Bi kịch từ vay “tín dụng đen“
Hệ lụy từ tín dụng đen
Phạm Quốc Huy là cán bộ một ngân hàng chi nhánh Hải Dương từ năm 2011. Đến năm 2015, Huy được phân công là thành viên của Bộ phận tiếp quỹ ATM. Phạm Quốc Huy là thành viên thứ 1 (viết tắt TV1); Vũ Thị Thoa là thành viên thứ 2 (viết tắt TV2).
Theo đó, TV2 được thay đổi 6 tháng một lần giữa Thoa với Đào Thị Bích Nga; Hoàng Thị Thuần là thành viên thứ 3 (viết tắt TV3), Đào Thị Bích Nga là thành viên thứ 4- thành viên dự phòng (tham gia tiếp quỹ thay nếu TV1 hoặc TV2 vắng mặt).
Đối tượng Phạm Quốc Huy tại cơ quan Công an. |
Theo nhiệm vụ được phân công trong bộ phận tiếp quỹ thì khi hệ thống báo yêu cầu tiếp quỹ, Huy sẽ viết đề nghị ứng tiền để Thuần duyệt chi rồi chuyển cho TV2 xuất tiền.
Thuần giao chìa khóa khay tiền cho TV2 để mở khay rồi cùng Huy chứng kiến TV2, kiểm đếm tiền cho vào các khay đựng tiền (có 5 khay tiền gồm khay tiền A mệnh giá 500.000đ, khay B mệnh giá 100.000đ (sau được thay bằng loại mệnh giá 500.000đ), khay C mệnh giá 50.000đ (sau được thay mệnh giá 100.000đ), khay D mệnh giá 20.000đ (sau được thay bằng mệnh giá 50.000đ)).
Khi khóa khay tiền lại, 3 thành viên ký tem giấy niêm phong và dán vào mép nối 2 cạnh của khay tiền, ghi seri tem niêm phong và ký sổ nhật ký mở máy và tiếp quỹ ATM. Sau đó, Huy làm lệnh điều chuyển hàng đặc biệt để Thuần hoặc giám đốc chi nhánh phân công người gồm Huy, TV2, lái xe, bảo vệ đi tiếp quỹ.
Thuần giao bộ chìa khóa máy ATM cho Huy. Khay tiền được đặt trong két xe ô tô do TV2 khóa lại. Khi đến máy ATM, Huy dùng chìa khóa mở khóa buồng rồi thao tác để tắt máy sau đó mở khóa hộp bảo vệ két, mở khóa định vị để TV2 nhập mã số khóa két thì Khay tiền mới được TV2 và Huy xách từ trên xe ô tô xuống đặt cạnh két.
Khi mở được cánh cửa két, TV2 rút khay tiền cũ trong máy ra để cho các khay tiền mới vào trong máy theo đúng thứ tự từ trên xuống là: Khay loại- A- B- C- D rồi Huy khóa cửa két lại. Sau đó, TV2 xoay mã số khóa két sau đó dán tem giấy niêm phong tại ổ cắm chìa định vị.
Huy làm thao tác khóa máy lại và khởi động cho máy hoạt động bình thường và cùng TV2, bảo vệ xách khay tiền cũ lên cất trong két ôtô, khóa lại rồi cả tổ đi về. Tại cơ quan TV2 dùng chìa khóa mở từng khay tiền cũ ra kiểm đếm tiền tồn quỹ.
Trong quá trình này, Huy đã phát hiện những sơ hở trong việc tiếp quỹ. Trong khi đó, Huy và Thư lại vay nợ tín dụng đen ở bên ngoài, không có khả năng trả nợ nên nảy ý định phạm tội.
Năm 2012, Huy và Thư kết hôn với nhau. Ban đầu, vợ chồng Huy- Thư ở cùng với bố, mẹ đẻ. Năm 2014, Huy và Thư ra ở riêng, thuê nhà tại số 165 Nguyễn Hữu Cầu, phường Ngọc Châu- TP Hải Dương để sinh sống. Sau khi ra ở riêng một thời gian dài, vợ chồng Huy vẫn không có con nên đã phải vay tiền để chữa trị.
Một trong những chủ nợ của Huy là Vương Thị Y. Vào năm 2018, Huy-Thư vay của Y 925 triệu đồng. Do không có tiền trả nợ, Huy, Thư đã cầm cố căn nhà ở 181, Cao Bá Quát- TP Hải Dương vay thêm thành 2 tỷ, lãi suất 1.200 đồng/1 triệu/ ngày. Sau khi trộm cắp được tài sản của chi nhánh ngân hàng, hai đối tượng đã dùng trả lãi cho Y khoảng 220 triệu đồng.
Đối tượng Phạm Quốc Huy tại cơ quan Công an. |
Sau đó, thì mất khả năng thanh toán nên buộc phải bán căn nhà ở số 181 Cao Bá Quát cho Y với số tiền 3 tỷ đồng. Ngoài ra, còn vay của nhiều trường hợp khác như vay của Mạc Thanh Tùng nhiều lần từ cuối năm 2017 sau đó cộng dồn lại là 390 triệu đồng, lãi suất 2.000 đồng/triệu/ngày. Sau đó, vợ chồng Huy dùng tiền trộm cắp trả gốc 390 triệu và lãi cho Tùng.
Theo tài liệu của Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương thì cụ thể đối tượng đã vay của khoảng 10 người, với số tiền gốc và lãi lên tới nhiều tỷ đồng.
Vì thu nhập của vợ chồng không thay đổi mà phải chịu thêm khoản trả lãi nên Huy và Thư lại tính việc vay mượn thêm để thanh toán các khoản đã vay cũ. Cứ như thế đến năm 2017, khi các khoản vay và lãi đã nhiều, vợ chồng Huy không vay mượn thêm ở đâu để trả nợ thì Huy nảy ý định lấy trộm tiền trong máy ATM của ngân hàng để trả nợ các khoản đã vay.
Lấy trộm tiền ngân hàng để trả nợ tín dụng đen
Đầu tháng 11-2017, Huy bàn với Thư về việc trộm cắp tài sản. Ban đầu, Thư cũng lo sợ nhưng không hề có ý ngăn cản. Sau khi trao đổi với Thư, khoảng một tuần sau đó, Huy đã lấy trộm tại máy ATM AJM ở Nam Sách 200 triệu đồng mang về đưa cho Thư. Số tiền này, Thư đã mang đi trả nợ.
Sau lần đó, Huy tiếp tục lấy trộm tiền ở các máy ATM khác về đưa cho Thư để trả nợ, lần sau lấy tiền nhiều hơn lần trước một phần để bù vào số tiền lần trước đã trộm, một phần để chi tiêu, trả nợ. Các lần đưa tiền cho Thư, mặc dù Huy không nói nhưng Thư biết là tiền do Huy trộm cắp được trong máy ATM. Ngoài lần đầu tiên ra, Huy còn rất nhiều lần lấy trộm tiền ở cây ATM mang về đưa cho Thư.
Khi số tiền trong máy ATM bị Huy lấy trộm đã nhiều, đến kỳ trả lương cho công nhân mà trong máy ATM không còn tiền, Huy bàn với Thư tìm cách vay tiền để bù vào cây ATM. Sau đó, Thư đã đi vay mượn tiền để Huy mang đi bù vào cây ATM.
Cụ thể, vào giữa năm 2018, Thư vay tiền của Vương Thị Y (SN 1966 ở TP Hải Dương) và Nguyễn Minh Ng (SN 1988, ở Hà Đông- Hà Nội) nhiều lần, mỗi lần vay với số tiền từ 200 đến 300 triệu để Huy mang bù vào máy ATM hết tiền.
Khoảng tháng 10-2018, Huy và Thư vay của Nguyễn Thị Thanh H (SN 1983 ở Phạm Ngũ Lão- tp Hải Dương) 3 lần với số tiền lần lượt là 2 tỷ, 1.5 tỷ và 500 triệu đồng, thời gian lần vay sau cách lần vay trước khoảng 10 ngày, lãi suất là 5.000 đồng/1 triệu đồng/ngày.
Số tiền vay này, Huy mang đến cây ATM để bù vào số tiền đã lấy. Đến kỳ tiếp quỹ sau, Huy lại lấy trộm trong máy ATM ra để thanh toán cả gốc và lãi số tiền đã vay của Huyền. Số tiền lãi 3 lần vay của Huyền là 275 triệu đồng.
Hành vi phạm tội của Huy bị phát hiện vào ngày 22-1-2019, khi Huy cùng Nga, bảo vệ, lái xe đi tiếp quỹ ở 2 máy ATM tại huyện Nam Sách. Do ngân hàng thay đổi hạn mức tiếp quỹ, trong khi số tiền trong 2 máy ATM Huy lấy trộm đã nhiều hơn số tiền mang đi tiếp quỹ nên anh ta không có tiền bù vào khay cũ. Vì thế, khi đang mở máy A0159004, Huy lấy lý do quên chìa khóa máy ATM để về nhà tìm chìa khóa rồi cùng lái xe quay về cơ quan....
Trước thái độ bất thường của Huy, Thuần gặng hỏi thì Huy nói ra việc đã lấy trộm tiền trong máy ATM rồi kể lại việc đã lấy tiền như thế nào...
Đến khoảng 17h30 ngày 22-1, Huy kể lại sự việc với bố mẹ, xong số tiền 1,8 tỷ đồng quá lớn nên gia đình không thể giúp đỡ. Vì thế, Huy đã bỏ trốn. Sau khi tiếp nhận thông tin, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương đã phối hợp với ngân hàng và gia đình vận động Huy đến cơ quan Công an đầu thú vào ngày 14-2.
Trong quá trình đấu tranh, Huy đã nhận tội về bản thân... Song bằng kinh nghiệm trong quá trình điều tra, các điều tra viên đã phát hiện ra vai trò đồng phạm của Thư, trong vụ trộm cắp tài sản trên và tiến hành các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật đối với Thư.
Quá trình điều tra, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương đã làm rõ những sơ hở trong quá trình tiếp quỹ ATM.
Một là, Huy có thể lấy từ cơ quan 2 bộ chìa khóa của 2 máy ATM. Đến cây ATM, Huy thực hiện các thao tác mở máy lấy tiền sau đó khóa máy lại rồi đi sang máy ATM thiếu tiền mở máy ra cho tiền vào khay đúng với số lượng mà Huy đã trộm lần trước rồi khóa máy lại. Huy làm như vậy để hôm sau khi đi tiếp quỹ máy ATM này mang khay tiền về kiểm đếm thì tiền trong khay vẫn đủ so với dữ liệu máy báo trên hệ thống, không bị phát hiện.
Hai là, huy lấy một bộ chìa khóa máy ATM định trộm cắp tiền đi, khi đến máy ATM Huy thực hiện các thao tác mở máy lấy tiền bình thường. Số tiền lấy được, Huy mang về cất đi. Khi đến lịch tiếp quỹ máy ATM thiếu tiền lần trước, Huy đi tiếp quỹ bình thường cùng với TV2, bảo vệ, lái xe.
Tại máy ATM này, khi TV2 mở máy rút khay đựng tiền cũ ra đặt vào trong buồng bên cạnh, Huy nhanh chóng dùng chìa khóa mở khay tiền ra lấy tiền mang theo trong người đặt vào khay một cách nhanh chóng mà không bị phát hiện. Tiếp quỹ xong, các khay tiền cũ mang về đếm thì số tiền vẫn đủ.
Để nhớ được số tiền cần bù vào máy ATM, Huy ghi số tờ tiền đã lấy trộm ở từng khay của từng máy ATM vào máy điện thoại của mình. Khi bù tiền vào khay, Huy chỉ cần cho đúng với số tờ 500.000 đồng đã lấy trong khay lần trước vào là xong.
Khi số lượng tiền lấy trộm trong các máy đã quá nhiều, gần bằng với số tiền đi tiếp quỹ, không còn đủ để lấy bù từ máy này sang máy khác thì Huy lấy tiền từ trong khay đựng tiền mới ngay trong quá trình đi tiếp quỹ. Huy vẫn chuẩn bị đầy đủ chìa khóa mang đi.
Đến máy ATM, Huy thực hiện các thao tác mở máy, Huy dùng thẻ tiếp quỹ để in sao kê, xác định số lượng tiền còn lại trong máy theo hệ thống báo, máy sẽ báo trên từng khay còn lại bao nhêu tờ. Đây là số tiền thật cần phải mang về nhập kho. Huy cộng số tờ mệnh giá 500.000đ ở khay A và B lại để xác định số tờ 500.000đ phải nhập kho là bao nhiêu.
Tại máy ATM, khi khay tiền mới, khay tiền cũ đều được đặt trong cabin của máy ATM, Huy một mình ở trong ca bin, khép cửa lại mở khay tiền mới mệnh giá 500.000đ để bốc, đếm đủ lượng tiền với máy báo rồi cho vào khay tiền cũ. Huy khóa các khay tiền lại.
Khay mới thì cho vào máy, khay cũ mang về, số tiền trong khay cũ vẫn còn đủ. Để có thời gian một mình ở trong máy ATM, Huy lấy lý do test máy, test khay để sửa máy, lợi dụng lúc này không có TV2, bảo vệ, Huy sẽ nhanh chóng đếm tiền để cân đối tiền mang về.
Vụ án thêm một lần nữa là lời cảnh tỉnh về tín dụng đen, việc quản lý nhân viên của các ngân hàng.