Bài toán vỉa hè - phải làm và mang tính bền vững
Thật ra, vấn đề này đã nhức nhối mấy chục năm nay, nhưng giờ đây, đất chật người đông, phương tiện giao thông ngày càng nhiều thì sự nhức nhối càng lớn hơn.
Lẽ ra, giải quyết tình trạng này phải làm từ rất lâu, nhưng rõ ràng các biện pháp chưa đủ mạnh cùng với việc chưa giải quyết tận gốc vấn đề đã làm cho "bài toán vỉa hè" vẫn là một thách thức lớn, đặc biệt tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Minh họa của Lê Tâm. |
Chắc không ít bạn đọc đã từng đặt chân tới Thủ đô một số nước châu Âu. Bạn cũng như tôi, hẳn sẽ ngạc nhiên bởi tại các khu vực phố cổ, đường sá của họ không hề rộng mà y hệt "36 phố phường" của Hà Nội xưa. Nghĩa là đường hẹp, nhà san sát, ẩm thấp, thiếu ánh sáng.
Tất nhiên, di chuyển trong khu vực này chủ yếu là đi bộ và xe đạp. Song, thú vị ở chỗ, vỉa hè thấp bằng lòng đường, phân biệt bởi những trụ đá hai bên đường. Những trụ này có thể làm ghế ngồi cho khách bộ hành mỏi chân. Còn người đi xe đạp, họ được đi xe trên vỉa hè, tất nhiên với một tốc độ cho phép.
Trong một đô thị văn minh, người đi bộ luôn được ưu tiên nhất. Nghĩa là vỉa hè rộng, có ghế ngồi nghỉ, có cây xanh tỏa bóng mát, cần sang đường có cầu vượt hoặc đường hầm… Những công trình này không chỉ phục vụ người đi bộ, mà còn là nét duyên dáng cho một thành phố hiện đại.
Với phố đi bộ quanh hồ Gươm, thời gian đầu cũng có một số ý kiến phản biện. Nhưng giờ đây, nhiều người cho rằng đó là một ý tưởng hợp lý và văn minh. Cả một tuần bươn bả, tất bật mưu sinh, vào ngày cuối tuần, người Hà Nội được đắm chìm trong một không gian thoáng đãng, được sống chậm bên hồ Gươm khiến cho chúng ta thấy thư thái hơn, yêu thành phố mình đang sống hơn.
Trở lại vấn đề vỉa hè của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Có thể nói không ngoa rằng, ở những khu vực trung tâm, vỉa hè là nơi "kiếm sống" của không ít người. Chỉ cần 1-2 mét vuông vỉa hè để bày bán một thứ gì đó là có thể nuôi được một gia đình.
Còn các hộ nhà mặt đường, họ tự mặc định vỉa hè là của nhà mình nên "độc quyền" sử dụng, không cho người khác đỗ xe trước cửa. Vỉa hè trở thành tài sản của một số người nên mới có chuyện đau lòng là người đi bộ phải đi xuống lòng đường và đã xảy ra những tai nạn đáng tiếc.
Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã thẳng thắn tuyên bố, đại ý: đa số các quán bia bán trên vỉa hè đều có người đứng đằng sau. Hành động "đứng đằng sau" này nghĩa là bảo kê, là biết những quán bia chiếm dụng vỉa hè, lòng đường nhưng "bỏ qua" và tất nhiên không thể xử lý được.
Đó là chưa nói tới rất nhiều diện tích lưu không bị chiếm dụng trở thành bãi gửi xe, nơi tập kết vật liệu xây dựng…, nếu không có chính quyền sở tại đứng đằng sau thì không thể thế được.
Tất nhiên, nhận định này không mới và ai cũng biết điều đó. Nhưng một người đứng đầu Thành phố nói thẳng để từ đó đưa ra biện pháp giải quyết tận gốc rễ vấn đề khiến dư luận rất đồng tình và cho rằng, đó là một phát ngôn dũng cảm.
Cần lấy lại vỉa hè - đó là việc cần làm càng sớm càng tốt, là một trong những việc cấp bách để lập lại trật tự kỷ cương đô thị. Song, nếu ở TP Hồ Chí Minh là những biện pháp cưỡng chế thì ở Hà Nội, lãnh đạo Thành phố muốn chậm nhưng chắc. Trước hết là tuyên truyền, vận động, thuyết phục các hộ dân tự giác chấp hành.
Và cưỡng chế lấy lại vỉa hè chỉ là giải pháp cuối cùng. Giải pháp này đương nhiên phải mang tính bền vững, tức là làm sao người dân không tái lấn chiếm, mọi người phải tâm phục, khẩu phục, có ý thức với Thủ đô.
Tất nhiên, không phải giải pháp nào cũng đúng hết và trong quá trình thực hiện sẽ không tránh khỏi những sai sót nhất định. Song, với mục đích tốt đẹp, cùng sự đồng thuận của các cấp, các ngành, cộng với lòng quyết tâm của những người lãnh đạo, hy vọng vấn đề vỉa hè sẽ được giải quyết dứt điểm và mang lại vẻ đẹp vốn có cho Thành phố.