Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968:

Bài học về thế trận lòng dân còn nguyên giá trị

Thứ Tư, 20/12/2017, 07:21
Sau 50 năm, những bài học kinh nghiệm quý báu từ Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vẫn còn nguyên giá trị, đó là giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng trong mọi tình huống cách mạng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cách đây 50 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã mở ra bước ngoặt mới của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, buộc Mỹ phải đàm phán với ta ở Hội nghị Paris để chấm dứt chiến tranh xâm lược tại Việt Nam. Trong những chiến công đó, có sự đóng góp đặc biệt quan trọng của lực lượng Công an nhân dân (CAND).

Sau 50 năm, những bài học kinh nghiệm quý báu vẫn còn nguyên giá trị, đó là giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng trong mọi tình huống cách mạng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những dấu ấn bi hùng

Với chất giọng hào hùng pha chút bồi hồi, Đại tá Đặng Công Hậu (Bá Âm) nguyên Ủy viên Ban An ninh khu Đông Nam bộ cho biết, ông là cán bộ Công an miền Nam tập kết ra miền Bắc và được Bộ Công an chi viện vào chiến trường miền Nam. Ông có mặt trong đoàn đi đầu tiên của Bộ (Tết năm 1962) gồm 260 cán bộ chiến sĩ do đồng chí Thái Doãn Mẫn (anh Tám Nam) làm trưởng đoàn.

Theo Đại tá Đặng Công Hậu, thời điểm gần cuối năm 1967, chuẩn bị cho chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 (viết tắt Tổng tiến công Mậu Thân), chiến trường được phân công lại, huyện Bình Tân được tách thành hai huyện là Bình Chánh và Tân Bình, thuộc Phân khu II (Bắc lộ 4, nay là Bắc lộ 1 - hay còn gọi là Bắc Long An). Còn hai huyện Cần Đước và Cần Giuộc thuộc Phân khu III (Nam lộ 4 nay là Nam lộ 1 hay còn gọi là Nam Long An). Ông được phân công làm Ủy viên dự khuyết Phân khu II, Bí thư Huyện ủy Tân Bình (vẫn là vùng ven đô thành).

“Đêm 30 rạng sáng 31-1-1968, mở đầu Đợt 1 Tổng tiến công Mậu Thân, với khí thế tấn công như vũ bão, hàng loạt các căn cứ đầu não đô thị Sài Gòn bị ta tấn công, gây cho địch nhiều thiệt hại, địch hoang mang, bối rối. Ở Tân Bình, hệ thống tháp canh tra bót ở xa lộ Đại Hàn (nay là Quốc lộ 1), địch đầu hàng hoặc rút bỏ chạy, ta làm chủ hoàn toàn xa lộ, tạo điều kiện quân ta tiến nhanh hơn vào đánh Sài Gòn. Bọn tề, làng trong ấp chiến lược đều tan rã, ta giải phóng hoàn toàn các ấp xã ven đô…”, Đại tá Đặng Công Hậu kể lại.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành trao quà cho các đại biểu nhân gặp mặt kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công xuân Mậu Thân 1968.

Một trong những sự kiện khiến vị Đại tá này nhớ sâu đậm là ngày 15-6-1968, một đoàn dân công nữ tuổi đời còn rất trẻ của Tân Bình trên đường vừa chuyển tải vũ khí, đạn dược vào Sài Gòn, tiếp tế cho chiến dịch, vừa nhận tải chiến thương từ tiền tuyến về hậu phương (Đắc Hòa) thì bị máy bay địch phát hiện, truy kích. Hơn 30 chị em dân công đã hy sinh trên cánh đồng Bưng, xã Vĩnh Lợi.

Tuy vậy, trong cảnh bi thương, ác liệt ấy, hàng loạt nữ thanh niên ở địa phương (xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Tân Hòa 1, Tân Hòa 2…) vẫn xung phong lên đường, thay thế cho những chị em vừa hy sinh, tiếp tục làm nhiệm vụ phục vụ chiến dịch.

“Nhìn lại cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân, có thể khẳng định những thắng lợi to lớn mà quân và dân ta đã đạt được, đồng thời cũng nhận rõ những hy sinh, tổn thất. Nhân dịp này, cho phép tôi bày tỏ sự cảm phục, tưởng nhớ và tri ân đối với những hy sinh anh dũng của quân và dân ta trên chiến trường, trong đó có cán bộ chiến sĩ An ninh miền Nam”- Đại tá Đặng Công Hậu xúc động.

Cùng tâm trạng, Thiếu tướng Phan Văn Lai (Anh hùng LLVTND, nguyên Chánh Văn phòng Ban An ninh khu Trị Thiên Huế) cho biết, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông được Bộ Công an chi viện vào chiến trường Trị Thiên Huế và có 12 năm hoạt động ở chiến trường này. Từ ngày vào chiến trường cho đến ngày Trị Thiên Huế được hoàn toàn giải phóng, ông được tham gia nhiều sự kiện, song dấu ấn để lại sâu sắc nhất trong ông là được trực tiếp tham gia 26 ngày đêm trong cuộc Tổng tiến công xuân Mậu Thân ở Huế.

Thiếu tướng Phan Văn Lai kể lại: “Trong cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân, chiến trường Trị Thiên Huế được Trung ương chọn là chiến trường trọng điểm của toàn miền Nam, mà Huế là trọng điểm của trọng điểm. Chiến công của Huế đã được Hội nghị chiến tranh du kích toàn miền Nam lần thứ Tư (tháng 10-1968) chọn là một trong ba ngọn cờ đầu về chiến tranh du kích và được Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam tuyên dương tám chữ vàng “Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường”…”.

Có thể nói, trong cuộc Tổng tiến công xuân Mậu Thân, nhiều địa phương đã vận dụng sáng tạo nhiều cách đánh địch kiểu mới và đặc biệt thành công trong việc phát động phong trào quần chúng tham gia xây dựng lực lượng vũ trang đã được người dân hưởng ứng sôi nổi.

Theo Đại tá Nguyễn Hữu Trí, Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang, cán bộ chiến sĩ An ninh Mỹ Tho - Gò Công - TP Mỹ Tho trong cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân đã vận dụng sáng tạo nhiều cách đánh địch kiểu mới như vận dụng nhuần nhuyễn phương châm 2 chân (chính trị - vũ trang), 3 mũi giáp công (chính trị - vũ trang - binh vận) của Đảng; đồng thời kết hợp cả 3 mũi vào một đối tượng, một mục tiêu, phát động phong trào nội bộ và quần chúng làm công tác an ninh để tấn công vào mạng lưới tình báo, gián điệp của địch.

Trinh sát vũ trang và an ninh vũ trang lúc bấy giờ còn học tập và áp dụng một cách sáng tạo chiến thuật đặc công thủy, đặc công bộ đột kích tiến công liên tục vào các trụ sở tình báo của địch ở vùng yếu và vùng địch chiếm làm cho hậu cứ địch không an toàn, chúng nghi ngờ nội bộ, bị rối loạn tin tức tình báo. Hiệu quả ấy được tiếp tục nhân rộng và kéo dài đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Các lực lượng vũ trang miền Nam trong cuộc Tổng tiến công xuân Mậu Thân.

Bài học quý cho hiện tại và tương lai

50 năm đã qua đi, kỷ niệm về những ngày tháng chiến đấu oanh liệt của cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân đã được khơi gợi và nhắc lại như những ký ức hào hùng, bi tráng một thời trong cuộc Hội thảo khoa học lịch sử “Vai trò của lực lượng CAND trong Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968” do Bộ Công an phối hợp với Thành ủy TP. Hồ Chí Minh vừa tổ chức ngày 16-12-2017.

Tại cuộc hội thảo này, các ý kiến, tham luận đã tiếp tục đi sâu luận giải, khẳng định và làm sâu sắc hơn vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Bộ Công an; vai trò và những đóng góp của lực lượng CAND ở Mặt trặn Sài Gòn - Gia Định trong cuộc Tổng tiến công xuân Mậu Thân; khẳng định giá trị, ý nghĩa lịch sử, đúc kết những bài học kinh nghiệm có giá trị lý luận, thực tiễn, gợi mở những vấn đề mới vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Đề cập đến vai trò vô cùng quan trọng của lực lượng CAND trong cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, khẳng định: CAND là một trong những lực lượng chi viện chiến trường miền Nam sớm nhất, nhiều nhất, đúng lúc, kịp thời, toàn diện về cán bộ, vũ khí, phương tiện kỹ thuật hậu cần… góp phần quan trọng làm chuyển biến tương quan lực lượng, phục vụ yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ miền Nam.

Cụ thể, trong khoảng thời gian từ năm 1965-1968, Bộ Công an đã chi viện gần 2.000 cán bộ, chiến sĩ ưu tú cho An ninh miền Nam; riêng năm 1968 chi viện 788 cán bộ, chiến sĩ cho các chiến trường.

“Qua 3 đợt Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, lực lượng CAND mà trực tiếp là lực lượng An ninh miền Nam đã góp phần to lớn vào thắng lợi chung của quân và dân cả nước, giáng một đòn chí tử vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, đánh trúng vào hệ thần kinh trung ương của bộ máy chính quyền Sài Gòn, làm chấn động dư luận quốc tế và chính giới Hoa Kỳ. Trong thắng lợi đó, có biết bao đồng chí của chúng ta đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất mẹ ở chiến trường miền Nam; biết bao đồng chí còn đang mang trong mình thương tật và di chứng của chiến tranh. Những hy sinh ấy không thể bù đắp được. Các thế hệ cán bộ chiến sĩ CAND hôm nay mãi mãi khắc ghi công lao và đóng góp của các thế hệ đi trước”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.


Một góc Tổng nha Cảnh sát Đô thành của chính quyền Sài Gòn bị các chiến sĩ An ninh T4 đánh sập năm 1968.

Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, cho rằng, cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân trên toàn miền Nam không chỉ gây chấn động trên chiến trường miền Nam mà cho cả nước Mỹ, buộc chính quyền Mỹ phải chấm dứt cuộc chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc, chấp nhận đàm phán tại Hội nghị Paris. Qua đó, đã để lại những bài học kinh nghiệm quý báu trong hoạch định đường lối và chỉ đạo chiến lược của Đảng ta, cũng như trong nghệ thuật đấu tranh cách mạng của quân và dân ta.

Riêng bài học về thế trận lòng dân luôn phù hợp và quan trọng nhất trong bất kỳ cuộc chiến tranh nhân dân nào. Có thể nói, cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân là đỉnh cao của nghệ thuật lãnh đạo chiến tranh nhân dân của Đảng ta; ta mạnh hơn địch là vì ta chính nghĩa và có sức mạnh lòng dân. Bài học, kinh nghiệm rút ra từ cuộc Tổng tiến công xuân Mậu Thân có thể có nhiều, nhưng trong đó bài học về tập hợp, lãnh đạo và dựa vào sức mạnh của quần chúng nhân dân để tổng tiến công, tổng khởi nghĩa dù bao năm trôi qua vẫn còn nguyên giá trị.

Xin mượn lời của Thiếu tướng Phan Văn Lai để tạm kết bài viết: “Những thành công, những hạn chế, nhất là những bài học kinh nghiệm của cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân sẽ là những vốn quý đóng góp vào kho tàng lý luận và thực tiễn của ngành Công an. Những bài học về vai trò người lãnh đạo, nhất là người đứng đầu; về vận dụng đường lối, phương châm, chính sách trong công tác đấu tranh, trấn áp phản cách mạng và bảo vệ sự nghiệp cách mạng; về các mặt công tác nghiệp vụ; về công tác xây dựng lực lượng CAND là những bài học quý, có giá trị, ở mọi thời kỳ cách mạng. Trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước giai đoạn hiện nay, những bài học này càng có giá trị hơn bao giờ hết, nhất là ở thời điểm kiện toàn tổ chức, tinh gọn bộ máy, bố trí lại lực lượng, góp phần xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, từng bước tiến lên chính quy, hiện đại”.

Phú Lữ

.
.
.