“Bão” COVID-19 bao trùm nhiều nước châu Âu

Thứ Năm, 12/03/2020, 14:59
Cho tới lúc này, dịch COVID-19 đang gây hoang mang khắp châu Âu, trong khi các biện pháp chống dịch chưa thực sự cho thấy hiệu quả. Hàng loạt câu hỏi về khả năng sẵn sàng ứng phó của châu lục này với dịch bệnh đã được đặt ra. Trong khi đó kinh tế nhiều nước châu Âu bị thiệt hại nặng nề.


Tường trình từ "tâm bão" Italia

Tính đến ngày 9/3, Italia là quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất ngoài châu Á, với số ca nhiễm COVID-19 7.375 người và 366 ca tử vong.

Ngày 8/3, Thủ tướng Italia Giuseppe Conte đã ký sắc lệnh đặt phần lớn khu vực phía Bắc nước này, gồm cả Venice và Milan vào tình trạng phong tỏa để ngăn chặn virus corona lây lan. Tại các khu vực phải thực thi sắc lệnh trên, các trường học sẽ đóng cửa tới ít nhất là ngày 3/4. Các phòng tập thể dục, bể bơi, khu nghỉ trượt tuyết, các trung tâm văn hoá cũng phải đóng cửa. Các nhân viên y tế không được nghỉ phép.

Du lịch Italia thiệt hại nặng.

COVID-19 bùng phát ở Italia đúng lúc nền kinh tế nước này vừa trải qua năm 2019 đầy khó khăn với mức tăng trưởng GDP chỉ đạt 0,2%. Thậm chí, tăng trưởng GDP quý IV-2019 giảm 0,3% so với quý 3-2019 do nhu cầu trong nước sụt giảm và đây cũng là mức sụt giảm mạnh nhất trong vòng 6 năm trở lại đây.

Các chuyên gia nhận định, từ lâu nền kinh tế Italia đã gặp những vấn đề nghiêm trọng về năng lực cạnh tranh, yếu tố khiến cho tăng trưởng GDP chậm và thậm chí chưa thể hồi phục trở lại kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Thị trường lao động của Italia cũng đối mặt với nhiều thách thức khi tỷ lệ thất nghiệp cao luôn duy trì ở mức lớn hơn 10%, thậm chí con số này ở nhóm những người trẻ lên tới 40%. Đặc biệt, vấn đề nghiêm trọng nhất mà quốc gia này đang phải đối mặt đó là nợ công gia tăng nhanh, hiện đã lên tới mức 132% GDP. Điều này khiến Italia trở thành quốc gia có tỷ lệ nợ công lớn thứ hai trong khu vực EU sau Hy Lạp.

Dịch bệnh làm kinh tế Pháp giảm tăng trưởng.

COVID-19 bùng phát đã buộc Chính phủ Italia áp đặt các lệnh kiểm dịch nghiêm ngặt, buộc hàng ngàn cơ sở kinh doanh tại hai vùng Lombardy và Veneto, trung tâm công nghiệp chiếm tới 30% tổng GDP của Italia phải tạm ngừng hoạt động.

Lombardy với 9 triệu dân, chiếm tới hơn 20% GDP của cả nước; thủ phủ của Lombardy là Milan, trung tâm tài chính và công nghiệp lớn nhất Italia, nơi có GDP tính theo đầu người cao nhất nước. Hàng loạt doanh nghiệp lớn của Italia như Tập đoàn tài chính Unicredit SpA và hãng sản xuất xe ôtô Fiat Chrysler Automobiles NV đã cho phép nhân viên được làm việc tại nhà.

Công ty MTA Advanced Cars Solutions, một trong những hãng cung ứng phụ tùng cho hệ thống điện ôtô lớn tại châu Âu cho biết đã phải đóng cửa nhà máy vốn sử dụng hơn 600 lao động tại vùng Lombardy. Công ty này cũng cho biết các dây chuyền sản xuất xe của hãng Fiat Chrysler trong vùng đã phải ngưng hoạt động. Hãng sản xuất thép ITA SpA, trụ sở tại Lecco thuộc vùng Lombardy, cũng cho biết việc đóng cửa cơ sở sản xuất đã khiến hãng vuột mất nhiều đơn hàng xuất khẩu lớn sang Pháp và Đức.

Ngành sản xuất ôtô của châu Âu bị tác động mạnh do bị gián đoạn chuỗi cung ứng từ Trung Quốc.

COVID-19 bùng phát cũng ảnh hưởng nặng nề tới ngành dịch vụ quan trọng khác là du lịch và thời trang. Hàng loạt hội chợ thương mại, thời trang, du lịch bị hủy bỏ. Tại Milano, thủ phủ của ngành thời trang Italia, tuần lễ trình diễn thời trang may sẵn của phụ nữ mùa thu đông 2020-2021 với nhiều nhà thời trang và mỹ phẩm nổi tiếng thế giới như Giorgio Armani, Laura Biagotti… đã phải tiến hành các buổi trình diễn dự kiến mà không có khán giả, với các hình ảnh được truyền trên internet.

Làn sóng hủy phòng khách sạn lên tới 25% trong tuần cuối của kỳ nghỉ Carnaval, riêng ở Venice thì tình trạng còn tồi tệ hơn rất nhiều với 40% và dự kiến con số sẽ còn tăng trong thời gian tới. Một hoạt động nổi tiếng thu hút du khách là lễ hội hóa trang của Venice cũng đã bị hủy những ngày cuối.

Hiệp hội các nhà bán lẻ của Italia dự báo nhu cầu tiêu dùng tại nước này có thể giảm 3,9 tỷ EUR (4,2 tỷ USD). Việc yêu cầu các bar, nhà hàng và khu giải trí đóng cửa sau 6h chiều nhằm chống dịch bệnh có thể khiến khối nhà hàng – khách sạn của Italy sụt giảm từ 15% – 20% doanh thu.

Hoạt động kinh doanh của các nhà hàng, cửa hàng cafe và quán bar tại Italy trong 4 tháng đầu năm 2020 có thể sẽ thua lỗ khoảng 2 tỷ EUR và buộc 15.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực này phải đóng cửa. Giới chức nước này cảnh báo ngành du lịch có thể chịu thiệt hại 7,4 tỷ euro trong quý I-2020.

Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban châu Âu (EC), trước khi dịch COVID-19 bùng phát, Italia chỉ đạt mức tăng tưởng 0,3% trong 3 tháng cuối năm 2019, và một số nhà kinh tế dự kiến đất nước này sẽ rơi vào suy thoái ngay đầu năm nay. Theo tổ chức Moody, kinh tế Italia có thể sẽ bị suy thoái, GDP năm 2020 giảm xuống -0,5%, trong kịch bản xấu hơn có thể là -0,7%.

Kinh tế châu Âu chao đảo

Theo Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) thuộc Tập đoàn The Economist (Anh), sự bùng phát của dịch COVID-19 sẽ tác động đáng kể đến nền kinh tế châu Âu, cũng như tác động xấu đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Hai đầu tàu kinh tế của khu vực đồng Euro (Eurozone) là Đức và Pháp cũng dự báo tăng trưởng chậm lại. Tại Đức, quốc gia đông dân nhất Tây Âu, số ca nhiễm COVID-19 đã lên tới 800 trường hợp trong ngày 7-3, trở thành nước có số người nhiễm dịch nhiều thứ 2 sau Itlia.

Đức là nền kinh tế lớn nhất ở châu Âu, đã ghi nhận tình trạng dậm chân tại chỗ ngay trước khi dịch COVID-19 bùng phát. Các đảng trong chính phủ liên minh của Thủ tướng Angela Merkel đã thảo luận về các phương cách tạm thời giúp các công ty rút ngắn thời gian làm việc của nhân viên.

Trong khi đó, hiện toàn bộ 13 vùng tại Pháp đều đã có ca nhiễm COVID-19, kể cả vùng Guyane ở hải ngoại. Trước diễn biến phức tạp của dịch, Pháp đã cho đóng cửa hơn 100 trường học. Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire cho rằng dịch bệnh làm giảm tăng trưởng của Pháp xuống 0,1 điểm phần trăm vào giai đoạn đầu năm nay. Nếu dịch bệnh lan rộng hơn, tất nhiên là những tác động tiêu cực sẽ lớn hơn. Ngân hàng Trung ương Pháp đã dự báo tăng trưởng GDP là 1,1% trong năm 2020.

Dịch COVID-19 bắt đầu tác động tiêu cực tới lĩnh vực vận tải hàng không, hàng hải. Các hãng hàng không châu Âu như British Airways, Air France, Iberian Airways và Lufthansa hủy các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc. Ngày 6-3, hãng hàng không Đức Lufthansa thông báo sẽ cắt giảm 50% tần suất bay của hãng trong những tuần tới, nhằm giảm bớt các thiệt hại về kinh tế do dịch COVID-19.

Lufthansa trước đó cũng đã cho biết một lượng lớn khách hàng hủy đặt vé, trong khi nhiều chuyến bay (chủ yếu là nội địa và một số điểm đến ở Italia) cũng đã bị hủy. Kể từ đầu tháng 3 đến nay, hãng hàng không lớn nhất châu Âu này cũng đã thông báo hủy 7.100 chuyến của riêng thương hiệu Lufthansa.

Hiện Lufthansa, với phi đội gồm khoảng 780 máy bay, đã hủy toàn bộ các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc, Iran và Israel. Trong khi đó, theo một báo cáo của một nhà cung cấp dữ liệu hàng hải Đan Mạch, ngành công nghiệp vận tải biển đã chứng kiến việc hủy bỏ vận chuyển 151.500 container giữa châu Á và châu Âu.

Ngành công nghiệp ô tô châu Âu đang phải đối mặt với sự gián đoạn chuỗi cung ứng từ Trung Quốc. Ông Ola Kallenius, Giám đốc điều hành của hãng chế tạo ôtô Daimler, cảnh báo những gì xảy ra giữa dịch COVID-19 cho thấy các chuỗi cung ứng toàn cầu mong manh như thế nào. Một thế giới không có chia sẻ công việc toàn cầu sẽ ít thành công hơn".

Một số nhà sản xuất ôtô, bao gồm liên danh Fiat-Chrysler của Mỹ và Italia, tuyên bố rằng chỉ hoạt động thêm vài tuần nữa trước khi phải ngừng sản xuất tại các nhà máy ôtô châu Âu do gặp khó khăn trong việc tìm nguồn cung ứng linh kiện từ các nhà cung cấp Trung Quốc. Vấn đề là chỉ cần thiếu một linh kiện đã có thể làm toàn bộ dây chuyền lắp ráp ngừng hoạt động nếu không tìm được nhà cung cấp thay thế kịp thời. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp khác cũng như ngành tự động hóa.

Quý Đức (Tổng hợp)
.
.
.