Brexit và nguồn cơn của sự giận dữ

Thứ Tư, 01/01/2020, 18:28
Nếu Brexit là một cuộc nổi dậy của người Anh thì điều gì sẽ xảy đến với nước Anh?


Liệu chủ nghĩa dân tộc Anh vừa choàng thức dậy trong chu kỳ chính trị lạ lùng này có ngoan ngoãn đi theo cái đường lối dân túy mới của đảng Bảo thủ đang được dẫn dắt bởi Thủ tướng Boris Johnson? Hay chủ nghĩa dân tộc này sẽ bùng phát thành những hiện tượng đáng lo ngại hơn: bài ngoại, kích động cực hữu, xung đột giữa các thế hệ, sự đối nghịch giữa giới trí thức và những người lao động bình dân, sự rạn nứt của Vương quốc Anh.

Cảm giác về một thảm họa

Hiểu được những nguyên nhân đã dẫn đến quyết định "Brexit", đó là việc nhận ra một sự phun trào lên bề mặt của một ngọn núi lửa bấy lâu nay vẫn âm ỉ nóng rực trong lòng đất: sự bài ngoại dai dẳng trong các vùng lao động nghèo khó. 

Tinh thần bài ngoại này lại hợp lưu với chủ nghĩa dân tộc bảo thủ truyền thống ở các vùng ngoại ô và vùng nông thôn. Việc bỏ phiếu đồng thuận đưa nước Anh ra khỏi Cộng đồng châu Âu (Brexit) có thể xem như một cuộc nổi dậy của những kẻ dưới đáy hay bên lề, những người đã bị bỏ rơi lâu nay nhằm chống lại tầng lớp tinh hoa mang tư tưởng tự do và chống lại cái dự án mà tầng lớp này luôn theo đuổi: Nước Anh phải thuộc về Liên minh châu Âu. 

Cuộc trưng cầu dân ý chỉ là dịp để họ biểu lộ ra cơn giận dữ của mình. Trong cuộc trưng cầu dân ý này, 56% cử tri vốn thuộc vào những thành trì bấy lâu nay của Công Đảng cũng đã bỏ phiếu đồng ý ra khỏi Liên minh châu Âu. Chỉ cần nhìn vào tấm bản đồ đánh dấu những kết quả bỏ phiếu là sẽ thấy rõ. 

Các thành phố lớn trên nước Anh và toàn bộ xứ Scotland đã bỏ phiếu ủng hộ việc ở lại trong Liên minh châu Âu, trong khi ở các làng mạc và các thành phố nhỏ bé nghèo nàn của nước Anh hay ở xứ Wales, người ta lại nhất tề bỏ phiếu để ra khỏi Liên minh châu Âu. 

Ở Nottingham hay Birmingham, sự hiện diện của các trường đại học lớn, một cộng đồng đông đảo dân nhập cư gốc Á, một nền kinh tế đô thị thịnh vượng cũng không thể kìm giữ được những thành phố này ở lại với Cộng đồng châu Âu. Bằng cách bỏ phiếu chống lại châu Âu, những thành phố này đã đưa phong trào phản kháng âm ỉ từ nhiều năm nay đến một bước ngoặt mang tính lịch sử.

Có ba nguyên nhân chính dẫn đến cuộc nổi dậy này. Đầu tiên là việc chủ nghĩa Tân tự do (mà nước Anh là một trong các phòng thí nghiệm quan trọng) đã chịu những vết thương chí mạng. Vào đầu những năm 1980, Thủ tướng Margaret Thatcher đã theo đuổi một chính sách biến sự suy thoái kinh tế thành một sự sụp đổ của các ngành công nghiệp và xã hội nhằm phá vỡ những thành trì vững chắc của người lao động. 

Kể từ đó, số lượng các cuộc đàm phán về lương đã giảm đi đáng kể. Từ những năm 1990-2000, ở nước Anh cũng như khắp nơi trong thế giới phương Tây, người ta sử dụng các khoản tín dụng như một phương pháp để lấp đầy khoảng cách ngày càng gia tăng giữa đồng lương còi cọc và sự tăng trưởng kinh tế.

Chủ tịch Hội đồng Châu Âu (EC) Donald Tusk tuyên bố hôm 28/10 rằng 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý chấp nhận yêu cầu của Anh hoãn thời hạn Brexit đến ngày 31/1/2020. Đây là lần gia hạn cuối cùng theo yêu cầu của nước Anh.

Anthony Blair, Thủ tướng thuộc Công Đảng (1997-2007) đã duy trì một ảo tưởng rằng sự giàu có sẽ lan tỏa từ các thành phố lớn, nơi tập trung những lực lượng lao động có tay nghề, năng động và có mức độ toàn cầu hóa cao ra khắp cả nước. 

Nhận thấy rằng ảo tưởng này không hề có khả năng biến thành sự thật, Gordon Brown khi đó là Bộ trưởng Bộ Tài chính, đã tìm cách tăng chi tiêu công, chủ yếu liên quan đến phúc lợi và tuyển dụng công chức. Với việc tư nhân hóa toàn bộ các dịch vụ công ích, bộ mặt thật của ảo ảnh này đã bị phơi bày. 

Đêm trước của cuộc khủng hoảng năm 2008, trong các thành phố của xứ Wales, không có bất kỳ một công việc hiệu quả nào được tạo ra, những thành phố này bị chìm ngập trong tình trạng tội phạm và bệnh tật, nghèo túng. Những chiếc xe thu gom rác được điều khiển bởi những người lái xe với mức lương thảm hại, cuộc sống của những người dân của thành phố này còn chưa bị đắm chìm hoàn toàn vào tăm tối là nhờ vào một số chính sách phúc lợi xã hội liên quan đến việc chăm sóc trẻ em hay hỗ trợ các bệnh nhân tâm thần.

Cuộc khủng hoảng năm 2008 đã nổ ra. Vừa mới nhận chức, chính phủ của Thủ tướng David Cameron đã phải mạnh tay cắt giảm chi tiêu. Sự thiếu hụt các khoản tín dụng đã giáng một đòn chí mạng vào các cửa hàng nhỏ ở các địa phương, chúng đồng loạt đóng cửa hay sống trong hiu hắt, thay thế cho những cửa hàng này là ba biểu tượng đáng buồn của thời kỳ suy thoái: Poundland (mọi thứ đồng giá một bảng), Cash Converters (hệ thống cửa hàng cầm đồ) hay Citizens Advice, nơi bạn phải chầu chực xếp hàng cả buổi sáng để nhận được sự tư vấn hỗ trợ để cơ cấu lại các khoản nợ tránh nguy cơ bị trục xuất hay nghĩ đến chuyện tự tử.

Không phải tất cả các thành phố của nước Anh đều chịu chung số phận đó, thoạt nhìn người ta có cảm giác rằng London, Mancheste, Bristol hay Leeds vẫn còn rất thịnh vượng. Nhưng xem xét kỹ ở những bậc thang dưới trong hệ thống người làm công ăn lương, vấn đề chi tiêu ngày càng khó gánh vác. 

Được hỗ trợ khoản tín dụng 375 tỷ bảng Anh (gần 445 tỷ euro), giá bất động sản đã tăng vọt, giới luật sư trẻ cũng phải chia sẻ với nhau những căn hộ mà trước đây chỉ dành cho đối tượng sinh viên. Nhưng sự thất bại của chủ nghĩa tân tự do không phải là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cuộc nổi dậy giận dữ của nước Anh bằng việc thông qua quyết định "Brexit".

Với 358 phiếu thuận và 234 phiếu chống, cuối cùng Hạ viện Anh đã thông qua lần thứ nhất thỏa thuận Brexit, qua đó cho phép tiến hành phiên họp về đại cương dự luật, điều kiện cần thiết để thỏa thuận này chính thức được phê chuẩn.

Brexit - ra đi vì không thể ngồi lại

Tháng 1-2004, khi 8 quốc gia Đông Âu được chấp thuận gia nhập khu vực di chuyển tự do của Liên minh châu Âu, chính phủ của ông Blair đã không áp đặt bất kỳ một hạn chế nào, dù chỉ là tạm thời lên dòng người nhập cư đến từ những nước này. 

Một bộ trưởng Công Đảng lúc đó đã khẳng định rất tự tin rằng tổng số sẽ có không quá 30.000 người đến từ Đông Âu. Đến nay thực tế đã có 3 triệu người từ các nước châu Âu đến Anh, trong đó có 2 triệu người đã được tuyển dụng, chiếm 17% lực lượng lao động. Những lao động nhập cư này hầu hết làm các công việc được trả lương rất thấp: 43% những người làm trong các nhà máy đóng gói và đóng hộp là lao động nhập cư. Phía Nam London có một nhà máy sản xuất kem dưỡng da mà toàn bộ công nhân là đến từ Litva.

Những hiểu biết của các chính trị gia về những tác động xã hội của tình trạng nhập cư ồ ạt chủ yếu là trên bình diện lý thuyết và họ thiếu vắng các kinh nghiệm thực tế. Khi luận rằng người Anh "không muốn làm việc" hay thiếu các kỹ năng để làm những công việc này, họ đã không biết rằng vì đó là những mức lương thấp đến khó tin và tình trạng lao đông nhập cư ồ ạt kéo đến đã kéo mức lương trung bình xuống thấp một cách thảm hại. 

Tầng lớp công nhân và những người lao động, nhất là ở những vùng nông thôn và các thành phố nhỏ của nước Anh chính là những người trực tiếp gánh chịu hậu quả này. Sự xuất hiện đột ngột các cửa hàng quần áo Ba Lan hay các tiệm cà phê Bồ Đào Nha ở các thành phố nhỏ nước Anh nếu như được giới trí thức xem như "một phép mầu" may mắn nhờ vào toàn cầu hóa thì đối với người dân điều này chỉ càng làm cho sự phẫn nộ của họ dâng cao. 

Đa số người dân Anh cho rằng chính phủ đã không có những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng nhập cư từ châu Âu, với con số 330.000 người nhập cư như trong năm 2018 thì chỉ sau 3 năm số người nhập cư đến Anh sẽ tăng lên 1 triệu. Một con số kinh hoàng.

Những lá phiếu bỏ cho Boris Johnson mới đây cũng là những lá phiếu bày tỏ sự đồng thuận cho tiến trình "Brexit" của nước Anh. Nó cho thấy mức độ phẫn nộ của những người Anh đang sống ở các ngôi làng hay những thành phố nhỏ bé trên khắp đất nước. 

Theo đánh giá của Paul Collier, nhà kinh tế học thuộc Đại học Oxford, tác giả cuốn "Tương lai của Chủ nghĩa tư bản" mới xuất bản thì sự phân kỳ trong xã hội từ lâu đã xuất hiện rất rõ nét và luôn bị các nhà lãnh đạo bỏ qua là nguyên nhân đã dẫn đến cuộc nổi loạn thể hiện bằng những lá phiếu ủng hộ "Brexit". 

Chủ tịch Hội đồng Châu Âu (EC) Donald Tusk tuyên bố hôm 28/10 rằng 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý chấp nhận yêu cầu của Anh hoãn thời hạn Brexit đến ngày 31/1/2020. Đây là lần gia hạn cuối cùng theo yêu cầu của nước Anh.

Với 358 phiếu thuận và 234 phiếu chống, cuối cùng Hạ viện Anh đã thông qua lần thứ nhất thỏa thuận Brexit, qua đó cho phép tiến hành phiên họp về đại cương dự luật, điều kiện cần thiết để thỏa thuận này chính thức được phê chuẩn.

Dương Thắng (tổng hợp)
.
.
.