Lựa chọn SJC làm thương hiệu vàng miếng độc quyền quốc gia:

Biểu hiện rõ lợi ích nhóm?

Thứ Hai, 12/11/2012, 10:20
Chọn hoa để làm quốc hoa, cuối cùng đã tìm ra hoa sen; chọn trang phục làm quốc phục cho phái yếu, cũng đã có áo dài... Nhưng chọn vàng SJC làm thương hiệu vàng miếng độc quyền quốc gia, có lẽ duy nhất trên thế giới Việt Nam có, thì câu chuyện đang ở hướng khác.

1. Giải thích cho việc tại sao lại chọn SJC làm thương hiệu vàng miếng quốc gia, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng nói, "vàng miếng SJC là thương hiệu có bề dày, uy tín được cả thị trường trong nước và quốc tế chấp nhận. Vì chiếm thị phần lớn trên thị trường nên việc tiếp tục sử dụng thương hiệu này vừa tiết kiệm chi phí khi không phải dập lại tên mới, đồng thời lại tránh được việc gây xáo trộn trên thị trường, nếu phải làm lại tất cả các khâu từ đầu thì sẽ rất tốn kém. Bởi vậy, NHNN quyết định chọn thương hiệu vàng SJC là thương hiệu vàng của Nhà nước".

Tuy nhiên, lý giải của phía NHNN chưa thể giải tỏa những thắc mắc đặt ra đằng sau sự lên "vua" của SJC, đẩy tất cả các thương hiệu vàng phi SJC phải "thay áo" theo nhãn hiệu này. Bởi, giá trị của vàng căn cứ theo định lượng và độ tinh khiết chứ không nằm trên giá trị của thương hiệu, nhãn hiệu. Không có thương hiệu vàng miếng, mọi giao dịch diễn ra căn cứ định lượng, chất lượng. Không phải vì chất lượng SJC tốt hơn để buộc các nhãn hiệu khác phải thay đổi.

Nay, khi NHNN cho rằng, cần phải có thương hiệu vàng miếng quốc gia, thì tại sao thương hiệu đó phải là SJC? Nếu xác định, SJC là thương hiệu có bề dày, uy tín, thì thực tế, ngoài SIC, nhiều thương hiệu khác cũng đạt được yêu cầu này. Còn "để tiết kiệm chi phí" thì chưa thuyết phục, vì việc khách hàng đang ồ ạt mang vàng phi SJC đi dập lại áo SJC, cũng cho thấy tình trạng phức tạp và tốn kém chi phí.

Hơn nữa, chi phí mấy chục nghìn cho việc dập lại một lượng vàng không phải là vấn đề cần quan tâm với người dân, mà cái chính là sự chênh lệch quá lớn giữa SJC và phi SJC, đồng thời đẩy các công ty sản xuất, kinh doanh vàng khác vào thế khó. Điểm nữa, tại sao việc công nhận thương hiệu vàng miếng lại chỉ duy nhất có một? Bởi vàng chủ yếu nhập khẩu, hoàn toàn có thể sử dụng nhiều thương hiệu khác nhau.

2. Mặc dù thừa nhận SJC là thương hiệu vàng do Nhà nước quản lý, tức mang tính độc quyền Nhà nước, nhưng sự nhập nhằng giữa SJC Nhà nước và Công ty Vàng bạc SJC Sài Gòn còn những yếu tố dễ bị đánh lận, biến độc quyền Nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp. Độc quyền Nhà nước thì Nhà nước lợi, dân lợi; còn độc quyền doanh nghiệp chẳng ai khác, chính doanh nghiệp đó được lợi.

Bởi thế, nhiều ý kiến cho rằng, nếu chúng ta muốn thành lập một thương hiệu vàng quốc gia thì có thể xây dựng một thương hiệu riêng, không nên lấy một thương hiệu đã có trên thị trường như SJC để gây ra những vấn đề khó minh bạch, gây tâm lý bức xúc trong dư luận cũng như sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường vàng. Dù NHNN quy định, công ty SJC chỉ được kinh doanh, không được sản xuất vàng miếng, nhưng chỉ riêng việc kinh doanh bằng chính thương hiệu này cũng đã trở thành "sân chơi" không đối thủ.

Với 20 năm nghiên cứu thị trường vàng Việt Nam, chuyên gia Huỳnh Trung Khánh cho rằng, "tôi đã đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của thị trường khi còn đóng - mở cửa, tôi cho rằng sớm muộn NHNN cũng phải mở cửa lại thị trường vàng thay vì độc quyền như hiện nay bởi không thể nào cấm được". Ông lý giải bài học từ Trung Quốc. Khoảng 10 năm trước, Trung Quốc kiểm soát chặt thị trường vàng gần như 100%, Ngân hàng Trung ương còn ấn định giá mua bán vàng.

Nhưng nay, họ chỉ quản lý xuất nhập khẩu vàng. Vàng miếng Trung Quốc được tập trung vào 5 ngân hàng thương mại lớn nhất rồi có Sở Giao dịch vàng Thượng Hải mua bán vàng vật chất qua chứng chỉ. Nay, chúng ta đang quay lại thời kỳ tương tự của Trung Quốc 10 năm trước, dù đến nay nhà nước chưa ấn định giá vàng. Láng giềng với ta, Lào, Campuchia cũng không độc quyền.

3. Như vậy, việc thừa nhận SJC là thương hiệu vàng quốc gia, cũng trở thành một phương án biến doanh nghiệp SJC từ cạnh tranh sang độc quyền. Việc mua bán, giao dịch theo lớp "áo", buộc các nhãn hiệu vàng khác dù chất lượng đến đâu cũng phải theo SJC.

Sự thực đó đang tạo ra cảnh xếp hàng cầu cạnh, chờ kiểm định, đúc lại và dập lên đó cái mác của SJC, chưa kể hàng trăm lượng vàng đang được cho là giả SJC, dù đích thực đó là vàng thật! Tất cả chỉ khác nhau cái mác mà không có bất luận sự khác biệt nào về bản chất, nhưng chênh lệch giá lên tới vài triệu đồng mỗi lượng.

Lớp vỏ bọc mang lợi nhuận lớn có được do sự độc quyền. Những diễn biến lộn xộn của thị trường vàng như vậy đã không mang lại bất cứ hiệu quả nào cho nền kinh tế, còn lợi nhuận của vàng SJC có được do sự độc quyền thì đang chảy vào tư túi, trong khi người dân và doanh nghiệp không phải SJC đối mặt nhiều khó khăn.

Đại biểu Quốc hội La Ngọc Thoáng cho rằng: "Khi sở hữu vàng miếng cùng có chất lượng giống nhau nhưng thương hiệu khác nhau thì chỉ một quyết định của nhà nước người dân đã mất đi một số tiền không nhỏ. Vậy, mỗi chính sách ban hành cần phải đảm bảo không để thiệt hại cho người dân. Tại sao NHNN không đặt ra khoảng thời hạn từ 6 tháng đến 1 năm chuyển đổi tất cả các vàng thương hiệu khác sang vàng SJC bằng cách mua lại của người dân theo giá vàng SJC trên thị trường có tính đầy đủ tất cả các loại phí chuyển đổi cần thiết. Làm được như vậy trước tiên quyền lợi của người dân được bảo vệ sẽ không tạo lên sự khan hiếm vàng nói chung và vàng miếng SJC nói riêng như hiện nay, không đẩy giá vàng SJC lên cao, tạo sự ổn định của thị trường vàng, đặc biệt không có khả năng xuất hiện vàng SJC giả như hiện nay''.

Có người so sánh rằng với lượng vàng thương hiệu SJC tổ chức có thẩm quyền chỉ cần bỏ ra 50.000 đồng để dập lại vàng thương hiệu SJC thì đã tạo khoản lợi nhuận từ 1 - 2 triệu đồng. Đây thực sự là một câu hỏi mà người dân cần câu trả lời từ NHNN”.

Dư luận đã lên tiếng "lợi ích nhóm" thì phải ngăn chặn ngay.

Tiến sĩ Trần Du Lịch.

Tiến sĩ kinh tế, đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch cho rằng, có thể trong điều kiện nhất định cần độc quyền Nhà nước, nhưng không thể để độc quyền doanh nghiệp. Việc độc quyền Nhà nước cho phép sản xuất vàng miếng đảm bảo chất lượng, nhưng khi biến thành độc quyền doanh nghiệp sẽ gây nhiều hậu họa.

Ông cũng đặt câu hỏi: Tại sao có chuyện thị trường vàng không được định giá theo tuổi của vàng, tức ở chất lượng mà lại định giá bằng nhãn hiệu? Bởi vàng SJC hoàn toàn không phải chất lượng hơn các vàng khác, không phải mẫu mã đẹp hơn gì, mà cái giá của nó quá chênh lệch lại xuất phát từ việc công nhận vàng SJC độc quyền. "Vậy vàng đang theo quỹ đạo đúng giá trị của nó hay đây là hệ quả của sự đặc quyền" - ông Lịch đặt câu hỏi.

Theo ông, trước năm 1975, ở miền Nam cũng có những thương hiệu vàng mang tính quốc gia, nhưng khi đó có nhiều thương hiệu cùng tồn tại nên không có chỗ cho độc quyền. Bởi vậy, không nên khẳng định vàng nào hơn vàng nào, mà quan trọng nhất phải quản lý cho được chất lượng vàng, bởi nếu sự độc quyền khiến doanh nghiệp đưa sản phẩm vàng không đảm bảo thì khi đó gây nhiều hậu quả.

Liên quan việc có hay không lợi ích nhóm trong vấn đề công nhận thương hiệu SJC, bên lề kỳ họp Quốc hội, Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói, việc dư luận đặt câu hỏi như vậy cho thấy đây là vấn đề chưa minh bạch, phải làm rõ. "Cái đó người ta nêu thì nêu, chứ chưa nói được rõ không hay có, nhưng là vấn đề cần chú ý. Có hay không phải có cơ quan chức năng kiểm tra, nhưng dư luận nghi ngờ thì phải làm rõ" - ông Kiêm nói.

Ông Hoàng Mạnh Toàn, quản trị trang tin Kinhte.com: Thế giới không có chuyện độc quyền vàng miếng.

Có một thực tế rằng, thương hiệu vàng Bảo Tín - Minh Châu, khi nhà nước chưa có độc quyền cũng đã thấp hơn so với vàng miếng SJC. Từ khi có độc quyền vàng miếng SJC, cung chưa đủ cầu nên nó càng có lợi thế hơn, đẩy giá vàng SJC lên cao hơn nhiều lần so với vàng phi SJC. Điều đó cho chúng ta thấy đã có những sự không minh bạch trong vấn đề thông tin của NHNN, và chắc chắn có vấn đề lợi ích nhóm trong đó.

Tôi nghĩ, chỉ ở Việt Nam mới đưa ra những giá trị của vàng thỏi, vàng miếng. Nói đến vấn đề thương hiệu là phải gắn với giá trị gia tăng. Trên thế giới, vàng miếng là vàng miếng, và đều như nhau. Thực tế, cùng là một thứ kim loại, thế giới định giá dựa trên độ tinh khiết (999 hoặc 9999) nhưng ở nước ta lại có sự phân biệt về giá quá lớn giữa SJC và các loại vàng phi SJC. Vấn đề thương hiệu chỉ có vàng trang sức mới có giá trị. Yếu tố thương hiệu ở vàng miếng rất nhỏ, về Việt Nam tự nhiên khoác lên SJC và tăng lên 2-3 triệu so với vàng miếng khác. Nước ta đang đánh lận vàng SJC và phi SJC, thông tin về nó cũng không rõ ràng, minh bạch. Chính sự không rõ ràng đó đã tạo lợi ích cho một nhóm trong một thời gian quá dài.

SJC đã có từ 20 năm trước, và hơn 1 năm nay, nhà nước đã độc quyền nhãn hiệu này, bởi vì bản thân SJC chiếm thị phần lớn trên thị trường, từ 80%. Nhưng xét cho cùng, nó chỉ nằm trong tay một nhóm tư nhân. Do chính sách không điều tiết kịp thời của NHNN mà dẫn đến hiện tượng các cửa hàng vào hùa, chặt chém người dân.

Đáng lẽ NHNN nên can thiệp vào việc này từ rất lâu rồi chứ không phải đến tận bây giờ, khi nhóm lợi ích kia đã được hưởng lợi quá nhiều từ sự chênh lệch vô lý này. Rõ ràng tôi chưa thấy nước nào có những chính sách lạ như vậy về độc quyền vàng miếng cả. Vàng chỉ là một loại hàng hóa, chỉ ở nước ta coi vàng là hàng hóa đặc biệt nên mới có những chính sách đặc biệt để quản lý nó như vậy.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: Thể hiện đậm đặc lợi ích nhóm.

Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong.

Với một hàm lượng như nhau, cùng 9999 mà vàng SJC và phi SJC chênh lệch nhau lớn như hiện nay là không thể chấp nhận được. Bản thân vàng không phải là tiền, nên nó không tự định giá cao như vậy được. Tôi nghĩ, do sự tuyên truyền của NHNN về vấn đề này còn mù mờ, khiến người dân ngộ nhận, đổ xô đi đổi sang vàng miếng SJC mà không biết mình đang bị mất cắp. SJC trước đây cũng chỉ là một loại vàng, chỉ từ khi nó trở thành thương hiệu độc quyền mới dẫn đến tình trạng chênh lệch giá như hiện nay. Giá vàng và toàn cảnh thị trường vàng nói chung có dấu hiệu của lợi ích nhóm. Nếu không thì nó cũng phản ánh sự bất cập trong khâu quản lý nhà nước. Hiện tượng giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới, và sự chênh lệch giữa vàng SJC và phi SJC quá mức nhưng nguồn thu đó đi về đâu thì chúng ta đều không rõ.

Trên thế giới, các nước cũng có những vàng chuẩn riêng, được chuẩn hóa thôi, nhưng họ được mua bán tự do và không có chuyện chênh lệch giá lớn như ở nước ta.

P.Đăng - V.Hà
.
.
.