"Bóng hồng" phu khuân
- Nhọc nhằn đời nữ phu gạch
- Nhọc nhằn "phu đá" mưu sinh
1. Trong cái khô khan, tanh nồng của bến cảng, những cơn gió nồm dìu dặt từ biển thổi vào làm tan sự bức bối giữa chốn người xe, tàu bè nhộn nhịp. Quá trưa, khi còi tàu vừa dứt hồi cập bến, từ quán nước dưới gốc đa cổ thụ, một đội phu khuân nón trắng tăm tắp kĩu kịt gánh đá, gánh gạch thoăn thoắn đi về phía những con tàu chở hàng.
Trên vai họ là hai cây đá dài thườn thượt, mỗi bên nặng vài chục ký. Chiếc đòn gánh cong như cầu vồng, dập dìu theo bước chân của người phu khuân. Mỗi chiếc tàu chỉ "ăn hàng" trong vòng một tiếng, khi nó hú còi rời cảng, đội phu khuân quẳng quang gánh ngồi túm tụm "tán chuyện" để đón chuyến hàng tiếp theo. Chị chiếc khăn choàng được lột ra để lộ khuôn mặt khắc khổ đủ kiểu của những người đàn bà làm nghề cửu vạn.
Lê Thị Hiền (43 tuổi) là cửu vạn non nghề nhất, chị gia nhập đội tính đến hôm nay mới được ba tháng. Hiền kể, ngày đầu đi bốc gạch bị say nắng ngất xỉu, được các chị xoa dầu một lúc thì đỡ và gượng dậy làm tiếp. Tối về mệt không ăn nổi cơm, nghĩ cực khổ mà cả đêm không còn nước mắt.
Dự tính chỉ làm vài ngày kiếm tiền đóng học phí cho hai đứa con xong thì ở nhà, đi nhổ cỏ nhẹ nhàng hơn. Nhưng công bốc vác gấp đôi công làm cỏ, càng làm thì càng ham, cái mệt cũng nhẹ dần, gân cốt cũng quen với việc nặng nhọc, nên Hiền quyết định theo nghề luôn. Cánh chị em cửu vạn thương Hiền nhất, vì là em út, hoàn cảnh gia đình lại éo le, chông chênh.
Hiền yêu và có con khi tuổi đời còn rất trẻ. Sau cái buổi dại khờ, nông nổi ấy, gã đàn ông bặt vô âm tín, rũ bỏ "giọt máu" mới vừa hoài thai. Hiền sợ hãi điên cuồng, hoang mang bấn loạn vì mang tiếng chửa hoang.
Giữa lúc ấy thì có người đàn ông cửu vạn hơn Hiền 15 tuổi, tự nguyện đến bên chị, ngả bờ vai cho chị dựa vào và chấp nhận làm cha của đứa con không cùng huyết thống. Suốt những ngày tháng khó nhọc nhất, ông ấy luôn bên Hiền, yêu thương và che chở. Đứa con chào đời làm giấy khai sinh lấy họ của ông và ghi là cha ruột.
Cảm kích trước tấm chân tình, Hiền đã thuận lòng sinh thêm một cậu con trai nữa với "ân nhân". Tuổi trẻ và những năm tháng sung sức nhất của đời người, ông làm quần quật, dồn hết sức lực kiếm tiền lo cho vợ con.
Dù nghèo khổ, nhưng ông không cho vợ đi làm, vì thương thân gái lam lũ dặm trường. Cho đến một ngày, gánh hai tảng đá qua tấm ván mỏng manh, chênh vênh bắc từ thành bê tông sang tàu, ông bị trượt chân, ngã nhào xuống nước, đầu đập vào thành tàu.
Trở về từ bệnh viện, ông bị ngớ ngẩn do di chứng chấn thương sọ não. Lúc nhớ lúc quên, lúc gọi vợ lúc xưng mày tao, nhiều đêm đau quá ông lôi hai đứa con dậy đấm đá túi bụi. Hiền sợ hãi, chẳng may một ngày nào đó ông lên cơn sẽ cầm dao chém chết con. Thế là chị cắn răng gửi chồng vào trại tâm thần.
Những ngày vắng chồng, nỗi buồn thênh thang, trống trải, chẳng còn ai lo cho nồi cơm, Hiền phải vùng dậy đi làm. Cuối tuần, chị đèo hai đứa con lên bệnh viện thăm chồng, những lúc tỉnh, ông ôm con khóc thật nhiều, nằng nặc đòi về đi làm.
Khi tàu về, các chị đầu tắt mặt tối với cá tôm. |
Nỗi đau rồi cũng quen, bây giờ tinh thần chị Hiền đã thoải mái, ổn định lên rất nhiều. Chị chấp nhận hoàn cảnh, lo làm nuôi con và chăm sóc chồng. Quay sang bà Lê Thị Hách (55 tuổi), chị Hiền nói nhỏ: "Bà Hách còn khổ hơn tôi nhiều, không chồng không con, quần quật cả đời nuôi cô em tâm thần và mẹ già 80 tuổi".
Nhìn thật kỹ vào khuôn mặt bà Hách, có nét gì đó thật khó diễn tả. Đôi mắt bà u sầu, dường như lúc nào cũng mọng nước. Gò má người đàn bà chưa một lần lên xe hoa nhô cao, những vết tàn nhang thâm đen do cháy nắng lâu ngày. Người ta phán rằng, cái "gò mối" này thì sát chồng phải biết. Lời đay nghiến ấy ám ảnh bà Hách, khiến bà không dám nghĩ tới chuyện chồng con. Nhưng đó chỉ là một phần, phần nhiều là do bà nặng gánh gia đình.
Cha mẹ bà sinh được hai người con, bà là cả, còn đứa em gái thì bị tâm thần từ nhỏ. Khi cha còn khỏe, ông hối thúc con gái kiếm lấy một nơi nào đó để an phận. Hách lần lữa mãi, đang cân đo đóng đếm thì cha đổ bệnh nặng, chạy chữa khắp nơi cuối cùng ông cũng bỏ ba mẹ con ở lại mà ra đi. Mẹ Hách vì đau buồn dẫn đến trầm cảm, bệnh tật dồn dập "hỏi thăm".
Ngoài 20 tuổi, Hách phải gánh trên vai trách nhiệm người trụ cột. Lúc đầu bà phụ người ta bốc cá ở cảng, sau tàu thuyền ít đi, công việc bấp bênh, bà chuyển sang bốc gạch, bốc đá, bốc rau củ quả…
Chủ thuê bốc gì là bà bốc hết, không phân biệt cá thối hay những thùng mắm nặng mùi. Bà làm quần quật, đôi vai chai lì, đôi chân cứng chắc, sức khỏe dẻo dai ít bệnh tật. Năm tháng qua đi, mẹ ngày càng già yếu, bệnh tình của em ngày càng trầm trọng và Hách cũng ngày càng già đi, đen hơn, xấu hơn.
Chiếc xe chở đầy ắp gạch chờ các chị chuyển xuống tàu ra đảo. |
Cái tuổi đẹp nhất để xây dựng lứa đôi, để hò hẹn yêu đương đi qua cuộc đời Hách chóng vánh như những bước chân gánh đá về tàu. Khi nhìn lại mình thì da đã sạm xịt vì nắng gió, khóe mắt nhăn nhúm vì thời gian, Hách quyết định ở vậy. Thật ra cũng có vài người đàn ông "nhòm ngó, để ý", nhưng cũng thuộc hàng tương lai mù mịt, nên Hách không chịu, vì bà còn sức đâu mà hầu hạ thêm một con người nữa.
Ở đội phu khuân, bà Hách thuộc hàng lão làng, với thâm niên ngót 30 năm oằn vai quang gánh. Bà làm quen việc, hay giúp đỡ mọi người nên được "lính mới" tôn làm sư phụ.
Bà Hách cho biết, phu khuân ở cảng nhiều việc nhất là dịp giáp Tết, hàng hóa từ đảo về đất liền nhiều và ngược lại. Cánh chị em làm ngày chưa đủ, tranh thủ làm cả đêm mới hết hàng. Vất vả, cực nhọc nhưng bù lại thu nhập rủng rỉnh, tính trung bình chị em cũng kiếm được vài trăm ngàn một ngày. Với số tiền ấy, các chị có thể trang trải ổn định trong gia đình.
Gánh đá cho các tàu đánh bắt xa bờ. |
2. Làm cửu vạn ở cảng, chỉ sợ không đủ sức làm thôi chứ công việc thường xuyên. Ngoài các chị "đóng đinh" ở cảng, có nhiều người tham gia "cửu vạn" những khi rỗi rãi mùa màng. Bộ phận này đa phần đều có chồng con nhưng kinh tế khó khăn, đi làm để kiếm thêm thu nhập. Nhưng cũng có trường hợp đặc biệt.
Dù đã có nhà xây mái Thái, có quán tạp hóa đủ để loay hoay cả ngày, nhưng chị Đào vẫn xin một chân làm cửu vạn, để ngóng chờ tin tức của chồng. Anh Bảy Út trong một lần hộ tống tàu ra nước ngoài chở hàng đã bị mất liên lạc. Người ta báo về là tàu bị cướp biển tấn công, sau lại nghe tin bị tàu lạ bắt giữ, rồi có tin tàu vào đảo tránh trú bão…
Chị Đào như người mất hồn, hoảng loạn gào thét. Rồi chị bỏ hết công việc làm ăn, suốt ngày ra cảng ngóng tin. Một ngày, hai ngày ngồi dài trên cầu cảng, nhìn những con tàu đến rồi đi, lòng chị cồn cào như ai xát muối.
Những người đàn bà nhễ nhại gánh gồng, khuân vác vẫn vui vẻ hỏi chuyện, tâm tình với chị. Họ động viên an ủi chị Đào hết lời, ngỏ ý thay vì ngồi ủ rũ vô ích thì làm phu khuân thử xem, vừa có tiền, vừa có cơ hội tiếp xúc với anh em thủy thủ mà nghe ngóng tin tức của chồng. Chị Đào nghe xuôi tai, gật đầu làm phu khuân.
Thương người vợ đang phải gặm nhấm nỗi buồn chia xa, lại chưa bao giờ làm việc nặng nhọc, các chị em phu khuân thường chọn những viên đá nhỏ nhất, những thùng cá nhẹ nhất đặt lên vai chị.
Những con tàu neo bờ chờ "ăn hàng" ra khơi. |
Những bước đi đầu tiên trên cầu cảng, chị Đào đã khóc ướt hết chiếc khăn trùm mặt. Chị khóc không phải vì công việc nặng nhọc, mà vì nỗi khắc khoải mong chờ cứ biền biệt mù khơi. Những người đi biển lão luyện đã ngồi lại phân tích tình hình của chồng chị, khuyên chị yên tâm chờ đợi, vì nếu xảy ra tai nạn hàng hải thì sẽ có thông báo rồi. Còn chồng chị mất liên lạc, có thể do gặp sự cố nào đó phải lưu lại nước ngoài.
Những ngày tham gia đội cửu vạn, chị Đào như được tiếp thêm sức mạnh để chống chọi với nỗi mất mát thường trực. Và điều kỳ diệu đã đến, hai tháng sau, tin chính thống báo, tàu anh Bảy đang trên đường trở về sau khi gặp một số trục trặc ở nước bạn.
Chị Đào sung sướng đến mức buông cả quang gánh xuống đất, hai thúng cá văng tung tóe. Chị lao đến ôm từng người, reo hò, hú hét rồi khóc nức nở. Cả đội cửu vạn hôm ấy được chứng kiến khoảnh khắc hạnh phúc tuyệt vời của chị Đào. Ai cũng mừng mừng, tủi tủi.
Từ ngày chồng về, chị Đào nghỉ hẳn công việc bốc vác ở cảng, nhưng thỉnh thoáng nhớ "đồng đội", chị lại chạy ra, khi thì mang bịch trái cây, khi mang rổ bánh. Và họ lại ngồi xúm xít với nhau, vừa quệt mồ hôi vừa bóc những chiếc bánh nóng hổi tình người.