Bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động tài chính, ngân hàng

Những khoảng trống trong phòng ngừa tội phạm ngân hàng

Thứ Sáu, 13/04/2018, 13:14
Hàng loạt những sai phạm xảy ra tại các Ngân hàng OceanBank, Sacombank, Tiên Phong Bank, DongABank, Ngân hàng Xây dựng … khiến nhiều lãnh đạo, nhân viên ngân hàng, thậm chí cả một Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng dính vào vòng lao lý.


Nhiều lỗ hổng trong quản lý

Ngành ngân hàng có vai trò, vị trí quan trọng, đạt được nhiều thành tựu nổi bật, góp phần ổn định, phát triển kinh tế đất nước.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng có những diễn biến phức tạp, xảy ra với tính chất, quy mô đặc biệt lớn với mức độ thiệt hại ngày càng nghiêm trọng; có sự câu kết giữa các bộ phận, cán bộ ngân hàng. Năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, nhiều lãnh đạo cấp cao ngành ngân hàng đã bị khởi tố, nhiều vụ đại án kinh tế liên quan đến ngân hàng đã được đưa ra xét xử. Các đối tượng phạm tội đã phải hầu tòa, nhận những bản án thích đáng vì những thiệt hại hàng trăm tỷ, nghìn tỷ đã gây ra.

Hàng loạt những sai phạm xảy ra tại các Ngân hàng OceanBank, Sacombank, Tiên Phong Bank, DongABank, Ngân hàng Xây dựng … khiến nhiều lãnh đạo, nhân viên ngân hàng, thậm chí cả một Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng dính vào vòng lao lý.

Ông Hà Văn Thắm bị dẫn giải đưa ra xét xử trong đại án Oceanbank.

Quá trình điều tra các vụ án lớn xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng như vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, Nguyễn Đức Kiên, Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm, Tạ Bá Long, Trầm Bê đã phát hiện nhiều sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý, quản trị ngân hàng cần phải sớm khắc phục.

Trước hết là vấn đề sở hữu chéo, tạo vốn ảo, đầu tư chéo giữa các ngân hàng với nhau, giữa các ngân hàng với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước; giữa các ngân hàng với các tổng công ty Nhà nước với công ty sân sau của ông chủ ngân hàng (tập trung chủ yếu ở các ngân hàng thương mại cổ phần).

Việc phát hành trái phiếu của các công ty sân sau bán cho ngân hàng để các ông chủ ngân hàng rút ruột lấy tiền đầu tư bất động sản, chứng khoán, vàng phục vụ lợi ích cá nhân.

Một số ngân hàng thương mại cổ phần sử dụng tiền gửi của dân đầu tư cổ phiếu, trái phiếu sai quy định, cho doanh nghiệp sân sau vay sai quy định, dùng chính tiền gửi của dân để tăng vốn điều lệ.

Việc quản lý thanh toán, quản lý tiền mặt và quản lý tín dụng còn bị buông lỏng; một số đối tượng thoái hóa, biến chất trong ngành lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý, phương tiện, kỹ thuật hiện đại, bằng các thao tác nghiệp vụ được trang bị, dùng mọi thủ đoạn để chiếm đoạt tài sản của ngân hàng hoặc không thực hiện đúng các quy định, gây hậu quả nghiêm trọng.

Vụ án gần đây đang làm nóng dư luận, liên quan đến những sai phạm gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng hàng nghìn tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Đông Á (DongABank). Ngày 4-4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố ông Trần Phương Bình (nguyên Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Chủ tịch Hội đồng tín dụng của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Á) và 20 đồng phạm trong vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Á.

Theo kết luận điều tra, ông Trần Phương Bình đã tổ chức, chỉ đạo các hoạt động ngân quỹ và đầu tư tại ngân hàng Đông Á. Từ vị trí này, ông Bình đã lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại cho DongABank hơn 3.405 tỷ đồng.

Ông Bình cũng được xác định là đã dùng gần 65 tỷ đồng để tất toán cho khoản vay của Nguyễn Hồng Ánh (nguyên cán bộ điều tra Công an TP Hồ Chí Minh) - cũng bị đề nghị truy tố trong vụ án này. Tại Ngân hàng Đông Á, nhóm cổ đông do ông Bình đại diện nắm giữ 10,25% vốn điều lệ và Nhóm PNJ do bà Dung (vợ ông Bình) nắm giữ 7%. Ngoài ông Bình, các lãnh đạo cao cấp của ngân hàng Đông Á cũng có những sai phạm nghiêm trọng.

Hàng loạt tài khoản "bốc hơi"

Thực tiễn điều tra các vụ án xảy ra trong ngân hàng cho thấy, các đối tượng phạm tội có nhiều phương thức, thủ đoạn rất tinh vi nhằm đối phó với các cơ quan chức năng. Các đối tượng phạm tội thường là những đối tượng được ngân hàng giao chức trách trực tiếp giao dịch với khách hàng, lợi dụng các kẽ hở trong việc kiểm tra, kiểm soát của ngân hàng để phạm tội.

Một số nhân viên ngân hàng chạy theo chỉ tiêu mà không kiểm tra kỹ lưỡng, không tuân thủ đúng các quy trình, quy định; cơ chế kiểm tra giám sát còn nhiều bất cập dẫn đến trình trạng các đối tượng tội phạm lợi dụng làm giả giấy tờ cá nhân, tài liệu của cơ quan, tổ chức phục vụ mục đích phạm tội.

Nhiều trường hợp cán bộ có chức, có quyền duyệt cho vay vốn thông đồng với khách hàng, cố tình vi phạm các quy định trong việc xét duyệt cho vay vốn để trục lợi, giả mạo chữ ký, sửa chữa chứng từ, hồ sơ, giấy tờ có giá; thay đổi rút ruột giấy tờ có giá để chiếm đoạt; lừa đảo đầu tư kinh doanh với lãi cao để huy động tiền rồi chiếm đoạt hoặc vay tiền của chính ngân hàng rồi chiếm đoạt.

Nhiều ngân hàng thiếu kiểm tra, kiểm soát, thanh tra chặt chẽ nên  đối tượng không chỉ phạm tội trong thời gian ngắn mà trong thời gian rất dài mới bị phát hiện. Một số cán bộ quản lý và nhân viên ngân hàng cả tin, dễ dãi, không thực hiện đúng quy trình công tác theo quy định.

Đối với khách hàng gửi tiền, một số người thiếu cẩn trọng hoặc quá cả tin nên đã không kiểm tra chữ ký, không thực hiện đúng các quy định về giao dịch tiền tệ khi gửi hoặc rút tiền, sử dụng séc, không kiểm tra tài khoản thường xuyên… đã bị một số đối tượng xấu lợi dụng.

245 tỷ đồng tiết kiệm của khách hàng Chu Thị Bình (Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú) là khách VIP gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng Eximbank - chi nhánh TP Hồ Chí Minh đã bị chính nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng Ngân hàng Eximbank  - chi nhánh TP Hồ Chí Minh  là Lê Nguyên Hưng chiếm đoạt.

Lê Nguyên Hưng là một trong những người làm việc lâu năm nhất tại Eximbank với thâm niên 26 năm, trải qua nhiều vị trí công tác tại Hội sở; giữ vị trí Phó giám đốc chi nhánh Eximbank TP .Hồ Chí Minh gần 10 năm. Trong thời gian công tác, Lê Nguyên Hưng đã tranh thủ sự tin tưởng của bà Chu Thị Bình ủy quyền giao dịch tiền gửi tiết kiệm, cùng nhân viên của ngân hàng đến nhà riêng của bà Bình để trình bày những khoản đã tất toán dựa theo kỳ hạn gửi của bà Bình.

Thực tế, Hưng đã làm giả văn bản người được ủy quyền để rút tiền từ tài khoản của bà Bình. Theo kết luận của Cơ quan điều tra, Hưng đã lấy tiền trong sổ tiết kiệm của bà Bình từ năm 2014 kéo dài đến năm 2016 ở những thời điểm và sổ tiết kiệm khác nhau. Cuối năm 2017, nghi ngờ mình bị lừa đảo, bà Bình đối chiếu số dư sổ tiết kiệm thì phát hiện hơn 245 tỉ trong các tài khoản đã "bốc hơi".

Việc Giám đốc Quỹ Tín dụng nhân dân Thái Bình (phường Tân Hòa, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) là ông Vũ Công Liêm "ôm" tiền bỏ trốn xảy ra gần đây cũng đã khiến dư luận xôn xao, khoảng hơn 80 người dân gửi hơn 50 tỷ đồng vào quỹ tín dụng này giờ đang lâm vào cảnh khổ sở, cùng quẫn.

Hình thức đánh cắp thông tin tài khoản chủ thẻ ATM để rút trộm tiền mà bọn tội phạm thực hiện không mới, nhưng đang có xu hướng rộ trở lại. Trong khoảng thời gian hơn 2 tháng, một nhóm tội phạm người nước ngoài vừa bị Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Bến Tre bắt giữ gần đây đã câu kết với các đối tượng trong nước, hình thành băng nhóm chuyên trộm tiền trong các tài khoản ATM.

Dẫn giải các đối tượng liên quan đến vụ án do Phạm Công Danh cầm đầu ra hầu tòa.

Các đối tượng rất giỏi về công nghệ thông tin, gắn thiết bị sao chép thông tin của khách hàng đến giao dịch tại các cây ATM, sau đó làm giả thẻ để rút khoảng 1,6 tỷ đồng của 80 nạn nhân tại các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ.

Qua một số vụ án trên cho thấy tình hình tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng ngày càng diễn ra tinh vi, phức tạp với tính chất, quy mô đặc biệt lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng và có chiều hướng ngày càng gia tăng. Đối tượng tội phạm ngày càng đa dạng, bao gồm người Việt Nam và cả người nước ngoài, hoạt động xuyên quốc gia với công nghệ cao.

Các đối tượng phạm tội sử dụng nhiều thủ đoạn, tiêu huỷ chứng cứ để đối phó với các cơ quan chức năng gây khó khăn cho hoạt động tố tụng. Công tác giám định thiệt hại, định giá tài sản các vụ án trong lĩnh vực ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn do liên quan đến tài sản lớn, có giá trị như bất động sản nên công tác giám định thiệt hại, định giá tài sản bị kéo dài.

(Còn nữa)

Việt Hưng
.
.
.