Biển Đông dậy sóng

Thứ Sáu, 08/06/2018, 16:34
Trong những ngày cuối tháng 5, tình hình Biển Đông lại nóng lên, sau khi Mỹ và Trung Quốc liên tục có những động thái đối chọi. Thêm vào đó, Philippines, nước vốn có giọng điệu hòa hoãn với Bắc Kinh trong những năm gần đây, lại bắt ngờ giở giọng cứng rắn.


Từ áp sát…

Ngày 27-5, Reuters dẫn lời 2 quan chức Mỹ giấu tên cho biết tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Higgins và tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường Antietam của Hải quân Mỹ đã đi vào vùng biển thuộc phạm vi 12 hải lý xung quanh các đảo Cây, Linh Côn, Tri Tôn và Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, hiện bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Mỹ tuyên bố đây là một phần trong hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải và hàng không của các tàu và máy bay Mỹ trên Biển Đông. 

Theo Reuters, mặc dù việc triển khai tàu Mỹ đã được lên kế hoạch từ trước đó nhiều tháng và Washington cũng từng tiến hành nhiều hoạt động tương tự trước đây, song cuộc tuần tra lần này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Lầu Năm Góc tuyên bố rút lại lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận thường niên Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) do những động thái quân sự hóa phi pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Trước đó, truyền thông quốc gia Trung Quốc lần đầu tiên đăng tải một đoạn video cho thấy các máy bay ném bom tầm xa H-6K hạ cánh xuống quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, một động thái mà Lầu Năm Góc cho rằng gây căng thẳng khu vực. Lầu Năm Góc cho biết có bằng chứng đáng tin cậy chứng minh rằng Trung Quốc đã triển khai các tên lửa chống hạm, đất đối không và hệ thống gây nhiễu điện tử tới các thực thể ở Trường Sa trên Biển Đông.

Trung Quốc đang đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông.

Trung Quốc ngay lập tức có phản ứng, từ cả Bộ Ngoại giao lẫn Bộ Quốc phòng. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lục Khảng trong tuyên bố ra tối 27-5 nói rằng 2 tàu chiến Mỹ đã đi vào “vùng lãnh hải của Trung Quốc” khi chưa được Chính phủ Trung Quốc cho phép.

Cũng trong hôm Chủ nhật, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm nói việc Mỹ có hành động khiêu khích, cho tàu chiến đi vào vùng biển của Trung Quốc là hành động làm “tổn hại tới sự tin cậy lẫn nhau” mang tính chiến lược giữa quân đội hai nước, làm xói mòn hòa bình, an ninh và trật tự ở vùng biển này.

Trong thực tế, các đảo tàu Mỹ áp sát là thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Đến dọa “cho nổ tung”

Như một động thái đáp lại những đe dọa của Trung Quốc, một vị tướng Mỹ đã lên tiếng dọa sẽ phá hủy các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây trái phép tại Biển Đông. 

Trong một cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc hôm 31-5, khi được một phóng viên hỏi về khả năng của Mỹ trong việc “thổi bay” một trong các đảo nhân tạo gây tranh cãi của Trung Quốc, tướng 3 sao Kenneth McKenzie, Giám đốc Bộ Tổng tham mưu Mỹ trả lời: “Tôi chỉ muốn nói với bạn rằng quân đội Mỹ đã có nhiều kinh nghiệm trong việc phá hủy các hòn đảo nhỏ ở Tây Thái Bình Dương”.

Phóng viên hỏi tiếp rằng liệu tướng McKenzie có phải đang đề cập tới hoạt động quân sự của Mỹ trong Thế chiến II, nơi mà hàng ngàn binh lính Mỹ đã thiệt mạng khi chiến đấu trên nhiều hòn đảo tại Thái Bình Dương. 

Tướng McKenzie nói: “Đó chỉ là thực tế chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm trong Thế chiến II về việc phá hủy các đảo nhỏ bị cô lập, vì vậy đó là một năng lực cốt lõi của quân đội Mỹ mà chúng tôi đã thực hiện trước đây; không nên nói thêm bất cứ điều gì về điều đó hơn là một tuyên bố đơn giản về thực tế lịch sử”.

CNN nhận định những phát ngôn nêu trên của tướng McKenzie rất có sức nặng vì ông là một trong những sĩ quan cao cấp nhất tại Bộ Quốc phòng Mỹ. 

Với vai trò Giám đốc Bộ Tổng tham mưu, tướng 3 sao McKenzie là phụ tá cao cấp cho Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Mỹ, tướng 4 sao Joseph Dunford. Tướng McKenzie thường xuyên tham gia các cuộc họp quan trọng với cả tướng Dunford và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis. 

Tướng McKenzie đã nói rõ rằng quân đội Mỹ đã “chuẩn bị” để “bảo vệ lợi ích của Mỹ và các đồng minh trong khu vực”.

Khẩu chiến giữa Lầu Năm Góc và Bắc Kinh đã tăng nhiệt trong tuần này sau khi 2 tàu chiến của Mỹ tuần tra trên Biển Đông để minh chứng sự hiện diện của Hải quân Mỹ tại khu vực mà Washington tuyên bố là vùng biển quốc tế, trong khi Bắc Kinh yêu sách gần hết khu vực này thuộc vùng biển nội địa của họ. Trao đổi về hoạt động tuần tra hàng hải, tướng McKenzie khẳng định rằng Mỹ sẽ không lùi bước. 

“Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động tự do hàng hải mà luật quốc tế cho phép. Và chúng tôi sẽ tiếp tục làm những điều mà chúng tôi đang làm”, tướng McKenzie nói.

Và tuyên bố thống trị đại dương

Trước khi tất cả những diễn biến nóng xảy ra gần đây, phát biểu trước lễ tốt nghiệp Học viện Hải quân Mỹ hôm 25-5, Tổng thống Donald Trump nói về sức mạnh quân sự quốc gia và cho rằng Mỹ sẽ “thống trị các đại dương”. 

Ông Trump nói: “Mỹ là lực lượng chiến đấu tốt nhất cho hòa bình, công lý và tự do trong lịch sử thế giới. Chúng ta sẽ đứng lên vì nước Mỹ”. 

Tàu khu trục USS Higgins (DDG 76) của Hải quân Mỹ.

Tổng thống Mỹ nhắc lại việc nước hiện nay sở hữu số tàu chiến thấp nhất kể từ năm 1917 và hứa sẽ mở rộng hạm đội hiện tại với khoảng 280 tàu lên con số 355. 

Ông Trump tuyên bố: “Chúng ta là một nước ven biển có đường bờ biển dài và việc chúng ta phải làm đó là bảo vệ chúng. Chúng ta sẽ luôn thống trị các đại dương”.

Phát ngôn của ông Trump khiến một số nhà phê bình chỉ trích, cho rằng đây là hành động “thiếu minh mẫn”, một số còn định nghĩa sự “thống trị” mà ông Trump nhắc tới là thảm họa ô nhiễm môi trường. 

Bài phát biểu của ông Trump được phát đi ngày 25-5 tại buổi lễ tốt nghiệp của Học viện Hải quân Mỹ ở Annapolis, Maryland. Trong số các thông điệp được chuyển đến 1.042 học viên tốt nghiệp, Tổng thống Trump nói nước Mỹ đã bắt đầu “quá trình tái xây dựng vĩ đại của quân đội Mỹ” và cho rằng “chúng ta đang chứng kiến sự trở lại của tinh thần Mỹ và sức mạnh Mỹ”.

Philippines “đổi giọng”

Trong một diễn biến trái ngược với thái độ hòa hoãn với Bắc Kinh lâu nay, ngày 28-5, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Alan Peter Cayetano đã cảnh báo Trung Quốc về “ranh giới đỏ”, hay các hành động mà Manila không chấp nhận ở Biển Đông, bao gồm hoạt động xây dựng ở bãi cạn Scarborough trên khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) ở Biển Đông. 

Ông Cayetano nói việc Trung Quốc đang tìm cách khai thác dầu mỏ và khí đốt từ Biển Đông là một trong những hành động mà Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte không chấp nhận. 

Quan chức ngoại giao Philippines nhấn mạnh: “Không ai được phép tự ý khai thác tài nguyên thiên nhiên ở đó. Tổng thống (Duterte) tuyên bố rằng, nếu ai khai thác tài nguyên ở Scarborough, ông sẽ tuyên bố chiến tranh”.

Những tuyên bố cứng rắn trên được đưa ra giữa lúc chính quyền Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bị các nhóm cánh tả chỉ trích vì không nêu cao báo động công khai đối với những hành động sai trái gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông, như triển khai tên lửa phòng không ra đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép ở khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), cũng như không yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA, tại The Hague, Hà Lan) trong vụ kiện về Biển Đông của Philippines năm 2016. Phán quyết này đã vô hiệu hóa các tuyên bố chủ quyền sai trái về cái gọi là “đường lưỡi bò” hay “đường chín đoạn” mà Trung Quốc tự nhận là lãnh thổ của mình ở Biển Đông.

Trong khi đó, ông Cayetano cho biết, kể từ khi ông được Tổng thống Duterte bổ nhiệm vào vị trí đứng đầu Bộ Ngoại giao năm 2017, Philippines và Trung Quốc đã thảo luận nhiều vấn đề gai góc về tranh chấp chủ quyền. Manila luôn coi các hành động của Bắc Kinh như xây dựng công trình trên bãi cạn Scarborough hoặc dỡ bỏ tàu hải quân mắc cạn của Philippines tại Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) là không thể chấp nhận được.

Động thái mới nhất khiến nhiều người ngạc nhiên, vì từ tháng 5-2016, Tổng thống Duterte đã tuyên bố chính sách đối ngoại không hướng nhiều về phía đồng minh thân cận Mỹ mà lại quay ra thân thiện với Bắc Kinh, tìm cách thúc đẩy thương mại, đầu tư và các quỹ cơ sở hạ tầng với nền kinh tế số 2 thế giới.

Bàng Cương
.
.
.