Bài học cho cả thầy và trò về ứng xử trên mạng xã hội
Trước đó, vào chiều 5-11, em N.H.M.Q - học sinh lớp 8, Trường THCS Ngô Quyền (quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) đã phải thực hiện xin lỗi trước toàn trường vì đã đăng tải các bài viết, chia sẻ hình ảnh mang tính nhục mạ người khác.
Được biết, em Q đã lập 1 fanpage để tẩy chay nhóm nhạc BTS của Hàn Quốc và đăng tải nhiều bài viết có tính chất công kích, gây bức xúc.
Theo đó, em Q đã phải đọc kiểm điểm trước toàn trường, bị đình chỉ học từ ngày 6 đến 9- 11. Trong 3 ngày này, nam sinh Q được đến trường nhưng không được vào lớp, phải lao động công ích và vẫn phải chép bài đầy đủ. Nam sinh cũng sẽ bị hạ hạnh kiểm học kỳ I năm học 2019 - 2020.
Những ngày qua đã có nhiều ý kiến trái ngược xung quanh cách xử lý của nhà trường. Theo các chuyên gia tâm lý, khi các em bước vào tuổi 13, 14, tâm sinh lý thay đổi, các em luôn muốn thể hiện bản thân, khẳng định cái tôi cá nhân trước mọi người.
Trong khi các em chưa biết đúng sai, nên rất dễ có những lời nói, hành động lệch lạc, thậm chí đi ngược với chuẩn mực một cách hồn nhiên.
Đặc biệt tuổi này rất dễ bắt chước và bị ảnh hưởng bởi người khác. Vì vậy khi lên mạng xã hội, các em thấy người khác văng tục chửi thề, thóa mạ người khác, thì các em cho rằng như thế rất "ngầu" nên học theo.
Một phụ huynh cho rằng không phản đối việc phạt quỳ, xin lỗi trước toàn trường hay là đình chỉ học tập nếu như học sinh đó mắc lỗi lớn. Tuy nhiên, nhà trường phải nghĩ đến diễn biến tâm lý của học sinh sau khi bị phạt liệu có thay đổi theo hướng tích cực hay không, hay là các cháu sẽ sợ hãi, tự ti, xấu hổ, ảnh hưởng đến học tập và phát triển tâm lý.
Nhìn từ góc độ giáo dục, việc dạy học sinh cách ứng xử trên mạng xã hội là vấn đề rất mới nhưng bắt buộc các trường phải có giải pháp phù hợp. Nhiều giáo viên cho rằng nhà trường cần chú trọng giáo dục, trang bị cho học sinh kiến thức, văn hóa ứng xử trên mạng, nhận diện đúng sai, không để bị dụ dỗ, lôi kéo.
Nội dung này được truyền tải qua tiết học môn Giáo dục Công dân, các buổi trao đổi của giáo viên chủ nhiệm cùng chương trình giáo dục kỹ năng sống và việc mời chuyên gia tâm lý về trao đổi.
Một nhà giáo ở TP. Hồ Chí Minh nói ông đồng ý phải xử lý kỷ luật nam sinh vì yêu, ghét là quyền cá nhân mỗi người nhưng không được dùng ngôn từ, hình ảnh thóa mạ người khác trên mạng xã hội. Tuy nhiên, ông cho rằng hình thức bắt học sinh đọc bản kiểm điểm công khai là hơi quá và chưa có tính giáo dục cao.
Bên cạnh đó, nam sinh này bị quay clip, đăng lên Facebook, cũng là bị bêu xấu trước cộng đồng mạng. Cách xử lý của trường đã biến Q. thành học sinh cá biệt trong mắt bạn bè.
Ông cho rằng trong trường hợp em có hành vi ứng xử không đúng trên mạng, trường cần mời gia đình, học sinh lên nói chuyện, phân tích đúng sai để em hiểu, tự gỡ bài đăng. Việc vi phạm xảy ra trên mạng xã hội thì em đăng lời xin lỗi lên mạng, thay vì đứng đọc trước toàn thể học sinh.
Rõ ràng để xứ lý một lỗi vi phạm của học sinh, giáo viên và nhà trường trước hết phải đưa ra cách thức phù hợp vì tuổi này các em rất dễ bị ảnh hưởng tâm lý. Bêu tên, cảnh cáo trước toàn trường có thể sẽ khiến các em tự ti, xấu hổ hoặc càng ngấm ngầm chống đối, phản kháng.
Nếu các em xúc phạm người khác, mà chúng ta lại dùng một hình phạt mang tính xúc phạm, dù nhẹ, để phạt thì sẽ phản tác dụng. Cần phối hợp với cha mẹ để phân tích, tác động tới nhận thức, cho các em thấy hành vi hay lời nói đó là sai. Phải có sự kiên trì, nhẫn nại thì mới có kết quả tốt đẹp.
Sau khi thông tin này được lan truyền trên mạng, vị phó hiệu trưởng giải thích ông làm vậy nhằm xoa dịu sự tức giận của fan BTS nhằm bảo vệ học trò, giảm thiểu các nguy cơ có thể xảy ra đối với gia đình em M.Q.
Ông cũng thừa nhận bản thân đã làm sai, nóng vội và thiếu kinh nghiệm khi xử lý khủng hoảng. Nếu được làm lại, ông sẽ không cho đăng clip nam sinh xin lỗi lên mạng xã hội.
Rõ ràng từ vụ việc này thêm một bài học cho cả thầy và trò về văn hoá ứng xử trên mạng xã hội. Mạng ảo nhưng hậu quả sẽ là thật.