Bỏ rơi trẻ sơ sinh, cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự

Thứ Bảy, 13/06/2020, 17:18
Lối sống buông thả, dễ dãi, nhận thức lệch lạc, hoàn cảnh éo le, khó khăn... khiến nhiều bà mẹ trẻ nhẫn tâm bỏ rơi đứa con mình khi mới còn đỏ hỏn. Việc bỏ rơi trẻ sơ sinh cũng là một hành động đáng lên án, thậm chí phải truy cứu trách nhiệm hình sự, bởi đó chẳng khác gì hành động giết người.


Mới đây câu chuyện một bà mẹ trẻ bỏ rơi đứa con mới sinh ở một hố ga cạnh chùa thuộc thị xã Sơn Tây (Hà Nội) trong cái nắng gay gắt lên đến 38-39 độ khiến dư luận bàng hoàng và căm phẫn. Cháu bé được người dân phát hiện còn nguyên dây rốn, trong tình trạng nguy kịch, không mảnh vải che thân và bị kiến bu đầy người, có dòi trong rốn...

Cháu bé được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây lên Bệnh viện Xanh Pôn khi đã bị phù nề toàn thân, da tái nhợt, có tình trạng nhiễm trùng, rối loạn đông máu. Rất may sau cấp cứu, bé đã tỉnh, tự thở, không suy hô hấp, thân nhiệt ổn định, đang được tiếp tục theo dõi.

Cháu bé được cấp cứu tại bệnh viện.

Chỉ vài ngày sau, Công an thị xã Sơn Tây đã tìm ra tung tích mẹ cháu bé. Đó là P.T.T 31 tuổi, trú tại Hà Nam. Tại cơ quan Công an, T. khai nhận ngày 6-6 đón xe buýt lên thị xã Sơn Tây chơi. Đến khoảng 23h cùng ngày thì thấy mình vỡ nước ối và trở dạ. T. đã đi một mình đến ruộng rau cạnh đền Mẫu trong thôn Thanh Tiến, xã Thanh Mỹ rồi tự sinh cháu bé. Vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không thể nuôi được con và không muốn ai biết sự việc nên ngay khi sinh, T. bế con trèo vào phía sau đền Mẫu vứt bỏ. Sau đó, T. xóa dấu vết rồi đi về trung tâm thành phố Hà Nội.

Đây không phải là vụ việc đầu tiên nhưng vẫn khiến dư luận bàng hoàng, đau lòng. Hành vi bỏ rơi con do chính mình mang nặng đẻ đau là một hành vi vô cảm, tàn nhẫn, vừa trái đạo đức vừa vi phạm pháp luật, không thể chấp nhận được, thậm chí ngày càng phổ biến khi mà giới trẻ hiện nay đang sống một cách buông thả, lệch lạc, thiếu sự quan tâm giáo dục của gia đình. Nhiều bà mẹ thì đổ lỗi cho hoàn cảnh không thể nuôi con, nên sinh con ra đem vất bỏ không thương tiếc.

Nhiều bé may mắn sống sót, nhưng không ít bé phải lìa xa cõi đời vì những hành động mất nhân tính này. Dù bất cứ nguyên nhân nào đi chăng nữa thì việc mang thai ngoài ý muốn rồi nhẫn tâm vất bỏ trẻ sơ sinh không khác gì một hành động giết người, dù người mẹ cố ý hay không và dù sau khi bị vất bỏ, đứa bé có may mắn được sống tiếp hay bị tổn hại về tinh thần, sức khoẻ hay không.

Theo luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư TP.Hà Nội: Trong trường hợp trên nếu đứa trẻ thiệt mạng thì người mẹ có thể bị xử lý hình sự về tội “Giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ” (Điều 124 Bộ Luật Hình sự), nhưng thật may mắn là em bé sơ sinh được phát hiện, cứu sống kịp thời nên hành vi bỏ mặc con của người mẹ chưa thỏa mãn yếu tố cấu thành tội danh quy định tại Điều 124 Bộ Luật Hình sự 2015, do đó không xử lý người mẹ về tội danh này.

Theo quy định tại Điều 124 Bộ Luật Hình sự về tội “Giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ” thì người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 7 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Hành vi vứt bỏ con mới đẻ thể hiện sau khi đẻ ra người mẹ đã bỏ con mình ở một nơi nào đó như ngoài chợ, cổng bệnh viện, trường học, nhà chùa, đường đi,…

Đây là trường hợp người mẹ có thái độ tuy không mong muốn đứa trẻ chết nhưng để mặc cho hậu quả xảy ra. Hậu quả xảy ra đứa trẻ chết là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này cần xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của người mẹ và hậu quả đứa trẻ chết. Nếu người mẹ vứt bỏ đứa trẻ nhưng được người khác phát hiện kịp thời nên đứa trẻ không chết thì người mẹ không phạm tội này.

Trường hợp em bé có những tổn hại về sức khỏe thì người mẹ có thể bị xử lý hình sự về hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác quy định tại Điều 134 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 nếu thõa mãn cấu thành tội phạm này.

Đây là trường hợp mà người mẹ nhận thức được và biết những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra với con mình dù không mong muốn hậu quả xảy ra nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra thì có thể bị xử lý về tội danh quy định tại Điều 134 Bộ Luật Hình sự với lỗi cố ý gián tiếp.

Vì thế bên cạnh việc tuyên truyền giáo dục pháp luật về sức khỏe giới tính, sinh sản, nâng cao trình độ nhận thức, đạo đức, kiến thức pháp luật cho người dân, đặc biệt là bộ phận thanh niên trẻ thì việc có những hình phạt nghiêm minh để ngăn chặn, răn đe những bà mẹ vô lương tâm, sống thiếu trách nhiệm với bản thân với gia đình cũng là một biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng bỏ rơi trẻ sơ sinh khi mang thai ngoài ý muốn.

Ngọc Trâm
.
.
.