Bạo hành hôn nhân và sự "tha thứ" đáng trách của những người vợ

Thứ Bảy, 07/09/2019, 07:28
"Võ sư đánh vợ đang ở cữ dã man", "Chồng lấy ôtô đâm ép vợ vào tường"… là những từ khóa khiến dư luận xã hội tìm kiếm và chia sẻ rất nhiều cùng với sự phẫn nộ trong thời gian qua.


Sau cơn giận dỗi ban đầu, làm đơn tố cáo, đưa lên các trang mạng xã hội nhằm tìm kiếm sự thông cảm, động viên và cả sự bảo vệ, những người vợ này đều chọn cách "tha thứ", dù trước đó nhận cả cơn mưa đòn. Đó cũng là lí do mà nhiều người phụ nữ khác đang phải sống chung với bạo lực, bởi tâm lý muốn giữ thể diện gia đình, không muốn mất mặt, giữ cho con cái…

Im lặng sau những trận đòn

Công an quận Nam Từ Liêm (TP. Hà Nội) cho biết đang xác minh thông tin việc anh C.V.Q (trú tại phố Đồng Me, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội) có hành vi dùng xe ôtô đâm chị N.H.H (vợ cũ, hiện đang sống cùng nhà) khiến chị này bị đa chấn thương.

 Theo thông tin trong lá đơn trình báo của chị H., vụ việc xảy ra vào khoảng 21h45 ngày 26-8, khi chị và anh Q. xảy ra xô xát ở phòng ngủ tầng 3 nơi hai người đang sinh sống. Anh Q. đã đạp vào bụng chị H. hai cái làm chị này ngã xuống giường.

Đoạn clip ghi lại cảnh chị L. bị đánh khi ôm con.

Thấy vậy, con trai của chị là cháu C.V.L xông vào đẩy anh Q. ra, không cho bố đánh mẹ. Do bị can ngăn, anh Q. đã đuổi hai mẹ con chị H. ra khỏi nhà. Khi chị này đi xuống tầng 1, trong khi đang tìm cách ra ngoài thì chồng cũ chạy theo, leo lên ôtô để trong nhà, nổ máy và định đâm vào hai mẹ con. Cháu L. nhanh chân nhảy ra ngoài thoát thân, còn chị H. do không có lối chạy nên bị đâm ép vào tường.

Khi thấy vợ bị ngã xuống đất, anh Q. đã lùi xe lại lấy đà tăng ga đâm chị H. thêm một lần nữa. Vụ việc chỉ dừng lại khi hàng xóm thấy ầm ĩ, chạy sang can ngăn. Lúc đó, anh Q. vội vàng điều khiến ôtô lùi ra ngoài rồi bỏ đi. Người dân đã gọi điện báo cơ quan Công an và gọi xe cứu thương để đưa chị H. đi cấp cứu tại Bệnh viện 198. Suốt đêm đó, chị H. bị đau phần ngực, khó thở, không thể cử động được tay và vai.

Phần hông và phần bụng đều đau đớn. Sau đó, do vết thương quá nặng nên gia đình đã chuyển chị H. sang Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để điều trị.

Theo bệnh án cho thấy, chị H. bị đa chấn thương phức tạp, bị dập và tràn dịch màng phổi, chấn thương cột sống, sai khớp mỏm cùng vai đòn phải, gãy xương chậu 2 bên, vỡ xương mu phải, bờ ổ dịch cối phải di lệch, trên người có nhiều vết trầy xước. Hiện chị H. phải nằm bất động do vết thương và ảnh hưởng tinh thần, ngay cả đơn trình báo cũng do người thân viết và chị điểm chỉ vào đơn.

Đáng nói, sau khi tiếp nhận thông tin vụ việc, chúng tôi có đề nghị một buổi nói chuyện cùng người phụ nữ bị bạo hành này thông qua người nhà của chị. Tuy nhiên, chỉ sau một ngày, chị H. đã thay đổi ý định vì không muốn làm lớn vụ việc và lo sợ trước sự đe dọa của chồng cũ. Sự thay đổi ý định của chị H. cũng tương tự vụ bạo hành gây sốc trên mạng xã hội xảy ra trước đó vài ngày.

Nạn nhân là một người làm báo, bị chồng là võ sư đánh đập dã man dù chị này vẫn còn đang trong thời gian ở cữ. Thời điểm bị đánh, người vợ vẫn đang ôm đứa con nhỏ mới chỉ hơn 2 tháng tuổi trên tay. Vụ việc xảy ra vào tối 26-8 tại gia đình của chị Vũ Thu L. (SN 1992, trú tại phường Thạch Bàn, quận Long Biên, TP. Hà Nội).

Nguyên nhân của việc chị L. bị chồng là Nguyễn Xuân V. đánh xuất phát từ việc chị muốn tháo tivi để con không xem nhiều, khi nhờ chồng thì anh V. không làm nên phải nhờ người khác giúp. Sau khi những người giúp tháo lắp ra về, anh V. chửi chị L. và dọa đập tivi. Chị giải thích thì bị chồng lao vào đánh dã man.

Sau khi bị chồng đánh, người giúp việc nhà chị L. đã liên lạc nhờ người thân của chị này giúp đỡ. Thông qua camera an ninh, người thân chị L. đã ghi lại được đoạn clip anh V. đánh vợ dã man. Đoạn clip này đã gây "sóng gió" trên mạng xã hội nhiều ngày sau đó. Hầu hết đều bức xúc trước sự việc và cho rằng, hành động của anh V. không xứng đáng là một người chồng, người cha.

Trong cuộc trao đổi trực tiếp với chị L., chị này cho biết, đây không phải lần đầu tiên chị bị chồng đánh. Thậm chí, sau trận đòn ngày 26-8, chồng chị L. còn nhắn tin đe dọa gia đình vợ. "Trong suốt nhiều năm chung sống, có vô vàn những chuyện mà tôi không thể kể hết được. Nhưng bản chất của anh ấy là hung hãn.

Chị L. trình bày sự việc với phóng viên.

Tôi là người phải nhịn nhục, những lần khác đánh không tệ nên tôi cũng bỏ qua vì không muốn xấu mặt, cũng vì con cái nữa. Nhưng lần này anh ấy đánh cả trước mặt con, lúc ấy tôi ôm đứa con còn đỏ hỏn, tay không tấc sắt, không thể kháng cự", chị L. bức xúc nói. Sau khi nhận thông tin về việc võ sư này có hành vi đe dọa đến tính mạng của chị L. và người thân chị này, Công an phường Thạch Bàn đã có biện pháp ngăn chặn, tạm giữ Nguyễn Xuân V. để làm rõ sự việc.

Tuy nhiên, trong khi dư luận xã hội đang mong chờ một hình phạt nghiêm khắc dành cho V thì  phía gia đình chị L. cho biết đã hòa giải và rút đơn tố cáo anh V. Lý do là sau khi sự việc xảy ra, chị L. cùng gia đình chị gặp nhiều áp lực nên đồng ý hòa giải. "Giờ tôi chỉ muốn được sống yên ổn, tôi và anh ấy đã ly hôn một lần. Lần này tôi sẽ cố gắng giành quyền nuôi cả hai cháu, để hai cháu có môi trường sống tốt nhất", chị L. nói.

Chịu đựng có vì con?

Bỏ qua, im lặng để giữ gia đình đó là quan điểm của nhiều phụ nữ trong những vụ bạo hành gia đình xảy ra từ trước tới nay. Nhưng đặc biệt lý do phụ nữ bị bạo hành đưa ra nhiều nhất đó là chịu đựng vì con cái, không muốn để gia đình tan nát. Đổi lại họ đã tự hành hạ bản thân khi để mình phải chịu đựng cuộc sống bạo hành trong suốt nhiều năm.

Liệu hành động như vậy có thực sự đúng đắn, những đứa trẻ có thực sự cần một gia đình mà bố luôn đánh mẹ, một gia đình luôn sống trong sự chịu đựng và áp lực? Như trong vụ việc của chị Vũ Thị Thu L., đứa bé lớp 1 con chị L. cũng là người chứng kiến cảnh bố đánh mẹ như kẻ thù trong suốt quãng thời gian dài. Với những đứa trẻ còn nhỏ như vậy, sự ảnh hưởng của bạo hành gia đình tới tâm lý còn được thể hiện rõ rệt qua tính cách của đứa bé.

Chị H. đang phải nằm trong viện suốt nhiều ngày nay.

Chính chị L. cũng chia sẻ rằng, đứa con lớn của chị cũng thể hiện sự cục cằn, sẵn sàng đập phá đồ đạc khi không vừa ý hay bị cấm đoán. Đó phải chăng là một bản sao từ tính cách của người bố vũ phu, sẵn sàng đánh mẹ trong những lần bực tức.

Theo các chuyên gia tâm lý, người lớn không thể hiểu hết nỗi khổ và khiếp sợ của con trẻ khi phải chứng kiến cảnh bạo hành gia đình. Hàng trăm đứa trẻ đã nói rằng, chúng chưa từng có cảm giác sợ hãi điều gì hơn là khi phải chứng kiến những hành vi bạo hành của bố với mẹ. Việc bạo hành trong gia đình còn ảnh hưởng đến thể chất và sự phát triển của đứa bé, làm cho tinh thần trẻ sa sút, đây cũng là nguyên nhân làm cản trở sự phát triển thể chất ở trẻ.

Trẻ em phải thường xuyên chứng kiến cảnh bạo lực gia đình làm tâm lí trẻ lo sợ, buồn chán không muốn ăn uống, vận động, mọi sinh hoạt của trẻ bị ảnh hưởng, gây rối loạn tâm lý, sa sút trong học tập. Các nghiên cứu về vấn đề này cho thấy, tỷ lệ học sinh bỏ học vì lý do bạo lực gia đình thường rất cao. Trong trường hợp không bỏ học, việc học hành sa sút và những rối loạn nhân cách của các học sinh là nạn nhân như trầm cảm, trong một số trường hợp là quấy phá hay có hành vi bạo lực với giáo viên và các học sinh khác...

Di chứng của bạo lực gia đình đã in sâu vào tiềm thức và điều khiển hành vi của trẻ. Thực tế cho thấy, nhiều trẻ phạm tội là do ảnh hưởng của việc phải chứng kiến hành vi bạo lực gia đình. Ngoài ra, những hình ảnh bạo lực gia đình trở thành một vết thương khó phai mờ trong trí não đứa trẻ.

Khi trưởng thành, chúng khó hoà nhập với cuộc sống, dễ bị căng thẳng thần kinh, dễ bị kích động bạo lực hoặc có tư tưởng trầm uất. Những bé trai dần dần sẽ hình thành nhận thức rằng làm đàn ông có quyền đánh đập phụ nữ và rồi khi trở thành chồng cũng có cách ứng xử như vậy đối với vợ. Với các bé gái, chứng kiến cảnh mẹ bị cha mắng chửi, đánh đập thì có thể sau này sẽ cam chịu cảnh bạo lực hoặc ác cảm với đàn ông.

Hiền Trâm
.
.
.