‘Bão ngầm’- tâm sự của lính

Thứ Ba, 16/06/2015, 07:00
Đang là lính trọng án thiện chiến của Công an thành phố Hà Nội, đã có những "trận đánh" đi vào lịch sử của số 7 Thiền Quang, lại đột ngột chuyển sang làm phóng viên Báo CAND, không ít người ngạc nhiên về sự lựa chọn đó của anh. Nhưng không mấy ai hiểu rằng, điều khiến anh dứt khoát buông bỏ gần 20 năm lăn lộn, sống chết với nghề Cảnh sát hình sự (CSHS), chính là niềm đam mê cháy bỏng với văn chương, báo chí. 

Trước khi chuyển về làm việc tại Chuyên đề An ninh thế giới Giữa tháng - Cuối tháng và Cảnh sát toàn cầu - Báo CAND, Trung tá Đào Trung Hiếu đã được bạn đọc biết đến với tập truyện, ký "Chuyện ngoài hồ sơ", được Nhà xuất bản Văn học phát hành năm 2012. Dù chỉ là một cây bút không chuyên, chưa từng qua một khoá đào tạo về văn chương, báo chí, nhưng "Chuyện ngoài hồ sơ" đã thực sự thu hút độc giả bởi tính chân thực, hấp dẫn từ chính những trải nghiệm, những cảm xúc khi tham gia điều tra, phá án của anh.

Nhà báo Đào Trung Hiếu.

Ngòi bút Đào Trung Hiếu đã đưa người đọc đến với những câu chuyện cảm động xung quanh cuộc sống, chiến đấu của người CSHS mà không phải ai cũng biết được. Những chuyện bên lề, những vụ án nổi tiếng, những góc khuất, những nỗi lòng, tâm tư của người lính được anh tái hiện lại như một cuốn phim quay chậm, giúp người đọc cảm nhận được những khó khăn, nguy hiểm mà người lính hình sự phải đối mặt để đem lại bình yên cho cuộc sống.

Từ thực tiễn công tác nhiều năm trong lĩnh vực điều tra trọng án, điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao, Đào Trung Hiếu đã dồn hết tâm huyết để "thai nghén" nên cuốn tiểu thuyết "Bão ngầm". Tác phẩm của anh vừa đoạt giải A trong cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và kí về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức. Một niềm hạnh phúc và cũng là niềm vinh dự lớn không chỉ của riêng anh mà của cả những người làm Báo CAND khi gần đến ngày kỉ niệm 70 năm thành lập lực lượng CAND.

Đào Trung Hiếu chia sẻ, đây là cuốn tiểu thuyết mà anh rất tâm huyết, là món quà anh muốn gửi tặng đồng đội của mình, những người lính can trường trên mặt trận đấu tranh phòng chống ma túy. Lấy chất liệu là chính những gì đã trải quả, đã cảm nhận trong hiện thực cuộc đấu tranh sinh tử với tội phạm, tác phẩm phản ánh chân thực những hành trình lần tìm ra các sào huyệt ma túy, chui sâu leo cao trong các đường dây, tổ chức tội phạm... của người lính.

Hoa, một cô gái can đảm, yêu nghề Cảnh sát phòng chống tội phạm ma túy. Tuấn, một chiến sĩ Công an mưu trí, dũng cảm, hết lòng vì công việc. Họ tình cờ gặp nhau, yêu nhau và trở thành đồng đội của nhau, nhưng số phận run rủi đưa họ vào một chuyên án ma túy lớn. Để tiếp cận và tìm hiểu ông "trùm" của tổ chức này, Hoa phải đóng giả thành người yêu của em trai ông "trùm", còn Tuấn luôn theo sát người yêu vừa để bảo vệ, vừa để lấy thông tin chuyển về đơn vị. Những yêu cầu khắt khe của công việc cuốn họ đi, khiến họ không có thời gian ở bên nhau. Và rồi cuộc sống xa hoa, vương giả và sự quan tâm hết mực của người tình đã cuốn dần Hoa xa rời tổ chức và người yêu.

Bị lộ bởi chính một đồng đội và cũng là lãnh đạo phòng của mình vì muốn ganh đua lên chức, vì tiền mà bất chấp tất cả, Hoa định chạy trốn theo người tình, nhưng cuối cùng vì trách nhiệm, vì day dứt ân hận với việc làm của mình, cô vẫn báo tin chỗ ẩn nấp của mình và ông "trùm". Phát hiện Hoa là Công an tiếp cận anh mình đã lâu, người tình của cô đau đớn và cướp súng của Công an tự tử ngay trước mắt cô, còn ông "trùm" vì chống trả quyết liệt buộc Cảnh sát phải nổ súng tiêu diệt.

Bản thảo tiểu thuyết “Bão ngầm”.

Chuyên án ma túy thắng lợi, nhưng đã cướp đi sinh mạng của một đồng chí Công an lão luyện, mà chỉ còn vài tháng nữa anh nghỉ hưu. Tuấn cũng bị thương nặng trong trận đánh cuối cùng. Hoa vì ân hận, vì xấu hổ mà xin ra khỏi ngành. Câu chuyện mở đầu và kết thúc bằng hình ảnh cô sinh con một mình, giọt máu cuối cùng của gia đình tội phạm, giữa mênh mông đêm tối của núi rừng đại ngàn khiến người đọc khắc khoải và cảm thương.

Cuộc chiến chống tội phạm ma túy quá khắc nghiệt, mỗi bước đi của người chiến sĩ CAND đều nằm giữa ranh giới sự sống và cái chết, vinh quang và cay đắng. Tội phạm không chỉ đón họ bằng những loạt đạn đồng khi chống trả, mà còn giăng đầy những cạm bẫy bọc nhung. Hiểm nguy hay cám dỗ, đều là liều thuốc thử đặc hiệu nhất giúp soi tỏ bản chất con người. Không thiếu những người xông xáo khi chiến đấu, nhưng lại chịu thúc thủ, gục ngã trước tiền và quyền. Khi ấy, những lớp vỏ rụng lả tả, bộc lộ mặt trần không son phấn…

Nghiệt ngã là bản chất của mọi cuộc chiến. Trong mặt trận này, tính khốc liệt không chỉ hiện ra qua tiếng súng bắn trả của tội phạm, mà còn quyết liệt trong bản thân mỗi con người, hay một tập thể... khi đứng trước những lựa chọn. Sự chuyển hóa giữa tốt và xấu, thiện với ác, trung thực hay đểu giả... diễn ra không ngừng nghỉ.

Một xã hội thu nhỏ với đầy rẫy những tiêu cực, xấu xa được tác giả "Bão ngầm" khéo léo lồng ghép trong cuộc chiến chống tội phạm ma túy. Trong cuộc chiến này, sự nguy hiểm từ súng đạn không đáng sợ bằng chính những cám dỗ của đồng tiền, của danh lợi… Mâu thuẫn sự việc lên đến tột cùng, khiến người đọc như bị cuốn theo những diễn biến sự việc khó lường trong mỗi chương tiểu thuyết và hồi hộp chờ đợi những chương tiếp theo.

"Bão ngầm" hấp dẫn người đọc bởi cách kể chuyện dí dỏm, hấp dẫn nhưng không kém phần mềm mại của tác giả. Mỗi chương tiểu thuyết là câu chuyện về một nhân vật, một sự kiện khác nhau, tưởng như không liên quan đến nhau, nhưng càng về sau, tác giả càng khéo léo khi xâu chuỗi lại các sự kiện, các tuyến nhân vật, để rồi cảm xúc như bùng nổ khi người đọc bị lôi cuốn vào hành trình phá án li kì, hấp dẫn như phim hành động của lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm ma túy. 

Trung tá Đào Trung Hiếu tâm sự, để sáng tác thành công tác phẩm này, anh đã phải tự mày mò, tìm đọc nhiều sách và "vác" giấy bút đi tham khảo, học hỏi kinh nghiệm viết tiểu thuyết của nhiều nhà văn. Nhưng tôi biết, "Bão ngầm" thành công một phần là do chính những kinh nghiệm của người lính đã từng kinh qua những trận chiến sinh tử, khiến tác phẩm trở nên chân thực, sống động hơn bao giờ hết. Và phần nữa là bởi truyền thống gia đình đã mang lại cho anh niềm đam mê văn chương và khả năng sáng tác không phải ai cũng có được.

Tác giả đang dạy võ Nhất Nam cho trẻ em.

Tác giả Đào Trung Hiếu có ông nội là nhà Hán học uyên thâm Đào Phương Bình, thành viên sáng lập Viện Hán nôm Việt Nam. Chính vì vậy, thiên hướng văn chương đến với anh từ rất sớm. Đặc biệt, thời còn đi học, Đào Trung Hiếu theo học chuyên văn, từng tham dự một số cuộc thi học sinh giỏi văn và giành được giải cao. Có lẽ, cũng là điều dễ hiểu khi trong thời gian làm CSHS, anh cộng tác với nhiều báo, như Văn nghệ Công an, An ninh thế giới, An ninh Thủ đô, Tin tức, Đại đoàn kết…  Đặc biệt, năm 2010, anh đoạt giải ba cuộc thi sáng tác truyện ngắn và ký về chủ đề "Người chiến sỹ Công an Hà Nội, vì Thủ đô bình yên, vì nhân dân phục vụ".

Với kinh nghiệm từ thực tiễn nhiều năm công tác trong lĩnh vực điều tra trọng án, điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao, Trung tá Đào Trung Hiếu cùng đồng đội tại nhiều đơn vị CSHS, các chuyên gia tâm lý, cùng các võ sư môn phái võ dân tộc cổ truyền Nhất Nam... hiện đang biên tập cuốn sách Mẹo thoát hiểm với mục đích cung cấp những kỹ năng cần thiết cho người dân để xử lý những tình huống phức tạp, nguy hiểm, góp phần thiết thực vào việc chủ động phòng ngừa tội phạm, bảo vệ sự an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của mỗi người trước hiểm họa đến từ các loại tội phạm.

Cuốn sách được viết trên cơ sở các vụ trọng án đã xảy ra, phân tích các quy luật, diễn biến tâm lý của tội phạm, các phương thức, thủ đoạn thường gặp, từ đó đưa ra những giải pháp cần thiết để bảo vệ an toàn cho bản thân trước những hành động phạm tội đã và đang diễn ra. Sau giờ làm việc, anh lại cùng các võ sư môn phái võ dân tộc cổ truyền Nhất Nam dạy võ cho các em nhỏ với mong muốn trang bị kỹ năng phòng thân cho các em và góp phần gìn giữ tinh hoa của môn võ cổ truyền này. 

Hiện tại, Trung tá Đào Trung Hiếu đang bắt tay vào viết kịch bản phim nhiều tập, chuyển thể từ tiểu thuyết “Bão ngầm”.

Trung tá Đào Trung Hiếu nguyên là Đội phó Đội 14, Phòng PC45 Công an thành phố Hà Nội. Năm 2009 và năm 2013 anh được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2013 nhận được Bằng khen của Bộ Công an. Tác phẩm "Bão ngầm" đoạt giải A trong cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và kí về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức và sẽ được tôn vinh trong chương trình Những trang sách vàng 70 năm CAND được tường thuật trực tiếp trên sóng VTV vào ngày 19/6 tới đây.
Tô Thụ
.
.
.