Bạo lực học đường và “liều thuốc” đặc trị?
Có một điều không thể phủ nhận, bạo lực học đường đã và đang trở thành vấn nạn. Nó phức tạp cả về tính chất lẫn mức độ. Đến giờ, khi nhắc đến vụ việc đau lòng mới xảy ra tại Trường THPT Tháng 10, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang), nhiều người chứng kiến, biết sự việc không khỏi bàng hoàng. Bởi trong vụ việc này, cả nạn nhân và hung thủ gây án, tuổi đời đều còn khá trẻ.
Khoảng 10h30 ngày 23-10, khuôn viên Trường THPT Tháng 10 trong giờ ra chơi rộn rã tiếng cười, nói của các em học sinh. Dương Minh Long (đã bỏ học) và Nguyễn Văn Vượng – học sinh lớp 12A5 (Trường THPT Tháng 10) lại gần khu vực em L.H.N – học sinh lớp 12A4 và hỏi: “Ai là N?”.
Nghe vậy, N đáp lại thì bất ngờ bị Long và Vượng xông vào đấm, đá khiến N gục xuống. Thấy vậy, mọi người can ngăn và đưa N đi trạm xá cấp cứu, tuy nhiên do vết thương quá nặng, N đã tử vong sau đó. Biết không thể trốn khỏi “lưới” pháp luật, Long và Vượng đã đến cơ quan Công an trình diện.
Tình trạng nữ sinh giải quyết mâu thuẫn bằng… "nắm đấm" đang gây nhức nhối. |
Vụ việc đau lòng trên thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng bạo lực học đường hiện nay. Anh Trần Quang, 41 tuổi, nhà ở đường Lạc Long Quân (quận Tây Hồ - Hà Nội) có con gái đang học lớp 11 tỏ ra lo lắng trước sự thiếu kiềm chế của một bộ phận học sinh trong thời gian qua.
Chính sự thiếu kiềm chế trong giao tiếp ứng xử giữa các em đã khiến không ít gia đình có con đang tuổi cắp sách đến trường đều canh cánh nỗi lo.
Anh Trần Quang cho biết, hễ truy cập vào mạng Internet, xem các đoạn clip quay lại các em học sinh đánh nhau, anh và người thân lại nghĩ đến con mình, rồi tự nhủ: “Không biết sau này con em mình có trở thành nạn nhân của nạn bạo lực học đường như trích đoạn clip trên không nữa?”.
Nỗi lo anh Trần Quang cũng là sự trăn trở của nhiều bậc phụ huynh hiện nay. Đặc biệt là khi thời gian qua, bạo lực học đường không chỉ xảy ra đối với các nam sinh, mà trong nhiều vụ, nữ sinh lại chính là “nhân vật” chính. Chỉ cần vào trang mạng tìm kiếm google.com trong ít phút, sẽ dễ dàng bắt gặp các đường link, clip miêu tả cảnh nữ sinh đánh nhau, xé quần áo của nhau.
Mới đây, trên mạng xã hội đăng tải một đoạn clip cho thấy, hai cặp nữ sinh đang đấm đá nhau. Hành động túm tóc, ghì nhau xuống đất… không ngừng xuất hiện. Và chỉ đến khi người đàn ông cầm chiếc roi được cho là bác nhân viên bảo vệ nhà trường xuất hiện cương quyết can ngăn, hai cặp nữ sinh này mới chịu… buông tay. Xem trích đoạn clip trên, khó ai có thể kìm nén được cảm xúc, nhất là đối với bậc làm cha, làm mẹ.
Các em nữ sinh giờ cũng không là ngoại lệ của vấn nạn bạo lực học đường. Và điều dễ thấy, khi mâu thuẫn, sự việc giải quyết bằng “nắm đấm”, nếu không được can ngăn kịp thời, hậu quả đau lòng xảy ra là điều khó tránh khỏi.
Điển hình, vào ngày 11-9 vừa qua, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử và tuyên phạt Trần Lệ Mai, 17 tuổi ở thị xã Tân Uyên (Bình Dương) 10 năm tù về tội “Giết người”. Trước đó, Mai và Lê Thị Kim N (17 tuổi), Nguyễn Thị N.H (18 tuổi) đều ở thị xã Tân Uyên và Phạm P.U (14 tuổi) ở huyện Bắc Tân Uyên cùng học tại một trường đóng trên địa bàn thị xã Tân Uyên.
H có quan hệ tình cảm với Mai. Sau đó, do nghi ngờ Mai và U cũng có tình cảm với nhau, nên vào sáng 20-10-2016, trong giờ ra chơi, H tát U và được Mai can. Sau đó H nhắn tin hẹn gặp Mai. Trong lúc trò chuyện, thấy Lê Thị Kim N đi ngang qua và định phân phải trái. Cho rằng N xen vào chuyện của mình, Mai đã dùng dao đâm N. Hậu quả, N bị tử vong ngay sau đó do chấn thương nặng.
Tiến sĩ Trần Thu Hương, Khoa Tâm lý học – Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định, “bạo lực học đường” – cụm từ này dường như đã trở thành mối lo của không ít bậc phụ huynh. Bởi chỉ một thời gian ngắn trở lại đây, số vụ các em học sinh giải quyết mâu thuẫn bằng “nắm đấm”, bằng hung khí đang có chiều hướng gia tăng.
Và có rất nhiều nguyên nhân khiến vấn nạn bạo lực học đường xảy ra. Có khi chỉ bởi một ánh mắt được cho là “nhìn đểu”, rồi có khi chỉ là mâu thuẫn nhỏ vặt trong lúc lên lớp, chơi chung trò chơi… cũng đủ khiến bạo lực xảy ra.
Dẫu chưa có một con số thống kê đầy đủ, nhưng thực tế, qua các vụ bạo lực học đường thời gian qua cho thấy, lứa tuổi trực tiếp gây ra vấn nạn này dao động từ 12-19 tuổi.
Nhiều nữ sinh cũng tham gia các vụ ẩu đả. |
Đây là lứa tuổi mà các em có sự thay đổi về tâm, sinh lý. Lứa tuổi mà ở đó, các em luôn muốn thể hiện cái tôi bản thân, muốn giải quyết mâu thuẫn bằng… “nắm đấm” thay vì sự phân tích, lắng nghe và hòa giải. Cũng theo Tiến sĩ Trần Thu Hương, thật đáng trách thay, ở nhiều vụ việc, lại có sự xuất hiện của số đông các bạn cùng trang lứa trong vai trò… cổ vũ, dùng điện thoại quay clip thay vì khuyên can. Các em đứng ngoài cổ vũ mà không hay rằng, đây chính là hành động tiếp tay cổ súy cho nạn bạo lực học đường đang bị cả xã hội lên án.
Cùng chung quan điểm trên, cách đây không lâu, khi trao đổi với chúng tôi, PGS.TS. Lê Văn Hảo, Phó Viện trưởng Viện Tâm lý học – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, bạo lực học đường hay cách giải quyết mâu thuẫn bằng “nắm đấm” của các em chính là biểu hiện của sự lệch chuẩn trong cách ứng xử mối quan hệ xã hội; nó tiềm ẩn nhiều hệ lụy, nguy cơ đi kèm.
Các em học sinh sử dụng “nắm đấm”, dùng vũ lực để giải quyết những xung đột, mâu thuẫn đã cho thấy kỹ năng xử sự, giao tiếp xã hội của bản thân đang bị thiếu hụt, chưa được định hướng theo những chuẩn mực nhất định.
Bạo lực học đường đã và đang trở thành vấn đề quan tâm của nhiều gia đình, nhà trường, là nỗi trăn trở không của riêng ai. Khi bạo lực xảy ra, kéo theo đó là hàng loạt hệ lụy khôn lường. Vậy đâu là “liều thuốc” đặc trị vấn nạn này? Thầy Nguyễn Thế Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Hồng Thái (quận Ba Đình - Hà Nội) cho hay, các học sinh hiện nay đang tiếp cận nhiều vấn đề, lĩnh vực có nguy cơ dẫn đến những suy nghĩ, cách hành xử thiếu chuẩn mực.
Điển hình phải kể đến những tác động tiêu cực, mặt trái của mạng Internet như hiện nay. Bởi vậy, vai trò của gia đình, nhà trường là rất quan trọng trong việc đẩy lùi nạn bạo lực học đường. Với nhà trường, đây là môi trường đào tạo, giảng dạy kiến thức trực tiếp cho các em học sinh, nên phải xây dựng văn hóa nhà trường.
Văn hóa này không xa lạ gì, nó chính là văn hóa ứng xử của chính cán bộ giáo viên, của bản thân các em học sinh. Đó là sự tôn trọng và thực hiện nghiêm các nội quy mà nhà trường đề ra. Khi phát hiện các em học sinh hiếu động, có biểu hiện vi phạm nội quy nhà trường, các thầy cô giáo – là những người trực tiếp giảng dạy các em phải chấn chỉnh ngay.
Cùng với đó, thông qua đội ngũ tư vấn học đường, nhà trường cần tư vấn, tháo gỡ kịp thời những khủng hoảng lo lắng, mâu thuẫn nảy sinh giữa các em học sinh. Bên cạnh đó, đưa các nội dung, kỹ năng ứng xử giao tiếp vào trong các bài giảng, các buổi sinh hoạt Đoàn, hoạt động ngoại khóa.
Một nữ sinh nhận án tù do giải quyết mâu thuẫn bằng… dao. |
Đề cập đến các giải pháp đẩy lùi bạo lực học đường, dưới góc độ tâm lý học, Tiến sĩ Trần Thu Hương nhấn mạnh, nhiều trường hợp do thiếu sự dạy dỗ và tình thương của cha mẹ hoặc do được nuông chiều quá, nên các em rất dễ có hành động ích kỷ, tự đề cao cái tôi của mình, không có ý thức trách nhiệm với người xung quanh.
Do đó, các bậc phụ huynh cần luôn quan tâm tới các mối quan hệ của con em mình, hãy là người bạn lớn của con, là chỗ dựa tinh thần, tấm gương sáng cho con noi theo. Mặt khác, nếu phát hiện con em mình có biểu hiện là “anh, chị” trong nhóm bạn cùng lứa, các bậc phụ huynh cần trao đổi với thầy cô giáo phân tích những việc nên làm, không nên làm cho các em.
Đồng thời, đưa ra những dẫn chứng cụ thể về các tấm gương sáng đời thường, câu chuyện về điều hay ý đẹp để các em tự soi, tự tu chỉnh bản thân mình, gạt bỏ những suy nghĩ, hành động tiêu cực; tạo điều kiện cho con em mình tham gia các sân chơi bổ tích do nhà trường, các tổ chức xã hội tổ chức.