Bùng nổ nạn buôn lậu nhiên liệu ở Nepal

Thứ Năm, 10/03/2016, 09:37
Nepal phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhiên liệu trầm trọng kể từ khi người dân ở các vùng đất thấp phía Nam biểu tình phản đối Hiến pháp mới và phong tỏa một cửa khẩu chủ chốt với Ấn Độ tại Birgunj. Chính vì vậy, nạn buôn lậu nhiên liệu đang bùng phát ở nước này.

20% người dân trong làng buôn lậu nhiên liệu

Những kẻ buôn lậu đi xe đạp và xe máy thành hàng dài ẩn hiện trong sương mù ở khu vực đồng bằng phía Nam của Nepal. Họ vượt qua một dòng suối cạn và đi vào lãnh thổ Ấn Độ. Một giờ sau, họ quay trở lại Nepal với những bình xăng và gas đã được đổ đầy. Những kẻ buôn lậu đến Janakpur, khu vực trung tâm của Dhanusha để bán nhiên liệu cho các đại lý kiếm lợi nhuận. Những đại lý này sẽ chuyển hàng về thủ đô Kathmandu để bán.

Tình trạng khan hiếm nhiên liệu ở Nepal đã kéo dài trong mấy tháng qua.

Mỗi cá nhân là một "doanh nghiệp nhỏ", họ có thể vận chuyển từ 40-50 lít xăng/lần. Tuy nhiên, hàng ngàn người di chuyển như con thoi ở khu vực biên giới để vận chuyển nhiên liệu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Nepal. Tại một điểm nóng buôn lậu ở Parsa, ước tính có từ 100.000 đến 150.000 lít nhiên liệu được vận chuyển qua biên giới mỗi ngày. 

"Ngay cả vào ban đêm cũng có rất nhiều người qua lại khu vực biên giới này. Có ít nhất 20% người dân trong các làng buôn lậu nhiên liệu. Mọi người cảm thấy cần phải làm điều này vì Chính phủ Nepal không có giải pháp nào để giải quyết bài toán nhiên liệu. Số người buôn lậu nhiên liệu đang tăng nhanh hơn bao giờ hết", Kumar Yadav (không phải tên thật của nhân vật) - một kẻ buôn lậu xăng dầu nói.

Lợi nhuận thấp, rủi ro cao

Việc khan hiếm nhiên liệu ở Nepal bắt đầu từ việc người dân biểu tình phản đối Hiến pháp mới và tiến hành phong tỏa một cửa khẩu giáp biên giới Ấn Độ. Người dân ở các vùng đất thấp phía Nam đã tiến hành biểu tình ở hầu khắp các khu vực đồng bằng chạy dọc theo chiều dài của đường biên giới với Ấn Độ, buộc các trường học, doanh nghiệp và hệ thống giao thông công cộng phải đóng cửa trong nhiều tháng. Ước tính, những cuộc đình công đã gây thiệt hại 1 tỷ USD cho nền kinh tế Nepal. Kéo theo đó, tình trạng thiếu hụt nhiên liệu, khí đốt, thuốc men và các sản phẩm thiết yếu khác đã diễn ra ngày càng trầm trọng.

Những người buôn lậu nhiên liệu đi xe đạp và xe máy băng qua dòng suối ở khu vực biên giới Nepal và Ấn Độ.

Những cuộc biểu tình và lệnh phong tỏa cửa khẩu đã tạo ra các điều kiện để thị trường chợ đen buôn lậu nhiên liệu phát triển. Rất nhiều thanh niên trẻ - những người mất việc vì tham gia đình công đã tham gia buôn lậu nhiên liệu. Kumar Yadav nói rằng, buôn lậu nhiên liệu là công việc mang lại lợi nhuận thấp, rủi ro cao, nhất là khi bị những người biểu tình phát hiện, nhưng họ vẫn phải làm vì miếng cơm manh áo. "Tôi ủng hộ các cuộc biểu tình, nhưng chúng tôi là những người nghèo. Chúng tôi không có việc làm nhưng chúng tôi vẫn cần phải ăn, uống để sống mỗi ngày. Làm thế nào để sống khác đi?", Kumar Yadav nói.

Kumar Yadav cho biết thêm, nếu bị phát hiện tham gia buôn lậu, những người biểu tình sẽ coi họ là "người phản bội". Tuy nhiên, họ không lo lắng bị cảnh sát địa phương bắt giữ. Một sĩ quan cảnh sát cấp cao ở Janakpur thừa nhận rằng, chính quyền "nhắm mắt làm ngơ" cho nạn buôn lậu nhiên liệu. "Cảnh sát không nên giải quyết vấn đề này vì đó thực chất là vấn đề chính trị. Hiện nay, không ai trong chính phủ chịu trách nhiệm về vấn đề này", sĩ quan cảnh sát nói.

Trong khi đó, vào tháng trước, Ủy ban nhân quyền Nepal cáo buộc chính phủ công khai ủng hộ thị trường chợ đen buôn lậu nhiên liệu. "Chính phủ làm ngơ cho nạn buôn lậu vì tiền đứng đằng sau những giao dịch này. Thông qua "một số tuyến đường", tiền sẽ đến tay các quan chức chính phủ", ông Mohna Ansari, một thành viên của Ủy ban nhân quyền Nepal nói.

Bất ổn chính trị liên quan đến Hiến pháp mới đã gây nên những thiệt hại lớn về mọi mặt ở Nepal. Ngân hàng Trung ương Nepal ước tính, khoảng 800.000 người đã bị đẩy vào cảnh đói nghèo cùng cực vì sự bất ổn này. "Nhiều người mất việc làm, công nhân bị trả lương thấp, nhất là những người làm việc trong ngành du lịch và xây dựng", Trilochan Pangeni, Giám đốc điều hành của ngân hàng Trung ương Nepal nói. Kể từ tháng 8-2015, hơn 50 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình, chủ yếu là người tham gia biểu tình và người đứng xem trên đường phố bị cảnh sát bắn chết.
T. Phạm (Tổng hợp)
.
.
.