2015, giảm 13% về số vụ, giảm 25% số đối tượng, giảm 36% về số nạn nhân.
Riêng lực lượng Công an, Biên phòng Việt Nam đã điều tra, khởi tố 67 vụ với 112 đối tượng. Các đơn vị chức năng của Việt Nam đã xác minh, giải cứu, tiếp nhận trao trả 458 nạn nhân. Các địa phương phát hiện nhiều vụ mua bán người là Lào Cai (16 vụ), Hà Giang (8 vụ), Nghệ An (7 vụ), Lạng Sơn, Sơn La (6 vụ).
Trung Tá Khổng Ngọc Oanh |
- Phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này ra sao thưa anh?
+ Về phương thức thủ đoạn, tội phạm buôn bán người vẫn tiếp tục những phương thức, thủ đoạn truyền thống. Chúng tiếp cận với những người phụ nữ có nhu cầu tìm việc làm; những phụ nữ không gặp may mắn trong gia đình như quá lứa lỡ thì, muốn có nhu cầu lấy chồng, kết hôn, sau đó dụ dỗ họ ra nước ngoài rằng sẽ lấy được chồng, sẽ được sung sướng, đổi đời.
Đặc biệt chúng tiếp cận với những em bé mới lớn, mải chơi, dễ dãi trong việc kết bạn, làm quen thông qua mạng xã hội. Chúng tiếp cận các em bằng tên giả, địa chỉ giả, đánh bóng tên tuổi, bản thân, nghề nghiệp, dụ dỗ rủ đi chơi, rủ đi mua sắm, giả yêu đương, rồi lừa đưa sang biên giới để bán.
Một thủ đoạn mới cần phải đặc biệt quan tâm rất phổ biến hiện nay là đối tượng triệt để các phương tiện công nghệ cao, các trang mạng zalo, facebook, điện thoại di động để tiếp cận nạn nhân. Chúng tạo ra các diễn đàn như diễn đàn chơi game để mời gọi những người chơi.
Trong quá trình chơi, chúng "tăm tia" nạn nhân là những thiếu nữ, sinh viên rồi rủ chơi đôi. Khi con mồi đã "bắt sóng", chúng mới lân la trò chuyện, làm quen, tìm hiểu gia cảnh. Dần dần thân nhau, chúng bắt đầu hẹn hò gặp gỡ nạn nhân. Nhiều nạn nhân nhẹ dạ cả tin từ các tỉnh khác tìm đến tận Hà Nội để gặp gỡ, hoặc chúng sẵn sàng từ Hà Nội tìm đến nơi ở của nạn nhân để trao đổi, nói chuyện tình cảm.
Các đối tượng này có kỹ năng nói chuyện, hiểu tâm lý của nạn nhân, đặc biệt xoáy sâu vào những tổn thương tình cảm của các cô gái như cô nào mới chia tay người yêu, chán gia đình, học hành… để động viên, an ủi, sau đó kết tình cảm bạn bè, yêu đương.
Khi tình cảm chín muồi, chúng lại ngọt nhạt rủ về thăm quê, hoặc làm chuyến du lịch sang chơi với bạn bên Trung Quốc. Các nạn nhân nghe bùi tai nên đồng ý đi. Đưa sang bên kia biên giới, bọn chúng đã câu kết với các đối tượng bên đó và bán luôn.
Các đối tượng chủ yếu buôn bán người sang Trung Quốc, chiếm 70%. Còn lại là Lào, Campuchia 10-11%. Số ít là Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc và một số nước châu Âu. Nhưng hình thức mà các đối tượng triệt để lợi dụng nhất vẫn là lừa đi xuất khẩu lao động, kết hôn, rủ rê đi du lịch, kết bạn yêu đương. Các công ty lừa đảo với chiêu bài sang nước ngoài sẽ tìm được việc làm tốt, sẽ lấy được chồng, đổi đời.
- Hiện nay nhiều vụ bắt cóc trẻ em xảy ra trên địa bàn cả nước. Nhiều người lo sợ rằng các bé bị bắt và bị bán ra nước ngoài. Vậy anh đánh giá thực trạng này như thế nào?
+ Trên thực tế, những vụ buôn bán trẻ em gần đây thì nạn nhân chủ yếu là những em đang tuổi lớn, dụ dỗ đi chơi, đi du lịch. Chúng lợi dụng mạng xã hội để chat chit, làm quen, trao đổi, lừa gạt, kết bạn nhóm. Lúc đầu chúng sẽ giới thiệu cho nạn nhân nhóm bạn của mình. Còn những vụ bắt cóc trẻ em để bán sang kia biên giới thì chưa xác định được vụ việc nào. Chủ yếu các đối tượng bắt cóc trẻ em là để giải quyết mâu thuẫn cá nhân như thù hận, nợ nần, tranh chấp quyền nuôi con, bắt cóc tống tiền.
- Để phòng chống tội phạm buôn bán người, biện pháp quan trọng nhất là gì thưa anh?
+ Hiện Bộ Công an đã tham mưu cho Chính phủ phê duyệt chương trình 130 giai đoạn 2016-2020, trong đó Bộ Công an là thường trực, phối hợp với các bộ, ngành như Bộ LĐTB&XH, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin & Truyền thông, Hội Phụ nữ, Bộ VHTT&DL… để thực hiện.
Trước hết vẫn tập trung vào tuyên truyền. Xác định tuyên truyền phải có diện, có điểm, có phương pháp hợp lý, tránh tuyên truyền dàn trải. Tuyên truyền phải đúng vào các nhóm có nguy cơ bị mua bán. Làm sao tuyên truyền cho các bậc phụ huynh, các em học sinh có kỹ năng tự bảo vệ mình, tự bảo vệ con em mình, cảnh giác với những lời mời chào, kết bạn trên mạng, không dễ dãi nhận lời rủ rê của các đối tượng mới quen trên mạng mà chưa rõ nhân thân, lai lịch.
Quan trọng nhất là phải tuyên truyền để cả cộng đồng nhận thức được hậu quả, tác hại của loại tội phạm này, để cả xã hội cùng lên án, giúp nhau phòng ngừa, phòng tránh. Đặc biệt phải tăng cường phổ biến pháp luật và giáo dục pháp luật ở những vùng sâu, vùng xa, dân trí thấp, bởi trên thực tế có một số đối tượng người đồng bào dân tộc không biết đó là vi phạm pháp luật. Họ chỉ nghĩ đơn giản là nạn nhân đồng ý đi với họ sang bên kia biên giới, họ thích thì họ bán, không ảnh hưởng đến ai.
Trước đây nạn nhân bị lừa bán thường là những cô gái nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết, nhưng hiện nay có nhiều nạn nhân là những cô bé gia đình có điều kiện, nhưng vì được bao bọc nhiều nên dễ tin người, ham cái mới. Các đối tượng buôn bán người lại rất xảo quyệt, thường đi với một đối tượng nữ để tạo niềm tin với các nạn nhân, dễ dàng lôi kéo, lừa đảo.
Biện pháp thứ 2 là tăng cường công tác nắm tình hình, phòng ngừa đấu tranh. Kịp thời phát hiện, bắt và xử lý nghiêm các đối tượng, băng nhóm, tổ chức thực hiện hành vi buôn bán người.
Thứ 3 là hoàn thiện, bổ sung các quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng hành pháp trong công tác phòng chống tội phạm buôn bán người.
Những năm qua, lực lượng CSHS đã phối hợp chặt chẽ với bộ đội biên phòng, tăng cường quan hệ hợp tác với các nước trong khu vực, ký hiệp định song phương về phòng chống tội phạm buôn bán người. Hàng năm đều tổ chức các buổi giao ban giữa lực lượng Cảnh sát các nước nhằm tăng cường phối hợp điều tra, truy bắt đối tượng, giải cứu, tiếp nhận và hồi hương nạn nhân.
- Được biết ngày 30-7 vừa qua được chọn là ngày "Toàn dân phòng chống tội phạm buôn bán người", Bộ Công an, đặc biệt là lượng CSHS đóng vai trò như thế nào thưa anh?
+ Năm nay Chính phủ mới đồng ý chọn ngày 30-7 hàng năm là ngày "Toàn dân phòng chống tội phạm buôn bán người". Bộ Công an là đơn vị chủ trì, tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khơi dậy những phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trong đó có phong trào "Toàn dân phòng chống tội phạm buôn bán người".
Ngoài tuyên truyền pháp luật, còn khuyến khích người dân tố giác tội phạm, đặc biệt là tham mưu cho các chính quyền địa phương, huy động sức mạnh của các hệ thống chính trị của địa phương mình quyết liệt với công tác này để chương trình có hiệu quả.
- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Ngọc Trâm (thực hiện)
Những vụ việc đau lòng
Ngày 31-7, Công an tỉnh Hòa Bình đã bắt giữ đối tượng Bàn Tiến Sinh (SN 1984), trú tại TP Hòa Bình khi đang đưa vợ cùng 3 người khác xuất cảnh sang nước ngoài trái phép.
Tại cơ quan Công an, Sinh khai nhận, từ đầu năm 2016, trong khi bóc mía thuê cùng một người tên là Hưng, Sinh được Hưng cho biết có một đầu mối bên Trung Quốc đang tuyển người lao động phổ thông, không cần biết tiếng nước ngoài, mức lương chi trả cao, từ 6 triệu - 7 triệu đồng/tháng.
Hưng đã cho Sinh số điện thoại đầu mối ở Trung Quốc để Sinh tự liên hệ. Sau đó Sinh chủ động liên hệ với B, một người phụ nữ gốc Việt đang sinh sống tại Trung Quốc hỏi về cách thức tuyển người, công việc, mức lương chi trả cho người lao động... và được B hướng dẫn cụ thể. Khi có đầy đủ thông tin, Sinh rủ vợ là Phùng Thị Hoa cùng đi làm thuê. Ngoài ra, Sinh đã tuyển thêm 3 người đi lao động trái phép.
Cũng với thủ đoạn tương tự, đối tượng Triệu Văn Thuận (SN 1970) trú tại huyện Cao Phong, Hòa Bình cũng bị lực lượng chức năng bắt giữ khi đang có hành vi tổ chức đưa 13 người xuất cảnh lao động trái phép sang Trung Quốc; lực lượng chức năng thu giữ 30, 4 triệu đồng và 5.000 nhân dân tệ.
Ngày 30-7 hàng năm được chọn là ngày "Toàn dân phòng chống tội phạm buôn bán người". |
Theo lời khai ban đầu của Triệu Văn Thuận, năm 2014, Thuận sang Trung Quốc lao động và quen một người đàn ông tên là A Mẫn. Sau đó, A Mẫn thỏa thuận với Thuận về việc tìm người sang Trung Quốc lao động với mức lương 7-8 triệu đồng/tháng, công việc làm giày da và bản lề cửa. Khoảng thời gian Tết Âm lịch 2016, Thuận về nhà và âm thầm tuyển người đi lao động tại Trung Quốc.
Tổng cộng, Thuận đã tuyển được 13 người lao động phổ thông tại các địa bàn huyện Cao Phong, Kim Bôi và một số người ở huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa với số tiền thu trước của mỗi người là 4,8 triệu đồng. Cũng trong ngày 31-7, Công an tỉnh Bạc Liêu vừa bắt giữ Trần Diễm Thúy (23 tuổi, trú tại huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) để điều tra về hành vi "Mua bán người".
Trước đó, vào tháng 3-2016, đồng phạm của Thúy là Lý Búp Pha (40 tuổi, ngụ huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) và Sơn Thị Lan (50 tuổi, trú tại TP Bạc Liêu) cũng đã bị bắt về hành vi "Mua bán người" và "Cưỡng đoạt tài sản".
Theo tài liệu điều tra, cuối năm 2015, gia đình em N.T.A.T. (16 tuổi, ngụ huyện Vĩnh Lợi) "nhờ" Lý Búp Pha và Sơn Thị Lan đưa qua Trung Quốc tìm việc làm.
Tuy nhiên, khi đến Trung Quốc, em T. không được giới thiệu đi làm mà bị Pha và Lan bán cho một người đàn ông Trung Quốc để làm vợ, với giá 120 triệu đồng. Sau khi biết mình bị lừa, em T. đã điện thoại cho Pha đòi về Việt Nam.
Sau đó, Pha liên hệ với gia đình em T. đòi 40 triệu đồng tiền chuộc mới đưa em T. về. Để con mình được về nhà, gia đình em T. đồng ý với yêu cầu của Pha rồi hẹn ngày đưa tiền.
Đến ngày 13-3, khi Pha và Lan đến nhận tiền từ gia đình em T. thì bị lực lượng trinh sát bắt quả tang.
Qua đấu tránh khai thác từ các đối tượng trên, Công an làm rõ thêm thông tin, với lời dụ dỗ ngon ngọt là đưa qua Trung Quốc giới thiệu việc làm lương cao, từ tháng 7-2015, Thúy, Pha và Lan đã đưa được 5 thiếu nữ sang Trung Quốc rồi bán cho đàn ông Trung Quốc để làm vợ, với giá trên dưới 120 triệu đồng/người.
Trước đó, ngày 23-7-2016, Bộ đội Biên phòng và Công an tỉnh An Giang đã tiếp nhận 4 phụ nữ bị lừa bán sang Campuchia từ cơ quan chức năng nước này trao trả. Các nạn nhân đều là người dân tộc Khmer, từ 17 đến 35 tuổi, cùng quê Sóc Trăng.
Những người này cho biết cuộc sống khó khăn, không có công ăn việc làm ổn định, thu nhập thấp. Cuối tháng 4, họ nghe theo lời một phụ nữ tên Kiều, 23 tuổi, ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng hứa đưa sang Campuchia làm tại quán ăn với thu nhập cao.
Tuy nhiên, khi sang nước bạn thì Kiều đã bán nạn nhân vào làm tại tại quán cà phê mại dâm. Tại đây họ bị ép phải phục vụ khách làng chơi, nếu không thì bị đánh đập, bỏ đói...
Tình trạng buôn bán người ngày càng gia tăng với thủ đoạn tinh vi, phức tạp đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng và sự ủng hộ, giúp đỡ của cả xã hội trong việc tuyên truyền, giáo dục nhận thức về pháp luật.
Phương Phương