Bài học đau xót từ vụ cháy ở Công ty Kwong Lung – Meko
Qua vụ cháy này cũng bộc lộ nhiều bất cập trong công tác phòng cháy, chữa cháy cần phải giải quyết.
4 ngày đêm chiến đấu với "giặc lửa"
9h15' ngày 23-3, ngọn lửa bắt nguồn từ tầng 5 của toà nhà Công ty Kwong Lung - Meko, nơi sử dụng để chứa kho vải. Cả ngàn công nhân đã tháo chạy ra ngoài thoát thân. Nhận tin báo, Cảnh sát PCCC TP Cần Thơ huy động hàng trăm CBCS và phương tiện chữa cháy đến hiện trường dập lửa, cứu người và cứu tài sản.
Khu vực cháy và xung quanh nhà xưởng chứa nhiều chất dễ cháy (vải sợi, lông vũ, bông ép, mút xốp…) nên Cảnh sát PCCC Cần Thơ đã xin chi viện từ lực lượng Cảnh sát PCCC các tỉnh An Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, Đồng Tháp, TP Hồ Chí Minh… phối hợp cứu chữa.
Khu vực xuất phát cháy từ tầng 5 của nhà xưởng, tòa nhà có diện tích trên 1.800m2, chia làm 2 khối nhà nên sau khi được khống chế lửa, đến 21 giờ cùng ngày, ngọn lửa bất ngờ bùng phát trở lại và bén sang băng chuyền hàng qua lại giữa hai dãy nhà 5 tầng. Lúc này đám cháy gần như bao trùm toàn bộ Công ty Kwong Lung - Meko.
Đến 5 giờ sáng 24-3, ngọn lửa mới được khống chế và cơ bản dập tắt vào trưa cùng ngày. Tuy nhiên, 2 ngày sau đó, lúc 19h30' ngày 26-3, đám cháy lại một lần nữa bùng phát tại khu vực nhà kho. Hàng trăm CBCS và nhiều phương tiện chữa cháy lại được huy động dập lửa, khống chế và dập tắt hoàn toàn lúc 22 giờ cùng ngày…
Đại tá Trần Đức Đình - Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Cần Thơ cho biết, đây là vụ cháy lớn nhất trên địa bàn TP Cần Thơ từ trước đến nay. Đám cháy bùng phát trở lại nhiều lần.
Những ngày qua, lực lượng Cảnh sát PCCC TP Cần Thơ đã huy động tổng lực, phối hợp với đơn vị chức năng của thành phố, quần chúng nhân dân và các đơn vị chữa cháy chi viện để dập tắt đám cháy.
Nhiều CBCS đã bị thương, bị kiệt sức, ngộ độc khói. Chúng tôi cũng đã ngăn chặn không để cháy lan sang các tầng dưới của nhà xưởng, là nơi còn chứa nhiều hàng hóa thành phẩm và khu dân cư lân cận.
Một chiến sĩ Cảnh sát PCCC bị thương được các bác sỹ đưa ra chăm sóc. |
Ghi nhận trong suốt 4 ngày đêm tại hiện trường, hàng trăm CBCS đã tiến hành nhiều mũi, tổ chức thoát nạn cho công nhân, phá dỡ cấu kiện, triển khai đội hình dùng xe thang phun bọt dập tắt đám cháy, ngăn chặn cháy lan sang khu vực xung quanh và xuống các tầng phía dưới. Các CBCS tham gia chữa cháy dũng cảm, nhiều đồng chí bị bỏng rát, đuối sức, nhưng khi được nhân viên y tế chăm sóc tại hiện trường thì tiếp tục quay lại làm nhiệm vụ...
Sau khi đám cháy được dập tắt hoàn toàn vào sáng ngày 27-3, lập tức công tác di dời máy móc, các nguyên liệu sản xuất… ra khỏi khu vực cháy, nhằm tránh trường hợp sức nóng của đám cháy sẽ làm ngọn lửa bùng phát trở lại...
Để lại nhiều bài học
Đại tá Trần Ngọc Hạnh, Giám đốc Công an TP.Cần Thơ cho biết, nguyên nhân ban đầu được xác định ở vụ cháy tại Công ty Kwong Lung-Meko là do chập điện. Chiều 27-3, các cơ quan chức năng đã thực hiện công tác khám nghiệm hiện trường và phát hiện hệ thống điện bị cháy đầu tiên, sau đó đã lan sang các hàng hóa khác.
Hiện lực lượng cứu hộ vẫn tiếp tục đưa hàng hóa còn lại ra bên ngoài. Ít nhất đến 30-3 mới đưa hết số hàng hóa còn lại trong các nhà xưởng ra ngoài. Sau đó, các đơn vị sẽ tiến hành tháo dỡ mái vòm giữa 2 tòa nhà để tránh nguy hiểm...
Lãnh đạo Cảnh sát PCCC TP Cần Thơ cho biết, qua kiểm tra theo dõi, nguyên nhân dẫn đến cháy ở các khu công nghiệp có chiều hướng gia tăng và chủ yếu là do ý thức chủ quan của con người.
Cụ thể, nhiều cơ sở, người đứng đầu chưa quan tâm tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC, chỉ quan tâm đến sản xuất, kinh doanh và lợi nhuận. Người lao động còn chủ quan, lơ là, thiếu kiến thức về PCCC, thậm chí không chấp hành nội quy, quy định PCCC (nhất là trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị điện, chất dễ cháy).
Hiện tượng "già hóa, lão hóa" hệ thống trang thiết bị, dây chuyền sản xuất, hệ thống điện, hệ thống PCCC làm mất an toàn PCCC nếu như không được bảo dưỡng định kỳ theo qui định. Sắp tới, cần có giải pháp đồng bộ đề cao trách nhiệm của Ban Quản lý khu công nghiệp, Công ty xây dựng hạ tầng... nhằm nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở sản xuất các khu công nghiệp.
Hiện trường vụ cháy tại Công ty Kwong Lung - Meko. |
Kiểm tra việc thực hiện đầy đủ, đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC, đặc biệt chú trọng đến công tác chấp hành quy định pháp luật về đầu tư trong xây dựng, thẩm duyệt thiết kế về PCCC; đảm bảo đủ điều kiện về giao thông, nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy.
Yêu cầu lắp đặt, duy trì hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động theo quy định, nhất là đối với các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao; duy trì lực lượng PCCC tại chỗ đủ năng lực làm công tác phòng ngừa và chữa cháy ban đầu...
Giải thích tại sao vụ cháy này kéo dài, khó xử lý? Đại tá Trần Đức Đình, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.Cần Thơ cho rằng, đây là cơ sở sản xuất chứa nhiều chất dễ cháy, khi cháy tỏa nhiều khói khí độc. Đặc biệt, ngọn lửa rất dễ cháy trở lại nếu không cào bới hàng hóa lên để triệt tiêu tận gốc nguồn nhiệt trong các kiện vật liệu và hàng thành phẩm.
Ngoài ra, đặc điểm kiến trúc nhà xưởng có khối tích lớn, bề mặt ngoài nhà xưởng xây bằng tường đặc, trong nhà xưởng chia nhiều khu vực nhỏ, ngăn cách bằng nhiều lớp cửa, lớp tường… do vậy, lực lượng chữa cháy không thể tiếp cận được gốc lửa tích nhiệt của các kiện hàng thành phẩm trong đám cháy. Đây là yếu tố tác động không nhỏ, dẫn đến hiện tượng cháy lại như đã nói.
Về thông tin việc chữa cháy không hiệu quả, Đại tá Trần Ngọc Hạnh - Giám đốc Công an TP Cần Thơ cho biết, do nhà máy xây dựng khép kín như tổ ong nên khi nguyên liệu ở giữa bị cháy trước, sau đó lan ra ngoài, lực lượng chữa cháy chỉ phun nước ở bên ngoài nên không khống chế được đám cháy bên trong.
Bên trong nhà máy có hai lớp tường ngăn cách giữa kho và nơi làm việc, vì vậy khi lửa bùng phát lên ở giữa (theo dạng hình chữ U) nên chỉ có 2 xe chữa cháy vào được để phun nước. Do địa hình như thế nên dù có nhiều xe chữa cháy cũng không thể vào trong để dập lửa.
Đồng thời, thời điểm cháy, công ty này không có tý nước nào. "Ông giám đốc công ty thừa nhận là không có nước và hệ thống đã hư hỏng, chưa sửa chữa. Các hầm dẫn phía trên hoàn toàn không có nước"- Đại tá Trần Ngọc Hạnh cho biết.
Sau khi xảy ra vụ cháy, ngày 27-3, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo tập trung điều tra làm rõ nguyên nhân vụ cháy, xử lý theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường kiểm tra, rà soát các cơ sở có nguy cơ cháy cao trên địa bàn, không để xảy ra sự cố tương tự.
UBND TP.Cần Thơ chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương khắc phục hậu quả, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động sớm ổn định cuộc sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thường trực UBND TP Cần Thơ đã họp và chỉ đạo các ngành chức năng có các biện pháp hỗ trợ công nhân và doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Cảm phục và chia sẻ khó khăn với những người tham gia chữa cháy tại Công ty may Kwong Lung - Meko, người dân, các bạn sinh viên, doanh nghiệp đã ủng hộ, quyên góp những phần thức ăn, chai nước suối… trao tận tay các CBCS cứu hỏa.
Nhóm sinh viên trên địa bàn TP Cần Thơ đã mang theo 5 bao dưa hấu, sau đó bổ ra trao tận tay cho các chiến sĩ. Bạn Vũ Hồng Loan (nhóm trưởng), cho biết: "Nắm được thông tin các anh chiến sĩ dũng cảm, vất vả để chiến đấu với "giặc lửa". Chúng em liên kết với nhau trên fecabook, sau đó mang dưa đến đây để các anh ăn giải khát, tiếp tục nhiệm vụ".
Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết: "Đến nay, vẫn chưa có cơ sở để khẳng định số liệu chính xác về thiệt hại của Công ty Kwong Lung - Meko. Về mặt nguyên tắc, phải có sự kiểm tra cụ thể của cơ quan điều tra xử lý sự cố.
Số liệu theo báo cáo bước đầu về việc Công ty Kwong Lung - Meko đã mua bảo hiểm cháy nổ mức phí 1,1 tỷ đồng và sẽ được bồi thường 550 tỷ đồng là có thật. Tuy nhiên, mức bồi thường mà công ty được chi trả chưa hẳn là 550 tỷ đồng. Hiện, mức độ thiệt hại ra sao, năng lực PCCC như thế nào sẽ chờ một cuộc họp rút kinh nghiệm, khi đó sẽ có thông tin chính thức".
Tuy nhiên, dư luận đặt câu hỏi là việc thẩm định thiết kế xây dựng về phòng cháy chữa cháy ở Công ty may Kwong Lung - Meko tại Cần Thơ có đảm bảo? Bài học này cần làm rõ để rút kinh nghiệm cho các khu công nghiệp khác, nhất là trong hoạt động kinh doanh hàng hóa, sản phẩm dễ phát sinh cháy nổ.